“Nhà ở xã hội Pháp, được biết đến ngày nay với tên viết tắt HLM (nhà cho thuê giá vừa phải), có lịch sử hình thành sơ khai từ giữa thế kỷ 19 bằng những khu nhà ở cho công nhân. Phát triển suốt lịch sử đô thị hoá từ đó đến nay, vấn đề nhà ở xã hội Pháp là tấm gương phản chiếu những chính sách và tốc độ kinh tế, đồng thời cũng thể hiện đặc thù tầm nhìn quy hoạch đô thị và dân cư Pháp hơn 1 thế kỷ qua”.
Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế là phân xưởng của nhiều nhãn hàng lớn. Khi dỡ bỏ phong toả, lại thêm làn sóng người lao động bỏ về quê do kiệt quệ sinh kế, không kham nổi chi trả nhà trọ với điều kiện tệ hại, có nguy cơ gây thiếu hụt lực lượng lao động, chậm khả năng phục hồi sau đại dịch. Một trong những nguyên nhân là do không chú trọng đủ đến việc đầu tư nhà trọ công nhân. Rộng hơn, thiệt hại nặng về sinh mạng, và tình trạng lây lan nhiều ở TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng lớn do điều kiện nhà ở của tầng lớp dân nghèo thành thị không được chú trọng tương xứng trong chính sách công.
Theo thống kê của bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở; 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, tức là cần xây dựng 700.000 căn hộ. Theo số liệu gần nhất (tháng 7/2021), trên toàn quốc chỉ có 330.000 công nhân trong các khu công nghiệp được có nhà ở giá rẻ tại chỗ, trên diện tích đất 250ha.
Như vậy, ở nước ta lao động công nhân trong nhà máy xí nghiệp có khoảng 14,3 triệu người (14% dân số), tạo ra 70% thu ngân sách, thì diện tích đất dành để xây nhà ở công nhân trong khu công nghiệp chưa bằng 1/10 diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng (2600 ha).
Nhân đây, xin giới thiệu tóm tắt chuyện lịch sử nhà ở xã hội Pháp như một ví dụ để tham khảo. Hy vọng rằng, điều kiện ăn ở của người lao động, công nhân khu công nghiệp ở ta, sau đại dịch, sẽ được quan tâm cải thiện hơn.
Nhà ở xã hội Pháp, được biết đến ngày nay với tên viết tắt HLM (nhà cho thuê giá vừa phải), có lịch sử hình thành sơ khai từ giữa thế kỷ 19 bằng những khu nhà ở cho công nhân. Phát triển suốt lịch sử đô thị hoá từ đó đến nay, vấn đề nhà ở xã hội Pháp là tấm gương phản chiếu những chính sách và tốc độ kinh tế, đồng thời cũng thể hiện đặc thù tầm nhìn quy hoạch đô thị và dân cư Pháp hơn 1 thế kỷ qua.

Cách mạng công nghiệp và giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân
Vào đầu thế kỷ 19, khi cách mạng công nghiệp bắt đầu đẩy mạnh ở Pháp, đòi hỏi xây dựng nhà ở cho công nhân gần các phân xưởng làm việc ngày càng cấp thiết. Thêm vào đó, sau đợt dịch bệnh, trước tình trạng kém chất lượng và mất vệ sinh gây ra các bệnh truyền nhiễm tại các khu nhà ở công nhân, một bộ luật đầu tiên ra đời vào năm 1850, dưới thời Napoléon Bonaparte, về “Làm sạch và cấm nhà ở không đảm bảo vệ sinh”.
Khu ở công nhân đầu tiên mang tên “khu ở Napoléon”, xây dựng vào những năm 1849 – 1850, tại quận 9 thủ đô Paris. Thiết kế một phần theo mô hình khu ở đề xuất bởi triết gia Charles Fourier, theo yêu cầu của Tổng thống Louis-Napoléon Bonaparte (2 năm trước khi xưng hoàng đế Napoléon III). Khu ở bao gồm 4 toà nhà, tổng cộng khoảng 200 căn hộ cho thuê giá rẻ cho giới công nhân, có bố trí nhà giữ trẻ, phòng khám y tế, phòng giặt phơi đồ, nhà tắm và vệ sinh dùng chung ở hai đầu mỗi toà nhà.
Song song với những mô hình tương tự xây dựng tại Mỹ và Anh, một số giới chủ lớn, cấp tiến của Pháp mong muốn đầu tư vào xây dựng những khu nhà ở chất lượng tốt cho công nhân của mình. Mục đích của họ một là để công nhân sống gần nhà xưởng, dễ dàng quản lý và giữ được nhân công. Mặt khác, tạo môi trường sống tiện nghi, hạnh phúc cho công nhân được một số giới chủ coi như một việc phúc lợi, bác ái.
