Ngày 12/1/2022, Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc Cơ sở Đào tạo và Nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại TP Nha Trang, Khánh Hòa chính thức công bố kết quả cuộc thi bao gồm 01 giải Nhất, 02 giải Ba (không có Giải Nhì). Theo đó, giải Nhất được trao cho phương án của Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Xây dựng WINHOUSE.
Sau 45 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) đang triển khai các hoạt động để hình thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu, định hướng thành Phân hiệu UEH tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, góp phần cung cấp nhân lực vì sự phát triển bền vững của khu vực Nam Trung bộ – Tây Nguyên.
Kể từ khi phát động vào tháng 11/2021, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Cơ sở Đào tạo và Nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại TP Nha Trang đã thu hút sự quan tâm của 25 đơn vị, liên danh tư vấn tham gia, trong đó có 16 đơn vị gửi sản phẩm dự thi.
Hội đồng thi tuyển gồm những kiến trúc sư có kinh nghiệm tại tỉnh Khánh Hòa, các nhà khoa học, nhà sư phạm đầu ngành và ban lãnh đạo UEH đã tổ chức chấm thi các phương án thiết kế và chọn ra được các sản phẩm dự thi đạt giải với 01 giải Nhất, 02 giải Ba (không có Giải Nhì), cụ thể:
01 Giải Nhất được trao cho phương án có mã GN01 của Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Xây dựng WINHOUSE (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
02 Giải Ba được trao cho 02 phương án: Phương án có mã KV89 của Công ty TNHH Kiến trúc Xây dựng KKV – KKV Architects (quận Gò Vấp, TP.HCM) và Phương án có mã VU78 của Công ty TNHH Kiến trúc VHA (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
UEH Nha Trang sẽ tọa lạc trên khuôn viên rộng 2,1ha thuộc Khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, có vị trí bên cạnh các Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Trường Chính trị tỉnh…
UEH Nha Trang đặt ra yêu cầu phải chuẩn mực ngay từ khởi đầu với phương án thiết kế kiến trúc tối ưu, tổ chức không gian hiện đại, năng động, sáng tạo, xanh và bền vững. Đây không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà còn là địa điểm thu hút quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế khi đến làm việc, tham quan tại TP. Nha Trang.
Phương án giải Nhất của Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Xây dựng WINHOUSE
Nhóm thiết kế hướng đến kiến tạo một công trình kiến trúc ấn tượng không chỉ mang bản sắc của địa phương mà còn là điểm nhấn của cả khu vực, xứng đáng là biểu tượng cho kỷ nguyên phát triển giáo dục của Việt Nam; với thông điệp kết nối cộng đồng – lan tỏa tri thức – phát triển bền vững. Thiết kế hướng đến mô hình trường UEH “Green University”.
Nhóm thiết kế lấy cảm hứng thiết kế từ kiến trúc Chăm-pa tưởng như vô hình mà trở thành ngôn ngữ kiến trúc đầy sâu sắc – nơi ẩn dụ những câu chuyện, dòng cảm xúc thời gian – nơi kiến trúc cũ và mới đối thoại trong không gian hữu hình.
Lối vào sảnh chính được lấy cảm hứng từ lối vào tháp Bà Ponagar, với 2 hàng cột lớn hình bát giác xây dựng bằng gạch nung được in bóng dưới mặt nước tĩnh lặng. Nơi phản chiếu giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Song song đó với ngôn ngữ kiến trúc Chăm và các hoạt động truyền thống tổ chức tại sảnh và quảng trường có thể giúp sinh viên hiểu hơn về văn hóa, con người và lịch sử nơi đây.
Thư viện tái hiện lại những hình ảnh của kiến trúc Chăm-pa. Nơi đây là trái tim của toàn bộ công trình, nơi khơi nguồn trí thức cho sinh viên, nơi mọi người có thể giao lưu, học hỏi và tương tác với nhau.
Thư viện sử dụng thủ pháp che chắn hai lớp, bên trong là hệ vách kính tăng khả năng lấy sáng, lớp bên ngoài là mặt dựng gạch nung không tô trát, giảm nhiệt độ môi trường bên ngoài tác động vào công trình và đảm bảo độ riêng tư. Khoảng hở giữa hai lớp giúp không khí lưu thông tốt góp phần duy trì độ ẩm lý tưởng bảo vệ sách theo thời gian. Hình họa trang trí trên bề mặt lấy cảm hứng từ chi tiết phù điêu hình lá bồ đề, là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm-pa tại Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ đường cong bờ biển, một thảm xanh thực vật trải dài, nối liền hai khối hiệu bộ và hội trường được hình thành. Với cấu trúc ba tầng cây xanh kết hợp hành lang ngoài và lam che nắng, khu vực này như một vườn treo trên cao góp phần cải thiện vi khí hậu và thu hút thị giác khi nhìn vào công trình. Đây chính là một trong những điểm nhấn ấn tượng cho phần mặt chính của công trình và khẳng định rõ têu chí “BE GREEN” của UEH trong tương lai gần.
Những khoảng hở giữa các khối lớp học giúp công trình được thông thoáng, tiếp nhận ánh sáng tự nhiên một cách đầy đủ và đối lưu gió giữa các khối. Khoảng không gian xanh với hệ cảnh quan nhiều tầng lớp giúp sinh viên giảm căng thẳng và điều tiết thị giác sau mỗi tiết học.
