Các tiêu chuẩn để phân loại một kiến trúc là tốt hay dở thường đề cập đến tính thực tế và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, có lẽ tính dễ đọc của kiến trúc có thể là tiêu chí cho một công trình kiến trúc tốt.
Các tiêu chuẩn để phân loại một kiến trúc là tốt hay dở thường đề cập đến sự hữu dụng và cái đẹp, hay thường được gọi là tính thực tế và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, tính thực tế có thể nhanh chóng hướng chúng ta đến chủ nghĩa công năng, đó là lựa chọn khả thi duy nhất, hoặc hướng đến thiết kế các kết cấu có tính điêu khắc. Kiến trúc sư Le Corbusier từng tuyên bố: “Nếu bạn tạo ra một ngôi nhà bằng đá, gỗ và bê tông, đó chỉ là một công trình; nếu bạn chạm vào trái tim tôi, đó là kiến trúc”. Tuy nhiên, có lẽ tính dễ đọc của kiến trúc có thể là tiêu chí cho một công trình kiến trúc tốt: Đọc kiến trúc giống như đọc một cuốn sách với từng từ và từng câu hoàn chỉnh cũng cần xem xét kỹ lưỡng.
Tính dễ hiểu (legibility) và dễ đọc (readability) là hai khái niệm khác nhau trong kiến trúc. ‘Legibility’ là thuật ngữ được dùng để mô tả mức độ thuận tiện trong sử dụng và định hướng của người dùng bên trong công trình đó. Mặt khác, ‘readability’ được định nghĩa ở đây là một công trình có tính logic và giàu chi tiết, hình thức dễ nhận biết và không gian có khả năng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, mang đến cho người dùng trải nghiệm và tinh thần mà một kiến trúc tốt cố gắng khơi gợi trong họ.
Tính nguyên vẹn với logic
Sự nguyên vẹn trong logic thiết kế kiến trúc là một trong những nguyên tắc của tính dễ đọc (readability) trong kiến trúc. Sự nguyên vẹn của kiến trúc được chứng minh một cách thuyết phục bằng logic rõ ràng và bao quát, tương tự với khung sườn của một quyển sách. Tính nguyên vẹn này được thể hiện qua sự tương thích của công trình với môi trường xung quanh, sự nhất quán trong hình dáng của công trình, kết cấu và không gian bên trong, cũng như sự tổ chức và sự nhấn mạnh của các yếu tố phức tạp nằm bên dưới bề mặt của toàn bộ tòa nhà.
Green Hill / TJAD Original Design Studio

Dự án cải tạo Green Hill giữ lại bộ khung kết cấu của một nhà kho thuốc lá đã đóng cửa. Thiết kế tuân theo một logic đơn giản. Để giảm bớt cảm giác ngột ngạt do độ lớn của tòa nhà, công trình được hạ xuống theo hai hướng nhờ vào khoảng giật lùi của công trình. Toàn bộ công trình được kết nối với thành phố và bờ sông ở nhiều độ cao và nhiều hướng khác nhau thông qua các không gian giao thông như đường bộ, đường dốc, cầu thang xoắn kép, tạo thành một cây cầu. Thành phẩm là toàn bộ cấu trúc giống như một cây cầu xanh khổng lồ.

Bảo tàng West Bund / Atelier Deshaus

Thiết kế mới áp dụng cấu trúc công-xôn có “ô vòm” với các bức tường độc lập, trong khi các bức tường chịu lực với cách bố cục tự do được gắn kết với nền móng ban đầu để được đổ bê tông với bộ khung kết cấu gốc. Cấu trúc ô vòm là một yếu tố kiến trúc chi phối toàn bộ công trình. Toàn bộ diện tích trên mặt đất được che phủ bằng các ô vòm, chúng được xoay lật, đặt rải rác và hợp lại với nhau để tạo nên một khối tích hoàn chỉnh. Không gian bên trong điều chỉnh độ cao của các mái vòm để tạo nên một không gian xuyên suốt theo độ cao. Bê tông và các tấm kim loại được đặt trên mặt dựng để minh họa rõ ràng kiểu thiết kế “ô vòm” này.

Tính độc đáo với đặc trưng văn hóa
Sự độc đáo của kiến trúc với đặc trưng văn hóa là nguyên tắc thứ hai của tính dễ đọc (readability) trong kiến trúc. Ý nghĩa văn hóa của kiến trúc ngày càng trở nên nổi bật trong thời kỳ hiện đại khi con người đang nỗ lực phá bỏ rào cản “cả ngàn thành phố giống nhau như một”. Một cấu trúc tốt nên có cá tính riêng biệt của chính nó dựa vào môi trường, nguồn lực và cư dân sinh sống trong khu vực đó.
Bảo tàng Nghệ thuật Jishou / Atelier FCJZ

Dòng sông Wanrong chảy xuyên suốt ngay giữa huyện Jishou, càng làm nổi bật vị trí trung tâm của một bảo tàng nghệ thuật nằm ngay trên nguồn nước rồi từ đó bảo tàng cũng tự nhiên trở thành chiếc cầu dành cho khách bộ hành. Do đó các lối vào của Bảo tàng Nghệ thuật Jishou ở cả hai bờ sông trở thành một bức tường đường phố đa dụng và được tích hợp vào trong cuộc sống hàng ngày.
Dự án này là một diễn giải hiện đại của kiểu kiến trúc truyền thống “Cầu có mái che” (covered bridge). Chúng có một lịch sử lâu dài ở vùng cao nguyên Trung Quốc và còn được gọi là “Fengyu Qiao” (tạm dịch: Cầu gió và mưa). Ngoài việc được dùng làm cầu để đi qua sông hay qua thung lũng, đây còn là khu vực chung để người dân nghỉ ngơi và bán hàng hóa. Thiết kế giữ lại mục đích ban đầu đồng thời mang đến các yếu tố nghệ thuật bổ sung và làm mới ngôn ngữ hình thức của “Fengyu Qiao”.

