Thiết kế phổ quát mang đến một góc nhìn rộng hơn cho kiến trúc, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội và không gian như nhau mà không cần có sự điều chỉnh thích ứng, những ngoại lệ hay các lộ trình khác nhau.

Khái niệm này được tạo ra bởi kiến trúc sư người Mỹ Ron Mace vào những năm 1980. Thiết kế phổ quát liên quan đến nhận thức về các dự án và môi trường sống, xem xét khả năng sử dụng công trình bởi các nhóm người dùng khác nhau về độ tuổi, giới tính, những người bị hạn chế ngôn ngữ, người khuyết tật.
Thiết kế phổ quát là một khái niệm đề xuất việc tạo ra các không gian với mục đích sử dụng có tính dân chủ, đảm bảo các điều kiện bình đẳng về chất lượng dịch vụ. Mục tiêu chính của thiết kế phổ quát là cho phép con người sử dụng các chức năng ở mức tối đa có thể mà không cần sự thích ứng. Khái niệm này áp dụng cho kiến trúc và các lĩnh vực thiết kế khác. Thiết kế phổ quát phục vụ mọi người dựa trên đặc điểm, độ tuổi và khả năng riêng biệt của họ.

Các nguyên tắc thiết kế truyền thống thường nhằm đảm bảo điều kiện sử dụng cho các nhóm người sử dụng khác nhau. Thiết kế phổ quát mang đến một góc nhìn rộng hơn cho kiến trúc, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội và không gian như nhau mà không cần có sự điều chỉnh thích ứng, những ngoại lệ hay các lộ trình khác nhau.

Ron Mace và một nhóm kiến trúc sư nghiên cứu chủ đề này đã xác định 7 nguyên tắc để hướng dẫn và giúp hiểu rõ hơn về Thiết kế phổ quát. Đầu tiên, một dự án, một sản phẩm hoặc đối tượng của thiết kế phổ quát phải bình đẳng, nghĩa là đảm bảo việc sử dụng của con người với các kỹ năng khác nhau, chẳng hạn như cửa trượt mở tự động thông qua cảm biến. Thứ hai, thiết kế phải cung cấp tính linh hoạt trong sử dụng, đáp ứng các khả năng khác nhau và cho phép mọi người lựa chọn cách tốt nhất để sử dụng nó.

Nguyên tắc thứ ba là sử dụng đơn giản và trực quan, có nghĩa là dễ hiểu, bất kể kinh nghiệm hoặc kỹ năng ngôn ngữ của mỗi người là như thế nào. Thứ tư: thiết kế phổ quát phải dễ hiểu và phải có khả năng giao tiếp, thông báo và hướng dẫn cho bất kỳ ai. Nguyên tắc thứ năm quy định rằng các dự án hoặc sản phẩm có khả năng chịu lỗi, giảm nhẹ hậu quả và bảo vệ con người. Nguyên tắc thứ sáu đề cập đến nhu cầu nỗ lực thể chất ở mức thấp. Điều cuối cùng là đảm bảo phạm vi truy cập, sử dụng và thao tác của không gian và đối tượng, luôn cân nhắc đến các nhóm người hiện hữu khác nhau.
Đối với kiến trúc, điều này có nghĩa là thiết kế những không gian phù hợp với trẻ em, người trưởng thành và người già, với đầy đủ sự đa dạng về ngoại hình và điều kiện nhận thức hay khả năng vận động. Bên cạnh các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận, kiến trúc có thể tận dụng lợi thế của các đường dốc làm lối đi mang tính kiến trúc, hoặc thậm chí sử dụng hệ thống tìm đường như một công cụ, tư duy về chất liệu, màu sắc và vật liệu là các yếu tố kiến tạo quan trọng không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn trong giao tiếp và khích lệ.

Thiết kế phổ quát được hướng dẫn không chỉ như một phụ lục cho việc sử dụng tiêu chuẩn mà còn chuyển đổi chính tiêu chuẩn đó, đảm bảo việc sử dụng rộng rãi bởi tất cả các nhóm, với mọi mô tả khác nhau, mang lại khả năng tiếp cận như một công cụ không thể thay đổi. Gần 40 năm sau khi nó được tạo ra, chúng ta vẫn có thể thêm các hướng dẫn mới để thảo luận về tính phổ quát này, chẳng hạn như sự hòa nhập kinh tế xã hội, chủng tộc hoặc giới tính. Một trong những thách thức ngày nay trong kiến trúc là hiểu cách thiết kế đa dạng và cho nhiều đối tượng hơn.
Biên dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Kiến trúc thế giới năm 2022 đã cho thấy những thay đổi bước ngoặt
- Chủ nghĩa đô thị giác quan là gì?
- Câu chuyện về bản Quy hoạch Skopje của Kenzo Tange năm 1965 và những cuộc chuyển giao trong Kiến trúc
- Đọc kiến trúc như đọc một quyển sách
- Nghệ thuật sắp đặt là gì và nó đã thay đổi nhận thức của chúng ta như thế nào?