“Công trình Bourse de Commerce ở Paris do Tadao Ando thiết kế là một thảm họa, biến tòa nhà thành tượng đài bạo lực của thực dân Pháp” – Aaron Betsky*

“Công trình mới được mở cửa cho công chúng là câu chuyện giữa một tỷ phú và một KTS khi họ rủ nhau đi bar”
– “Hai ông muốn uống gì?” Người pha chế hỏi
– “Một cái gì đó để quên đi nguồn gốc xấu xa của chủ nghĩa tư bản”, Vị tỷ phú trả lời.
– “Tôi cần thứ gì đó để khiến mình cảm thấy vĩ đại và quan trọng hơn”, KTS nói.
– “Oh, vậy tôi có thứ hoàn hảo cho cả 2 ông đây. Một ly martini bằng bê tông. Nó tròn, khô ráp, sạch sẽ và đủ khổng lồ để khiến ta có cảm giác như đang làm bá chủ thế giới”.
– “Cho tôi thêm 1 ly nữa nhé”, KTS đáp lại nhiệt tình.
“Đó là những gì tôi tưởng tượng về concept của công trình Bourse de Commerce ở Paris. Nó là một vòng tròn bê tông, dường như là để đỡ 2 cái cầu thang dài, mỏng và một số cửa thoáng khí. Thiết kế của Tadao Ando có vẻ tương đương những gì một chú chó làm với cột đèn bên đường, là một ví dụ về việc chuyển đổi tiền sang Nghệ thuật và Kiến trúc, lần này là ở quy mô khổng lồ. Nếu đây là một không gian trưng bày BST nghệ thuật đương đại thì khá ổn, đâu đó sẽ có tiếng vang. Nhưng nếu là một thiết kế Kiến trúc, thì đó là một thảm họa”, Aaron Betsky bình luận.
“Một ví dụ về việc chuyển đổi tiền sang Nghệ thuật và Kiến trúc ở quy mô khổng lồ”
Bourse là một công trình đáng chú ý. Thiết kế ban đầu là của Halle aux blés. Sau khi phần mái vòm bằng gỗ của nó bị thiêu rụi vào năm 1802, Jean Francois Belanger đã cải tạo lại với vẻ đẹp cổ điển tinh tế, có sử dụng các vật liệu mới như kim loại và thủy tinh, cùng với đó là các nhận xét về “nét thẩm mỹ kém sang”.
Khi nó biến thành sàn giao dịch chứng khoán vào năm 1885, Henri Blondel đã thiết kế lại theo hướng đơn giản hơn, có 5 họa sĩ khác nhau đã vẽ những bức tranh xung quanh mái vòm trung tâm để tôn vinh quyền lực của thực dân Pháp. Sau nhiều năm bị bỏ quên và sử dụng sai mục đích, Bourse đã có người chủ mới là François-Henri Pinault.
Pinault thực sự có một đôi mắt thẩm mỹ, hoặc các đôi mắt đang làm việc cho ông ấy có tính thẩm mỹ. Ông là CEO của tập đoàn thời trang xa xỉ, đồng thời sưu tập một lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật, tập trung vào các tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa siêu thực. Trưng bày các tác phẩm của Peter Doig, Marlene Dumas, David Hammons hoặc Kerry James Marshall cũng đủ để khiến bạn tha thứ cho một phần hoặc là tất cả tội lỗi của ông.
Thật không may, Pinault cũng yêu thích KTS Tadao Ando – 1 cựu võ sĩ quyền anh có các thiết kế luôn đẹp hơn khi ở trên ảnh. Đặc trưng của Ando là bê tông và những hình học thuần túy. Ông dường như không quan tâm đến bối cảnh, nơi sẽ đặt các hình tròn và hình vuông của mình. Ông làm việc với khách hàng, chẳng hạn như Pinault, người có thể giúp ông đảm bảo rằng bê tông cũng tốt như đá cẩm thạch. Ando đã thiết kế cả 2 công trình Palazzo Grassi và Punta della Dogana ở Venice, và bây giờ là tại trái tim của Paris.
Lẽ ra đây phải là một công việc trùng tu và nỗ lực đó đã được Pierre Antoine Gatier (Giám đốc Công trình Lịch sử của Pháp) và một Văn phòng có tên là NeM thực hiện. Tòa nhà giờ đây trông như thể chúng vừa hoàn thành cách đây vài ngày, và hầu hết các dịch vụ đều được làm mới.
