Vật liệu làm từ mùn cưa này vừa đảm bảo độ bền chắc cho sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ cao và thân thiện với môi trường. Chúng nên trở thành những đồ vật thông dụng hằng ngày, tương tự như trước đây chúng ta sử dụng túi nilon và chai nhựa như một thói quen.

Nhà thiết kế (NTK) Yves Béhar đã cho ra mắt Bộ sưu tập (BST) đồ gia dụng với nguyên liệu làm từ mùn cưa trộn với chất kết dính của nhựa cây tự nhiên và sử dụng công nghệ in 3D. BST có tên là Vine, bao gồm bình hoa, dĩa, rổ và khay. Tiên phong trong việc sử dụng phế phẩm từ ngành công nghiệp gỗ và giấy, BST lần này có sự hợp tác với Forust – công ty chuyên về gỗ in 3D.

Hỗn hợp mùn cưa được in thành nhiều lớp để tạo được độ dày và có độ bền tương đương với gỗ thông thường. Vật liệu này là một cơ hội tốt để các sản phẩm thân thiện với môi trường và có độ bền cao ra đời; làm giảm việc khai thác cây xanh và tái sử dụng các phế phẩm trong công nghiệp. Trong số 15 tỷ cây xanh bị đốn hạ hàng năm để sản xuất giấy, xây dựng và làm đồ nội thất, NTK Béhar khẳng định có tới 50% trong số đó bị bỏ đi.
Việc chế tác từ gỗ thô ra các sản phẩm sẽ tạo ra một lượng lớn mùn cưa, trong đó chỉ một phần nhỏ được tái sử dụng làm ván ép hoặc viên nén gỗ, còn phần lớn được đưa đến bãi chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Công ty Forust đã nghiên cứu bằng cách rải mùn cưa thành các lớp mỏng và trộn chúng bằng chất kết dính “không độc hại và có thể phân hủy sinh học”. Chúng bao gồm nhựa cây với lignin – một loại polymer có trong gỗ và các loại thực vật khác, giúp liên kết các sợi tế bào và lignin cũng được sinh ra trong quá trình sản xuất gỗ công nghiệp.
Ông Andrew Jeffery, CEO của Forust cho biết: “Quy trình của chúng tôi sử dụng phương pháp phun chất kết dính tốc độ cao lên từng lớp mùn cưa với hơn 670 triệu giọt mỗi giây và độ phân giải 1600 điểm mỗi inch.

Công nghệ in 3D có thể tạo ra các hoa văn như gỗ tự nhiên, bao gồm sồi, tần bì và óc chó, cho đến cẩm lai và gỗ Mahogany. Không giống như các loại gỗ ép thông thường, loại gỗ này có thể được chà nhám như gỗ thật.
BST lần này được in từ các thanh hình trụ có cùng chiều dài và đường kính, tạo ra hình xoắn ốc, chúng đơn giản, lặp đi lặp lại mà lạ mắt, sinh động. Khác với đồ gỗ thông thường, hình xoắn ốc nhấn mạnh tính khác biệt của công nghệ in 3D.

NTK Béhar dự đoán công nghệ in 3D có thể sản xuất bất cứ thứ gì từ đồ nội thất đến các công trình kiến trúc, chúng còn giúp tiết kiệm thời gian đơn hàng, điều chỉnh, tăng, giảm kích thước sản phẩm. Ông đang muốn tạo ra tủ trang điểm, quầy tiếp tân và cả nhà kho từ công nghệ này.
“Đây là một vật liệu mới lạ và thân thiện với môi trường. Là một mảnh đất màu mỡ, khiến tôi không ngừng nảy ra những ý tưởng mới”, NTK Béhar chia sẻ.

Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Dezeen
XEM THÊM
- Chính phủ Anh lựa chọn công nghệ Digital twins làm mũi nhọn để hướng tới các thành phố bền vững trong tương lai
- Ngôi nhà gạch với thiết kế lỗ thoáng giúp công trình chống chịu với khí hậu nhiệt đới
- Chuyên gia về vật liệu của Đại học Cambridge: Xi măng và bê tông không phải là bể chứa carbon