Đầu Xuân Quý Mão, Kiến Việt đã có buổi trò chuyện với KTS Nguyễn Huy Khanh – một trong những KTS đã có nhiều cống hiến phát triển nền kiến trúc Việt Nam. Anh đã có những chia sẻ về chặng đường hành nghề và quan điểm thiết kế của mình. Kính mời độc giả cùng đón đọc!
Vũ Hiệp: Lý do gì khiến anh đến với nghề kiến trúc sư?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Hết sức ngẫu nhiên, bố tôi là một kiến trúc sư, ông có một thư viện cá nhân rất nhiều sách, trong đó có nhiều sách về kiến trúc. Thời đó sách rất đắt và quý, bố tôi đã bỏ ra nhất nhiều công để mang từ nước ngoài về cũng như sưu tầm từ nhà sách Ngoại văn. Tôi chọn nghề kiến trúc chỉ bởi vì tôi thấy tiếc số sách đó, muốn sử dụng lại.
Do cả hai bố mẹ đều là cán bộ thiết kế của VNCC, tôi đã được tiếp xúc với các bản vẽ thiết kế từ rất sớm. Bố mẹ tôi lúc đầu không muốn tôi theo nghề vì thời đó thiết kế là một nghề rất vất vả.
Tôi còn nhớ vào khoảng những năm cuối của thập kỷ 80, khi còn đi học, tôi được chứng kiến ở nơi tôi ở – khu tập thể B20 Kim Liên cho cán bộ Viện thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng – tiền thân của VNCC đêm nào cũng đỏ đèn đến rạng sáng. Lý do chính là nhận làm thêm việc “ngoài” để kiếm sống.
Vũ Hiệp: Là một kiến trúc sư bắt đầu hành nghề vào lúc giao thời, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, anh có gặp nhiều khó khăn không?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Khi tôi bắt đầu làm việc ở VNCC – năm 1993, lề lối lúc này vẫn còn ảnh hưởng phần nào theo kiểu bao cấp, tức là công việc được trên giao, các cơ quan có dự án đến “mời”, thậm chí cán bộ quản lý xây dựng các địa phương “phải” đến tận Viện tôi để “nhờ” và mời về tỉnh họ để thiết kế các công trình ở đó. Vì thế mà thời trước làm KTS rất “oai”. Tôi được các chú bác KTS kể lại là trước đó lúc kinh tế nước ta rất khó khăn, nhiều khi thù lao thiết kế được trả bằng hàng hóa, sản phẩm địa phương.
Cùng lúc đó, các KTS và KS chủ trì bắt đầu phải chủ động đi tìm các nguồn việc và nhận cả thiết kế lẫn thi công. Thời gian ấy, không có nhiều cơ quan có đủ điều kiện pháp nhân về tư vấn thiết kế, nên kiến trúc sư nào chủ động kiếm được việc thì để nâng cao hiệu quả thường đem “gửi dấu” ở một số công ty bên ngoài. Ở Hà Nội thì các địa chỉ quen thuộc của anh em KTS đặc biệt là người trẻ thường là công ty tư vấn thiết kế của Hội KTS chỗ chú Hoàng Nghĩa Sang, chú Vũ Bình. Có một khẩu ngữ hay dùng cho việc này là “đánh quả”.
Vũ Hiệp: Anh có nhớ khi nào thì các công ty tư vấn thiết kế tư nhân xuất hiện?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Từ khi Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty năm 1990 ra đời đã khai thông những bất cập của nền kinh tế trước đó. Vào thời kỳ đầu, các công ty tư vấn tư nhân nổi tiếng thời đó là công ty ADC (KTS Hoàng Phúc Thắng) hay SENA (KTS Nguyễn Anh Tuấn) có thể coi là những công ty tư vấn thiết kế tư nhân tiên phong. Sau này thì số lượng công ty tư vấn tư nhân ngày càng đông, đặc biệt sau luật Doanh nghiệp 2005 điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân được cởi trói nhiều hơn, thì các công tư tư vấn tư nhân nhiều như “sao trời” không đếm kịp (cười).
