Ngày 13/05 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Kiến trúc sư Hà Nội cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và chi hội Azusa Sekkei Việt Nam dưới sự bảo trợ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, phối hợp tổ chức tọa đàm “Xu hướng thiết kế không gian nội thất văn phòng kỷ nguyên 4.0 và Kinh nghiệm hành nghề Kiến trúc sư tại Nhật Bản”.
Chương trình có sự tham gia của KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Khánh Toàn – Giám đốc Trung tâm phát triển và hành nghề kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng ban Ban quản lý quận Hoàn Kiếm, KTS Lã Thị Kim Ngân – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các KTS đến từ công ty Azusa Sekkei Việt Nam, Ông Trần Việt Thắng – Phó văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, TS.KTS.Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Nguyễn Đình Thanh – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội và đông đảo các KTS.
Tọa đàm tập trung vào việc phân tích sự thay đổi xu hướng không gian làm việc trong thời đại kỷ nguyên 4.0, thay đổi cách thức làm việc để phù hợp hơn trong tình hình mới. Bên cạnh đó, là những chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề Kiến trúc sư tại Nhật Bản và Việt Nam, mang đến cái nhìn mới nhận thức tốt hơn trong việc hành nghề kiến trúc sư tại Việt Nam.

Theo các khách mời chia sẻ tại tọa đàm, văn phòng đang ngày càng thiếu đi tính cân bằng về yếu tố tinh thần, không gian làm việc và tính gắn kết trong công việc. Văn phòng cân bằng không chỉ bao gồm đầy đủ chức năng về một nơi làm việc năng suất, hiệu quả, mà cần được bổ sung không gian thở, không gian kết nối và không gian xanh.
Trong tương lai, văn phòng sẽ phát triển đa dạng theo xu hướng văn phòng công nghệ, văn phòng sáng tạo, văn phòng xanh, văn phòng mở, văn phòng chia sẻ co-working; văn phòng điện tử hay cà phê văn phòng… Các thiết kế kiến trúc và nội thất sẽ hướng đến việc phát triển những không gian kết nối hoạt động tại văn phòng cũng như các cá thể với nhau, góp phần thúc đẩy hiệu quả công việc.
Nhiều giải pháp thiết kế phù hợp với các xu hướng trên được đưa ra bàn thảo như ứng dụng thiết kế đồ họa môi trường; khai thác các yếu tố tạo hình mang tính nghệ thuật được định hướng để thu hút và tạo điểm nhấn cho không gian; sử dụng nguồn ánh sáng sinh học hoặc thiết kế nguồn sáng linh hoạt; bổ sung các tấm tiêu âm hoặc có tính toán cụ thể về các giải pháp âm học, giảm tiếng ồn; tạo các không gian văn phòng mang tính bản địa, sử dụng vật liệu thân thiện hoặc áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật cao…


Nội dung cuối trong buổi tọa đàm, KTS Nobuaki Tagawa cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn mới để các thế hệ kiến trúc sư trong và ngoài nước cùng nhau trau dồi về nghề nghiệp, cách hành xử trong một xã hội đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, đặc biệt về công nghệ.

Thông qua tọa đàm này, các vấn đề chuyên môn về xu hướng thiết kế nội thất văn phòng, về cách hành xử trong quá trình làm nghề được thúc đẩy, trau dồi, mang đến những sản phẩm thiết kế thiết thực hơn, ấn tượng hơn trong thời đại kỷ nguyên 4.0.
Xem thêm các hình ảnh khác của buổi tọa đàm tại đây:




























Biên tập: Phương Thảo
XEM THÊM:
- Hội thảo khoa học “Kiến trúc và quy hoạch bền vững tiếp nối giá trị truyền thống, hướng tới tương lai”
- Tọa đàm khoa học nội thất bền vững: Xu hướng phát triển và giải pháp thực hiện
- A+ ARCHITECTS NHẬN GIẢI THƯỞNG THIẾT KẾ WA AWARDS CHO DỰ ÁN THE TRIANGLE 434 RESORT
- Văn phòng ADA đã đạt giải Nhất Cuộc thi tuyển chọn phương án quy hoạch – thiết kế kiến trúc Trung tâm hành chính thành phố Vũng Tàu
- Kết quả thi tuyển phương án kiến trúc tổ hợp công trình trên lô K8 (K8-HH1 & K8CT1) khu Trung tâm Đô thị Tây Hồ Tây