“Tuần lễ kiến trúc Việt Nam” nhân kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4) và 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Tuần lễ bao gồm chuỗi hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 22/4/2023 đến ngày 27/4/2023, là dịp đặc biệt để giới chuyên môn và những người yêu thích kiến trúc cùng nhìn lại lịch sử hình thành và chặng đường 75 năm phát triển của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của một ngành nghề sáng tạo đã góp công lớn trong công cuộc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (trước đây là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) đã đi qua chặng đường 78 năm, từ ngày độc lập 2/9/1945. Giới Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam dưới Mái nhà chung Hội Kiến trúc sư Việt Nam (tiền thân là Đoàn KTS Việt Nam) đã đồng hành cùng đất nước từ những ngày đầu, đến nay đã 75 năm (1948-2023). Luôn nhận thức về vai trò tiên phong của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia, trong quá trình hoạt động, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hội KTSVN) đã khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ KTS Việt Nam dành nhiều tâm sức, trí tuệ, phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và của nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 4/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2008-QĐ/TTg về việc lấy ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam với mục đích động viên, thu hút sự quan tâm của giới KTS, các tầng lớp nhân dân, các nhà quản lý về kiến trúc – quy hoạch, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp cùng đoàn kết, sáng tạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; có hình thức khen thưởng, biểu dương, khuyến khích các tài năng kiến trúc cống hiến cho Tổ quốc.
Qua gần 40 năm đổi mới, đến nay cả nước đã có gần 30 cơ sở đào tạo KTS, hàng năm cho ra trường hơn 1.000 KTS. Theo số liệu chưa đầy đủ, thì hiện trên cả nước đã có hơn 20.000 KTS, trong đó có gần 7000 là hội viên Hội KTSVN. Thế hệ KTS sinh trong thập niên 70-80 đã vươn lên, trở thành lực lượng nòng cốt của sự nghiệp phát triển kiến trúc. Rất nhiều KTS trẻ đã đi tiên phong trong sáng tác theo xu hướng mới như kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng. Nhiều người đã đạt được các giải thưởng danh giá trong các cuộc thi kiến trúc quốc gia và quốc tế như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh, Nguyễn Hoàng Hiệp, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Xuân Minh, Hồ Khuê, An Việt Dũng.… Năm 2017, tại Đại hội KTS Thế giới UIA tổ chức tại Seoul-Hàn Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào đã vinh dự được trao Giải thưởng Lớn của UIA với những cống hiến vì cộng đồng.
Từ năm 2015, Hội KTSVN đã tập trung lực lượng góp sức xây dựng các văn bản pháp luật, tích cực tham gia xây dựng Luật Kiến trúc với kỳ vọng góp phần cải thiện môi trường hành nghề, nâng cao năng lực hành nghề của KTS. Luật Kiến trúc đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2019 và Nghị định 85/2020/NĐ/CP của Chính phủ lần đầu tiên xác định và giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc là Hội KTSVN trong việc: Xây dựng, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề; Xây dựng, ban hành Bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục, tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) cho KTS hành nghề; Xây dựng và ban hành chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch, tổ chức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề KTS. Luật Kiến trúc cùng Nghị định của Chính phủ ra đời, mở ra một giai đoạn mới cho phát triển kiến trúc Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh; tiếp cận một bước với môi trường hành nghề kiến trúc của Thế giới và khu vực; kỳ vọng mở ra thời kỳ giải phóng sức sáng tạo của KTS; bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc; phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng mới; khuyến khích những tác phẩm kiến trúc hiện đại mang tinh thần của truyền thống; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới….
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam và Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTSVN, từ ngày 22/4 – 30/4/2023, tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước, Hội KTSVN tổ chức “Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam” với nhiều sự kiện phong phú, kết hợp các hoạt động chuyên môn của giới nghề với đông đảo cộng đồng xã hội:
- Hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững Văn hóa – Kinh tế – Xã hội”
Ngày 22/4/2023, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Bát Tràng – Hà Nội, Hội KTSVN chỉ đạo Tạp chí Kiến trúc tổ chức Hội thảo “Vai trò kiến trúc với phát triển bền vững Văn hóa – Kinh tế – Xã hội” nhằm nhìn lại những đóng góp của kiến trúc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, từ đó, phát huy hơn nữa vai trò của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển của đất nước – Hướng tới thực hiện các định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ Hội nghị văn hoá toàn quốc 2022, đặt kiến trúc trong bối cảnh sự chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chú trọng công nghệ, sáng tạo và bối cảnh xã hội đương đại với những mục tiêu toàn cầu hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.….
