Giải thưởng World Architecture Community Awards (WA Awards) là cuộc tranh tài về kiến trúc – nội thất dành cho các kiến trúc sư và sinh viên trên toàn thế giới cạnh tranh, gặp gỡ và chia sẻ với nhau về các dự án của mình. Năm nay, VTN Architects đại diện Việt Nam đã dành được giải thưởng danh giá này ở hạng mục “Dự án đã thực hiện”.
Dự án “Trường Đại học FPT Hà Nội” và “Stacked Planter House” của Võ Trọng Nghĩa Architects – VTN Architects giành chiến thắng trong hạng mục “Dự án đã thực hiện” tại giải thưởng WA Awards lần thứ 42. Đây là lần thứ 6 VTN Architects vinh dự nhận được giải thưởng danh giá này.
Ngoài ra, cả 2 dự án này còn giành được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế danh giá khác như: Liên hoan Kiến trúc Thế Giới (WAF), giải thưởng Spec Go Green, Giải thưởng Green Good Design, Giải vàng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
1. Trường Đại học FPT Hà Nội
- Địa điểm: Láng Hòa Lạc, Hà Nội, Việt Nam
- GFA: 11.065m2
- Kiến trúc sư chủ trì: Võ Trọng Nghĩa
- Nhóm thiết kế: Vũ Hải, Ngô Thùy Dương, Trần Mai Phương
- Hình ảnh: Hiroyuki Oki, Hoàng Lê
Tòa nhà Công nghệ FPT là công trình giai đoạn đầu nằm trong một quy hoạch tổng thể lớn, nhằm phát triển thành một trường đại học quốc tế. Công trình là cửa ngõ vào khuôn viên trường với mặt tiền xanh thể hiện định hướng tương lai rõ ràng. Các khóa học của FPT phần lớn liên quan tới Công nghệ thông tin (IT); do đó thiết kế tập trung vào việc cân bằng giữa môi trường “ảo” và thực tế, cải thiện mối quan hệ của con người với thiên nhiên.


Thiết kế thụ động được áp dụng để giảm thiểu việc phụ thuộc vào hệ thống phát điện dự phòng, do đó khi mất điện tòa nhà vẫn có thể hoạt động với nguồn năng lượng dự phòng tối thiểu. Thiết kế lỗ trống đưa ánh sáng tự nhiên vào tòa nhà và giảm nhu cầu tiêu thụ đèn điện. Việc trồng cây tại ô cửa sổ như một lớp xanh bảo vệ tòa nhà khỏi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Tòa nhà được thiết kế để nhận luồng gió và sử dụng hệ thống thông gió chéo để làm mát. Cùng với hồ nước bên cạnh, lớp cây xanh đã giúp giảm nhiệt độ trong không khí.


Mặt tiền được thiết kế với những ô vuông đặc rỗng so le nhau tạo nhịp điệu đơn giản, dễ đẹp, bền vững theo thời gian. Cấu kiện là những mô đun bê tông được sản xuất đồng loạt có giá thành hợp lý, chất lượng cao và giảm thời gian thi công.

Việc đô thị hóa và mật độ dân số tăng cao tại các thành phố lớn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phân bố cây xanh đô thị và mối liên hệ mạnh mẽ của con người với môi trường. Dựa trên hiện trạng này, thiết kế công trình mong muốn sinh viên được tiếp xúc với cây xanh và duy trì sự kết nối với thiên nhiên ngay cả khi họ xa nhà. Cây xanh được trồng tại các phòng và các vườn xanh phía ngoài tạo sự kết nối giữa nhân viên, sinh viên với thiên nhiên. Kết nối này giúp nâng cao ý thức của mọi người về môi trường xanh và những lợi ích mà thiết kế xanh sẽ đem lại


2. Staked Planter House
- Tên công trình: Staked Planter House
- Địa điểm: Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Diện tích khu đất: 233,6m2
- GFA: 260,8m2
- Kiến trúc sư chủ trì: Võ Trọng Nghĩa
- Nhóm thiết kế: Masaaki Iwamoto, Nguyễn Quỳnh Hân, Kuniko Onishi
- Hình ảnh: Hiroyuki Oki
Do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nhiều thành phố ở Việt Nam đang mất dần đi không gian xanh nhiệt đới và các cảnh quan thoáng đãng đang chuyển đổi thành một đô thị đông dân,chật chội. Điều này đã dẫn đến nguy cơ lũ lụt tăng cao, cùng với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực thành thị. Thế hệ trẻ của người Việt đang bị mất kết nối với thiên nhiên.
Trong bối cảnh này, Vo Trong Nghia Architects (VTN Architects) đã phát triển một loạt các dự án nhà ở, “Nhà cho cây”, tạo ra không gian xanh trong những khu phố chật chội. Là dự án gần đây nhất trong chuỗi công trình này, Nhà chậu xếp tầng nỗ lực mang màu xanh trở lại cho thành phố và tạo ra sự liên kết gần gũi giữa con người và thiên nhiên.

Ngôi nhà nằm trong một khu đô thị quy hoạch gọn gàng, nơi mà người dân xây dựng hết chiều cao cho phép và tối đa không gian sống bằng cách giảm không gian xanh. Với ý tưởng mang cây xanh vào nhà, nhà thiết kế muốn mỗi ngôi nhà sẽ đảm nhiệm vị trí như một công viên nhỏ trong một khu phố dày đặc.

Ngôi nhà được thiết kế cho một gia đình người Việt điển hình với ba thế hệ. Mỗi chức năng riêng được đặt trong các khối bê tông và được xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên. Các sàn bê tông ngang từng tầng là các sân để trồng cây. Không gian bán ngoài trời bao gồm: phòng khách và nhà ăn là không gian cho mọi người sum họp.

Chuỗi dự án “Nhà cho cây” có sự quan tâm đặc biệt đến các vật liệu địa phương và tự nhiên. Điều làm cho dự án này trở nên đặc biệt là tường đá mài, một loại vật liệu phổ biến vào những năm 80, nhưng dần bị lãng quên trong những năm gần đây.


Biên tập: Phương Thảo
XEM THÊM:
- 2 dự án của Aplus Architects đạt giải thưởng tại BLT Built Design Awards 2022
- Thiết kế bàn ăn 16:3 của Laita đã đạt Giải thưởng Good Design Award 2022
- DPLUS đồng hành cùng quỹ từ thiện vì nụ cười trẻ thơ
- Tọa đàm: Xu hướng thiết kế nội thất căn hộ chung cư cao tầng trong kỷ nguyên 4.0
- Pavilion “Con đường Eurotile” – Dấu ấn nghệ thuật chinh phục cộng đồng kiến trúc sư