Sau hậu quả của Thế chiến thứ hai cho đến đầu những năm 80, một xu hướng phản biện mang tính toàn cầu chống lại Phong trào Hiện đại phát triển, dựa trên các nguyên tắc của kiến trúc kiến tạo, khi vật liệu được để trần để bộc lộ khả năng biểu hiện.
Brutalism (Chủ nghĩa Thô mộc, Chủ nghĩa Thô bạo) là một xu hướng kiến trúc phát triển sau Thế chiến II. Trung tâm đầu tiên hình thành các nguyên tắc của chủ nghĩa thô mộc là Vương quốc Anh. Các tòa nhà được để trần với các vật liệu; bê tông, kính, gạch, thép, các hệ thống kỹ thuật phải được đặt rõ ràng trong tầm mắt.
Bối cảnh thẩm mỹ của chủ nghĩa Thô mộc ít nhiều liên hệ với Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng ở Mỹ với những họa sĩ như Jackson Pollock, Mark Rothko và ý tưởng “phản nghệ thuật” của Jean Dubuffet. Nhưng hơn hết chúng phản ánh xã hội thời hậu chiến với các chủ đề như đô thị hóa, sản xuất hàng loạt và tiêu dùng, tự động hóa. Đó cũng là những đề tài đã mở đường cho Nghệ thuật đại chúng (Pop Art) thông qua các tác phẩm như “Just what is it that makes today’s homes so different, so appealing?” (1956) của Richard Hamilton hay triển lãm “This is tomorrow” tại Phòng trưng bày Whitechapel ở London (1956).
Chủ nghĩa Thô mộc
Alison và Peter Smithson là những nhân vật cốt cán trong chủ nghĩa thô mộc của Anh. Và trường trung học của họ ở Hunstanton (1949-56), với hình ảnh trần trụi của kết cấu và máy móc. Đây là điểm khởi đầu cho một loạt các dự án tiếp theo sau của họ gồm: Golden Lane Estate (London, 1952), Tòa nhà Economist (1959-63), Khu dân cư phức hợp Robin Hood Gardens (London, 1969-72). Ngoài ra, ở Vương quốc Anh còn có những công trình khác như Trung tâm Nghệ thuật South Bank ở London (1951), chủ yếu được thiết kế bởi Warren Chalk, Ron Herron và Dennis Crompton, Khoa Kỹ thuật của Đại học Leicester (1959-63), Khoa Lịch sử tại Đại học Cambridge (1964-67), ký túc xá trường Queen ở Oxford (1966-71) thiết kế bởi James Stirling (người vẫn luôn tuyên bố rằng không nằm trong nhóm các nhà Thô mộc) và các công trình từ những năm 70 như Alexandra Road Estate bởi Neave Brown (1968-78) và công trình mang tính biểu tượng Barbican Estate bởi Chamberlin, Powell và Bon (1965-76).

Những nỗ lực ban đầu để soạn thảo định nghĩa cho chủ nghĩa Thô mộc đã bao trùm một phạm vi rộng và rất đa dạng những tham chiếu về ngôn ngữ kiến trúc. Ví dụ như bài luận của Reyner Banham “Chủ nghĩa thô mộc mới” (The New Brutalism, 1966) đã xác nhận, bằng cách phác thảo một khung cảnh kiến trúc từ Unité d’Habitation của Le Corbusier ở Marseilles (1948) và các công trình thời hậu chiến của ông như Couvent de La Tourette ở Éveux (1953-60), dự án đô thị hóa Roq et Rob ở Roquebrune (1949, chưa xây dựng), Maisons Jaoul ở Neuilly-sur-Seine (1956)… những công trình mà vẻ đẹp của chúng được diễn giải bởi sự chân chất, đơn giản của bê tông.

Khái niệm “brutalism” dần dần được mở rộng ra phạm vi toàn cầu, đặc trưng bởi việc sử dụng ồ ạt bê tông trần (béton brut) với khả năng tạo hình ấn tượng, mạnh mẽ, có xu hướng như một tượng đài điêu khắc, điều chúng ta có thể nhận ra trong các công trình của Marcel Breuer (từ Trung tâm Nghiên cứu IBM ở La Gaude, Pháp, 1961-62, cho tới những phiên bản nước ngoài của nó bao gồm Bảo tàng Whitney ở New York, 1966), hay Claude Parent ở Pháp, Gottfried Böhm ở Đức, còn ở Italia có thể kể đến Vittoriano Viganò (viện Marchiondi ở Milan, 1958, Khoa Kiến trúc của Politecnico di Milano, 1970-85), Enrico Castiglioni (Nhà Văn hóa ở Busto Arsizio, 1955, trường trung học Facchinetti ở Castellanza, 1965) và một phần công trình của Giancarlo De Carlo (quận Matteotti ở Terni, 1969-75).