Với sự tham gia của hơn 50 bài tham luận từ các KTS ở các địa phương và các chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau, Hội thảo là dịp để nhìn lại một chặng đường đóng góp của giới KTS, bàn luận về vai trò của lĩnh vực kiến trúc trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội để có được những tiếng nói đa chiều, những góc nhìn khách quan, đa diện về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững. Các tham luận của các diễn giả: KTS Hoàng Thúc Hào với chủ đề “Giải mã gen trong văn hoá kiến trúc Việt Nam”, KTS Đoàn Thanh Hà: “Kiến trúc vị nhân sinh và triết lý người làm nghề”; TS.KTS Phạm Phú Cường: “Bối cảnh và đặc điểm kiến trúc hiện đại miền Nam giai đoạn 1954 -1986”; KTS Nicolaus Goetze: “Những công trình đồng hành cùng cộng đồng kiến trúc Việt” và phần thảo luận với sự tham gia của TS KTS Phạm Tuấn Long về góc nhìn độc đáo từ lĩnh vực quản lý kiến trúc – đô thị ở một quận trung tâm Thủ đô… đã phân tích những yếu tố để đóng góp vào định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, Hội thảo đã thể hiện những suy ngẫm của giới nghề, một lần nữa khẳng định được vai trò cũng như trách nhiệm của giới nghề với xã hội, với cộng đồng trong sự phát triển chung của đất nước.
Kỷ yếu Hội thảo và thông tin Hội thảo: http://tckt.vn/ky-yeu-HT-75nam-HKTSVN
- Lễ khai mạc Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam
17h00 ngày 22/4/2023, tại vườn hoa Diên Hồng, Hà Nội, Hội KTSVN tổ chức Lễ khai mạc “Tuần lễ Kiến trúc Việt Nam” với không gian triển lãm kiến trúc độc đáo giới thiệu các hoạt động của Hội, các tác giả – tác phẩm đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023 và Chương trình Nhà ở nông thôn. Không gian triển lãm được mở cửa tự do từ ngày 22/4 -30/4/2023. Đây là dịp để quảng bá những hoạt động của giới KTS tới đông đảo người dân thủ đô.
- Lễ Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTSVN và Trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023.
Ngày 25/4/2023, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Hội KTSVN tổ chức Lễ Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTSVN và Trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTSVN khẳng định: “Cùng đồng hành từ những năm đầu tiên đất nước giành được Độc lập, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (HKTSVN) đã trải qua một chặng đường ¾ thế kỷ thật hào hùng và xán lạn. Những tư tưởng được Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam – Danh nhân văn hóa của nhân loại Hồ Chí Minh truyền thắp, gửi gắm trong bức thư Người trực tiếp đánh máy nơi chiến khu cách mạng Khuổi Tát – Định Hóa- Thái Nguyên, gửi tới hội nghị ngày thành lập, đã dẫn hướng suốt chặng đường đó, vượt qua mấy cuộc chiến tranh, đi tới thời hòa bình dựng xây. Và cho đến hôm nay, ngọn lửa được thắp từ thủa ấy vẫn còn nguyên năng lượng sáng ấm cùng công cuộc Kiến trúc, góp phần phát triển quốc gia Đậm sắc văn hóa – Văn minh hiện đại – Hội nhập bền vững”.
