Với sự bùng nổ về công nghệ tạo hình ảnh bằng AI những năm gần đây, thì kết quả mà những công cụ này tạo ra cũng dấy lên rất nhiều tranh cãi. Cụ thể xoay quanh các giới hạn của thuật toán trong công cụ cũng như cái nhìn định kiến của con người với thế giới.

Năm 2022 là năm của các công cụ tạo hình ảnh bằng AI. Trong vài năm qua, các hệ thống ‘machine learning’ này đã được tinh chỉnh và hoàn thiện, trải qua nhiều lần lặp lại để đạt được mức độ phổ biến hiện tại với người dùng internet. Trong số đó, nổi bật lên là các công cụ DALL-E và Midjourney. Những công cụ tạo hình ảnh này tạo ra hình ảnh từ nhiều mô tả khác nhau dưới dạng văn bản, chẳng hạn như cho phép mọi người tạo ra các phiên bản khái niệm về kiến trúc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng khi chúng ta tồn tại trong môi trường số hóa chứa đầy những thành kiến của con người thì việc điều hướng các công cụ tạo hình ảnh này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Midjourney là một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) đặc biệt thú vị, được các nghệ sĩ cũng như nhà thiết kế ưa chuộng nhờ những hình ảnh giàu trí tưởng tượng, giống như tranh vẽ được tạo ra từ những mô tả văn bản tối thiểu. Nhưng kết quả nhận được bằng công cụ này cũng đặt ra những câu hỏi phức tạp xung quanh việc thiết kế và tạo hình ảnh, những câu hỏi được đặt lên hàng đầu khi tạo hình ảnh từ các dòng mô tả như “kiến trúc châu Phi”.
Bản thân thuật ngữ “kiến trúc châu Phi” đã khá gây tranh cãi – một lục địa gồm các quốc gia có các phương thức thực hành kiến trúc riêng biệt. Các cuộc tranh luận trước đây đã và đang tiếp tục diễn ra về tính hữu ích của một số vùng địa lý được gán nhãn chẳng hạn như “châu Phi cận Sahara”, và vô số cuộc trò chuyện đã diễn ra về việc đóng khung có hại, nhìn lục địa châu Phi như một thể quốc gia đơn lẻ.

Đồng thời, lịch sử của chủ nghĩa thực dân châu Âu trên lục địa này đã dẫn đến việc các khối quốc gia châu Phi chia sẻ cơ sở hạ tầng thuộc địa và hậu thuộc địa tương tự nhau, đôi khi đòi hỏi phải nhóm các quốc gia châu Phi được chọn theo một phân loại chung – chẳng hạn như các điểm tương đồng được tìm thấy trong cấu trúc của Chủ nghĩa Hiện đại Khí hậu Nhiệt đới thời thuộc địa và thời kỳ độc lập ở Ghana và Nigeria.
Trên Midjourney, nếu gõ vào dòng mô tả “Kiến trúc châu Phi” thì công cụ sẽ tạo ra hình ảnh có hình dạng giống như túp lều, phía trên là những thứ trông giống như mái tranh trong một bối cảnh trông như ở vùng nông thôn. Nếu dùng đoạn mô tả “kiến trúc bản địa ở Châu Phi” thì công cụ sẽ tạo ra những hình ảnh tương tự về bản chất, những tòa nhà dạng túp lều với những cây keo ở hậu cảnh và nền đất màu nâu đỏ ở tiền cảnh. Những hình thức này rõ ràng là phổ biến trên khắp lục địa Phi – từ các ví dụ về kiến trúc truyền thống Sukuma được tìm thấy trong Bảo tàng Bujora ở thành phố Mwanza của Tanzania cho đến những túp lều rondavel được tìm thấy trên khắp Nam Phi.


