Ứng dụng thiết kế đô thị tại Việt Nam cần những nghiên cứu về văn hóa, xã hội và môi trường
Thời gian gần đây ở Việt Nam, trước thực trạng quá tải của những đô thị lớn về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chúng ta nghe nhắc nhiều đến cụm từ “thiết kế đô thị” và được hiểu như một phần của một đồ án quy hoạch xây dựng cụ thể nhằm mục tiêu cải tạo bộ mặt và không gian đô thị. Với tư cách là một lĩnh vực học thuật được giảng dạy trong các trường đại học và một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp được xã hội công nhận, khái niệm “thiết kế đô thị” lần đầu được nêu ra tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Đại học Havard (Hoa Kỳ) vào tháng 8 năm 1956. Giáo sư chủ tọa José Luis Sert tuyên bố: “Thiết kế đô thị là một phần của quy hoạch đô thị nhằm giải quyết vấn đề hình thức vật chất (physical form) của thành phố. Đây là phần sáng tạo nhất của quy hoạch đô thị mà trong đó năng lực sáng tạo thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng”. Ở Việt Nam, khái niệm “thiết kế đô thị” lần đầu tiên được đề cập có tính pháp lý trong Luật Xây dựng năm 2003 với định nghĩa là việc cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về kiến trúc các công trình trong đô thị, cảnh quan cho từng khu chức năng, tuyến phố và các khu không gian công cộng khác trong đô thị, tuy nhiên sự ứng dụng của thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế và đa phần chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu trên bản vẽ, thiếu tính thực tiễn. Về mặt đào tạo, bộ môn ‘thiết kế đô thị’ thuộc khoa Quy hoạch Trường đại học Kiến trúc Hà nội được thành lập năm 2001, tách ra từ bộ môn ‘quy hoạch đô thị’. Môn thiết kế đô thị là một môn học trong quá trình đào tạo kiến trúc sư quy hoạch.