KTS Đỗ Hữu Dư (bí danh Hoàng Linh) là một kiến trúc sư có tài, giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Đoàn Kiến trúc Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đồng thời ông cũng là người lính Cụ Hồ với năng lực quân sự được đánh giá cao, đạt nhiều thành tích công tác xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp.
Kiến trúc sư Đỗ Hữu Dư (bí danh Hoàng Linh) sinh ngày 15/1/1912 tại xã Ngọc Than, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Hà Tây).
Năm 1932 – 1937: Học Khoa Kiến trúc, khoá 8, Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tháng 9/1945 gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1946 được Bộ Quốc phòng cử vào tổ chức Liên lạc và kiểm soát quân đội Việt – Pháp, quân hàm Thiếu tá.
Ngày 27/4/1947 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1947, Trưởng phòng Quản lý, Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các trận địa trên đường số 4 (Cao Bằng – Lạng Sơn).
Năm 1948, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Tổng Chỉ huy.
Năm 1950 – 1951: Chỉ đạo quân đội tham gia xây dựng khu họp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Từ tháng 7/1951 đến tháng 8/1955 được Nhà nước cử sang Liên Xô tu nghiệp về kiến trúc – quy hoạch đô thị.
Năm 1957, Trung tá Hoàng Linh được đề bạt Cục phó Cục Doanh trại kiêm Trưởng phòng thiết kế Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Đại biểu Quốc hội khoá I.
Tại Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ 2 ngày 26, 27/4/1957 tại Hà Nội, kiến trúc sư Hoàng Linh đã được bầu làm Tổng Thư ký Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam tức Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay.
Kiến trúc sư Hoàng Linh từ trần ngày 23/3/1968 tại Hà Nội.
Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc lần thứ I. Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất.
Hoàng Linh là bí danh của kiến trúc sư Đỗ Hữu Dư. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân. Ông ra Hà Nội học từ thuở nhỏ, học Trường Bưởi sau đó thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng lớp với Phạm Khắc Hệ (bí danh Phạm Hoàng), khoá 1932 – 1937(1).
Đầu thập niên 90, trong cuộc thi thiết kế kiến trúc tìm ý tưởng công trình Đông Dương học xá Hà Nội, có nhiều kiến trúc sư người Pháp và Việt Nam tham gia. Phương án của kiến trúc sư Đỗ Hữu Dư được đánh giá cao trong số 14 phương án tham gia, được giới nghề thời bấy giờ đánh giá là phù hợp với kiến trúc địa phương. Tuy vậy, khi xây dựng thì giao cho kiến trúc sư Logisquet rút ra những gì tinh tuý của các phương án được xếp hạng. Song các tác giả người Việt Nam đoạt giải: Tạ Mỹ Duật, Đỗ Hữu Dư cũng được giao thể hiện thiết kế kỹ thuật phương án thi công – một hình thức thưởng để tạo công ăn việc làm khó khăn thời bấy giờ cho kiến trúc sư Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đỗ Hữu Dư là kiến trúc sư đầu tiên đi tòng quân vào tháng 9/1945, theo lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời. Tiếp đến là kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ và kiến trúc sư Nguyễn Nghi trở thành những anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp. Ngày đầu Cách mạng, giới kiến trúc sư tuy ít người, song có vinh dự lớn: hai người trúng cử Đại biểu Quốc hội trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 6/1/1946, đó là Huỳnh Tấn Phát và Đỗ Hữu Dư.
Sau hiệp định 6/3/1946, kiến trúc sư Đỗ Hữu Dư mang bí danh Hoàng Linh được Bộ Quốc phòng cử vào tổ chức Liên lạc và Kiểm soát quân đội Việt – Pháp, gọi tắt là “Liên Kiểm” với quân hàm Thiếu tá – đây là một tổ chức hỗn hợp Việt – Pháp để giải quyết, dàn xếp các mâu thuẫn, va chạm giữa quân đội hai bên trong khi thực thi nhiệm vụ của hiệp định (2).
