Bảo tàng Âm nhạc Hungary (House of Music Hungary) là một trong những dự án văn hóa được đầu tư lớn nhất tại Châu Âu từ trước đến nay. Được thiết kế bởi KTS Sou Fujimoto, bảo tàng này trở thành điểm đến lý tưởng của người dân Hungary và du khách trên toàn thế giới để tham dự các buổi hòa nhạc, tham quan triển lãm hoặc đi thu âm tại các studio.
Kiến Việt xin gửi đến bạn đọc bài phỏng vấn của phóng viên tạp chí Archdaily và KTS Fujimoto trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới House of Music Hungary vào tháng 9 năm 2022. Điểm nhấn nổi bật của cuộc trò chuyện chính là những chia sẻ sâu sắc của Fujimoto về tầm quan trọng của House of Music Hungary, những điểm mới đáng chú ý và sự phức tạp khi làm điều phối xây dựng một trung tâm văn hóa lớn từ xa.
PV: Ông có thể chia sẻ về ý tưởng của dự án này? Ý tưởng về độ trong suốt và sử dụng kính ra đời như thế nào, đặc biệt là đối với một buổi hòa nhạc và hội trường âm nhạc? Những hiệu ứng giác quan nào có khả năng truyền không gian?
Sou Fujimoto: Vị trí này được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, và tôi chợt nảy ra khung cảnh chơi nhạc ở giữa một khu rừng, vừa nghe tiếng nhạc trầm bổng, vừa có thể ngắm nhìn cây xanh. Đó là điểm khởi đầu rất đơn giản, ý tưởng về một khán phòng bằng kính đã hình thành như thế. Và không chỉ là kính – mái che cũng tạo cảm giác như diện tích được mở rộng, điều này đối với tôi rất quan trọng. Ý tưởng tương tự đối với giảng đường.
Đối với tôi, cảm quan đầu tiên về Bảo tàng âm nhạc Hungary thực sự rất tuyệt vời. Tất nhiên tôi đã xem qua nhiều hình ảnh về dự án, nhưng khi thực sự trải nghiệm, những gì tôi được chiêm ngưỡng vượt xa điều mà bất kỳ hình ảnh nào có thể truyền tải. Đó là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa kiến trúc và thiên nhiên – một sự giao thoa mà tôi luôn mơ ước. Khi tôi đi dưới tán cây, tôi thấy yên bình khi nhìn thấy ánh sáng chiếu qua với một chút sắc vàng. Tôi muốn trần nhà luôn hài hòa với màu sắc thay đổi của lá cây xung quanh nó và ánh sáng mặt trời theo từng thời điểm trong ngày.

PV: Công ty tư vấn âm học Nagata Acoustics có vai trò thế nào trong việc khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án? Sự tham gia cố vấn của họ có ảnh hưởng đến các ý tưởng thực hiện dự án của riêng ông không?
Sou Fujimoto: Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào việc thực hiện dự án. Chúng tôi có sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư âm thanh hàng đầu thế giới ở phía công ty Nagata, đồng thời tham khảo ý kiến của các kỹ sư có chuyên môn người Hungary và khách hàng để tìm ra các giải pháp thực tế. Cuối cùng, chúng tôi quyết định thực hiện thiết kế dự án với tường kính kép, mặt tiền bằng kính zig-zag bên trong (giúp phản xạ âm thanh bằng cách tăng diện tích bề mặt) và các vật liệu hấp thụ âm thanh được tích hợp sau các tấm kim loại của trần có mái che.

PV: Theo như chúng tôi được biết, các quy trình điều phối giai đoạn thử nghiệm và xây dựng sẽ khó khăn hơn một chút do hạn chế của đại dịch Covid-19. Làm thế nào ông có thể điều hướng dự án qua giai đoạn này và chuyển sang làm việc từ xa?
Sou Fujimoto: Đó là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Thật may mắn, chúng tôi đã có thể tiến hành các chuyến thăm với nhóm kiến trúc sư, khách hàng và nhà thầu địa phương trước dịch Covid để xem các mẫu vật liệu và mô hình. Sau đó, rất nhiều quyết định đã được đưa ra, chẳng hạn như vật liệu làm trần, sàn và tường cũng như các chi tiết về loại kính chúng tôi sẽ sử dụng (các tấm đặc biệt phải được vận chuyển từ Đức). Điều đó có nghĩa là, khi đại dịch Covid 19 bùng nổ, định hướng cơ bản của dự án đã được định sẵn. Sau đó, cứ ba tháng một lần, chúng tôi sẽ thực hiện các phiên Zoom với nhóm tại hiện trường – điều này rất khó bởi vì mặc dù họ đã mang camera vào công trường nhưng rất khó để cảm nhận trực quan được tòa nhà. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu họ vận chuyển một số mẫu quan trọng nhất đến Tokyo để có thể trực tiếp trải nghiệm.

