“Cách hiện diện rất hữu cơ với bình địa cùng sự cuốn hút vi diệu” là nhận xét của Hội đồng giám khảo Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2020 – 2021 dành cho công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định. Những yếu tố ấn tượng về cấu trúc, vật liệu, tinh thần cộng đồng… đã mang về giải Vàng cho công trình này. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa kienviet.net với nhóm tác giả Studio Milou và TAD để hiểu rõ hơn về dự án cũng như quan điểm thiết kế của các KTS.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
KTS Nguyễn Thành Trung, KTS Francois Milou và KTS Nguyễn Văn Tất I Liên danh công ty studioMilou Singapore và công ty TAD KTS Jean

PV: Xin chúc mừng các KTS về giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia (GTKTQG) 2020 – 2021! Ấn tượng đầu tiên khi nhìn Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định là một không gian đón tiếp cởi mở. Ý tưởng ở đây là gì vậy nhỉ?

Chúng tôi, đội ngũ đến từ công ty Studio Milou và công ty TAD hết sức xúc động khi nhận được giải thưởng cao quý này và chân thành cảm ơn Hội đồng GTKTQG cùng Hội KTS Việt Nam.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định nhận giải Vàng GTKTQG 2020 – 2021

Công trình được thiết kế không có rào chắn với ý niệm là một công trình thực sự thuộc về công chúng nói chung với cảm giác tự do, không hề bị kiểm soát khi tiếp cận. Điều đó được củng cố thêm với các hàng cột cao vút nằm trong khuôn viên một khu vườn mở ra về phía thành phố Quy Nhơn. Trên thực tế, chúng tôi mong muốn thiết kế một công trình như một món quà dành cho người dân thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.

PV: Công trình có khối tích khá lớn. Các KTS làm thế nào để đảm bảo tính hài hòa giữa một công trình hoành tráng và bối cảnh tự nhiên xung quanh?

Thực ra bối cảnh của công trình là khá đặc thù. Nơi đây từng là đường băng quân sự. Đại lộ Nguyễn Tất Thành chính là đường băng xưa kia. Vậy nên vô hình trung khuôn viên dự án đã là một dải đất dài và hẹp. Chính vì vậy chúng tôi đã lựa chọn một hình khối đơn giản, cô đọng. Công trình được thiết kế tựa vào cảnh quan đồi núi phía Tây và hướng về thành phố tại mặt đứng phía Đông công trình với khoảng đệm cảnh quan.

Với mỗi hướng mặt đứng, chúng tôi cân nhắc tỷ lệ, không gian để phù hợp hơn với bối cảnh đô thị xung quanh. Phía Bắc được đề xuất kết nối liền mạch với Hoa viên Nguyễn Thái Học hiện trạng, với cùng chiều cao công trình nhưng không gian ở đây được xử lý thân thiện hơn, gần gũi với cảnh quan hoa viên. Kết hợp cùng với quán cafe nhỏ và các bậc cấp có thể chuyển thành không gian sự kiện ngoài trời sẽ tạo điều kiện để trở thành một địa điểm đẹp cho các sự kiện vừa và nhỏ.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Công trình được thiết kế tựa vào cảnh quan đồi núi phía Tây và hướng về thành phố tại mặt đứng phía Đông công trình với khoảng đệm cảnh quan

Mặt đứng phía Nam thì ngược lại, đối diện với quảng trường trung tâm, không gian này được chúng tôi thiết kế với tỷ lệ hùng vỹ hơn dành cho lối tiếp cận khánh tiết hướng ra quảng trường. Không gian thông tầng hệ sàn cột vượt nhịp mang đến một tỷ lệ, cảm xúc hoàn toàn khác so với mặt đứng phía Bắc. Đây là nơi sẽ tổ chức các nghi lễ đón tiếp trang trọng cho các sự kiện được tổ chức trong trung tâm hội nghị.

