Kiến trúc sư người Nhật Bản Arata Isozki, một trong những kiến trúc sư có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Nhật sau chiến tranh. Ông đã qua đời ở tuổi 91.
Arata Isozaki, vị kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Bản với 100 tòa nhà trong sự nghiệp kéo dài 6 thập kỷ của mình, đã qua đời tại nhà riêng ở Okinawa.

Kiến trúc sư Isozaki nổi tiếng với phong cách thiết kế theo chủ nghĩa thô mộc thời kỳ đầu ở Nhật Bản. Các công trình nổi tiếng của ông bao gồm Thư viện tỉnh Ōita, và các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại trên trường quốc tế sau này như Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở Los Angeles.
Ông đã giành được nhiều giải thưởng bao gồm Giải thưởng Pritzker năm 2019, Huy chương vàng RIBA năm 1986 và Leone d’Oro tại Venice Architectural Biennale 1996.

Isozaki sinh năm 1931 tại Ōita trên Kyushu – hòn đảo lớn thứ ba của Nhật Bản. Ông học tại Đại học Tokyo dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Kenzo Tange, người đã giành giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 1987.
Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho Tange, trước khi thành lập studio của riêng mình, Arata Isozaki & Associates, 9 năm sau vào năm 1963.
Trong những tác phẩm ban đầu đáng chú ý của mình, Isozaki đã kết hợp hài hoà các yếu tố của chủ nghĩa thô mộc và xu hướng kiến trúc Chuyển hóa luận của Nhật Bản. Một số Công trình tiêu biểu có thể kể đến như Thư viện tỉnh Ōita năm 1966, Quảng trường lễ hội Expo 70 ở Osaka năm 1970 và Bảo tàng nghệ thuật thành phố Kitakyushu ở Fukuoka năm 1974.
Trong những năm 1980, KTS Isozaki đã thực hiện một số dự án tầm cỡ quốc tế bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở Los Angeles, được hoàn thành vào năm 1986.
Ông tiếp tục thiết kế nhiều tòa nhà trên khắp thế giới bao gồm Palau Sant Jordi cho Thế vận hội Barcelona năm 1992, Tòa nhà Đội Disney ở Florida năm 1990, Trung tâm Văn hóa Thâm Quyến ở Trung Quốc năm 2007, Bảo tàng Nghệ thuật ở Bắc Kinh năm 2008, Tháp Allianz của Milan và Nhà hát Giao hưởng Thượng Hải, cả vào năm 2014 và Trung tâm Hội nghị Quốc gia Qatar tại Doha vào năm 2011.

Khi giành được Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2019, ban giám khảo đã nhận định ông là “một kiến trúc sư đa năng, có tầm ảnh hưởng quốc tế”.
“Isozaki là người tiên phong trong việc hiểu rằng nhu cầu về kiến trúc mang tính toàn cầu và địa phương — rằng hai lực lượng đó là một phần của một thách thức duy nhất”, Stephen Breyer, chủ tịch ban giám khảo Giải thưởng Kiến trúc Pritzker cho biết.
“Trong nhiều năm, anh ấy đã cố gắng đảm bảo rằng những nơi trên thế giới có truyền thống kiến trúc lâu đời không bị giới hạn bởi chúng. Isozaki giúp truyền bá những truyền thống đáng quý đó đồng thời học hỏi từ phần còn lại của thế giới”.
Biên dịch: Hương Giang | Nguồn: Designboom
XEM THÊM:
- Balkrishna Doshi – “Kiến trúc thực sự chính là đời sống”
- Carl Pruscha: Kiến trúc sư tìm về những vùng đất bị lãng quên
- Hartmut Thimel: Vị kiến trúc sư bí ẩn ở Brazil
- KTS Tadao Ando: Kiến trúc có thể trở thành một “bể chứa” cộng đồng
- KTS Shigeru Ban và chặng đường thiết kế của ông