Vũ Hiệp: Theo anh, cách hành nghề thời mở cửa có tốt hơn thời bao cấp không?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Chắc chắn là mở cửa thì sẽ tốt hơn rồi, không tốt hơn thì người ta đã không làm. Tuy nhiên, nếu chỉ bàn tập trung về góc độ chuyên môn thì mỗi thời đều có ưu nhược điểm. Thời bao cấp, tuy công trình không nhiều, thù lao thấp nhưng chất lượng công việc rất “chuẩn chỉ”. Cơ cấu tổ chức chuyên môn của cơ quan được sắp xếp chặt chẽ theo hệ thống tầng bậc, việc đào tạo nội bộ được chú trọng, kiến trúc sư trẻ được các thế hệ “đàn anh” truyền nghề cẩn thận, tay nghề đi lên từng bước chắc chắn. Còn cơ chế thị trường giúp kiến trúc sư tuy có nhiều hợp đồng hơn, chủ động hơn, có điều kiện sáng tạo hơn, nhưng chất lượng thiết kế lại không còn được kiểm soát chặt chẽ. Các công ty tư nhân không quan tâm nhiều hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện đào tạo nội bộ. Không ít trường hợp, KTS dù còn non về chuyên môn cũng như kinh nghiệm nhưng đã được làm chủ nhiệm dự án, làm giám đốc, vì là “sân sau” của một “ai đó”.
Vũ Hiệp: Chất lượng thiết kế kỹ thuật của kiến trúc sư Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và bất cập, làm cho không ít các chủ đầu tư cao cấp “phàn nàn”, nhiều chủ đầu tư chỉ tin tưởng kiến trúc sư nước ngoài. Là một người đồng chủ nhiệm nhiều dự án trọng điểm quốc gia cùng với đơn vị tư vấn nước ngoài, anh suy nghĩ thế nào về thực trạng này?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Năm 2004, khi được VNCC cử làm chủ nhiệm thiết kế kiến trúc cùng với chuyên gia của GMP – CHLB Đức để triển khai thiết kế Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tôi đã may mắn có cơ hội tuyệt vời để học hỏi kinh nghiệm làm việc của KTS người Đức, đặc biệt là cách quản lý dự án và cách triển khai thiết kế thi công. Vào thời điểm đó, buổi sáng tôi được chuyên gia Đức hướng dẫn, buổi chiều về cơ quan truyền đạt lại cho anh em KTS trẻ ở VNCC, vừa học-vừa dạy-vừa làm. Dù không vui nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng cách đào tạo kiến trúc sư của chúng ta là rất thiếu thực tế, không chú trọng đến việc tìm hiểu bản chất của cấu tạo kiến trúc, không nắm bắt được nguyên lý làm việc của các bộ phận công trình và trang thiết bị kỹ thuật. Kiến trúc sư trẻ của ta phần lớn là chưa làm thợ mà đã muốn làm “sư”-“thầy”. Điều cần thiết nhất đối với hoạt động kiến trúc hiện nay ở nước ta theo tôi là các anh em kiến trúc sư phải nhận thức sâu sắc rằng chúng ta quay lại để biết “cách xây một viên gạch cho vuông vắn”.

Vũ Hiệp: Hình như rất nhiều kiến trúc sư Việt Nam hiện nay, thậm chí có cả những “ngôi sao” đang tỏa sáng, cho rằng điều quan trọng nhất phải là “concept”?
KTS Nguyễn Huy Khanh: “Concept” là rất quan trọng, giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên giống như một gia đình, cha mẹ không chỉ truyền mã gen ADN “đẹp trai-xinh gái” cho con cái, mà còn phải nuôi nấng và dạy dỗ nên người trưởng thành có ích cho xã hội. Đối với công trình kiến trúc cũng vậy, tác giả – chủ nhiệm thiết kế phải có trách nhiệm đến cùng với tác phẩm, phải chăm lo từng chi tiết công trình, từng cấu tạo. Khi bàn về “ý tưởng” thì khách hàng sẽ có một đánh giá tùy theo sở thích, hay thị hiếu thẩm mỹ, nhưng khi nhìn vào “chi tiết” thì họ biết ngay KTS nào có đẳng cấp, có tính chuyên nghiệp – làm việc nghiêm túc hay không?! Để dễ hiểu hơn có thể lấy ví dụ về đường chỉ may trên một bộ trang phục sẽ cho thấy đẳng cấp của hãng thời trang. Khi học quản lý dự án ở Anh về, tôi được dạy rằng phải làm thế nào để 70% hợp đồng mới đến từ khách hàng cũ. Đừng để chủ đầu tư cầm búa đập phá các chi tiết công trình mà tư vấn không hiểu lý do tại sao ?!