Đặc biệt, Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 được tổ chức nhân dịp này đã tạo nhiều hứng khởi cho hy vọng ngày mai càng tươi sáng với nền Kiến trúc Việt Nam. Giải thưởng một lần nữa ghi nhận những nỗ lực của giới KTS đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước; khích lệ tư duy sáng tạo theo xu hướng tiến bộ và trách nhiệm xã hội của các thế hệ KTS, góp phần chuyển biến thêm trong xã hội, giúp toàn cộng đồng hiểu rõ về vai trò, bản chất văn hóa, xã hội của kiến trúc trong đời sống.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023 nhận được 226 tác phẩm tham dự – Đây là số lượng tác phẩm dự giải lớn nhất trong các kỳ giải thưởng từ trước tới nay. Hội đồng Giải thưởng với 21 thành viên, đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội KTSVN, là các chuyên gia, nhà quản lý, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm từ các vùng, miền trong nước và quốc tế. Hội đồng Giải thưởng đã chọn ra được 57 tác phẩm xuất sắc trao các giải thưởng, gồm:
– 05 Giải Vàng (03 giải Kiến trúc công cộng, 01 giải Kiến trúc cảnh quan – thiết kế đô thị, 01 giải Quy hoạch đô thị);
– 18 Giải Bạc;
– 34 Giải đồng;
– Cùng với:
+ 01 Tác phẩm được cộng đồng bình chọn;
+ 06 Giải “Vì sự phát triển kiến trúc” dành cho các chủ đầu tư các dự án có quy hoạch, thiết kế kiến trúc đạt giải cao, có khả năng lan tỏa tích cực đến xã hội và cộng đồng;
+ 01 Bằng khen cho đơn vị đạt nhiều thành tích nhất tại kỳ giải này.
Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2023 nhận xét: “Các tác phẩm tham gia năm nay ở mọi loại hình, đều có sự tiến bộ rõ rệt về chất lượng, đa dạng về thể loại – nội dung, phong phú về hình thái… phản ánh sự phát triển theo hướng kết nối bản sắc – hiện đại – hội nhập có hiệu quả của Kiến trúc nước ta hiện nay.
Một số thông tin về Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia:
Đây là giải thưởng được thành lập theo Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 19/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam – Bộ Xây dựng – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức thực hiện. Giải thưởng được chọn trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất ở các thể loại trong lĩnh vực kiến trúc như: Quy hoạch Đô thị – Nông thôn; Thiết kế công trình; Thiết kế đô thị – cảnh quan; Thiết kế nội – ngoại thất; Nghiên cứu – lý luận – phê bình – phản biện – truyền thông. Bắt đầu từ năm 1994 đến nay, Giải thưởng đã trở thành một sự kiện chuyên ngành lớn, định kỳ hai năm một lần được giới kiến trúc sư và cộng đồng xã hội mong đợi, đã trở thành niềm tự hào, mục tiêu phấn đấu của các KTS hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Đến nay, qua 15 kỳ Giải thưởng, đã có 2350 tác phẩm tham dự. Từ các kỳ đó đã chọn trao 01 Giải thưởng Lớn, 26 Giải Nhất/ Giải Vàng, 120 Giải Nhì/ Giải Bạc, 247 Giải Ba/ Giải Đồng, hơn 200 Giải Khuyến khích/ Giải Chuyên đề và Giải thưởng Hội đồng cho các tập thể và cá nhân tác giả – tác phẩm đoạt giải. Mỗi kỳ GTKTQG luôn là dịp quan trọng để tổng kết, đánh giá có tính thực tiễn cao, về hoạt động sáng tạo của KTS, tôn vinh những thành công và cổ vũ xu hướng kiến trúc mới, động viên KTS trẻ có những tìm tòi trong sáng tạo, cũng như kịp thời chỉ ra những điểm yếu trong kiến trúc để có hướng khắc phục. Đồng thời từ đó cũng tôn vinh những nhà đầu tư nổi bật trong công cuộc vì sự nghiệp phát triển kiến trúc nước nhà.
Nhìn lại chặng đường 75 năm tập hợp dưới mái nhà chung là Hội KTSVN, một tổ chức Chính trị – Xã hội – Nghề nghiệp; trong sự phát triển của nền kiến trúc cách mạng Việt Nam, có thể thấy rõ KTS Việt Nam luôn trung thành với sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân, luôn Đoàn kết và không ngừng Đổi mới-Sáng tạo. Trong bối cảnh hội nhập, giới KTS càng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình để “Đoàn kết hơn nữa – Đổi mới hơn nữa – Sáng tạo hơn nữa”, góp phần xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và hoàn thành nhiệm vụ kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, hiện đại và bản sắc.
HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM