Hà Nội là thành phố có hệ cây xanh phong phú, đa dạng về chủng loại, trồng quanh Hồ Gươm, trên các đường phố lớn như sấu, xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng… mà trong số đó có nhiều nhiều cây đa cổ thụ vài trăm tuổi, như cây đa ở đền Bà Kiệu trên đường Đinh Tiên Hoàng… mà đặc biệt nhất là cây đa trong khuôn viên nhà 71 phố Hàng Trống – nơi đặt Trụ sở báo Nhân dân từ sau tiếp quản 1954 cho đến nay. 

Tôi còn nhớ, vào khoảng năm đầu 1980 của thế kỷ trước, có lần được hầu chuyện KTS Tạ Mỹ Duật (người tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước 1940, Viện trưởng đầu tiên của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, nay đã mất) ông có kể cho tôi nghe về lịch sử cây đa này mà ông gọi là “Cụ đa” . Theo ông, so với hơn 700 cây đa cổ thụ khác ở nội thành Hà Nội, thì đây là cây đa lâu năm nhất xứ Đông Dương, phải hơn 300 tuổi, cùng thời xây dựng chùa Báo Ân, nằm trên khu đất mà sau này ông nghè yêu nước Vũ Tông Phan mở Trường học Hồ Đình vào năm 1826.

Khi người Pháp quy hoạch, làm đường vòng quanh hồ Gươm, dân các làng phải chuyển đi nơi khác. Trường Hồ Đình cũng giải tán. Khu đất bị người Pháp giải tỏa, cây cối bị chặt phá hết để lấy mặt bằng xây dựng công trình. Vậy mà, riêng cây đa vẫn tồn tại. Có lẽ do thấy cây đa lâu niên có dáng đẹp, lại vận câu dân gian của người Việt “Thần cây đa, ma cây gạo” nên người Pháp không nỡ chặt để mong điều tốt lành cho quá trình xây cất, mở mang khu vực hồ Gươm (?!). Dù lý do nào chăng nữa, thì trải qua bao biến thiên của thời cuộc, đến giờ cây đa vẫn cứ phát triển xanh tốt, vững chãi như một chứng nhân của lịch sử thành phố. Thân cây đa có chu vi  khoảng 20m, cao trên 30m, nhiều cành to đến 60 cm, vòm lá xoè rộng xanh mướt, đan xen nhau tạo thành một tán lá khổng lồ che phủ gần kín sân trụ sở báo Đảng rộng hàng trăm m2. Từ các cành ngang mọc ra các rễ phụ trụ cắm sâu vào đất như cột trụ hỗ trợ thân chính đỡ sức nặng của cây khổng lồ này. Để bảo vệ cây đa khỏi bị tác động của gió bão, xe cộ ra vào cơ quan, người ta đã cho xây 6  bồn rộng bao quanh các rễ phụ lớn bằng gạch. Cây đa đã tạo nên một môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ không chỉ cho những người làm việc tại trụ sở báo Nhân dân, mà còn là nơi trú ngụ an toàn cho vài loài chim thú như chồn, sóc, tắc kè… và cứ mỗi khi đến mùa quả, hàng đàn chim bay tới để ăn quả đa chín mọng. Giữa Hà Nội đông đúc, ồn ào người xe thì vị trí cây đa cổ thụ quả là hiếm lắm. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã công nhận cây đa này là một trong các “ Cây Di sản của Việt Nam” . 

Với tôi, cách đây 40 năm, có một kỷ niệm nhỏ nhưng rất ấn tượng vì đã may mắn được gặp, trò chuyện với Tổng Biên tập báo Đảng và cũng là Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư Hoàng Tùng ngay dưới cây đa này. Đấy là một sáng mùa hè, cuối tháng 7/1982. Khi ấy tôi là cán bộ trẻ của Văn phòng Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, ở 23 Đinh Tiên Hoàng. Chiều hôm trước, KTS Cao Xuân Hưởng, Chánh Văn phòng Đoàn bảo tôi, trên Ban Tuyên huấn T.Ư vừa điện thoại báo, 9 giờ sáng mai, ông Hoàng Tùng sẽ dành thời gian để nghe ta báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ III tại Trụ sở báo Nhân dân. Mai cậu đi với mình và nhớ mang theo đầy đủ tài liệu chuẩn bị Đại hội để trình Trưởng ban cho ý kiến. 