Vũ Hiệp: Tôi cũng đã đến tận nơi ngắm nhìn một số công trình đạt giải kiến trúc trong và ngoài nước, quả thực nhìn tổng thể thì tốt nhưng đi vào chi tiết có rất nhiều thứ “gai mắt”. Có lẽ các cuộc thi – giải thưởng hiện nay không chú ý nhiều lắm đến chi tiết thì phải?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Có một hiện tượng đáng suy nghĩ là hiện nay đang có xu hướng “nhiếp ảnh hóa kiến trúc”, và nó đã và đang trở thành “trào lưu” đặc biệt của lứa các kiến trúc sư trẻ. Ban Giám khảo của các giải thưởng trong hay ngoài nước cũng đều có hạn chế giống nhau, đó là không có điều kiện đến tham quan thực tế công trình. Quan sát và xem xét các hồ sơ tham dự cuộc thi-giải thưởng về kiến trúc 5 năm trở lại đây, quả thực tôi không thoải mái với những hồ sơ dự thi tập trung quá nhiều cho việc chụp ảnh, rất nhiều góc ảnh chắc chắn phải được sắp đặt rất công phu cùng việc chế bản, in ấn ở dạng album ảnh rất cầu kỳ tốn kém. Các hồ sơ này được đầu tư để “cường điệu” giá trị cho công trình, và như thế có thể tạo ra “áp lực” thị cảm tới hội đồng giám khảo. Tất nhiên công trình đó trên thực tế sẽ không được như vậy, mấy ai có thể đứng ở những góc chụp đó để ngắm công trình, cũng nhưng thay đổi được lens của mắt như ống kính máy ảnh (cười). Nên chăng kiến trúc sư (người dự thi) cần thay đổi cách làm này? Hãy để công trình trên thực tế gần nhất với những gì mà ban giám khảo và cả khách hàng đã hình dung qua các phối cảnh và các bức ảnh chụp như vậy mới bền vững trong lòng người xem.
Vũ Hiệp: Thôi, nói chuyện cá nhân anh nhé. Tại sao đang làm Phó Tổng giám đốc VNCC ở độ tuổi phù hợp quy hoạch cán bộ, có nhiều cơ hội thăng tiến, anh lại quyết định từ nhiệm và chỉ làm chuyên môn?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Thực ra, nói về cơ hội thăng tiến thì tôi lại là người ít quan tâm. Nhưng nếu bàn về chức vụ về chuyên môn thì khi tôi được làm Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn của VNCC thì tôi đã có vị trí rồi. Từ hồi còn trẻ, tôi đã có thói quen lên kế hoạch cho cuộc sống, và khi tự thấy mình đã đạt được mục tiêu theo đúng như kế hoạch đã đề ra như: vị trí xã hội (thực ra là vượt xa), trách nhiệm với con cái-gia đình, tích lũy tài chính thì là đến lúc mình phải sống cho riêng mình. Giờ đây, tôi muốn làm chuyên môn kiến trúc theo cách mà tôi thích: thiết kế những dự án mà mình thấy thú vị, chia sẻ kinh nghiệm cho anh em trẻ, rồi gặp vấn đề nào đó trong kiến trúc hay hoặc chưa hay mình cũng đưa ra “phê-bình-luận” đôi chút.
Vũ Hiệp: Có phải sau khi làm chủ nhiệm những công trình phức tạp nhất như Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia rồi thì anh cảm nhận thấy “đỉnh cao” của nghề kiến trúc và tìm một con đường khác?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Tôi tự biết sở trường sở đoản của mình. Với nghề kiến trúc, tôi nhận thấy năng lực của mình thiên về phương pháp hơn là về tạo hình, vậy nên khi sở trường của mình có vẻ đã đạt đến “đỉnh” như anh nói, khi mà từng được tham gia 6 công trình trọng điểm quốc gia có độ phức tạp và yêu cầu hoàn thiện về mặt kỹ-mỹ thuật cao nhất (tới thời điểm này), thì mình nên tìm hướng khác để không bị “ngủ quên” trên chiếc ghế của mình.
Vũ Hiệp: Một số anh em trong giới kiến trúc sư hay nói đùa anh là “lưỡng quốc thiết kế Nhà Quốc hội”, là đồng chủ nhiệm thiết kế Nhà quốc hội Việt Nam và Lào. Anh có cho rằng đó là một định mệnh?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Năm 1996, sau khi học ở Anh về, tôi đã có ý định rời cơ quan. Đúng lúc đó, tôi được anh Bí thư Đoàn thanh niên giới thiệu tham gia khoa đào tạo về ISO và đi thực tế ở Bangladesh theo tài trợ của Trung tâm Năng suất Nhật Bản. Khi đứng trước Nhà Quốc hội Bangladesh do Ngài thiết kế, tôi chợt thấy rùng mình, cùng với xúc động không thể nào tả nổi. Khoảnh khắc ấy tôi đã tâm niệm rằng: nếu Việt Nam xây Nhà Quốc hội thì mình ít nhất phải là một người công nhân xây dựng ở đó. Định mệnh đã cho tôi được “gặp” Ngài.
