Ý đồ xuyên suốt của Đền Thánh giáo xứ hướng tới việc làm nổi bật yếu tố bản địa của vùng đất chiêm trũng Hà Nam, tôn trọng thiên nhiên, gây dựng mối quan hệ giữa cảnh quan cây xanh trù phú cùng quần thể các công trình kiến trúc, phát huy và truyền tải rõ nét tinh thần Công giáo trong cộng đồng giáo xứ.
Thông tin công trình
- Tên công trình: Đền Thánh giáo xứ Tiêu Động Thượng Hà Nội
- Tác giả: KTS. Lê Minh Hoàng, Phạm Văn Dũng và các cộng sự Lê Studio
- Địa điểm: Tiêu Thượng, Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam
- Chức năng: Công trình tín ngưỡng, tôn giáo
- Diện tích đất: 4200 m2
- Diện tích xây dựng: 230 m2
- Năm thiết kế: 2019
- Năm hoàn thành: 2021

Quần thể Giáo xứ nằm trong làng Tiêu Động Thượng, một ngôi làng vùng chiêm trũng điển hình với điều kiện tự nhiên ao hồ đồng ruộng và cảnh sắc thiên nhiên nguyên vẹn. Cấu trúc ngôi làng chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình đô thị hóa và các dự án công nghiệp, kiến trúc phần lớn là các nếp nhà ngói phổ thông có chiều cao trung bình một đến hai tầng.

Ý đồ xuyên suốt của bàn quy hoạch hướng tới việc làm nổi bật yếu tố bản địa của vùng đất chiêm trũng Hà Nam (còn tương đối vẹn nguyên từ tổng thể làng mạc bao quanh đến nội tại kiến trúc). Thiết kế tôn trọng thiên nhiên, gây dựng mối quan hệ giữa cảnh quan cây xanh trù phú cùng quần thể các công trình kiến trúc, phát huy và truyền tải rõ nét tinh thần Công giáo trong cộng đồng giáo xứ.

Ngôi đền được đặt trên “con đường hành hương” của giáo xứ, kết nối 3 điểm chính bao gồm nhà thờ lớn, đền thờ và mặt nước tự nhiên, hình thành nên một trục “thánh thiêng” xuyên suốt chiều dài khu đất (theo hướng Bắc – Nam). Điểm cuối cùng có thể bước đến ở hành trình này là ngôi đền thánh có kiến trúc tương đối vững chãi và khép kín (phần sảnh chính có cấu trúc được thiết kế tạo cảm giác nén, nặng và hạ thấp chiều cao mái theo cảm nhận thị giác).


Tuy nhiên đối lập với dáng vẻ bên ngoài, khi tiến vào bên trong nội thất, đền thánh được thiết kế mở ra một khung hình lớn ở hậu cung, hướng về phía mặt nước và hàng cây xanh tự nhiên bao quanh ranh giới phía Bắc của khu đất. “Đóng” và “mở” tuần tự trong chuỗi cấu trúc này (đóng [nhà thờ] – mở [cảnh quan] – đóng [đền] – mở[cảnh quan tự nhiên]), góp phần tạo nên những thay đổi rõ ràng về xúc cảm của người tham gia trải nghiệm.

Xem thêm hình ảnh:
XEM THÊM:
- Thô ráp mà tinh tế, ngôi nhà tại Vinh khơi gợi khám phá mới mẻ trong cấu trúc không gian sống truyền thống
- “Cũ” và “mới” giao hòa trong không gian nhà ở nông thôn Bắc Bộ
- Giải bài toán nhà ống diện tích nhỏ, hẹp bằng giải pháp liên thông không gian