Brutalism – Chủ Nghĩa Thô Mộc là một phong trào kiến trúc phát triển mạnh trong giai đoạn từ thập niên 1950 đến giữa những năm 1970. Brutalism (ban đầu là New Brutalism) không xuất phát từ nghĩa tàn bạo – brutal trong Tiếng Anh mà có nguồn gốc từ béton brut – nghĩa Tiếng Pháp là bê tông thô – một thuộc tính vật liệu đặc biệt của Chủ Nghĩa Thô Mộc.
Kể từ khi ra đời vào năm 1936, mọi người yêu thích hoặc ghét phong cách kiến trúc có rất ít khoảng xám ở giữa. Điều không thể phủ nhận là phong cách này đã tạo ra một số tòa nhà thú vị nhất thế giới.
Cuốn sách The Brutalists: Brutalism’s Best Architects (tạm dịch: Chủ nghĩa Thô Mộc – Những kiến trúc sư kiệt xuất và công trình tiêu biểu) được chấp bút bởi tác giả Owen Hopkins, do Phaidon xuất bản. Nội dung cuốn sách nói về những kiến trúc sư theo Chủ nghĩa Thô Mộc và những công trình tiêu biểu họ đã tạo nên. Cuốn sách đề cập đến khoảng 250 kiến trúc sư, mỗi hồ sơ trong sách bao gồm một vài công trình kiến trúc được chọn với một vài dòng giới thiệu ngắn. Từ những biểu tượng thành danh quốc tế cho đến những kiến trúc sư Brutalist ít được biết đến, Hopkins đã tạo ra một bản ghi chép đầy đủ và sống động nhất về Chủ nghĩa Thô Mộc.


Trong suốt một năm nghiên cứu và viết “The Brutalists”, Hopkins nhận ra tư tưởng của trường phái này có nhiều điểm phù hợp với thời đại ngày nay. Ông nói: “Những người theo chủ nghĩa Brutalist tin rằng kiến trúc có sức mạnh cải tạo thế giới, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn”. Với vô số thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong một quần thể xã hội rộng lớn, đó thật sự là một tham vọng nhưng hoàn toàn có thể nắm bắt.

Khi nghiên cứu sâu về Brutalist, một người làm tác giả Hopkins ấn tượng sâu sắc nhất là kiến trúc sư Louis Kahn. “Một số người sẽ không thực sự coi ông là một người theo chủ nghĩa Brutalist, và chắc chắn rằng ông đã từ chối lời mời hợp tác với các nhãn hàng thông thường. Bằng một cách nào đó, ông đã xây dựng được cho mình vị thế lớn trong lịch sử kiến trúc thế kỷ XX. Đối với tôi, những công trình của Louis mang đậm những nghịch lý của Chủ nghĩa Thô Mộc, có chất lượng bền bỉ qua thời gian nhưng cũng gắn bó chặt chẽ với thời điểm lịch sử của nó. Tác phẩm của Louis sử dụng một ngôn ngữ kiến trúc gần như phổ quát, tất cả các hình dạng và hình thức trừu tượng, có quy mô đồ sộ nhưng đồng thời cũng mang sự tinh tế và khéo léo đáng kinh ngạc”. Hopkins nói.

Nói về tác phẩm Brutalism ấn tượng , tác giả Hopkins chia sẻ: “Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với các công trình do Owen Luder thiết kế. Không phải vì nó mang dáng vẻ hoàn hảo hay được xây dựng bằng những vật liệu tốt bởi phần lớn công trình của Luder đã bị phá bỏ. Rất nhiều kiến trúc thương mại chọn cách thiết kế an toàn, nhưng công trình của Luder không đi theo lối mòn đó. Điểm đặc trưng trong các công trình kiến trúc của vị kiến trúc sư này là độ phủ màu cao tạo nên vẻ nổi bật khó quên”.

Một kiến trúc sư của Chủ nghĩa Thô Mộc ít được biết đến hơn đã để lại ấn tượng lâu dài cho Hopkins trong quá trình nghiên cứu là Högna Sigurðardóttir. Bà nổi tiếng ở quê hương Iceland, nhưng ít được nhắc đến ở thị trường quốc tế. ‘Tôi phải thú nhận là không biết về công việc của bà ấy cho đến khi bắt đầu viết cuốn sách”, Hopkins nói. “Mặc dù tôi chưa đến thăm trực tiếp nhưng những công trình được vị kiến trúc sư này thiết kế vào những năm 1960 thật phi thường cả về khối lượng, kích thước và từng chi tiết nhỏ nhất.

Nhìn chung, cuốn sách bao gồm hình ảnh của hơn 200 tòa nhà mang tính biểu tượng của Chủ nghĩa Thô Mộc từ năm 1936 cho đến ngày nay, mang đến cho độc giả góc nhìn độc đáo về những bậc thầy của phong cách kiến trúc này.
Biên dịch: Thu Trang | Nguồn: design-milk
XEM THÊM:
- Sách kiến trúc: Tư duy đồ họa cho Kiến trúc sư và Nhà thiết kế
- [Giới thiệu sách] Tương lai của Kiến trúc | Tác giả: Marc Kushner
- Giới thiệu sách “Lịch sử kiến trúc cảnh quan thế giới qua hình vẽ”
- Giới thiệu sách “The untold story is now retold”
- Giới thiệu sách: Cuộc sống giữa những khoảng trống trong đô thị