Vũ Hiệp: Là KTS Louis Kahn nhỉ?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Không, “Ngài”!
Vũ Hiệp: Và anh quyết định ở lại VNCC, điều này có liên quan gì đến chuyến đi đó?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Đúng vậy, ngay sau đó trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ rằng nếu Việt Nam sau này có xây Nhà Quốc hội thì VNCC chắc chắn là đơn vị đầu tiên được Bộ Xây Dựng đưa vào danh sách lựa chọn. Do đó, muốn được tham gia xây dựng Nhà Quốc Hội thì ở lại VNCC sẽ là có cơ hội cao nhất, mặc dù rất mơ hồ.
Năm 2004, khi có dự án Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mặc dù không phải cán bộ được lựa chọn ngay từ ban đầu, nhưng qua vòng thi tuyển nội bộ thế nào mình lại được Ban Giám đốc chọn để làm việc với tư vấn nước ngoài là GMP. Và chắc là do thấy mình cũng là người làm được việc, nên đến khi triển khai thiết kế Nhà quốc hội năm 2009, chủ nhiệm dự án phía Đức đã đề xuất để cho tôi làm chủ nhiệm thiết kế phía Việt Nam.
Rồi đến năm 2017, khi các bạn Lào đã có thiết kế ý tưởng Nhà Quốc hội Lào, do kinh nghiệm thiết kế đã có cùng những khó khăn về tiến độ triển khai và phải hoàn thành của dự án, tôi lại được cử theo đoàn công tác của Bộ Xây dựng sang Lào sau đó về được giao làm chủ nhiệm dự án, và có được ghi tên trong Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi do Bộ trưởng Bộ Xây dựng lúc đó là Ông Phạm Hồng Hà ký hẳn hoi (cười). Thực tế là có vài người vinh dự được tham gia cả hai dự án Nhà Quốc Hội của hai nước – hay “lưỡng quốc” như anh nói, nhưng ở các vai trò vị trí khác nhau.

Vũ Hiệp: Như vậy phương pháp tư duy, sự thấu hiểu kỹ thuật, năng lực tổ chức và cả định mệnh đã tạo nên “Lưỡng quốc Nhà Quốc hội”. Với những vinh dự chuyên môn đã đạt như vậy nhưng liệu anh có tiếc nuối gì với những công trình mình đã thực hiện?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Công trình mà tôi tiếc nuối nhất lại chính là Trụ sở của VNCC, lại chính là cơ quan mình. Tôi đã đưa ra một phương án ý tưởng kết hợp kết cấu-kiến trúc là một với nguyên lý chịu lực mới và ấn tượng, để dễ hình dung thì giống như một chiếc ghế có ba chân. Với giải pháp này có thể giải phóng toàn bộ mặt đất và khoảng không phía dưới công trình để làm cảnh quan-sân vườn và tạo ra các không gian làm việc linh động chuyển dịch giữa trong và ngoài do việc bố trí các khu vườn babylon trên cao. Tiếc rằng, do hạn chế về tài chính cùng năng lực tính toán kết cấu nên ý tưởng công trình đã bị biến đổi khá nhiều so với ban đầu.

Vũ Hiệp: Giờ đây, khi đã lựa chọn hướng đi mới, anh có còn lên kế hoạch cuộc sống và công việc như trước đây không?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Hiện tại, tôi không còn nghĩ về “hướng đi”. Chỉ mong là được bỏ bớt những gánh nặng ngoài chuyên môn để tập trung hơn cho nghề nghiệp của mình. Hiện tại, tôi đang tận hưởng cuộc sống. Tôi đang sống cho bản thân và tôi thấy mình hạnh phúc.
Vũ Hiệp: Đối với một kiến trúc sư “lăn lộn” hành nghề như anh, “tận hưởng cuộc sống” chắc chắn là đang thiết kế một công trình ưa thích. Đúng không ạ?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Thực hành thiết kế đem lại cho KTS nhiều niềm vui, đặc biệt là khi được thiết kế chính ngôi nhà của mình. Tôi vừa hoàn thành xong ngôi nhà của tôi trong Hội An. Tôi đặt tên là An House vì mong muốn ngôi nhà này là chỗ bình yên cho thời gian sau này của mình, kiểu như một nhà dưỡng lão (cười).
