Với câu hỏi “bất động sản hạng sang ngày nay là gì” và tại sao các thương hiệu thời trang đang mở rộng sang lĩnh vực Kiến trúc, ArchDaily đã có cuộc trò chuyện với KTS Andrea Boschetti – KTS chủ trì dự án biệt thự Karl Lagerfeld để hiểu thêm về chủ đề này.
Vài năm trở lại đây, các thương hiệu thời trang xa xỉ bắt đầu đi vào lĩnh vực Kiến trúc. Một số hãng đã xây dựng bảo tàng, không gian triển lãm và xây dựng các cộng đồng dân cư để truyền tải bản sắc của họ vào không gian. Theo cùng ý tưởng này, cố NTK Karl Lagerfeld cùng với Nhà phát triển bất động sản Sierra Blanca Estates và Công ty thiết kế và xây dựng thương hiệu The One Atelier, đã phát triển dự án kiến trúc hạng sang đầu tiên của NTK người Đức, biệt thự Karl Lagerfeld ở Marbella, Tây Ban Nha. Dự án hướng tới giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, sử dụng vật liệu tự nhiên, nhằm thể hiện cam kết đối với Hiệp hội thời trang – một cam kết toàn cầu nhằm chuyển đổi ngành công nghiệp thời trang thông qua các mục tiêu về môi trường, giảm thiểu phát thải.

PV: Ý tưởng thiết kế của dự án lần này là gì?
KTS Andrea Boschetti: Ý tưởng là sự kết hợp sự sang trọng với tính bền vững, lấy cảm hứng từ triết lý của cố NTK Karl: góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Vì vậy, tôi muốn đưa những triết lý của NTK vào dự án. Trên thực tế, chúng tôi không sử dụng các vật liệu đắt tiền, chúng tôi lựa chọn vật liệu phù hợp là đá mài, đá cẩm thạch tái chế, gỗ và gốm sứ.
PV: Theo ông thế giới xa xỉ đã sẵn sàng cho những cách tiếp cận bền vững này hay chưa?
KTS Andrea Boschetti: Tôi chưa dám khẳng định. Chúng ta cũng phải hiểu rằng ở những nơi khác nhau trên thế giới, họ vẫn có những quan điểm khác nhau. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là KTS, chúng tôi phải chia sẻ với thế giới về Kiến trúc bền vững. Tuy nhiên, khi dự án này đi vào hoạt động, tôi nghĩ rằng một phần của thế giới xa xỉ này đã sẵn sàng. Quy mô lần này ở Marbella không lớn, một khu phức hợp bao gồm 5 biệt thự. Tôi nghĩ khi làm ở quy mô lớn hơn, sẽ có tác động mạnh mẽ hơn. Nó không còn là thử nghiệm các chiếc xe điện mà là đưa vào sản xuất quy mô lớn. Về thiết kế, khách hàng yêu cầu bầu không khí và không gian, họ muốn trở về với thiên nhiên hơn là nội thất hoa mỹ, nặng nề.

PV: Theo nghĩa đó, ông định nghĩa thế nào về bất động sản hạng sang?
KTS Andrea Boschetti: Tôi đã làm việc nhiều nơi trên thế giới. Ban đầu, được giao nhiệm vụ làm bất động sản hạng sang là điều rất mới mẻ với tôi, nhưng sau quy hoạch tổng thể của Milano, một vài biệt thự ở Nga và đưa văn hóa của các hãng thời trang qua Kiến trúc, đã giúp tôi có cái nhìn toàn cảnh hơn.
Ví dụ, bảo tàng Prada ở Milano, dự án đã tạo ra một sự thay đổi nhất định trong khu vực. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể sử dụng sự sang trọng để mang lại chất lượng cho thành phố và cho những người dân sống gần đó. Đúng là không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, nhưng chẳng hạn như ở khu biệt thự Karl Lagerfeld lần này, chúng tôi đang sử dụng diện tích đất để trả lại hạ tầng xanh cho khu vực với cây xanh và những con đường dành cho xe đạp từ đồi đi xuống biển; hài hoà với bối cảnh và tạo ra cuộc đối thoại giữa thiên nhiên và Kiến trúc.