Với thành tích công tác xuất sắc ở Việt Bắc, ngày 27/4/1947, ông được Chi bộ Văn Phòng Đảng uỷ Quân sự Trung ương kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập tại Định Hoá, Thái Nguyên ngày 12/5/1947, Thiếu tá Hoàng Linh được đề bạt làm Trưởng phòng Quản lý, phụ trách các công việc của Bộ Tổng Chỉ huy gồm các Ban: Thường trực, Kế toán – Vật liệu, Vận tải.
Quân và dân ta xây dựng căn cứ địa ở Việt Bắc ngày một vững mạnh, quân đội Pháp lo sợ nơi đây sẽ là bàn đạp để tấn công xuống đồng bằng nên đến Thu – Đông năm 1947 chúng cho quân nhảy dù tiến công lên Việt Bắc đánh chiếm các thị xã và thị trấn lớn. Mở đầu, ngày 7/10/1947, quân Pháp nhảy dù đánh chiếm thị xã Bắc Cạn và thị trấn Chợ Mới, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Các cơ quan, đơn vị quân đội di chuyển vào sâu trong rừng núi. Văn phòng Bộ Tổng Chỉ huy quyết định kế hoạch tác chiến, chia làm ba bộ phận: Bộ phận nhẹ trực tiếp phục vụ đồng chí Tổng Chỉ huy, bộ phận chính di chuyển, bộ phận nặng ở lại căn cứ. Sau 10 ngày Pháp chiếm thị xã Bắc Cạn, bộ phận nhẹ lên đường ra mặt trận, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Đổng lý quân vụ Nguyễn Thương, Trưởng phòng Quản lý Hoàng Linh và một Số quân nhân phục vụ mang theo đài Vô tuyến điện và điện thoại tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy đi từ Tràng Xá, Võ Nhai – Thái Nguyên lên Bình Gia – Lạng Sơn. Từ đây đến các trận địa, trực tiếp nghiên cứu nắm tình hình, chỉ huy các mặt trận trên đường Số 4 (Lạng Sơn – Cao Bằng) với tinh thần: Tích cực hoàn thành nhiệm vụ cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công.
Năng lực về quân sự bộc lộ rõ ràng trong công việc hàng ngày, tháng 2/1948, ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Tổng Chỉ huy.
Tháng 7/1950, Thiếu tá kiến trúc sư Hoàng Linh được cử dẫn đầu một đoàn cán bộ chiến sĩ đến xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang tìm địa điểm xây dựng cơ sở họp Đại hội Đảng toàn máy bay địch khó phát hiện, địa hình tương đối bằng phẳng, lại gần ngòi Trinh, bến Trinh, không xa ngã ba sông Lô và sông Gôm là bao, giao thông đường bộ và đường thuỷ thuận tiện, nếu xảy ra sự cố có đường rút lui và bảo vệ đại biểu an toàn. Địa điểm được cấp trên chuẩn y và giao cho ông Hoàng Tùng làm Chỉ huy trưởng công trường. Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế quy hoạch – kiến trúc, phối hợp với kiến trúc sư Hoàng Linh tổ chức lực lượng quân đội để thi công.
Tuy nơi đây là một đại công trường xây dựng, nhưng để bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối, nội quy đề ra là cấm không được chặt phá cây, san ủi địa hình; khai thác gỗ, tre, nứa, mây và lá cọ từ xa; gia công cưa xẻ từ Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo cách chừng bốn cây số bên dòng sông Lô, vận chuyển ban đêm bằng bè mảng. Quần thể công trình Khu họp Đại hội gồm các ngôi nhà sàn để ở và làm việc, nhà ăn phục vụ lãnh tụ, các đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhà Hội trường. Công trình hoàn thành sớm hơn dự định, Đại hội Đảng đã họp từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, được coi là một công trình có quy mô lớn nhất, đẹp nhất, đạt hiệu quả nhất và gây ấn tượng nhất trong kháng chiến ở Việt Bắc. Các đại biểu đều tự hào được sống trong không khí đầm ấm, sang trọng và trang nghiêm, đầy sắc thái dân tộc.