Công viên Văn hóa Tian Han / WCY Regional Studio

Tian Han là người viết lời của quốc ca Trung Quốc, đồng thời là người tiên phong và người sáng lập chịu trách nhiệm cho sự phát triển của nghệ thuật kịch hiện đại Trung Quốc. Để phản ánh tính cách đấu tranh và kiên cường của Tian Han, thiết kế nhìn chung nhấn mạnh hai đặc điểm không gian là “ngang” và “nắm giữ”, khám phá các đặc điểm của vật liệu xây dựng truyền thống, thể hiện logic rõ ràng của kết cấu và hệ thống bao che. Nguyên mẫu của trường Cao đẳng thiết kế nghệ thuật là một tòa nhà nghiên cứu ở Hồ Nam. Vòm mái ngược là một biến chuyển của hệ mái dốc truyền thống với hệ thống thu nước mưa.

Tính tinh thần hòa cùng sự cộng hưởng về cảm xúc
Sự có mặt của tính tinh thần trong kiến trúc kết nối cảm xúc với người xem là nguyên tắc thứ ba của tính dễ đọc trong kiến trúc. Mọi người phản hồi tích cực với những không gian cộng hưởng với họ. Các kiến trúc sư không thể tạo ra kiến trúc từ quan điểm của Thượng đế cũng như từ góc nhìn, quan điểm và tình cảm của người sử dụng. Ở đây, người kiến trúc sư đảm nhận một vai trò như của người đạo diễn, một mặt là diễn giải và thừa nhận các tiềm năng của không gian, mặt khác là thấu hiểu những nhu cầu về tinh thần của cá nhân và xã hội.
Cải tạo khu hang động Tianbao, Thị trấn Erlang / Jiakun Architects

Địa điểm này ban đầu là khu vực sản xuất rượu Lang. Dự án áp dụng kỹ thuật dẫn chuyện văn chương để tổ chức nội dung của nhiều nút không gian chức năng, nhằm tạo ra một kịch bản không gian liên tục để làm phong phú trải nghiệm của du khách.
Sảnh tiếp đón là hạng mục từ thép chịu thời tiết được đặt chắc chắn trên nền móng để du khách có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của tự nhiên. Cửa sổ theo phương ngang quay mặt hướng về sông Chishui mang lại một khung ảnh của những ngọn núi đằng xa.
Sông nước nên thơ là một không gian với một mặt nước phẳng lặng như gương với 3 cạnh được bao quanh bằng hành lang có mái che.
Khoảng sân trồng cây là không gian thấp với mái che dạng treo. Nhờ vào ô cửa sổ mái che, mặt trời chiếu qua những tán cây vẽ lên mặt đất một bức tranh sáng tối vui mắt.

Khoảng sân trồng cây dẫn lối đến Nhà trưng bày. Các giá để đồ theo chiều cao được bố trí ở hai bên, gương được lắp đặt trên trần nhà và mặt đất, mang lại cảm giác “vô hạn” thông qua nhiều phản xạ.
Du khách đi bộ qua những cây hoa anh đào dọc theo các bậc thang và có thể thưởng thức đa dạng cảnh quan khác nhau; thang máy dốc đứng lên núi, kết nối Nhà hàng Cliff và Hang Renhe.

Bảo tàng lò gạch hoàng gia Jingdezhen / Studio Zhu-Pei

Lò gạch không chỉ là nơi Jingdezhen khởi nguồn, mà nó còn là nơi mọi người sinh sống và giao lưu, lưu giữ hơi ấm của ký ức gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thành phố. Hình thức kiến trúc của bảo tàng bắt nguồn từ lò nung củi truyền thống địa phương với các vòm kiểu phương Đông, là một phần quan trọng trong ký ức văn hóa của Jingdezhen và cuộc sống của thành phố.
Lối vào nằm ở tầng trệt trên cấu trúc của bảo tàng, có hai tầng, trên và dưới mặt đất. Khi bạn bước vào trong, bạn sẽ có được trải nghiệm không gian tương đồng với những người thợ thủ công đã từng làm việc ở đây trong quá khứ.
Sau đó rẽ trái, di chuyển qua một loạt các không gian có cấu trúc hình vòm, thay đổi một chút về quy mô, đôi khi ở trong nhà, đôi khi lại ra ngoài trời, bạn sẽ bắt gặp di tích thời Nhà Minh và các khoảng sân trong rộng rãi, bắt đầu chuyến hành trình trải nghiệm bảo tàng với lò nung, đồ gốm sứ và những con người có chung nguồn cội.

Biên dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Nghệ thuật sắp đặt là gì và nó đã thay đổi nhận thức của chúng ta như thế nào?
- Thế hệ kiến trúc sư trẻ (Gen Z)
- Bên trong Chủ nghĩa Thô mộc
- Chung cư có thời hạn – Hiểu thế nào cho đúng?
- Định nghĩa Kiến trúc tốt?