Điện Kính Thiên là nơi thiết triều, làm việc của các vị vua thời trước. Nay không còn vua nữa thì cái “điện” ấy phục dựng để làm gì? Chưa kể, tư liệu để phục dựng liệu có đầy đủ để đảm bảo không xuất hiện những phỏng đoán?

Khởi đầu là những ý định tốt đẹp
Trong cuộc vận động không ngừng nghỉ của lịch sử, sẽ có những thứ bị bỏ rơi để thay vào đó là những điều mới mẻ, phù hợp với thời đại. Nhưng không phải cái gì cũng đáng bị lãng quên, bởi tri thức – văn hóa còn là kết quả của sự di truyền qua các thế hệ. Sự thăng hoa của ngày hôm nay hoặc ngày mai sẽ không xảy ra nếu như con người không hiểu biết về quá khứ.
Điều đó khiến chúng ta trân trọng những ý nghĩ và hành động của những con người đang tạo nên trào lưu “phục dựng” hiện nay như: mặc trang phục cổ người Việt, ở nhà cổ, nhà cũ (kiểu Việt hoặc kiểu Pháp). Phong trào đó xuất phát từ những người yêu mến lịch sử – văn hóa dân tộc, muốn làm sống lại những giá trị truyền thống trước sự tấn công của toàn cầu hóa và văn hóa ngoại lai. Phong trào này hiện đã lan đến hệ thống quản lý nhà nước khi đã có lãnh đạo địa phương yêu cầu nam công chức phải mặc áo dài ngũ thân trong ngày làm việc đầu tuần, hay một số đại sứ lựa chọn áo dài để thực hiện nghi lễ ngoại giao quốc tế…
Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có chủ trương nghiên cứu phục dựng lại điện Kính Thiên. Nhiều học giả rất đau đáu khi đứng trước tàn tích nền điện mà thực dân Pháp đã phá hủy và cảm thấy “có lỗi với tổ tiên” nếu điện Kính Thiên không được phục dựng lại.
Có những chuyên gia (người nước ngoài và người Việt Nam) cũng “đau đáu” với những biệt thự thời Pháp thuộc, và mong muốn làm sống lại công trình đúng như nguyên bản.
Và còn rất nhiều thứ khác mà các chuyên gia, nhà quản lý muốn phục dựng.
Tuy nhiên, một số câu hỏi xuất hiện
Đất nước Việt Nam bao gồm nhiều dân tộc khác nhau. Nếu lựa chọn trang phục truyền thống của người Việt để làm quốc phục thì liệu có công bằng với các dân tộc khác?
Người ta cứ nói truyền thống, nhưng trong truyền thống cũng có nhiều giai đoạn khác nhau. Trang phục, kiến trúc thời Lý – Trần khác với thời Lê, thời Nguyễn. Vậy thời nào đại diện cho truyền thống ngàn năm? Liệu có phải áo ngũ thân là truyền thống đúng đắn duy nhất? Còn điện Kính Thiên, biết dựng lại theo thời nào là chính xác? Nếu dựng lại điện này theo một vài bức ảnh còn sót lại thời Nguyễn thì những người phục dựng liệu có cảm thấy “có lỗi với tổ tiên” nhà Lê?
Phục dựng tức là làm lại cho đúng nguyên bản. Điều đó cần hệ thống tư liệu hoàn chỉnh. Hầu hết các công trình kiến trúc cổ không có đầy đủ bản vẽ, ảnh chụp và tư liệu liên quan đến kỹ thuật, vật liệu, màu sắc, cấu kiện… thì phục dựng như thế nào? Hiến chương Venice về bảo tồn, trùng tu di sản có câu: “Trùng tu sẽ dừng lại khi bắt đầu xuất hiện giả thuyết”. Cứ xuất hiện giả thuyết, phỏng đoán thì không thể gọi là phục dựng hay trùng tu nguyên bản. Chúng ta đã chứng kiến sự lùm xùm mới đây liên quan đến việc trùng tu tòa nhà 49 Trần Hưng Đạo (với các giả thuyết về mi cửa sổ, màu sắc, chưa kể việc khó đoán hơn sau này là trang trí nội thất).
Với điện Kính Thiên, tư liệu còn sơ sài hơn thế, một vài tấm ảnh và văn bản không thể chứng minh đầy đủ vật liệu, chi tiết cấu kiện trước đây như thế nào, nhất là phần nội thất. Do đó, liệu có cần phải giương cao biểu ngữ “phục dựng” hay không khi tư liệu chưa đầy đủ? Có nhất thiết phải phục dựng không khi có nhiều cách tiếp cận hợp lý hơn?
Kiến trúc và trang phục luôn phản ánh thời đại, thế mới gọi là “mốt (mode)”, “modern”. Cá nhân có quyền tự do mặc gì mình muốn, ở nhà kiểu gì mình muốn, nhưng mỗi quốc gia, chính thể có lý tưởng thì phải tạo ra hệ giá trị của mình, kiến trúc của mình. Các thể chế có văn hóa sẽ không phá hủy kiến trúc của thể chế cũ, thậm chí còn tái sử dụng. Tuy nhiên, một thể chế sẽ chứng tỏ sức mạnh văn hóa mạnh mẽ hơn khi xây dựng công trình mới bằng kiến trúc đại diện cho thời đại mình. Xã hội hiện nay của chúng ta có sức mạnh văn hóa đến đâu khi nhiều học giả cứ mong mỏi tìm lại những hình thức kiến trúc xưa cũ?
