Đồ án “Bảo tàng Chợ Lớn” đạt giải Ba của Giải thưởng Loa Thành 2022 đã làm sống dậy tinh hoa của Chợ Lớn – một khu chợ xuất hiện cùng với lịch sử phát triển của Sài Gòn. Là một “đứa con của Chợ Lớn”, tác giả thực hiện khao khát đem được cả linh hồn và những thăng trầm của người Hoa nơi Chợ Lớn vào đồ án tốt nghiệp, để đi tìm lại cái “gốc” của mình thông qua công trình Bảo tàng đặt giữa khuôn viên Chợ Lớn hiện tại.
Thông tin Đồ án:
- Tên đồ án: Bảo tàng Chợ Lớn
- Giải thưởng: Giải Ba – Giải thưởng Loa Thành 2022
- Sinh viên thực hiện: Hứa Ngọc Loan
- Giảng viên hướng dẫn: TS.KTS Phạm Phú Cường
- Trường: ĐH Kiến Trúc Tp Hồ Chí Minh
Chợ Lớn xưa kia không chỉ là chốn “ăn chơi” nổi tiếng trong những năm xưa cũ, mà còn được coi là nơi dung dưỡng các nền văn hóa Chăm, Kinh, Hoa,… là nơi hội tụ những con người đến từ những nguồn gốc khác nhau. Nhưng theo dòng lịch sử, con người của Chợ Lớn trưởng thành mà dần quên đi cái nguồn cội của mình. Trên hành trình tìm lại gốc gác bản thân, tác giả đã tạo nên đồ án Bảo tàng Chợ Lớn, cũng chính là nơi lưu trữ và chất liệu để tác giả tìm lại những gì tinh túy nhất nơi Chợ Lớn một thời.

Bối cảnh khu đất
Vị trí khu đất nằm ở Trung tâm Quận 5, có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, là chứng nhân cho sự hình thành và phát triển của Chợ Lớn. Tiếp giáp 2 trục giao thông mang tính lịch sử: trục giao thông đường bộ Trần Hưng Đạo và trục giao thông đường thủy là kênh Tàu Hủ.
Lý do chọn khu đất
Giá trị lịch sử
Khu đất tồn tại và phát triển song hành cùng với lịch sử thăng trầm của Chợ Lớn. Khu đất nằm giữa hai trục đường kết nối quá khứ (trục Đồng Khánh cũ) và kết nối tương lai (trục Đại lộ Đông Tây).
Giá trị công năng
Khu đất có nền là Trung tâm văn hóa quận 5 hiện hữu, mang tính hoa Chợ Lớn khi bao hàm trong nó những công năng cơ bản cấu thành vùng đất như thương mại – dịch vụ, giao lưu văn hóa, ẩm thực,…
Giá trị bối cảnh
Bối cảnh xung quanh đa dạng, nhiều tầng lớp và sắc thái văn hóa khác nhau, mang hồn cốt của Chợ Lớn, mang đậm đà màu sắc Chợ Lớn và tạo điều kiện để hình thành một Chợ Lớn trong lòng Chợ Lớn.