Ở tầng hầm, tường bê tông tiếp tục được sử dụng, tạo ra cảm giác thân mật và dễ chịu và du khách lại có cơ hội khám phá thiết bị máy điều hòa không khí, phức tạp và đẹp đẽ như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào được trưng bày ở tầng trên.
“Che khuất mọi thứ ngoại trừ mái vòm, hình tròn tạo ra một không gian trung tâm mà tôi tin chắc rằng nó sẽ rất tuyệt vời cho những bữa tiệc”


Nếu Ando thể hiện sự hào phóng của mình bằng cách nghiên cứu các chức năng sử dụng của bảo tàng thì với cấu trúc hiện tại là đã đủ rồi. Tuy nhiên, ông cảm thấy cần phải làm theo những thiết kế của mình cho Pinault ở Venice bằng cách chèn những bức tường bê tông mang thương hiệu của ông.
Che khuất mọi thứ ngoại trừ mái vòm, vòng tròn tạo ra một không gian trung tâm mà tôi chắc chắn rằng sẽ rất tuyệt vời cho các bữa tiệc, và đó hiện là nơi trưng bày một số tác phẩm điêu khắc mỉa mai độc đáo, hóa ra là những ngọn nến đang tan chảy của Urs Fischer.
Chức năng khác của “vòng tròn bê tông” là cung cấp một cầu thang phụ lên các tầng trên và một số lỗ thoáng khí. Gây ra sự tranh cãi về việc làm hỏng tầm nhìn của mọi người về kiến trúc ở bên trong, lên tầng trên cũng không khá hơn vì chỉ còn thấy rõ phần mái vòm. Không có tác phẩm nghệ thuật nào được treo ở mặt ngoài của những bức tường đồ sộ này.
“Chúng ta có cần phải nhìn những người da đen làm nô lệ và tuân theo lời những kẻ chủ nô một lần nữa không?”
Không gian thực sự cần ở đây không phải như hiện tại mà là sự tương đồng với bối cảnh hay các hoa văn của bức phù điêu trên mái vòm. Chúng ta có thực sự phải nhìn những người da đen làm nô lệ và vâng lời những kẻ chủ nô một lần nữa hay không? Chúng ta có thực sự cần đứng trong một không gian bị áp đặt bởi tiền bạc, chỉ được ủi phẳng bởi những tác phẩm điêu khắc khô khan và bị che đi bởi Kiến trúc gì đó được coi là hoành tráng?
Các tác phẩm của các nghệ sĩ mà Pinault đã thu thập, chúng ta phần nào có thể cảm nhận được thông điệp ẩn bên trong: mang tính phê phán, gợi mở và trong một số tác phẩm có sức mạnh vượt quá bất kỳ món đồ nào của Gucci mà vị tỷ phú có thể bán cho chúng ta, vượt qua khỏi những nơi chúng được trưng bày. Nhưng những bức tường trắng, với ánh sáng lạ mắt và nét thẩm mỹ như gương mặt của một nghệ sĩ như David Hammons, cũng khiến bạn nảy ra những câu hỏi.
KTS có thể đã làm tốt hơn nhiều công việc như đào, khai quật và trưng bày các vật liệu tồn tại hơn 2 thế kỷ trong công trình. Ando không chỉ đã uống rượu martini bê tông của mình mà còn tạo ra một 1 cái kết không có hậu cho tất cả những người đã dốc toàn bộ tâm huyết để thiết kế này trở thành hiện thực.
*Aaron Betsky, sinh năm 1958 tại Missoula, Montana, là một nhà phê bình Nghệ thuật và Kiến trúc người Mỹ. Ông hiện là Hiệu trưởng của Trường Kiến trúc Virginia Tech. Ông là tác giả của hơn một chục cuốn sách, bao gồm Các vấn đề về kiến trúc; được quốc tế biết đến với tư cách là một giảng viên, nhà giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật. Ông viết blog “Beyond Buildings” cho Tạp chí Kiến trúc. Ông là Giám đốc của Tuần lễ thiết kế Venice lần thứ 11 (Venice Architecture Biennale). Ông từng là chủ tịch và Hiệu trưởng của Trường Kiến trúc tại Taliesin (ban đầu là Trường Kiến trúc Frank Lloyd Wright), giám đốc của Viện Kiến trúc Hà Lan (2001-2006) và của Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati (2006-2014).
Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Dezeen
XEM THÊM:
- Bourse de Commerce mở cửa trở lại sau màn “lột xác” của Tadao Ando
- Bảo tàng trà Cầu Đất – Tái hiện 100 năm ngành trà trong khuôn viên nhà máy cổ
- Bảo tàng Thiên văn học lớn nhất thế giới | Ennead Architects