Phía Đông công trình nơi hướng về phía đô thị thành phố, kế cận với trực đường Nguyễn Tất Thành được chúng tôi thiết kế với mặt đứng hệ cột với nhiều kích thước, hình thức khác nhau kết hợp thành một dải mặt đứng mang lại cảm giác một công trình với các hàng cột dài nằm trong khuôn viên một khu vườn mở ra về phía thành phố Quy Nhơn. Vùng đệm cảnh quan nằm giữa công trình và đường giao thông được thiết kế nhằm giảm tỷ lệ mặt đứng với không gian xung quanh, lối vào không gian hội nghị tại hướng đường Nguyễn Tất Thành trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Không gian cafe nhỏ khác được bố trí dọc mặt đứng này sẽ mang đến sức sống “đô thị” cho một công trình công cộng.

PV: Trong thuyết minh dự án, nhóm tác giả đã gọi công trình là một thiết kế bền vững. “Bền vững” – nghe cũng quen quá nhỉ!? Vậy cái “bền vững” ở đây có gì đặc biệt không?

Với công trình này, chúng tôi không thể theo đuổi hoàn toàn khái niệm bền vững như chúng ta vẫn nói cho công trình xanh mặc dù chúng tôi đều có tính đến. Điều chúng tôi muốn hướng tới nhiều hơn là tính bền vững trong cảm xúc của người dân địa phương. Như chúng tôi từng chia sẻ, chúng tôi thiết kế công trình như một món quà dành cho người dân Bình Định, một công trình công cộng không rào chắn theo đúng nghĩ đen và nghĩa bóng. Một công trình được hình thành chính bằng mồ hôi công sức của những người con Bình Định. Và chúng tôi hy vọng về lâu dài đây sẽ là một điểm đến yêu thích của người dân, một không gian công cộng đúng nghĩa – điều mà người dân nơi đây xứng đáng được nhận. Công trình “bền vững” trong lòng người dân là điều chúng tôi hướng đến hơn cả.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Thiết kế của công trình hướng đến một không gian công cộng không rào chắn theo đúng nghĩ đen và nghĩa bóng

PV: Còn giải pháp ứng dụng vật liệu địa phương thì sao? 

Trong công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, chúng tôi tối đa hoá các vật liệu có khối lượng lớn là vật liệu trong nước, áp dụng các chi tiết thiết kế để làm mới chất cảm vật liệu. Trong đó có thể nói vật liệu đá marble vàng nâu trong nước (thường ít được dùng) được đưa vào các khu vực điểm nhấn công trình khá thành công. Vật liệu này đến với chúng tôi qua quá trình nhiều năm làm việc tại Việt Nam, đi qua các địa phương và khi kiếm tìm một vật liệu điểm nhấn, chúng tôi nhận thấy vật liệu có vẻ đẹp riêng phù hợp với tổng thể bảng màu vật liệu của công trình.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Không gian bên trong tối đa hoá các vật liệu có khối lượng lớn là vật liệu trong nước, áp dụng các chi tiết thiết kế để làm mới chất cảm vật liệu

Bên cạnh đó, quý vị có thể thấy vật liệu bê tông tự nhiên ván khuôn gỗ cũng được chúng tôi áp dụng tại công trình này nhưng ở một tỷ lệ hoàn toàn khác, “lạ” hơn rất nhiều. Vật liệu thô mộc tương phản mặt đứng kính mang lại cảm xúc khá thú vị. Bê tông ghi xám cùng với đá basalt trong nước là một kết hợp hài hoà. Đá basalt được chúng tôi sử dụng cho lát nền và tường với nhiều cách hoàn thiện khác nhau như băm mặt, khò nhám, bóng mờ và bóng gương tuỳ từng vị trí. Điều này giúp cho tính đồng bộ về vật liệu trong công trình nhưng vẫn mang lại những vẻ khác biệt.

PV: Kinh phí đầu tư cũng là một trong những yếu tố gây ấn tượng với Hội đồng giám khảo, các KTS đã làm thế nào để tối ưu chi phí cho dự án này?

