Ngày 12/12 vừa qua, Hội đồng Giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 – năm 2021 đã tổ chức trao giải cho các đồ án tiêu biểu với 5 giải Nhất, 13 giải Nhì, 23 giải Ba và 23 giải Khuyến khích. Kienviet.net xin giới thiệu tới bạn đọc một trong những đồ án xuất sắc giành giải Nhất – “Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn” của sinh viên Võ Hoàng Vinh đến từ Đại học Kiến Trúc TP. HCM.
- Tên đồ án: Trung tâm thiền định Thiên Cấm Sơn
- Sinh viên thực hiện: Võ Hoàng Vinh
- Giảng viên hướng dẫn: Ths. KTS. Phạm Quang Diệu
- Trường: Đại học Kiến Trúc TP. HCM
Thuyết minh của tác giả
Trong cuộc sống hiện đại, không ngừng phát triển như ngày nay, áp lực từ công việc, gia đình… và những điều không như ý khiến con người chịu nhiều căng thẳng. Để giải tỏa nguồn năng lượng tiêu cực đó, Thiền là một trong các phương pháp được đông đảo mọi người hướng đến dưới nhiều hình thức, giúp chúng ta tìm được sự nhẹ nhàng, an ổn trong tâm hồn.
Vốn dĩ tất cả mọi khổ đau hay hạnh phúc đều do tâm, do thái độ và do cách phản ứng của chúng ta trước mọi việc, hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống mà quyết định. Chính vì vậy Thiền được lựa chọn, nó là cánh cửa mở ra cho những ai muốn chuyển hóa tâm thức, thanh lọc nội tâm, hướng đến một đời sống hạnh phúc và an hòa.
Công trình tọa lạc tại Thiên Cấm Sơn – An Giang, đây sẽ là nơi giúp con người cởi bỏ hết mọi phiền não, thân tâm thanh tịnh, đưa con người đạt đến trạng thái tập trung, lắng đọng và tỉnh thức tựa như một hồ nước sâu, dù trên mặt nước gió thổi làm sóng trào dâng nhưng dòng nước sâu bên dưới vẫn luôn tĩnh lặng, thong dong.






































Xuất phát từ đặc trưng địa hình đồi núi Thiên Cấm Sơn, trên tinh thần đề cao mối liên hệ hữu cơ giữa con người, kiến trúc và môi trường xung quanh, tổng thể công trình là một cái “chạm”. “Chạm” nhưng không phá vỡ, “chạm” vào nơi mà nó được sinh ra, “chạm” để hòa nhập, “chạm” để bảo vệ và “chạm” để cùng tạo nên nét đẹp cho nơi chốn.

Hình khối đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả, dựa trên tinh thần của Thiền. Kiến trúc đề cao tinh thần Phật giáo, “Chạm” vào cái “Không”. Cái “chạm” của Định và Tuệ, hình ảnh 2 bàn tay “chạm” vào nhau thể hiện tinh thần đồng hiệu, thiền định, nhất tâm và tập trung tư tưởng. Cái “Không” hiện hữu liên tục, sự cân bằng đặc rỗng về hình thức kiến trúc, bố cục, các không gian chức năng với những khoảng “Không” của cảm xúc. Công trình được thiết kế ẩn mình vào thiên nhiên, hướng tiếp cận chính của công trình gần như biến mất hoàn toàn bởi sự nép mình khá kỹ càng vào màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Đó là sự ẩn mình hoàn hảo của một công trình cần sự tĩnh lặng.


An Giang, với tầm nhìn về sự phát triển Thiên Cấm Sơn thành công viên tôn giáo quốc tế trong tương lai theo xu hướng phát triển đề cao sức khỏe, sự yên bình và hạnh phúc,… một trung tâm tôn giáo có thể cạnh tranh với Thái Lan, Lào hay Campuchia.,.. Thì việc xây dựng một Trung tâm Thiền Định tại Thiên Cấm Sơn là vô cùng cần thiết, góp phần vào sự phát triển văn hóa địa phương và nâng tầm du lịch quốc tế tại An Giang. Đồng thời cải thiện cuộc sống về tinh thần, sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và khách du lịch nói chung.
XEM THÊM:
- ODDO Architects được gọi tên “Văn phòng kiến trúc mới nổi của năm” tại Dezeen Awards 2021
- MIA Design Studio là đại diện Việt Nam duy nhất chiến thắng tại World Architecture Festival 2020 – 2021
- Kitchen Insight: Vinh danh 100 thiết kế ấn tượng, mở ra xu hướng không gian bếp của tương lai