Sáng hôm sau, 8:30 chúng tôi đến nhà 71 Hàng Trống, trụ sở báo Nhân dân, đ/c Thư ký riêng của ông Hoàng Tùng đã đứng đón ở cổng thường trực. Dựng cái xe đạp, ngước nhìn thì đã thấy ông Hoàng Tùng đang đi lại dưới gốc đa rồi, dáng thong thả như suy nghĩ về vấn đề gì đó. Anh Thư ký khẽ nhắc chúng tôi, Thủ trưởng bận lắm, chỉ có hơn tiếng thôi, nên các anh báo cáo ngắn gọn nhé. Nhìn thấy anh Cao Xuân Hưởng, ông niềm nở bắt tay và nói, lần trước tôi đã làm việc với anh Tiềm, anh Quỳnh trong Ban Thường vụ về nhân sự Đại hội ở trên Ban rồi. Lần này ta làm việc ở đây cho tiện đi lại, không khí mát lành hơn là ngồi trong phòng, KTS có nhất trí không? Tất cả cùng cười. Rồi ông bảo mọi người ngồi xuống mấy cái ghế đẩu kê ngay dưới gốc đa. Sau khi nghe KTS Cao Xuân Hưởng báo cáo tổng quan công tác chuẩn bị Đại hội, đặc biệt là dự thảo Báo cáo chính trị, ông gật đầu hài lòng. Ông bảo, về cơ bản Báo cáo đã đầy đủ, có một vài ý cần làm rõ tôi vừa sửa trực tiếp vào đó rồi. Còn công tác chuẩn bị thế là tốt, văn phòng phải quan tâm đón tiếp chu đáo các đại biểu từ địa phương về dự Đại hội, đặc biệt là anh chị em từ Sài Gòn ra. Đại hội lần này Trung ương nhất trí để Đoàn KTS đổi tên thành Hội KTS Việt Nam cho thống nhất với các Hội trên cả nước. Ông nhấn mạnh, Đại hội có ý nghĩa đặc biệt vì là đại hội đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, lần đầu tiên các KTS miền Nam được ra Bắc dự đại hội. Vì thế, đại hội phải đề cao vai trò đoàn kết KTS ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Kết thúc làm việc, khi tiễn chúng tôi ông còn ân cần căn dặn, chúng ta phải làm tốt công tác trí vận, tập hợp KTS cả nước dưới mái nhà chung là Hội KTS Việt Nam. Đoàn kết, dân chủ trong hoạt động hội là việc rất quan trọng. Có như thế mới tạo thành một khối thống nhất, phát huy được sáng tạo của KTS để đóng góp vào tái thiết đất nước. 

Bốn tháng sau, tháng 11 năm đó, Đại hội KTS Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Tổng biên tập báo Nhân dân Hoàng Tùng và nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương và Hà Nội đến dự. Tại Đại hội này, KTS Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã được Đại hội vinh danh bầu làm Chủ tịch Hội. Và Đoàn KTS Việt Nam cũng được đổi tên thành Hội KTS Việt Nam từ ngày đó.

Hơn 40 năm đã đi qua. Kỷ niệm nhỏ về buổi gặp nhà cách mạng, nhà báo Hoàng Tùng dưới gốc đa cổ thụ ở trụ sở báo Nhân dân cùng những lời dặn dò của ông năm ấy vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn đến đây vì việc này, việc khác và lần nào cũng vậy tôi cứ ngắm nhìn cái vòm xanh lồng lộng của cây đa cổ thụ gần 400 tuổi kia xoải bóng râm mát và lảnh lót tiếng chim lại nhớ đến Nhà báo lão thành, nhà Cách mạng Hoàng Tùng đáng kính./. 

Bài viết: KTS Phạm Thanh Tùng

XEM THÊM:

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
1309853875.img
Lời khuyên cho những người theo đuổi nghề Kiến trúc

Kiến trúc dường như là một ngành nghề rất được ưa chuộng trong thời kỳ xã hội phát triển như Read more

tornado
Làm thế nào để xây dựng một ngôi nhà chống lốc xoáy ?

Một cơn lốc xoáy có thể phá dỡ ngôi nhà kết cấu khung gỗ điển hình trong bốn giây. Trong Read more

windcatchers iran 26
Hệ thống làm mát tự động trong kiến trúc Iran

Môi trường bên trong một toà nhà hiện đại vẫn có thể rất dễ chịu cho dù môi trường bên Read more

hien nhan mon
Đi tìm nguồn gốc của Hổ phù trong Mỹ thuật của người Việt

Sự thiếu vắng hình ảnh những con sư tử hung hãn, ghê gớm trong mỹ thuật Việt, không có nghĩa Read more

MIA Namanspa06
Việt Nam thắng lớn tại giải thưởng A+Awards 2016

Giải thưởng kiến trúc A+Awards 2016 do trang architizer.com tổ chức bầu chọn vừa công bố kết quả, Việt Nam Read more

cuoc thi san bay long thanh
Hội KTSVN góp ý tổ chức thi tuyển PA kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Vừa qua, thông báo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về tổ chức cuộc thi phương án kiến Read more