Carl Pruscha là kiến trúc sư người Áo, người đã dành hầu hết sự nghiệp của mình để tìm hiểu và hợp tác phát triển trong lĩnh vực kiến trúc ở khu vực Nam Á như Nepal và Sri Lanka – những vùng đất bị lãng quên.

Carl Pruscha sinh ra tại Innsbruck, Áo năm 1936. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ kiến trúc tại Học viện Mỹ thuật Vienna, Pruscha tiếp tục học tập tại đại học Harvard danh tiếng, nơi ông bắt tay thực hiện các dự án quy hoạch đô thị tại thành phố New York.
Pruscha đã làm việc với nhiều kiến trúc sư có tiếng trong phong trào kiến trúc hiện đại như Josep Lluis Sert và Lewis Mumford. Xuyên suốt trong sự nghiệp của mình ông luôn tâm niệm kiến trúc không tách rời bối cảnh văn hoá, xã hội, và những điều này đã phản ánh rõ trong luận án cuối cùng của ông là Tầm nhìn cho Đô thị hoá toàn cầu.
Sau khi tốt nghiệp Harvard, Pruscha làm việc tại một số văn phòng kiến trúc và đã nghiệm ra được nhiều điều.

“Ông ấy hiểu mỗi toà nhà là một phần của mạng lưới, là mắt xích của một cơ sở hạ tầng toàn diện. Ông ấy đã đến Mỹ để đào sâu hơn về chủ đề này” – Natalie Letter nhận định trong cuốn Carl Pruscha, Singular Character, Architect, Bohemian, Activist.
Với những nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ, đặc biệt các công trình nghiên cứu quy hoạch đô thị ở các nước đang phát triển, ông được biết đến là KTS “tìm về nguồn cội” của quy hoạch thành phố và kiến trúc bản địa. Năm 1964, sau lời giới thiệu của Josep Lluis Sert, ông đã được làm việc với Ernest Weissmann, Giám đốc Trung tâm Nhà ở, Xây dựng và Quy hoạch của Liên hợp quốc. Ông giữ chức Cố vấn Chuyên gia Quy hoạch cho Chính phủ Nepal, tại Bộ Nhà ở và Quy hoạch vật thể, Uỷ ban Kế hoạch Quốc gia, sau được bổ nhiệm làm chuyên gia của Unesco về di sản văn hoá.
Chính vị trí này đã đưa ông khám phá ngày càng nhiều hơn lối kiến trúc truyền thống tại Nepal, sau là Sri Lanka, Ấn Độ và Bhutan.


Sau khi định cư ở Kathmandu, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến trúc bản địa vùng Himalaya, chủ nghĩa khu vực và kiến trúc truyền thống, đồng thời phát triển các kế hoạch đô thị, nghiên cứu cam kết bảo tồn di sản ở Nepal. Ông cũng thành lập studio riêng, sử dụng các kỹ thuật xây dựng bản địa ở Himalaya để kết hợp hài hoà với kiến trúc hiện đại. Các công trình chính của ông bao gồm dự án nhà riêng Bansbari Residence, Tòa nhà CEDA (Trung tâm Quản lý và Phát triển Kinh tế, 1967–1969) tại Đại học Tribhuvan cho Quỹ Ford, và Nhà trọ Taragaon cho một tổ chức phụ nữ Nepal ở Boudha, Kathmandu.
Pruscha sau đó được Viện Getty ở Los Angeles mời về làm Chuyên viên nghiên cứu đồng thời là Trưởng phòng Môi trường sống và Bảo tồn của Viện. Song song với công việc nghiên cứu, ông vẫn tiếp tục tham gia vào các dự án trên khắp thế giới. Trong số đó có một khách sạn và một trường học cho quỹ One World Foundation (OWF) ở Sri Lanka. Mục đích của OWF là phát triển các dự án giáo dục thông qua tài trợ cho du lịch bền vững.
Các công trình nổi tiếng của ông:
- Toà nhà CEDA

Toà nhà hoà hợp với môi trường tự nhiên, địa lý và lịch sử của thung lũng Kathmandu. Các nấc thang của tòa nhà khớp với những bậc thang của vùng thung lũng.


Vật liệu truyền thống trong xây dựng của Nepal chủ yếu là gạch và gỗ được đưa vào triệt để. Đây là một trong những công trình đầu tay của Pruscha, cho thấy sự kết hợp của một tòa nhà hiện đại nhưng vẫn mang đậm chất Nepal.
Hostel Taragaon

Hiệp hội Phụ nữ Nepal đã chủ trương xây dựng hostel Taragaon dành cho các nghệ sĩ, nhà văn và học giả phương tây khi đến thăm Nepal. Hiện Hostel đã được chuyển tên thành Bảo tàng Taragaon, với tổ hợp các khu chức năng như một dự án đô thị.


Công trình là một khu phức hợp hiện đại hình vòm bằng gạch và kính, gợi tới các tu viện Phật giáo truyền thống, được gọi là dharmshalas, một lối kiến trúc Newar bản địa của Kathmandu.
- Bungalow Lagoon

KTS người Áo cũng xây dựng nhà khách Bungalow Lagoon dành cho vợ chồng ông. Một cabin nhỏ trong bungalow được sáng tạo dựa trên cách xây dựng truyền thống của Sri Lanka, cấu trúc bằng gỗ và có các trụ bê tông nâng cao để tránh lũ. Những bức tường bằng kính mang lại sự thông thoáng. Thay vì sử dụng gỗ truyền thống, Pruscha đã sử dụng thép chắc chắn nhưng vẫn nhẹ nhàng, một lần nữa chứng minh sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và các kỹ thuật lâu đời.

Pruscha dành những năm tháng sau này làm việc tại Phòng Môi trường và Bảo tồn, tập trung chính vào kiến trúc khu vực tại Nepal, Sri Lanka, Ấn Độ và Bhutan, đồng thời tham gia vào các dự án khác ở châu Âu, chủ yếu là Vienna bao gồm phát triển nhà ở, lắp đặt, triển lãm và nghiên cứu.
Biên dịch: Vũ Hương | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Hartmut Thimel: Vị kiến trúc sư bí ẩn ở Brazil
- KTS Tadao Ando: Kiến trúc có thể trở thành một “bể chứa” cộng đồng
- KTS Shigeru Ban và chặng đường thiết kế của ông
- KTS Günther Domenig là ai trong phong trào Kiến trúc giải tỏa kết cấu?
- KTS truyền cảm hứng: Nữ KTS Chitra Vishwanath và triết lý thiết kế thân thiện với môi trường