Khác với nhiều khu nhà xưởng xây khu nhà ở cho công nhân đã xuất hiện trước đó, những khu ở này tạo ra một xã hội thu nhỏ, áp dụng lý thuyết về một khu ở kết hợp các không gian, chức năng và tiện ích chung để đảm bảo một cuộc sống tiện nghi, hài hoà, hạnh phúc của Charles Fourier được áp dụng rộng rãi. Nhiều khu ở công nhân lớn được ra đời vào nửa cuối thế kỷ 19, có sức chứa hàng trăm gia đình, có tiện ích nhà trẻ, trường học, phòng giặt, công trình văn hoá giải trí như nhà hát,.. đảm bảo chỗ ở và chất lượng đời sống cộng đồng cho công nhân.

Phổ biến “Nhà ở giá rẻ” (HBM) đi vào chính sách nhà nước
Cuối thế kỷ 19, Công ty xây dựng nhà ở giá rẻ Pháp (SFHBM) ra đời, lập ra với mục đích thúc đẩy đầu tư tư nhân vào xây dựng rộng rãi nhà ở giá rẻ đảm bảo vệ sinh cho người lao động. Vào năm 1894, bộ luật đầu tiên, định nghĩa đối tượng được thuê nhà ở công nhân, đồng thời tạo các khung pháp lý cho phép các công ty xây nhà ở công nhân được đảm bảo để vay vốn quỹ tín dụng quốc gia. Luật mang tên Jules Siegfried – nhà công nghiệp, nghị sỹ đồng thời là nhà đồng sáng lập SFHBM.
Thời kỳ này, những khu đô thị cho công nhân được thiết kể ảnh hưởng bởi lý thuyết thành phố vườn – Garden city nổi tiếng của nhà quy hoạch người Anh Ebenezer Howard. Điều “ngược đời” ở đây ở chỗ, “thành phố vườn” ở Anh ra đời là một lý thuyết đô thị xã hội, chống lại mô hình phát triển đô thị tư bản công nghiệp. Ở đó, đất là đất công do nhà nước sở hữu, mật độ xây dựng thấp, xa thành phố, bao quanh bởi đất nông nghiệp, có các tiện ích chung ở trung tâm. Trong khi ở Pháp, lý thuyết này được áp dụng bởi các chủ tư bản của các khu công nghiệp lớn, cho chính các khu nhà cho công nhân, ở gần các khu công nghiệp lớn nhất thời bấy giờ về dệt may, khai thác than, vv..
Khi áp dụng tại Pháp, để đáp ứng thành nhà ở giá rẻ, các khu nhà này thường là nhà liền kề, chiều ngang tầm 6 – 7m với khoảng sân vườn trước và sau nhà, diện tích vừa phải. Các công viên, trường học và nhà văn hoá,… vẫn bố trí ở trung tâm. Dấu ấn của các khu nhà kiểu này còn tìm thấy rất nhiều ở các thành phố công nghiệp cũ phía Bắc và Đông Bắc Pháp, Bỉ.
Luật này đã không đạt nhiều hiệu quả do vấp phải sự e dè đầu tư vào mảng nhà ở cho công nhân của các nhà đầu tư tư nhân. Nhiều luật khác tiếp tục bổ sung trong thập niên đầu của thế kỷ 20 để củng cố công cụ pháp lý, mở rộng khả năng đầu tư từ nhiều nguồn, sự tham gia của chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được vay tiền mua nhà,… Thêm vào đó, nhu cầu về nhà ở dần được nhìn nhận như một quyền cơ bản của người dân, trở thành một vấn đề chính trị và các chính sách nhà nước.
Tuy vậy, chỉ đến sau chiến tranh thế giới thứ 1, nhu cầu nhà ở tăng vọt, việc đáp ứng trở nên bức thiết, trong khi đó, giá cả vật liệu và nhân công đắt đỏ khiến các nhà đầu tư tư nhân khan hiếm. Trong bối cảnh đó, nhà nước dần phải tham gia thành nhân tố chính để xây dựng nhà ở xã hội trên quy mô lớn. Khái niệm quy hoạch đô thị cũng ra đời trong giai đoạn này, những lý thuyết quy hoạch hiện đại được đưa vào áp dụng. Trong những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, các khu nhà ở giá rẻ lần lượt được quy hoạch.
Bùng nổ nhà ở cao tầng trong “30 năm huy hoàng” xây dựng lại sau chiến tranh
Sau thế chiến thứ 2, trong “30 năm huy hoàng” xây dựng lại và phục hồi kinh tế sau chiến tranh, nhu cầu xây dựng hạ tầng nói chung và nền kinh tế thu hút số lượng lớn nhân công về các đô thị lớn, làm bùng nổ về nhu cầu xây dựng nhanh và nhiều nhà ở cho tầng lớp lao động. Cùng với tiến bộ của kỹ thuật xây dựng bê tông cốt thép, thế hệ nhà ở xã hội dưới hình thức các khu chung cư cao tầng mọc lên nhanh chóng. Các đô thị mới, đô thị vệ tinh được xây dựng, áp dụng lý thuyết đô thị hiện đại “đô thị tươi sán” của Le Corbusier với phân khu chức năng tách biệt trong đô thị, phát triển chiều cao để giải phóng đất cho cây xanh công cộng và giao thông.
