Ra đời cùng lúc với kiến trúc hiện đại, điện ảnh trở thành công cụ phê bình kiến trúc hữu ích về một thời đại có nhiều sự thay đổi của xã hội.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, có một thứ thực sự có khả năng bao trùm kiến trúc, đó là điện ảnh. Khả năng tái hiện không gian, chuyển động theo dòng thời gian đưa điện ảnh đến gần hơn với kiến trúc theo cách vượt ra khỏi giới hạn của hội họa, điêu khắc, âm nhạc thậm chí là khiêu vũ – những loại hình nghệ thuật mà một thời gian dài được coi là nghệ thuật gần gũi nhất với chúng ta. Cả trong điện ảnh và không gian kiến trúc, mặc dù không gian và thời gian được xử lý theo những cách khác nhau, nhưng chúng bộc lộ về môi trường xây dựng thông qua trải nghiệm vật lý, chứ không chỉ về mặt hình ảnh.
Một trong nhiều liên kết giữa hai lĩnh vực này nằm ở việc phê bình không gian cụ thể là phê bình kiến trúc. Một loạt các tác phẩm điện ảnh, được phát hành kể từ phim Lumière, đề cập đến các hình ảnh đại diện của thành phố và kiến trúc qua màn ảnh, và nhiều tác phẩm khác thực hiện điều đó theo cách phê phán, bằng cách đưa ra cái nhìn ngờ vực hay khiêu khích vào tác phẩm kiến trúc hiện tại.
Có lẽ do phim xuất hiện đồng thời với kiến trúc hiện đại nên nó đã trở thành một công cụ phê bình. Thật vậy, nhiều tác phẩm điện ảnh đã trở thành những ví dụ đáng nhớ về sự chỉ trích đối với kiến trúc và xã hội hiện đại dù không chủ ý. Sau đây là 5 bộ phim phê bình kiến trúc hiện đại.
- Phê bình các chính sách nhà ở: The Pruitt-Igoe Myth (Chad Freidrichs, 2011)
Đây là một bộ phim tài liệu về khu phức hợp nhà ở Pruitt Igoe, được thiết kế bởi Minoru Yamasaki và được xây dựng ở ngoại ô thành phố St. Louis của Mỹ. Bằng việc thu thập lời chứng thực từ những cư dân cũ trong khu phức hợp, bộ phim tiết lộ những động lực dẫn đến việc xây dựng khu nhà ở khổng lồ và những mâu thuẫn dẫn đến sự sụp đổ của nó vào năm 1972, là một sự kiện lịch sử mà một số nhà phê bình định nghĩa là sự kết thúc của kiến trúc hiện đại.

- Phê bình thành phố hiện đại: Playtime (Jacques Tati, 1967)
Sự khắc khổ của cuộc sống ở thành phố hiện đại một lần nữa được khắc họa tương phản với hình bóng hoài cổ của ông Hulot. Thông qua sự khó chịu hài hước của nhân vật chính, bộ phim đề cập đến vấn đề danh tính của một người khi đối mặt với thực tế một xã hội ngày càng cơ giới hóa do thành phố hiện đại mang lại. Hình ảnh được mô tả trong phim với khung cảnh khổng lồ bao gồm các tòa nhà trên bánh xe, theo đúng nghĩa đen.

- Phê bình lối tiêu dùng: 2 or 3 Things I Know About Her (Jean-Luc Godard, 1967)
Đạo diễn Godard đã sử dụng những hình ảnh về sự biến đổi đô thị diễn ra ở ngoại ô Paris vào những năm 1960 làm phép ẩn dụ cho cuộc sống của các nhân vật. Cuộc sống thường nhật của những người phụ nữ được miêu tả trong phim gắn liền với cuộc sống hàng ngày ở thành phố – chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa là những chủ đề chính trong câu chuyện.

- Phê bình sự kiểm soát: Alphaville (Jean-Luc Godard, 1965)
Alphaville là một thành phố thù địch, đen tối và vô nhân đạo nằm trong một tương lai mơ hồ. Trong thành phố này, tất cả các hoạt động xã hội được điều khiển bởi một hệ thống trung tâm, một máy tính có tên Alpha 60, máy tình này xác định và kiểm soát số phận của tất cả cư dân. Cái xã hội đen tối của phim, bị thống trị bởi công nghệ, dường như giống với thực tế của chúng ta – và sự đồng điệu tăng lên khi phim giúp người xem nhớ lại sự phát triển của Alphaville đã thúc đẩy một mô hình đáng nghi ngại về tính đô thị.

- Phê bình môi trường sống hiện đại: My Uncle (Jacques Tati, 1958)
Khi đến thăm gia đình em gái mình, ông Hulot được chào đón vào một ngôi nhà cực kỳ hiện đại, được trang bị cho nhu cầu của cuộc sống tân thời. Không gian hợp lý, tự động hóa cùng nhiều thiết bị và dụng cụ công nghệ tích hợp trong bối cảnh mới này. Trớ trêu thay, nhân vật mất phương hướng của Hulot cố gắng thích nghi với thực tế mới, hứa hẹn sự tiện lợi và thoải mái, nhưng cuối cùng chỉ mang lại cho anh ta những trở ngại và sự phản kháng.

Biên dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Kiến trúc trong phim ảnh: Chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa vị lai và hơn thế nữa
- Tạo hình ảnh bằng Al: Giới hạn của thuật toán và định kiến của con người
- Liệu công nghệ AI có làm lu mờ những kiến trúc sư ‘ngôi sao’?
- Chủ nghĩa đô thị giác quan là gì?
- Cách các yếu tố kiến trúc kể chuyện trên màn ảnh