James Stewart Polshek, người sáng lập James Stewart Polshek Architect, hiện tại là Ennead Architects, đã qua đời sau 70 năm cống hiến cho sự nghiệp thiết kế các công trình kiến trúc công cộng.
Trong thời đại bị thống trị bởi cái gọi là “starchitects” (các kiến trúc sư “siêu sao”), tác phẩm của ông thường được coi là một cách tiếp cận kiến trúc khiêm tốn, ưu tiên các giá trị xã hội hơn các giá trị thẩm mỹ. Các dự án quan trọng được Polshek hoàn thành bao gồm trùng tu và cải tạo Carnegie Hall của New York (1987); Trung tâm Rose về Trái đất và Không gian tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York (2000); Trung tâm và Công viên Tổng thống William J Clinton (2004) và Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Do Thái Hoa Kỳ ở Philadelphia (2010).
Tầm quan trọng thực sự của kiến trúc nằm ở khả năng giải quyết các vấn đề của con người, chứ không phải là những vấn đề kiểu cách. Một tòa nhà bền vững, phục vụ cho cộng đồng và mang lại sự thoải mái cá nhân là các yếu tố chính của “nghệ thuật công cộng”. – James Stewart Polshek, 1988

Bên cạnh sự nghiệp kiến trúc sư, James Polshek còn là một nhà giáo dục và nhà đấu tranh dân chủ. Việc thực hành và giảng dạy của ông dựa trên niềm tin cốt lõi vào sức mạnh của kiến trúc để giải quyết các vấn đề về con người và củng cố các khía cạnh lạc quan của nghệ thuật và ngành xây dựng. Dự án quan trọng đầu tiên của ông là cải tạo Hội trường Carnegie ở New York, một nhiệm vụ khó khăn với các chức năng và sự bổ sung rối rắm cho tòa nhà. Cách tiếp cận của ông được công nhận là vừa hiệu quả, vừa giúp tạo ra một tổng thể mạch lạc, nhưng cũng tinh tế và tôn trọng lịch sử lâu đời của hội trường.
Mặc dù James Polshek không được công chúng biết đến nhiều, nhưng ông đã nhận được những đánh giá cao và tích cực từ cánh phê bình, những người tiếp thu được các giá trị nhân đạo và tính hợp lý trong các tác phẩm của ông, cho dù điều này khác với định hướng của đại đa số các kiến trúc sư thời đó. Kiến trúc của Polshek đáp ứng được sự liên kết với bối cảnh, vì vậy mà không bị ràng buộc chặt chẽ với các biến động của thời đại. Trong một cuộc phỏng vấn với Architectural Record, ông nhận ra rằng một số người nghĩ là các tác phẩm của ông quá chiết trung. Ông phản bác lại điều đó bằng cách chỉ ra rằng “ các tòa nhà phản ánh sở thích lấy những thứ cũ và đổi mới chúng. Như thế sẽ không làm cho nó trông nặng nề hơn”.

James Stewart Polshek chân phương, quyến rũ, luôn hoạt động, một giáo viên, một người bênh vực. Anh ấy luôn đi trước thời đại. Trong khi các đồng nghiệp của anh bận tâm với nhiều “chủ nghĩa” của việc tạo hình, James không quan tâm đến các xu hướng. Ngay từ đầu, ông đã quan tâm đến kiến trúc như một công trình xã hội, một “nghệ thuật chữa bệnh” như cách gọi của ông. Sự bảo tồn, nhạy cảm với bối cảnh, trách nhiệm xã hội, gắn kết cộng đồng, tôn trọng môi trường – đó là những điểm nhấn của ông trong khi không ai nói về chúng; bây giờ là tất cả mọi người đã hiểu được. – Richard Olcott FAIA, Đối tác Ennead

Vào năm 2018, Polshek đã nhận được Huy chương Vàng từ Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ, đây là giải thưởng vinh dự và cao quý nhất được trao tặng tại Hoa Kỳ cho ngành kiến trúc, cho tầm nhìn và khả năng lãnh đạo vô song của ông. Sau khi nghỉ hưu, công ty đổi tên thành Polshek Partnership, James Polshek vẫn giữ chức danh hội đồng thiết kế cho công ty, sau gọi là Ennead Architects vào năm 2010. Theo tờ New York Times, việc thay đổi tên được Polshek chấp nhận, ông xem đó như một cách để tuyên bố rằng kiến trúc không bao giờ thuộc về một cá nhân duy nhất.
Biên dịch: Hồng Ngọc | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM:
- Những viên ngọc sáng của nền Kiến trúc Mỹ Latin (P2)
- KTS Carlos Zapata và câu chuyện vẽ nên những công trình
- KTS Carl Pruscha hồi sinh kiến trúc bản địa vùng Nam Á
- Kỳ III: Đắm say với các công trình của Santiago Calatrava
- Đã đến lúc các KTS phải thay đổi