Từ năm 1949, “nhà ở giá rẻ” (HBM) đổi tên thành “nhà ở giá thuê vừa phải” (HLM) cho đến ngày nay. Trong nhiều thập kỷ, đến đầu những năm 70, các khu đô thị mới với những toà nhà chung cư cao hàng chục tầng và khối dài, với các tiện ích cơ bản và không gian công cộng dưới chân toà nhà, là minh chứng của phồn thịnh xã hội, điều kiện nhà ở cải thiện, của hình ảnh đô thị hiện đại.
Kiểu nhà này có nhiều buồng thang bộ và thang máy dẫn vào hàng lang bên từng tầng, các căn hộ mở ra hai mặt thoáng thông gió tự nhiên. Diện tích trung bình của các căn hộ khoảng 70m2, từ 1 đến 4 ,5 phòng ngủ. Hãn hữu có một số toà nhà hình tròn còn chủ yếu hình khối mỏng dài. Hình ảnh này “ám ảnh” đến nỗi sau này, mọi thiết kế, quy hoạch đều mặc nhiên không vẽ những toà nhà hình chữ nhật dài, để tránh nhắc tới hình ảnh khu ngoại ô, vì nếu có vẽ, chắc chắn sẽ gây phản cảm và không được phê duyệt.
Hình mẫu đô thị cao tầng tập trung bộc lộ những vấn nạn xã hội
Nhưng dần dần, với chất lượng nhà xuống cấp, tiện nghi không còn phù hợp, đặc biệt là các vấn đề xã hội nảy sinh khi khủng hoảng dầu mỏ khiến nền kinh tế công nghiệp suy yếu, các khu nhà ở HLM cho công nhân dần biến thành những khu ở của người trung lưu, người nghèo với tỉ lệ thất nghiệp tăng, đã làm xấu đi hình ảnh những khu nhà HLM.
Từ cuối những năm 70, hình thức quy hoạch Khu đô thị ưu tiên (ZUP) bị bãi bỏ, chứng kiến hình ảnh việc phá dỡ nhiều toà nhà chung cư HLM cao tầng. Sự chối bỏ xã hội với hình ảnh những toà nhà chung cư cao tầng dẫn đến việc quay lại nở rộ xây dựng các khu nhà ở nhỏ, đô thị phát triển phân tán tràn lan quanh các đô thị trung tâm và độ thị cỡ vừa. Để đối phó, chính sách xây dựng và quy hoạch những năm 90 chuyển sang đan cài nhà ở xã hội trong từng địa phương, với quy định tỉ lệ tối thiểu 20 – 30% nhà ở xã hội tại các thành phố từ 200 ngàn dân. Những toà nhà chung cư thế hệ mới này thường có tầng cao hạn chế, kết hợp các tiện ích phạm vi gần, kết hợp khu nhà ở xã hội và nhà ở sở hữu tư nhân trong cùng một dự án, để có sự hoà nhập cảnh quan và xã hội.







Thách thức mới đầu thế kỷ 21
Giá trị bất động sản tăng vọt và những tiêu chuẩn môi trường là hai thách thức lớn cho xây dựng nhà ở xã hội đầu những năm 2000. Nguồn cung nhà ở nói chung vẫn luôn thiếu hụt, mảng nhà ở xã hội lại càng gặp nhiều khó khăn. Hướng phát triển nhà ở xã hội buộc phải chuyển sang tăng cao mật độ trong các khu đô thị hiện có và cải tạo lại quỹ nhà ở xuống cấp.
Để thúc đẩy và tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho mọi tầng lớp dân cư, chính phủ áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ về tài chính, tín dụng, giảm thuế,… cho người thu nhập trung bình mua được nhà giá ưu đãi, đồng thời có những gói hỗ trợ lớn cho xây mới và cải tạo cho các địa phương và các tổ chức quản lý, xây dựng nhà ở xã hội.
Ngày nay, chính sách về nhà ở xã hội của Pháp không tách biệt mà nằm trong tổng thể chiến lược phát triển địa phương. Đồng thời, cũng như các thể loại công trình khác, nhà ở xã hội phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn xây dựng bền vững, nâng cao tiện nghi và giảm tiêu hao năng lượng đang đặt ra ngày càng khắt khe.
KTS Bùi Uyên
Một số tài liệu tham khảo :
Emmanuel Fouquet, La cité Napoléon – un exemple unique d’une cité ouvrière fermée à paris au xixe siècle, 2020 © 9e histoire – 2020,
Sarra Ben Yahmed, Quelques jalons dans l’histoire du logement social, La Découverte | “Regards croisés sur l’économie”, 2011/1 n° 9 | pages 244 à 246
Histoire du logement social, https://www.union-habitat.org/frise-historique
Histoire du cité jardin, http://www.stains.fr/divertir/culture/cite-jardin/
XEM THÊM
- Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật
- Mối quan hệ giữa hệ sinh thái nhân văn với hệ sinh thái thiên nhiên trong đô thị Hà Nội
- Quy hoạch đô thị Copenhagen và Hoa Kỳ – Một sự so sánh khập khiễng và các nguyên nhân đằng sau đó