Hoàng Linh và Ngô Huy Quỳnh có vinh dự là kiến trúc sư đầu tiên được Nhà nước ta cử sang Liên Xô tu nghiệp trên đại học, thời gian 4 năm (tháng 7/1951 đến tháng 8/1955). Năm 1957, Bộ Quốc phòng giao cho Trung tá kiến trúc sư Hoàng Linh giữ cương vị Cục phó Cục Doanh trại kiêm Trưởng phòng Thiết kế trực thuộc Tổng cục Hậu cần. Đồng thời tại Hội nghị Kiến trúc sư lần thứ 2 tại Hà Nội trong hai ngày 26 và 27/4/1957, vừa tròn 9 năm sau Hội nghị Thản Sơn (24/4 đến 27/4/1948), kiến trúc sư Hoàng Linh được bầu giữ cương vị Tổng Thư ký Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tức Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay.
Với cương vị thủ trưởng một cơ quan thiết kế quân đội, hầu hết công tác thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc của quân đội thời kỳ đầu đều do ông đảm nhiệm. Mặc dù công việc chính quyền và đoàn thể bộn bề, ông tranh thủ dành thời gian hướng dẫn các hoạ viên, một mặt đào tạo chuyên môn cho bộ đội trong đơn vị (các anh Đỗ Xuân Nghi, Hoàng Hữu Doanh, Ngô Tấn Đức, Dương Ngọc Chính, Chu Mai Niệm, Ninh Nhuần, Phạm Văn Chính…) để thể hiện tốt các ý tưởng của ông trong kiến trúc. Ông mạnh dạn ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến trong các công trình kiến trúc. Đó là những mẫu nhà doanh trại điển hình, vì kèo xít, vòm cuốn vỏ mỏng bằng gạch chỉ, bloc tường nhà bằng khối gạch xây, vật liệu xây dựng tại chỗ… nhằm nhanh chóng thực hiện chủ trương xây dựng hàng loạt các doanh trại để đưa bộ đội ra ngoài nhà dân, từng bước xây dựng lực lượng quân đội lên chính quy hiện đại.

Từ năm 1958, một số cán bộ chuyên môn học ở Trường trung cấp kiến trúc Hà Đông, gồm các bộ môn thiết kế kiến trúc, kết cấu, điện, nước và dự toán được bổ sung tăng cường đồng bộ dần về Cục Doanh trại, lần lượt từ khoá 7 đến khoá 11. Đến năm 1964, một số bộ đội trong Cục Doanh trại được đi học lớp đại học ban đêm tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa. Thời gian này tuy trình độ chuyên môn của cán bộ trong đơn vị chưa cao, song kiến trúc sư Hoàng Linh đã chỉ đạo thực hiện nhiều công trình kiến trúc có giá trị; thể hiện được tinh thần của thế hệ kiến trúc sư Trường Mỹ thuật Đông Dương, tiêu biểu là Khu Văn công Quân đội ở Mai Dịch, Hà Nội (1959), cộng sự: Lê Văn Huy, Nguyễn Xuân Dương. Công trình này hình thành trong điều kiện kinh tế khó khăn nên xây dựng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, so với thiết kế còn thiếu khu biểu diễn, khu học tập và sinh hoạt, song những gì đã dựng lên cũng đủ để khẳng định tài năng của kiến trúc sư Hoàng Linh. Đó là tỷ lệ các hàng cột, mảng đặc rỗng ở mặt trước, hệ vòm cuốn trên đỉnh mái, chất lượng kiến trúc và âm thanh các phòng tập.

Nhà Bác Hồ làm việc ở K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây (1959) là một công trình lúc sinh thời Bác hay sử dụng và yêu thích. Kiến trúc sư Hoàng Linh đã hướng dẫn anh Lê Văn Huy thiết kế, đưa công trình vào trong thiên nhiên và khai thác cảnh quan một cách nhuần nhị. Tác giả đã khéo léo tạo nên mỗi ô cửa là một khung cảnh phong phú về màu sắc, sân vườn đẹp quyện trong hương thơm của hoa lá rừng.