PV: Ông có thấy sự tương đồng nào giữa thời trang và Kiến trúc không? Cũng giống như Karl Lagerfeld, rất nhiều hãng thời trang đang chuyển sang Kiến trúc. Tại sao lại như vậy?
KTS Andrea Boschetti: Nói về Karl, mặc dù ông ấy làm việc cho các hãng thời trang xa xỉ như Fendi và Chanel, nhưng ông ấy tự tin rằng thời trang, cái đẹp và sự sáng tạo nên dành cho tất cả mọi người. Nguyên tắc dân chủ này là thứ gắn liền với những ý tưởng của tôi về kiến trúc, một Kiến trúc chất lượng, thẩm mỹ và có tác động tích cực tới khu vực xung quanh. Đây cũng là sự tương đồng mà tôi bắt gặp giữa thời trang và kiến trúc.
Trên thực tế, các thương hiệu muốn chuyển các giá trị của họ vào kiến trúc, bởi vì họ cũng muốn đi ra khỏi một lĩnh vực cụ thể. Trên thực tế, rất nhiều thương hiệu đã liên hệ với The One Atelier để chúng tôi có thể truyền tải triết lý của họ thành các không gian kiến trúc. Điều đó trước đây chỉ được thực hiện trong thiết kế nội thất, nhưng giờ đây nó hướng đến việc truyền tải bản sắc và tạo ra các biểu tượng trong các thành phố. Theo quan điểm của tôi, đó là một sự phát triển của các hãng. Nó cũng là về việc mở các chi nhánh mới và có sự hiện diện lớn hơn. Hình ảnh và Kiến trúc là tài liệu tham khảo trực quan quan trọng nhất trong các thành phố ngày nay.
PV: Kiến trúc “hạng sang” khác với kiến trúc như thế nào?
KTS Andrea Boschetti: Đối với tôi, chúng không quá khác biệt. Những ngôi nhà sẽ lớn hơn, vị trí đắc địa hơn, nhưng các nguyên tắc vẫn là như nhau. Cách tiếp cận bền vững cũng giống như vậy. Đối với tôi, sự sang trọng có liên quan nhiều hơn đến cách bạn sử dụng thời gian chất lượng của mình. Nói cách khác, với công việc của mình, tôi không muốn làm nổi bật sự phong phú trong thiết kế nhưng tôi muốn tạo ra không gian chất lượng cao cho khách hàng. Chúng tôi đã chuyển đổi khái niệm sang trọng, từ trải nghiệm vật chất sang trải nghiệm phi vật chất.
PV: Quay trở lại với dự án ở Marbella, mỗi căn dành cho một đối tượng khác nhau. Ông có thể nói rõ hơn về thiết kế của những ngôi biệt thự này?
KTS Andrea Boschetti: Các căn có diện tích không quá lớn, từ 660 đến 900m2, dành cho các gia đình. Chúng tôi chỉ đơn giản là không muốn lặp lại cùng một hình dạng. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn tạo khung cảnh khác nhau và tạo ra một điểm nhìn đa dạng đối với cảnh quan xung quanh. Tạo ra các góc nhìn khác nhau từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.
Thiết kế nương theo tự nhiên. Đôi khi chúng ta làm cửa sổ ngang hơn để ngắm nhìn toàn cảnh biển và đường chân trời. Nhưng ở bối cảnh khác thì các cửa sổ theo chiều dọc sẽ thích hợp hơn, để ngắm nhìn núi và bầu trời. Cố NTK Karl Lagerfeld cũng là một người hâm mộ Mies van der Rohe, chủ nghĩa “Less is more”. Các biệt thự được kết nối với nhau bằng dòng sông nhỏ nhằm tái hiện bối cảnh tự nhiên của thành phố Marbella.
PV: Nhắc đến Milano, ông hình dung thành phố 10 năm nữa sẽ như thế nào?
KTS Andrea Boschetti: Tôi nghĩ nó sẽ trở nên hoàn toàn khác và tốt đẹp hơn nhiều, đặc biệt là khi có nhiều không gian công cộng ở giữa các công trình. Tôi nghĩ vấn đề mà thành phố cần giải quyết là vấn đề nhà ở, không chỉ ở Milano mà còn cho cả châu Âu. Nhà ở là một thách thức mới đối với các thành phố và KTS.
Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Archdaily
XEM THÊM
- Trò chuyện với KTS Jacques Herzog: “Việc quan sát, phân tích các vấn đề của đô thị đã cho chúng tôi những ý tưởng kiến trúc tuyệt vời”
- Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
- KTS Nishan Kazazian: “Những gì kiến trúc có thể làm là tạo ra môi trường sống có ý nghĩa cho tất cả mọi người”