Thêm nữa, sự gắn bó hữu cơ giữa hình thức với nội dung được thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có kiến trúc. Một biệt thự từng được thiết kế để làm nhà ở gia đình thời Pháp thuộc mà nay đòi phục dựng lại nguyên trạng thì không hiểu bố trí, trang trí nội thất, cảnh quan sân vườn ra sao khi công năng của nó sẽ không còn là nhà ở nữa? Kiến trúc chỉ là cái xác công trình hay là sự tổng hợp giữa hình khối với không gian chức năng hoạt động của con người?
Cũng như vậy, điện Kính Thiên là nơi thiết triều, làm việc của các vị vua ngày trước. Nay không còn vua nữa thì cái “điện” ấy xây dựng để làm gì? Giả sử dùng nơi ấy để tưởng nhớ các vua thì phải thiết kế một không gian tưởng niệm. Khi ấy, khái niệm “phục dựng” trở thành vô nghĩa. Còn công trình “phục dựng” trở thành vô hồn vì nội dung lệch với hình thức.
Ngoài ra, công trình kiến trúc phải đặt trong tổng thể xung quanh nó để tạo ra một bố cục có ý nghĩa. “Phục dựng” một điện Kính Thiên vô hồn lại còn đặt giữa những công trình do thực dân Pháp xây dựng ngổn ngang, chắp vá trong hoàng thành thì lại càng làm cho cái ý nghĩa “Kính Thiên” trở nên ngớ ngẩn, thậm chí xúc phạm tiền nhân.
Giải pháp
“Phục dựng” rõ ràng không phải lúc nào cũng phù hợp. Đối với dự án liên quan đến điện Kính Thiên, “phục dựng” là một cách tiếp cận ngô nghê về mặt khoa học và chính trị. Nếu như vẫn nhất quyết muốn xây một công trình ở trên nền điện xưa cũ thì đó phải là một không gian kiểu như tưởng nhớ các vị vua hiền trong lịch sử với hình thức kiến trúc phù hợp cho chức năng tưởng niệm (phong cách cổ kính hay hiện đại là điều tính đến sau, miễn là phương án đó thuyết phục). Ngay cả trong trường hợp xây dựng một không gian tưởng niệm các vị vua, cũng cần phải giải tỏa một số công trình thời Pháp hiện đang “bao vây” xung quanh nền điện để tạo nên một tổng thể không gian trang trọng.
Tóm lại, đừng nên phục dựng lại một hình thức, mà nên kiến tạo một giá trị.
Bài viết: KTS Vũ Hiệp
Xem thêm:
- Top 10 Awards 2022: 10 công trình Nhà ở và 10 thiết kế Nội thất xuất sắc nhất chính thức lộ diện
- Hội đồng giám khảo nhận định như thế nào về những công trình tham dự Top 10 Awards 2022?
- Những công trình có kiến trúc độc đáo tháng 4 được đón đọc nhiều nhất trên kienviet.net
- LDH – Ngôi nhà biến ánh nắng thành những bông hoa | AHL architects
- Villa Vinh Tân: Biệt thự trẻ trung và hợp thời mang dáng dấp resort thu nhỏ | 349 Design
Top 10 Houses Awards – Giải thưởng tìm kiếm kiến trúc nhà ở đẹp do Kiến Việt Media tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội KTSVN & bảo trợ truyền thông bởi Trang thông tin về Quy hoạch – Kiến trúc hàng đầu KIENVIET.NET tiếp tục hành trình tranh giải mùa thứ 5 năm 2022. Từ năm 2021, Giải thưởng mở rộng quy mô với 2 hạng mục lớn: Top 10 Houses Awards & Top 10 Interior Design Awards và được hợp nhất trong giải thưởng lớn mang tên Top 10 Awards.
- Lễ trao giải Top 10 Awards 2022:
- Thời gian: 17h30 – 19h40 ngày 20/5/2023
- Địa điểm: Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội
- Triển lãm Top 10 Awards Pavilion 2022:
- Thời gian: 16h45 – 17h30 ngày 20/5/2023
- Địa điểm: Vườn hoa Diên Hồng (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Thông tin chính thức của giải thưởng vui lòng truy cập:
- Facebook: https://www.facebook.com/kienvietdotnet/
- Fanpage Giải thưởng: https://www.facebook.com/top10houses/
——————————————————————————–
Đơn vị tài trợ Vàng: Deborah Home; Khóa Huy Hoàng
Đơn vị tài trợ Bạc: Simon – Vietnam, Saint-Gobain Việt Nam, Aritco
Đơn vị tài trợ đồng hành: Cửa Nhôm Đức Huy; Cửa nhôm KONIG
Triển lãm Pavilion:
- Đơn vị thiết kế: NOWA
- Đơn vị thi công: B-Up Construction
- Đơn vị chiếu sáng: Unios Vietnam
Đơn vị bảo trợ truyền thông: Tạp chí xây dựng, Tạp chí kiến trúc Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, Truyền hình Quốc Hội
Đơn vị đối tác truyền thông: Việt CG, Happynest, Nhà F, Tạp chí Đẹp, HomeDecorPlus