Trước và sau thập niên 60, Hà Nội hình thành nhiều khu nhà ở tập thể cao 3 – 4 tầng như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên. Khu nhà ở 4 tầng Nam Đồng do kiến trúc sư Hoàng Linh thiết kế dành riêng cho các gia đình quân đội, gồm hai mẫu nhà ở hành lang bên và hành lang giữa. Khu nhà ở này đã góp thêm bộ mặt mới của Thủ đô trong những ngày đầu giải phóng. Ngoài ra còn nhiều công trình Cục Doanh trại do ông thiết kế nổi bật thời bấy giờ như: Trường sĩ quan Quân y, Bệnh viện 103 Hà Đông (1958), trụ Sở Bộ tư lệnh Thông tin, nhà nghỉ quân đội Sầm Sơn, Thanh Hoá, các doanh trại quân đội cấp trung đoàn và sư đoàn… Hầu hết các công trình thiết kế xây dựng trong giai đoạn này đều bằng gạch đá, mái ngói, trang trí đơn giản song rất bền chắc, có vẻ đẹp nền nã, tỷ lệ hình khối, đường nét kiến trúc hài hoà, bề thế. Mặt bằng tổng thể và từng công trình được bố trí hợp lý, chặt chẽ đáp ứng với yêu cầu sử dụng.
Trong 10 năm ông làm Tổng Thư ký Đoàn kiến trúc sư Việt Nam, ông có công xây dựng cơ sở Đoàn ngày càng lớn mạnh. Tại Đại hội Hội liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) ở Lifsbonne, Bồ Đào Nha ngày 25/9/1959, trước sự hiện diện của Tổng Thư ký Hoàng Linh, UIA đã chính thức kết nạp Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam là thành viên chính thức.
Tối 23/3/1968, trên đường từ nhà đến Nhà hát lớn họp hội nghị, ông bị tai nạn giao thông và qua đời ở phố Trần Nguyên Hãn, Hà Nội.
Kiến trúc sư Hoàng Linh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, dự Hội nghị Thi đua Anh hùng toàn quốc lần thứ nhất thời chống Pháp.
Đánh giá công lao phục vụ kháng chiến của ông, Nhà nước đã trao ông Huân chương Chiến thắng Hạng Nhất.
KTS Đoàn Đức Thành
(1) Theo tư liệu gia đình, ghi nhận khoá 1930 – 1935.
(2) Theo hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, một lực lượng nhỏ quân đội Pháp được đóng quân trên miền Bắc, rút dần trong 5 năm, tổ chức “Lên Kiểm” nhằm giám sát sự vi phạm của quân đội giữa hai bên.
KTS Hoàng Linh (1912 – 1968) Doanh trại quân đội, cuối những năm 1950. KTS Hoàng Linh Khu văn công quân đội ở Mai Dịch, Hà Nội, 1959. KTS Hoàng Linh Nhà Bác Hồ làm việc ở K9, Đá Chông, 1959. KTS Hoàng Linh

Giới thiệu Chuyên đề : GƯƠNG MẶT KTS VIỆT NAM
Lớp lớp các thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đã góp sức kiến thiết cho đất nước nhưng chưa có một cơ sở dữ liệu nào về những con người tiên phong đó, chúng tôi rất mong muốn sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu về KTS Việt Nam đầy đủ nhất.
Kiến Việt mong muốn tập hợp một chuỗi bài về các gương mặt KTS Việt Nam qua các thế hệ trên kienviet.net , từng bước xây dựng dữ liệu. Chúng tôi khai thác trước mắt cuốn “Thế hệ KTS Việt Nam” của Hội KTSVN phát hành cùng nội dung từ kênh blog của cố KTS Đoàn Đức Thành làm cơ sở đầu tiên và sẽ tiếp tục phát triển thêm công tác nghiên cứu này.
Việc tổng hợp chắc chắn sẽ gặp nhiều thiếu sót nhưng với mong muốn thành tâm lưu trữ lại thông tin về các thế hệ KTSVN, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý và dữ liệu đóng góp của Quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn.
Mọi góp ý xin vui lòng email về noidung@kienviet.net hoặc fanpage https://www.facebook.com/kienvietdotnet
Thảo luận tại: https://www.facebook.com/groups/kientrucsuviet
CÙNG CHUYÊN ĐỀ:
- Gương mặt KTS Việt Nam – KTS Phạm Hoàng
- Gương mặt KTS Việt Nam – KTS Nguyễn Ngọc Diệm
- Gương mặt KTS Việt Nam – KTS Huỳnh Tấn Phát