PV: Dự án này thể hiện cá tính thiết kế độc đáo của ông như thế nào? Và ý tưởng này kết hợp với sự thấu cảm văn hoá truyền thống của người Hungary ra sao?
Sou Fujimoto: Bất cứ công trình nào tôi thiết kế, tôi đều mong muốn tôn trọng truyền thống địa phương. Với dự án này, những chiếc lá vàng trên trần nhà chính là điểm nhấn. Ý tưởng về chúng được truyền cảm hứng từ chuyến thăm đầu tiên của tôi đến học viện âm nhạc ở Budapest , nơi có hội trường âm nhạc chính tuyệt đẹp với nội thất bằng vàng. Tôi đã rất ấn tượng và muốn tạo ra một liên kết từ cảnh tượng âm nhạc lịch sử này với tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có truyền thống về vàng ở Nhật Bản, vì vậy đó là một sự thừa nhận mang màu sắc của một tâm hồn lớn lên ở nước Nhật. Thực ra, chúng là ba loại thép vàng được trộn lẫn với nhau để tạo ra hiệu ứng nhiều sắc thái hơn.
Một dấu ấn văn hóa Nhật Bản khác được thể hiện trong dự án lần này là cảm quan được tạo ra ở giữa các không gian trống. Kiến trúc và văn hóa Nhật Bản được kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên và cảm giác mơ hồ tích cực tạo ra không gian phong phú. Ở địa điểm cụ thể này, đó là một yếu tố rất quan trọng đối với tôi.

PV: Trước đây ông đã từng nói rằng “Thiết kế một bảo tàng hiện đại là một giấc mơ lớn đối với bất kỳ kiến trúc sư nào” – ông có thể nói rõ hơn về quan điểm này được không?
Sou Fujimoto: Vâng – Tôi nghĩ các viện bảo tàng cần lưu tâm nhiều hơn về tương lai và luôn có suy nghĩ đi trước một bước để trường tồn với thời gian. Không gian được thiết kế như vậy một phần để dành sự tôn trọng cho môi trường tự nhiên xung quanh, thông qua việc kết hợp các không gian tương tác như phòng triển lãm và âm nhạc. Các yếu tố này thật sự mang đến cho bảo tàng diện mạo hiện đại và là một môi trường đáng học hỏi cho tương lai.

PV: Dự án Bảo tàng phản ánh tâm hồn và tính cách người dân Hungary như thế nào?
Sou Fujimoto: Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tính cách của người Hungary trong quá trình thiết kế. Tôi rất xúc động trước sự ấm áp, tình người và tinh thần hiếu khách của họ. Các cuộc trò chuyện với nhóm địa phương xung quanh thiết kế giống như một đại gia đình quây quần ngay từ những ngày đầu và trong toàn bộ quá trình xây dựng. Bầu không khí vui vẻ này rất đặc biệt đối với tôi và cả nhóm xây dựng. Tôi rất vui khi được làm việc ở Budapest.

PV: Cá nhân ông nghĩ gì về kết quả và đóng góp của Bảo tàng Âm nhạc Hungary cho Liget Park và người dân của thành phố? Ông nghĩ gì về phản ứng của công chúng đối với dự án?
Sou Fujimoto: Tôi rất vui khi thấy Bảo tàng Âm nhạc Hungary được đón nhận tích cực. Dự án mang lại cảm giác ấm áp, lạc quan nhưng đồng thời cũng giống như một viên ngọc quý trong khuôn viên. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi được biết rằng rất nhiều người Budapest đang đến đây tham quan – bởi vì, đối với kiến trúc, điều quan trọng nhất là con người. Chúng tôi nỗ lực thiết kế không gian này cũng để dành cho người dân thành phố và du khách. Tôi hy vọng rằng vẻ đẹp của công viên Budapest xinh đẹp sẽ được mọi người từ khắp nơi trên thế giới biết đến nhiều hơn qua House of Music Hungary.
Biên dịch: Thu Trang | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Carlo Scarpa, “Giáo sư” thiên tài của Venice
- Kiến trúc sư David Chipperfield là ai? 17 điều bạn cần biết về chủ nhân của Giải thưởng Pritzker 2023
- Kazuyo Sejima và Phyllis Lambert được trao Giải thưởng Jane Drew và Ada Louise Huxtable năm 2023
- Kiến trúc sư Toyo Ito và những công trình mang tính biểu tượng
- KTS Arata Isozaki và chặng đường thiết kế của ông