Ý nghĩa đề tài
Để lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống lâu đời của người Hoa, việc ra đời của một Bảo tàng ngay giữa vùng đất Chợ Lớn là một điều vô cũng cần thiết. Từ đây, Bảo tàng Chợ Lớn đóng vai trò như một minh chứng sống giúp gìn giữ những cảm xúc, những giá trị tinh thần vô giá. Bảo tàng Chợ Lớn là một công trình văn hoá, trước hết là để phục vụ cộng đồng dân cư đang sinh sống tại Chợ Lớn, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật mang đậm giá trị truyền thống, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và thêm yêu nguồn gốc văn hóa bản địa, từng bước làm sống lại các hoạt động sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của người Hoa Chợ Lớn. Sau cùng là điểm đến du lịch hấp dẫn cho khách tham quan muốn tìm hiểu và đắm mình vào những thời khắc lịch sử được tái hiện trong bảo tàng.
Bảo tàng Chợ Lớn sẽ khoác cho mình diện mạo mới, trái ngược hoàn toàn với những quan điểm xưa cũ cho rằng bảo tàng là nơi chỉ chứa đựng những thứ cũ kỹ, phai nhạt, lỗi thời đi kèm với việc trưng bày khô khan và kém hấp dẫn. Vậy nên, Bảo tàng Chợ Lớn muốn hướng đến việc khơi dậy sự chủ động tìm hiểu về văn hóa lịch sử Chợ Lớn, tạo không gian trưng bày lôi cuốn, đa dạng về nếp sinh hoạt và hoạt động văn hóa truyền thống của người dân Chợ Lớn từ xưa đến nay, dẫn dắt người tham quan, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chợ Lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trục lễ hội và di sản
Hằng năm vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Tết Trùng Cửu,… các hội quán người Hoa ở khắp Chợ Lớn đều tổ chức các buổi lễ hội trình diễn Lân Sư Rồng và nhiều hoạt động, sự kiện khác. Hội quán có sân trong thì tổ chức tại sân trong, còn không có thì tổ chức ở vị trí đất trống ngoài khuôn viên. Hạng mục tổ chức biểu diễn tương đối giống nhau, tuy nhiên trình diễn Lân Sư Rồng thì mỗi nơi đều được quy tụ thành từng cụm riêng lẻ, mang màu sắc riêng của từng bang hội.
Điều đặc biệt là sau khi hoàn thành phần “hội” ở các hội quán, những đoàn Lân Sư Rồng này lại tiếp tục trình diễn phần diễu hành trên phố dọc theo tuyến đường Trần Hưng Đạo sau đó hội tụ về Bảo Tàng Chợ Lớn. Tại đây những tinh hoa đặc sắc nhất của từng bang hội có dịp được trổ tài khoe sắc trong một đêm hội lớn nhất.

Nội dung trưng bày
Giá trị của Bảo tàng Chợ Lớn không phải chỉ ở hình thức bên ngoài mà nó còn là cả không gian ký ức mang đến cho khách tham quan.

Ý tưởng thiết kế “Cân bằng”
Triết lý Á đông quan niệm mọi sự vật, hiện tượng luôn có hai mặt mâu thuẫn và thống nhất, hỗ trợ và ức chế lẫn nhau để tồn tại, đó là SỰ CÂN BẰNG.
Cân bằng trong tự nhiên
“Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất, “có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.
Cân bằng trong kiến trúc
Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.
– Vạn vật có xuất phát điểm từ tự nhiên. Trải qua sự khắc nghiệt, vạn vật ấy dần góp phần nuôi dưỡng sự sống của nhân loại.
– Con người là sản phẩm của tự nhiên, cho nên mọi sinh tồn và hoạt động của con người chỉ có thể hấp thụ trong tự nhiên.
– Công trình cũng như một cơ thể sống, chúng ta cần cân bằng ra sao, thì kiến trúc cũng như vậy. Con người cần cân bằng, kiến trúc cũng tương tự.


Chiến lược thiết kế


Cân bằng trong “Bảo tàng Chợ Lớn”
Một công trình kiến trúc cũng như một cơ thể sống, cũng có linh hồn, mang lại những cảm xúc, giá trị về tinh thần cho người sử dụng. Những giá trị về văn hóa truyền thống, lịch sử, thẩm mỹ, những giá trị về tinh thần mà công trình truyền tải chính là linh hồn của kiến trúc ở Bảo tàng Chợ Lớn.























Xem đầy đủ hình ảnh đồ án tại đây:





















































Biên tập: Nguyễn Vũ Hà
“ĐỒ ÁN SINH VIÊN TIÊU BIỂU” – Chuyên mục giới thiệu, chia sẻ những đồ án tốt nghiệp xuất sắc, đạt giải thưởng của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về Kiến trúc – Xây dựng. Kienviet.net mong muốn lan tỏa những ý tưởng thiết kế sáng tạo, đầy tâm huyết của các bạn sinh viên tới đông đảo cộng đồng Kiến trúc nhằm cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng cũng như tiếp lửa nghề cho thế hệ kiến trúc sư, nhà thiết kế trẻ tương lai. Bạn có thể gửi thông tin đồ án về email: noidung@kienviet.net hoặc inbox fanpage: https://www.facebook.com/kientrucviet |
XEM THÊM:
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Thiết kế kiến trúc cảnh quan phân khu trung tâm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Trung tâm trưng bày dấu tích tự nhiên sau ảnh hưởng mực nước biển dâng mũi Cà Mau
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Thiết kế kiến trúc cảnh quan “Công viên rừng ngập mặn, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”