Tôi luôn cho rằng mỗi ngôi nhà hay công trình đều có đời sống riêng của nó, và vì vậy nó cũng cần gia nhập cộng đồng xung quanh như chính người chủ nhân. Vì suy nghĩ đó, tôi đã chọn cho vẻ bề ngoài của ngôi nhà những đường nét tương đồng với nhà phố cổ của Hội An. Khi được các bác hàng xóm khen “nhà đẹp đấy”, tôi hiểu rằng ngôi nhà đã được cộng đồng chấp nhận, tôi cảm thấy rất vui!
Bên cạnh đó, vì tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng đã nửa thế kỷ, nên tôi muốn mang vào Hội An những ký ức của Hà Nội. Tôi hi vọng rằng những không gian bên trong mang đặc trưng của phố cổ Hà Nội sẽ làm cho người Hội An có thể hiểu hơn về người Hà Nội thông qua cách ở, và đồng thời khi những người Hà Nội vào đây cũng sẽ có được các cảm giác gần gũi ấm áp hơn.
Có lẽ tôi chỉ có thể trao đổi đến như vậy thôi, vì như quan điểm mà tôi đã nêu, chất lượng kiến trúc cần được đánh giá sau ít nhất một trải nghiệm thực tế. Đã có một vài người bạn của tôi đưa nhận xét là “nhà duyên đấy”, tôi không thể diễn dịch được chữ “duyên” ở đây hàm ý gì, nhưng An House là một ngôi nhà ống nhưng rất thoáng mát và chan hòa ánh sáng. Tôi rất mong được đón những người quan tâm đến nhà tôi chơi vài ngày để sau đó chia sẻ với tôi cảm nhận của họ.

Vũ Hiệp: Khi những người quan tâm đến ở tại nhà anh thì có cần điều kiện gì không?
KTS Nguyễn Huy Khanh: Nếu họ là bạn của tôi, thì tôi xin được tặng phòng nghỉ. Tôi có vài phòng chỉ để dành riêng cho bạn bè, hoặc những người đặc biệt quan tâm đến Hội An. Tôi cũng có vài phòng để cho thuê để có thêm chi phí vận hành và thêm tiền rượu đãi bạn bè (cười). Tôi không có ý định mang tiền ra Hà Nội vì tôi muốn được sinh sống lâu dài tại Hội An!
Vũ Hiệp: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KTS Nguyễn Huy Khanh:
Sinh năm 1971 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Xây dựng khóa KD33 (1988-1993).
Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC)
Chủ nhiệm thiết kế các công trình trọng điểm quốc gia: Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, Tòa nhà Quốc hội Lào, Trung tâm hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Trụ sở Bộ Công an, …
Một số giải thưởng chuyên môn tiêu biểu:
- Giải Nhất cuộc thi Trụ sở Tổng công ty tư vấn xây dựng VNCC năm 2015.
- Giải Ba cuộc thi Đài tưởng niệm Liệt sĩ Tỉnh Điện Biên 2018
- Giải Ba cuộc thi Khu Trung tâm Hành chính tập trung Tỉnh Điện Biên
- Giải Ba cuộc thi Trung tâm di tích Hoàng Thành Thăng Long
- Giải Ba – Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2010 cho công trình “Cung Quy hoạch Xây dựng Quốc gia;
- Giải Ba – Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2000 cho công trình “Khu Đại học Quốc gia”.
- Giải sáng tác trẻ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam năm 2000.
Bài viết: Vũ Hiệp
XEM THÊM:
- KTS Đàm Vũ: “Sự khác biệt đến từ chiều sâu văn hóa sẽ góp phần đem lại sự thú vị và hấp dẫn cần có cho kiến trúc”
- NTK nội thất Lưu Việt Thắng: “Chuẩn sáng là sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo”
- KTS Đoàn Bằng Giang: KTS cần hiểu và nắm rõ yếu tố bản sắc, bản địa trong kiến trúc
- [Phỏng vấn độc quyền] GS. KTS Akihisa Hirata: “Tôi tạo ra kiến trúc bằng cách khám phá cái mới từ những điều-có-sẵn”
- Trò chuyện cùng KTS Đào Hưng về “11×22” – cuốn sách ghi lại hành trình 11 năm của AHL Architects