Ở quy mô toàn cầu, mối liên hệ với chủ nghĩa Thô mộc thậm chí còn rộng hơn, bao gồm: những thử nghiệm “tiền- chuyển hóa luận” (pre-metabolism) ở Nhật của Kiyonori Kikutake và Kenzo Tange, trải dài giữa siêu cấu trúc và chủ nghĩa biểu hiện kết cấu (expressionism); ở Israel, những công trình kiến trúc có tính chất điêu khắc mạnh mẽ như các tòa nhà thể chế cho Be’er Sheva, thủ phủ mới của Quận phía Nam, được xây dựng từ năm 1948 đến đầu những năm 80, và các dự án do Arieh Sharon và Zvi Hecker xây dựng giữa những năm 60 và 70; ở các quốc gia bước vào giai đoạn hậu thuộc địa (chủ yếu ở châu Phi và châu Á), cách diễn đạt một ngôn ngữ kiến trúc công cộng sẽ thể hiện tích cực cho một nền độc lập mới; ở Hoa Kỳ, sự thể hiện hoành tráng của Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale của Louis I. Kahn (1951-53) và các tòa nhà của Paul Rudolph như Khoa Kiến trúc tại Đại học Yale (1960-1963).

Ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, cái nhãn Thô mộc ít nhiều được gán cho cả các giải pháp đúc sẵn cho thiết kế nhà ở công cộng quy mô lớn, và các tòa nhà đại diện cho quyền lực và sự tiên phong của Nhà nước từ cuối những năm 60 đến những năm 80: các bộ, cơ quan công quyền và cả khách sạn, cơ sở hạ tầng, nhà máy sản xuất.

Sự cần thiết khi nhấn mạnh khía cạnh đạo đức lên trên thẩm mỹ cũng được những người theo chủ nghĩa Thô mộc áp dụng cho bối cảnh Mỹ Latinh. Ở đây, các tòa nhà có quy mô lớn sử dụng bê tông trần xuất hiện như là phản ứng đối với sự bùng nổ nhân khẩu đột ngột của các đô thị lớn, nhưng mỗi nhà thiết kế sẽ đưa ra những cách giải thích khác nhau: ở Argentina, thi pháp của Clorindo Testa đã ăn sâu vào những câu chuyện cá nhân sâu sắc; ở Brasil, trong khi những tác phẩm của Oscar Niemeyer có thể được phân loại trong lĩnh vực cụ thể như điêu khắc, thì thứ gọi là Brutalismo Paulista (trụ sở tại São Paulo, bao gồm các kiến trúc sư như João Batista Vilanova Artigas, Lina Bo Bardi, Paulo Mendes da Rocha) được thành lập dựa trên công nghệ xây dựng bê tông sẵn có của Đức và Nhật Bản, và như toàn bộ khu vực Châu Mỹ Latinh – dựa trên nhu cầu tạo ra ý nghĩa cho toàn bộ hệ thống đô thị thông qua kiến trúc liên quan tới thẩm mỹ.

Trong khi cách tiếp cận của Paulo Mendes da Rocha trong các công trình chẳng hạn như nhà riêng của ông (Casa Mendes da Rocha, São Paulo, 1964) và MuBE (Museu Brasilerio da Escultura, São Paulo, 1987), chủ yếu dựa trên những ưu tiên của việc xây dựng và tính toán, thì các công trình như MASP của Lina Bo Bardi (Museu de Arte de São Paulo, 1958-1967) được ưu tiên để tạo ra một không gian công cộng cho sự tương tác cộng đồng trong cấu trúc đô thị, nơi mà loại hình không gian này chưa phổ biến, và sau đó nhấn mạnh không gian bằng một khối bê tông-kính ấn tượng treo trên hai cánh cổng bê tông dự ứng lực hoành tráng sơn màu đỏ.


























Biên dịch: Anh Tuấn
XEM THÊM:
- Chủ nghĩa tối giản đã kết thúc?
- Bản chất của chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiện đại? Tại sao chúng ta cần sự chuyển tiếp này?
- Kiến trúc qua góc nhìn bay bổng từ Chủ nghĩa Siêu thực
- “Chủ nghĩa đô thị xã hội”: Từ mô hình Medellín đến xu hướng mang tính toàn cầu
- Sau đại dịch Covid-19, liệu có trào lưu thiết kế mới xuất hiện?