Việc tạo ra những loại hình ảnh này bằng một số mô tả cụ thể, phản ánh các vấn đề lớn hơn về cách mà mọi người hiểu về châu Phi trên internet. Bắt nguồn từ việc thiếu quyền truy cập vào nội dung bằng nhiều ngôn ngữ Phi khác nhau cho đến vấn đề lớn hơn là các câu chuyện về lục địa Phi bị giản lược trên mạng internet. Các công cụ tạo hình ảnh không khắc họa được rõ nét các sắc thái trong các sản phẩm “kiến trúc châu Phi”. Để so sánh, cụm từ “Kiến trúc châu Âu” đã mô tả những thứ như là những đường phố tráng lệ, có thể phù hợp với Brussels hay Paris, nhưng một lần nữa, nó thiếu sự đa dạng, vì mô hình này né tránh các tòa nhà theo trường phái Hiện đại và phản hồi lại bằng các hình thức kiến trúc phù hợp với khuôn mẫu của chủ nghĩa tân cổ điển.


Các thuật toán nghệ thuật sáng tạo AI thường hoạt động bằng cách vẽ dựa trên các ngân hàng hình ảnh rộng lớn của một chủ đề cụ thể nhằm huấn luyện các mô hình AI. Đối với Midjourney, bộ dữ liệu công khai được sử dụng để tạo ra kết quả từ các dòng mô tả bằng văn bản và theo lẽ tự nhiên, tồn tại định kiến hiện diện trong các hình ảnh có sẵn công khai và cách mà những hình ảnh này được phân loại sẽ được tiếp nhận vào các mô hình đào tạo về hình ảnh này tạo ra.
Các hình ảnh “kiến trúc châu Phi” và “kiến trúc bản địa ở châu Phi” do AI tạo ra rất có thể là kết quả của việc chú thích được đơn giản hóa quá mức cho các hình ảnh về kiến trúc châu Phi trên mạng, chưa kể đến việc kết quả trực quan của “kiến trúc châu Phi” vẫn rất một chiều khi người dùng nhập dòng văn bản đó vào một công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Tất nhiên, người ta có thể tùy chọn nhập lời nhắc văn bản cụ thể hơn vào AI thay vì chung chung như “kiến trúc châu Phi” hoặc “kiến trúc châu Âu”. Ví dụ: khi nhập dòng nhắc “kiến trúc của Nairobi vào những năm 2050” sẽ trả về hình ảnh các đại lộ có các tòa nhà chọc trời ở thủ đô Kenya xen kẽ với cây xanh của Công viên Uhuru, với các hình dạng mờ ảo gợi nhớ đến Tháp Teleposta và Tháp Thời đại ở hậu cảnh. Nhưng việc sử dụng những gợi ý cụ thể hơn này vẫn có nghĩa là hình ảnh được tạo ra từ những gợi ý có phạm vi rộng hơn theo kiểu “Kiến trúc châu Phi” phải chịu những mô tả quá chung chung, điều này một lần nữa củng cố sự lặp lại kịch bản rút gọn những hiểu biết trực quan về kiến trúc châu Phi.


Người ta đã nói nhiều về loại kiến thức nào sẽ chiếm ưu thế trong machine learning và có bao nhiêu thuật toán không thể hiện chính xác bối cảnh toàn cầu mà chúng ta đang sống. Trong những buổi đầu sơ khai của các công cụ tạo hình ảnh AI, với tư cách là nhà thiết kế, nghệ sĩ và những người có sở thích riêng thì việc tiếp tục khám phá và thử nghiệm các khái niệm sáng tạo thông qua các chương trình sẽ rất hữu ích nếu bạn cân nhắc xem những hình ảnh suy đoán này, cuối cùng có thể củng cố bao nhiêu cho những hình ảnh khuôn mẫu mà thế giới sẽ đổi thay.
Xem đầy đủ hình ảnh trong bài tại đây:













Biên dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Chủ nghĩa Brutalism là gì? Tại sao Brutalism quay trở lại?
- Foster + Partners không đồng tình với báo cáo khí hậu của RIBA vì “sai lệch” so với hiệp ước toàn cầu
- Nhà ở công nhân và nhà giá rẻ Pháp trước năm 2000
- Hệ thống ngôi sao(*) và sự phân biệt giới tính ở các cặp đôi kiến trúc nhìn từ lịch sử
- Cần hiểu đúng về kiến trúc bản địa