Là một dự án vốn ngân sách được kiểm soát đặc biệt, để tiết kiệm chi phí đầu tư, chúng tôi phải tính toán trong thiết kế để đảm bảo dù không phải vật liệu chi tiết hoàn thiện tốt nhất, giá cao nhất nhưng không vì thế mà giảm giá trị thẩm mỹ của không gian. Thú thực chúng tôi mong muốn được hoàn thiện tốt hơn thế nhưng điều kiện kinh phí không cho phép.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Đá basalt được sử dụng cho lát nền và tường với nhiều cách hoàn thiện khác nhau như băm mặt, khò nhám, bóng mờ và bóng gương để tạo nét đẹp khác biệt

Trong chiến lược thiết kế của mình, chúng tôi đặt mục tiêu là công trình chi phí thấp nhưng không “rẻ tiền” hay “nghèo nàn”; trái lại vẫn phải mang đến cho người sử dụng những không gian “giàu” cảm xúc. Do vậy chúng tôi khoanh vùng các khu vực trọng yếu để đầu tư và giảm thiểu ở mức cơ bản nhất tại các khu vực còn lại. Chúng tôi cũng phải nghiên cứu điều chỉnh chi tiết kiến trúc, nội thất để vẫn đảm bảo tỷ lệ thẩm mỹ nhưng dễ thi công hơn, điều này sẽ giảm giá thành.

Về vật liệu, như chúng tôi có chia sẻ ở trên, tối đa hoá sử dụng vật liệu trong nước góp phần không nhỏ trong việc giảm suất đầu tư cho công trình.

Về thiết bị, chúng tôi đặt mục tiêu đảm bảo công trình vận hành đáp ứng yêu cầu cơ bản, tránh lãng phí. Với khu vực khán phòng thường là khu vực tốn kém nhất trong một trung tâm hội nghị, hạ tầng kỹ thuật được thiết kế cho một khán phòng đảm bảo các yêu cầu về âm học, sân khấu, thiên kiều và hậu trường. Thiết bị được chúng tôi lựa chọn để đảm bảo hầu hết các nhu cầu cơ bản của địa phương. Ngoài ra với các yêu cầu về biểu diễn cao cấp hơn đòi hỏi cao về thiết bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng, chúng tôi tính toán để các đơn vị tổ chức vận hành biểu diễn có thể dễ dàng lắp đặt bổ sung trên nền tảng hạ tầng đang có. Điều này góp phần rất lớn giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu cho tỉnh cũng như chi phí vận hành ban đầu. Với kinh nghiệm thực hiện rất nhiều công trình biểu diễn, mỗi trương trình sẽ có các yêu cầu tiếng và để đảm bảo cho tất cả các sự kiện thì kinh phí đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí vận hành cao và hiệu suất khai thác cao, đây là vấn đề khó cho các công trình công tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định: Hướng đến tính bền vững trong lòng người dân
Khu vực khán phòng được thiết kế vừa tối đa công năng vừa tránh lãng phí

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhóm kiến trúc sư tới bạn đọc!

XEM THÊM:

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
145 head
AR Award dành cho các kiến trúc nổi bật 2007

AR Awards là giải thưởng lớn nhất và danh giá nhất dành cho các kiến trúc sư trẻ trên toàn Read more

157 head
AR Award 2006: Cầu bộ hành

Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các tác phẩm đoạt giải thưởng này năm 2006. Đầu tiên là công Read more

161 head
AR Award 2006: Trung tâm trị liệu tâm thần trẻ em

Trong số nhiều công trình dự thi đến từ Nhật bản, trung tâm trị liệu dành cho trẻ rối loạn Read more

168 head
AR Award 2006: Ngôi trường xây thủ công

Một vấn đề thường diễn ra là khát vọng vươn tới hiện đại tại các nước đang phát triển lại Read more

190 head
Phỏng vấn Jean Nouvel

Sinh năm 1950, tại Fumel (lot-etgaronne) miền nam nước Pháp, ông học tại trường Ecole Nationale Supérieure des beaux arts Read more

do hoa da phuong tien head
Đồ họa đa phương tiện

Công nghệ hình ảnh đang tiến theo xu hướng: từ hình ảnh 2D trên film, giấy ảnh, màn ảnh... tiến Read more