Giới trẻ nói chung và KTS trẻ nói riêng mà với thuật ngữ bây giờ là thế hệ Gen Z là những người được sinh ra từ năm 1997 đến năm 2012. Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên lớn lên với tiếp cận Internet cùng các thiết bị kỹ thuật số ngay từ khi còn nhỏ, được mệnh danh là những “công dân thời đại kỹ thuật số”. Vấn đề công nghệ kỹ thuật và biến đổi khí hậu là 2 vấn đề quan trọng và cốt yếu của KTS thế hệ Gen Z.
Sự đa dạng của các phương tiện truyền thông và thế giới mạng xã hội đã chi phối đời sống hằng ngày của Gen Z. KTS thời nay dùng internet, mạng xã hội và các phần mềm đều đặn tương tự như KTS thế hệ trước dùng bút và giấy.
Họ sinh ra trong 1 thế giới phẳng, kinh tế hội nhập, họ cởi mở chia sẻ văn hóa và sẵn sàng tiếp thu văn hóa với bạn bè quốc tế. Dẫn đến các trăn trở, các câu hỏi “Liệu 1 vài truyền thống nào đó còn phù hợp để gìn giữ? Bảo tồn và phát huy chúng ra sao?”. Cũng chính vì được tiếp cận nhiều nền văn hóa, làm họ hoài nghi về xuất thân của mình. Đâu là nền văn hóa đặc trưng của nơi mình sinh ra? Điều gì làm chúng ta khác biệt so với các quốc gia khác? Và những KTS trẻ có chiều sâu luôn truy vấn những câu hỏi đó để tìm ra bản sắc riêng của mình giữa bạn bè quốc tế. Kiến trúc của thế hệ Gen Z không còn biên giới, không còn cục bộ. Bạn có đủ chứng chỉ thì có thể hành nghề ở bất cứ đâu, vì vậy các KTS trẻ giờ đây cần xây dựng một tinh thần Kiến trúc toàn cầu!
Hiện tại, Thế hệ Gen Z chiếm phần lớn lượng sinh viên trên toàn thế giới và đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm khoảng 27% lực lượng lao động. Trong thống kê gần đây từ University College Admission Service (UCAS), một tổ chức tuyển sinh độc lập ở Anh cho thấy, có 54.810 đơn đăng ký theo học ngành kiến trúc vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 5% so với 51,980 đơn của năm 2021.
Thế giới kỹ thuật số

Trên thực tế, Kiến trúc đã và đang sử dụng rất nhiều công cụ kỹ thuật số. Công nghệ thực tế ảo tăng cường, BIM, công nghệ nano, phân tích dữ liệu, AI và Digital Twins đã ảnh hưởng rất nhiều đến Kiến trúc. Mô hình 3D đang xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực, như điện ảnh, game, quảng cáo,… Và các KTS giờ đây ngoài thiết kế ngoài đời, còn có thể hợp tác với các Game Studio, nhằm thiết kế các bối cảnh thực tế và các công trình trong thế giới ảo. Các bộ phim cần xây dựng bối cảnh Kiến trúc 1 cách chân thật thì đều có sự hợp tác của các KTS. Dan Van Buren, một trong những KTS đã hợp tác phát triển trò chơi The Witness. Trò chơi phát hành vào năm 2015 được cho là sự hợp tác đầu tiên giữa các nhà phát triển trò chơi, KTS và nhà thiết kế cảnh quan. Điều quan trọng, các KTS không được đánh mất chính mình, hiểu được đó là các công cụ chứ không phải mục đích!
Còn là trường hợp của Rustam Kungurov người Nga, là một KTS nhưng anh muốn dùng kỹ năng thiết kế của mình vào việc làm bánh. Vào năm 2009, anh cùng với chị gái đã có một tiệm bánh, anh ấy đã tạo ra những chiếc bánh được thiết kế khác lạ. Rustam còn có các đơn đặt hàng cho các thương hiệu như Adidas, Nike, Spotify,…


Ngoài viết sách, thì thế hệ KTS trẻ có nhiều cách để tiếp cận khách hàng thông qua các trang fanpage, kênh youtube, tiktok, podcast,… để chia sẻ các góc nhìn Kiến trúc đến cho mọi người. Đơn cử như Podcast THE SECOND STUDIO DESIGN AND ARCHITECTURE SHOW của David Lee và Marina Bourderonnet, họ mời những KTS có chuyên môn và cho phép mọi người tiếp cận gần hơn với Kiến trúc. Ở Việt Nam, thì có podcast BLUEPRINT của Vietcetera, kênh youtube của Thái Công và 1 chuỗi livestream của Kienviet về các công trình chất lượng của các KTS Việt Nam, giúp mọi người hiểu hơn về ảnh hưởng của Kiến trúc đến đời sống. Xem chương trình về Kiến trúc mà biết được cả lịch sử, văn hóa Việt, bảo vệ môi trường và cả triết lý sống.
Vấn đề môi trường

Cuối cùng, Gen Z là thế hệ phải giải quyết vấn đề môi trường mà cha ông để lại sau thời kỳ chinh phục thiên nhiên! Họ sinh ra khi tài nguyên thiên nhiên không còn dồi dào như trước, thiên tai, thảm họa nhân đạo xảy ra ngày càng nhiều. Những đứa trẻ sinh ra khi nhà của chúng đã bị lũ quét, nước biển dâng và cháy rừng, chúng sinh ra với chiếc khẩu trang, khi dịch bệnh xảy ra và khói bụi ô nhiễm.
“Kiến trúc thế kỷ XXI phải là Kiến trúc sinh thái!” Đó là tuyên bố của KTS người Malaysia Ken Yeang tại Đại Hội KTS Quốc tế năm 1999 ở Bắc Kinh. Bằng chứng là càng nhiều KTS trẻ đi theo Kiến trúc sinh thái, không lãng phí vật liệu và nghiên cứu các loại vật liệu ít phát thải ra môi trường. Sự sang trọng giờ đây được đo lường bằng chỉ số bền vững và diện tích không gian xanh trong công trình.
Nhưng KTS thời nào cũng vậy, sáng tạo ra cái mới, phá bỏ các nguyên tắc, hoài nghi những khẳng định, đặt thêm 1 viên gạch mới lên bức tường lịch sử và phát huy những giá trị bản địa và văn hóa. Đó là 1 công việc khó khăn nhưng thú vị của các KTS, và trên con đường đi đến đó, không thể thiếu những người cộng sự!
Bài viết: Hoàng Anh
XEM THÊM:
- “Những suy nghĩ về kiến trúc thời hội nhập” – Diễn đàn mở cho các thế hệ KTS Việt Nam
- 10 bí quyết giúp Kiến trúc sư trẻ thành công
- 25 kiến trúc sư trẻ bạn cần theo dõi trong những năm tới
- Kiến trúc sư Trẻ Việt Nam: từ sân chơi phong trào, tạo dựng sự liên kết và sự phát triển chiều sâu
- KTS Trẻ ! Anh nên làm gì ?