Với định hướng trở thành một “Công viên rừng ngập mặn” trong tương lai, đồ án “Thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên rừng ngập mặn” được hình thành với phương châm bảo vệ và khôi phục lại những không gian rừng ngập mặn trên khu vực địa bàn thành phố, đồng thời tận dụng lợi thế từ vị trí địa lí (giáp với tuyến QL 55 và QL 51) để hình thành thiết kế nên những không gian mở mang tính giáo dục không chỉ dành cho người dân địa phương mà còn phù hợp với đa dạng đối tượng sử dụng.
Thông tin đồ án:
- Tên đồ án: Thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên rừng ngập mặn phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa
- Giải thưởng: Giải nhất – Đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kiến trúc Cảnh quan 2022
- Sinh viên thực hiện: Trương Yến Nhi
- Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Dương Cẩm Ly
- Trường: Đại học Kiến trúc TP. HCM
- Vị trí xây dựng: phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Khu vực nghiên cứu thuộc phường Phước Hưng, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Bà Rịa, diện tích các khoảng rừng ngập mặn đang dần bị thu hẹp một cách mất kiểm soát bởi tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng.
Mục tiêu chính của đồ án chính là việc khôi phục hệ sinh thái ngập mặn trên địa bàn khu đất. Thông qua cảm nhận cá nhân về những nét đẹp vô giá mà hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại, đó chính là nguồn cảm hứng chính để thiết kế nên đồ án này. Công viên rừng ngập mặn phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa được thiết kế với giá trị cốt lõi là có thể khôi phục lại chuỗi thức ăn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ đó trở thành nền tảng có thể tạo nên một môi trường sống tốt, thu hút các loài sinh vật ngập mặn và tạo điều kiện tối ưu giúp cho hệ thực vật ngập mặn sinh trưởng và phát triển tốt.

Với việc tôn vinh các giá trị văn hóa và các ngành nghề truyền thống đặc trưng ở Bà Rịa, đặc biệt là nghề làm muối và canh tác nông nghiệp, đồ án thiết kế công viên rừng ngập mặn hướng đến việc tạo ra các không gian mở để có thể đem lại đa dạng các điểm – tuyến quan sát tuyệt vời về khung cảnh cánh đồng muối, cánh đồng lúa, cũng như những hình ảnh về nét đẹp lao động của người dân bản địa.

Bên cạnh đó, đồ án thiết kế nhằm hướng đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sự nhiễm mặn dần của đất dẫn đến việc hạn chế sử dụng các giống cây cho công viên cũng như việc canh tác nông nghiệp trên khu đất. Bằng các phương pháp tiên tiến, công viên được thiết kế và tổ chức sử dụng nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời) để đồng thời vừa có thể lọc nước nhiễm mặn tạo thành nguồn nước sạch dự trữ cho việc tưới tiêu trong công viên và canh tác; vừa có thể đẩy nhanh quá trình tách nước mặn thành muối thông qua nhiệt năng và cũng có thể tạo ra điện năng sử dụng cho công viên. Không những thế, đồ án còn được thiết kế các hệ thống dự trữ nước mưa trong công viên để tận dụng nguồn nước ngọt tự nhiên vào mùa mưa kết hợp với việc đề xuất trồng các loại cây có thể chịu được mặn và đồng thời làm giảm độ mặn của đất.

Xen đầy đủ hình ảnh đồ án tại đây:




Biên tập: Phương Thảo
“ĐỒ ÁN SINH VIÊN TIÊU BIỂU” – Chuyên mục giới thiệu, chia sẻ những đồ án tốt nghiệp xuất sắc, đạt giải thưởng của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về Kiến trúc – Xây dựng. Kienviet.net mong muốn lan tỏa những ý tưởng thiết kế sáng tạo, đầy tâm huyết của các bạn sinh viên tới đông đảo cộng đồng Kiến trúc nhằm cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng cũng như tiếp lửa nghề cho thế hệ kiến trúc sư, nhà thiết kế trẻ tương lai. Bạn có thể gửi thông tin đồ án về email: noidung@kienviet.net hoặc inbox fanpage: https://www.facebook.com/kientrucviet |
XEM THÊM:
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ
- Đồ án sinh viên tiêu biểu: Thiết kế kiến trúc cảnh quan phân khu trung tâm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
- Lễ Công bố và trao giải Cuộc thi tuyển Phương án Kiến trúc công trình đa chức năng POSTEF
- Công bố Hội đồng Giám khảo giải thưởng “Đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành kiến trúc cảnh quan” năm 2022
- Sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội giành giải Ba cuộc thi kiến trúc quốc tế AIAC 2022