Quan điểm về bảo tồn di sản đã được các chuyên gia ở Việt Nam và trên thế giới nghiên cứu theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Mỗi quan niệm bảo tồn đều có cái hay, cái dở và đều có khả năng thành công. Tùy thuộc vào từng loại hình di sản mà đưa ra các quan điểm bảo tồn khác nhau để vừa giữ được những giá trị nguyên gốc nhưng vẫn phát huy được giá trị của nó trong xã hội đương đại.
1. Bảo tồn Nguyên bản
Nhiều người nghĩ rằng bảo tồn di sản là phải đưa công trình kiến trúc về hình thức nguyên bản của nó, với đúng vật liệu, kỹ thuật thời xây dựng nó. Nghe như là chân lý. Thực ra, đây chỉ là một trong những quan niệm bảo tồn di sản và có vẻ nó phù hợp với thuật ngữ “trùng tu” nhất (có sự khác biệt ít nhiều giữa “bảo tồn” với “trùng tu”).
Rất ít khi người ta có thể làm được bảo tồn nguyên bản một cách hoàn toàn, vì làm đúng hình thức, kỹ thuật, vật liệu thời điểm xây dựng công trình cần hệ thống tư liệu hoàn chỉnh. Ảnh màu, phim màu chỉ phổ biến khoảng thế kỷ nay, mà qua thời gian cũng bị sai khác nước ảnh. Ngoài ra, chi phí để tái hiện kỹ thuật, vật liệu cũ nói chung là lớn. Vậy mà, đôi khi ta nhận ra rằng kỹ thuật, vật liệu cũ có nhiều nhược điểm (nếu có nhiều ưu điểm thì nó đã không bị biến mất). Nhưng muốn nguyên bản một cách trọn vẹn thì phải chấp nhận.



Vì vậy, không phải lúc nào chuyên gia cũng lựa chọn phương pháp này. Trong trường hợp khu phố Pháp Hà Nội có một công trình được bảo tồn nguyên bản thì rất tốt, và cơ hội đã đến với toà nhà 49 Trần Hưng Đạo khi tìm được kinh phí. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, để đạt được sự nguyên bản có lẽ là một chặng đường còn nhiều chông gai. Vì sao? Vì tư liệu không đủ để khẳng định nguyên bản là gì. Nên nhớ, Hiến chương Venice về bảo tồn, trùng tu di sản có câu: “Trùng tu sẽ dừng lại khi bắt đầu xuất hiện giả thuyết”.
Việc trùng tu toà nhà 49 Trần Hưng Đạo đã xuất hiện nhiều giả thuyết trong đó có màu sắc. Tất cả dữ liệu về màu sắc mà nhóm chuyên gia đưa ra chỉ là phỏng đoán, vậy nên họ vẫn đang “thử màu”. Công luận cần cho họ thêm thời gian để tìm ra đáp án phù hợp.
Vì sao có những nghiên cứu chỉ ra rằng đền thờ Hy Lạp đã được sơn loè loẹt mà chẳng chuyên gia nào dám trùng tu như vậy? Vì đó cũng là một giả thuyết!
2. Bảo tồn Chân xác
Tức là giữ nguyên các chứng tích lịch sử, thậm chí tàn tích. Còn gì thì giữ đấy, chỉ gia cố chỗ hư hại nặng. Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long (giữ nguyên vết lõm đại bác của giặc Pháp bắn), đấu trường La Mã và rất nhiều các công trình trên thế giới được bảo tồn theo quan niệm này. Điều quan trọng nhất trong bảo tồn kiểu này là tôn trọng lịch sử chứ không phải nguyên bản kiến trúc.

Từ góc nhìn này, chúng ta sẽ nhận ra sự vô vị của một hình thức cũ đã không còn phù hợp với nội dung, hoàn cảnh mới. Chẳng có lý gì khi phải dựng lại một cung điện từ đống đổ nát khi thời của các ông vua không còn.
3. Bảo tồn Cơm nấu
Từ ngàn xưa người Việt Nam đã ăn cơm, giờ vẫn ăn cơm. Cơm thể hiện tính nguyên bản của đồ ăn Việt Nam. Nhưng giống gạo thời nay khác thời xưa; nay dùng nồi cơm điện thay cho rạ, củi. Vẫn là bảo tồn.
Trong hiến chương Venice cũng chấp thuận dùng các vật liệu, kỹ thuật mới khi trùng tu, trong những trường hợp cụ thể của di tích.
Hơn thế, một số KTS còn bổ sung thêm hình thức đương đại bên cạnh phần cũ được giữ nguyên chân xác. Cái này là bảo tồn kết hợp sáng tạo phát triển
Phần lớn những công trình bảo tồn di sản thành công của Việt Nam được quan niệm theo kiểu Cơm nấu: Đình Tây Đằng, Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà Thái học Văn miếu… tưởng như được trùng tu nguyên bản mà thực ra sử dụng nhiều vật liệu được gia công hiện đại, thậm chí có chỗ “bịa” thêm. Nhưng “bịa” rất duyên, phù hợp với cuộc sống hiện tại, cảm giác như đã từng có. Đó là cái giỏi của KTS Việt Nam. Thậm chí, có chuyên gia nước ngoài từng đề cập đến một trường phái bảo tồn di sản Việt Nam.

4. Bảo tồn Giả cầy
Tức là làm lại (thường là một phần của công trình) nhưng cố tình làm giả để nó có vẻ cũ kỹ giống như lúc ngay trước trùng tu. Mặt tiền Nhà thờ lớn Hà Nội là một trường hợp. Và nó không thành công, do trình độ “làm giả” kém. Tuy nhiên, một số ví dụ ở Nhật đã chứng minh Giả cầy cũng có thể tốt, dẫu cho chỉ làm giả phần thay thế cho hợp với tổng thể.

Tại sao giả cầy có thể tốt? Vì nó giữ lại được ký ức về một nơi chốn đang quen thuộc.
Nếu như Nguyên bản hướng tới bảo tồn thời điểm ban đầu thì Chân xác hướng tới quá trình lịch sử và Giả cầy là thời điểm hiện tại.
Cơm nấu là giải pháp hỗn hợp, linh hoạt; vừa bảo tồn, vừa có khả năng phát triển; chú ý đến hoạt động, không gian văn hoá đang tồn tại ở công trình; hài hoà, nhẹ nhàng đi vào cảm nhận của con người.
Như vậy, mỗi quan niệm bảo tồn đều có cái hay, cái dở và đều có khả năng thành công. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp di tích cụ thể mà dự án được lựa chọn quan niệm phù hợp. Đối với dự án bảo tồn nhà 49 Trần Hưng Đạo nếu được bảo tồn nguyên bản thì rất tốt, mặc dù cá nhân KTS còn nghi ngại. Trong trường hợp thành công, cũng nên thận trọng khi tuyên bố đó là cách bảo tồn đúng đắn duy nhất. Một số KTS Việt Nam cũng có quan niệm trùng tu của mình và có những ví dụ thành công. Nên tự tin với những gì chúng ta đã làm được.
Bài viết: KTS Vũ Hiệp
XEM THÊM:
- Tạo sự cân bằng: Thế tiến thoái lưỡng nan ở các thành phố di sản
- Ứng dụng ý niệm bóng tối và màu sắc trong nhiếp ảnh kiến trúc
- 5 bộ phim phê bình kiến trúc hiện đại
- Làm thế nào để trở thành một Kiến trúc sư giỏi hơn?
- KTS Nguyễn Trung Kiên: Quy hoạch vĩ mô định hướng sự hòa trộn xã hội có là điều tất yếu?