Louis Kahn là một trong những KTS huyền thoại hàng đầu và có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Những công trình của ông mang đậm tính triết học, hướng đến bản chất tồn tại. Nhưng hơn hết, vị KTS lỗi lạc người Mỹ cũng được coi là bậc thầy về hình khối và ánh sáng, nhấn mạnh tầm quan trọng của ánh sáng tự nhiên.
David Rinehart, một KTS từng làm việc dưới thời của Louis Kahn tin rằng: “Đối với Louis, mỗi tòa nhà đều là một ngôi đền. Salk là một ngôi đền cho khoa học. Dhaka là một ngôi đền dành cho chính phủ. Exeter là một ngôi đền để học hỏi”.
Louis Kahn cũng là người truyền tải vào kiến trúc chủ nghĩa hiện đại lúc bấy giờ một phong cách tinh tế, ghi đậm dấu ấn cá nhân. Những tác phẩm của ông có sự kết nối giữa quá khứ vào hiện tại sau hành trình khám phá kiến trúc cổ đại ở Hy Lạp, Ý và Ai Cập.
Dưới đây là năm dự án đáng kinh ngạc của Louis Kahn – một bậc thầy về sử dụng ánh sáng, hình khối một cách khéo léo.
Viện nghiên cứu sinh học Salk

Đây là một trong những thiết kế khuôn viên nổi tiếng nhất của ông được ủy quyền bởi Jonas Salk, người đã phát hiện ra vaccine phòng bệnh bại liệt. Jonas cũng muốn gửi gắm đến KTS người Mỹ: “tạo ra một cơ sở đáng để Picasso ghé thăm”. Và kết quả là viện Salk đã trở thành một trong những công trình mang tính biểu tượng cả về chức năng và tính thẩm mỹ.

Kế hoạch xây dựng viện được sắp xếp theo không gian như một tu viện với ba khu vực nằm tách biệt nhau, tất cả đều hướng ra đại dương ở phía Tây: Phòng họp/phòng hội nghị, khu nhà ở và phòng thí nghiệm. Cuối cùng, phòng họp và khu sinh hoạt bị cắt khỏi dự án, chỉ có các phòng thí nghiệm được xây dựng.
Kahn đã sử dụng sự sáng tạo cảnh quan và trục đối xứng tạo nên một bầu không khí gần như tâm linh trong khuôn viên trường. Thiết kế của Salk đã tôn vinh vẻ đẹp của La Jolla ở California.
Bảo tàng nghệ thuật Kimbell

Mặc dù vẻ ngoài bảo tàng trông có vẻ đơn giản nhưng chất lượng thực sự nằm ở không gian nội thất. Giám đốc bảo tàng, Richard Fargo Brown đã đưa ra một loạt tiêu chí quan trọng để xây dựng ý tưởng cho công trình, trong đó nêu ra nhiệm vụ làm sao cho bảo tàng mới phải giống như “một viên ngọc quý trong số những tác phẩm của danh họa Rembrandt hay Van Dyck”.

Ông đã thiết kế 16 hầm dài tổng cộng 30,5 mét, rộng 6 mét và cao 6 mét để hình thành nhiều không gian khác nhau. Điểm đặc biệt ấn tượng chính là khả năng lọc ánh sáng tự nhiên màu bạc xuyên qua các mái vòm của khu trưng bày, tôn lên vẻ đẹp hoàn hảo của mỗi tác phẩm nghệ thuật.
Tòa nhà Quốc hội Bangladesh

Tòa nhà Quốc hội của Bangladesh được hoàn thành năm 1982 là sự pha trộn tuyệt vời của kiến trúc hiện đại và thẩm mỹ thiết kế địa phương. Mục đích của dự án đã thay đổi đáng kể trong quá trình thiết kế khi Bangladesh tuyên bố độc lập, tách khỏi Pakistan. Với sự thay đổi này, Tòa nhà Quốc hội phải tượng trưng cho dân chủ, niềm hy vọng và niềm tự hào của người dân.

Ông đã tôn vinh thiết kế của người Bengal bằng cách tạo ra các hình thức hiện đại từ vật liệu địa phương và xây dựng chúng theo quy trình xây dựng truyền thống. Theo cách này, tòa nhà mang đậm chất Bengal nhưng vẫn tạo ra các dạng hình học trừu tượng, giúp cung cấp nhiều ánh sáng và không khí cho toà nhà.
Công viên Four Freedoms

KTS người Mỹ đã được giao trọng trách thiết kế công viên Four Freedoms để kỷ niệm bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt vào năm 1941 về bốn quyền cơ bản của con người: quyền tự do ngôn luận và bày tỏ, tự do tín ngưỡng, tự do thoát khỏi nghèo khó và tự do không chịu các nỗi sợ. Tuy nhiên, ông đã đời ngay sau khi hoàn thành thiết kế và những trở ngại về kinh phí mãi đến gần 40 năm sau công trình mới bắt đầu được xây dựng.

Năm 2010, công trình bắt đầu xây dựng trên công viên rộng khoảng 1,6 hecta có trồng 120 cây linden lá nhỏ và sồi chạy dài theo bình đồ hình tam giác. Cây sồi đồng lớn được đặt ở lối vào của đài tưởng niệm. Kahn mô tả tượng đài như một căn phòng và một khu vườn.
Thư viện và phòng ăn của học viện Phillips Exeter

Thư viện của học viện Phillips Exeter được đưa vào hoạt động từ năm 1965. Nội thất của thư viện Exeter là một ví dụ hoàn hảo trong kiến trúc với hình thức bê tông sậm màu làm điểm nhấn đầy ấn tượng trong không gian thư viện. Nó được chạm khắc theo hình dạng của một vòng tròn lớn cho thấy nhiều tầng của thư viện.
Đây là một trong những công trình cuối cùng của KTS Louis Kahn, kiệt tác của hình khối và sự chuẩn xác, cũng là ví dụ hoàn hảo về nhận định của Rinehart về kiến trúc của Kahn ‘giống như một ngôi đền’. Việc “tạo ra không gian chu đáo” này góp phần giảm tải sự căng thẳng cho sinh viên và cung cấp một môi trường hoàn hảo cho việc học tập.
Dịch: Vũ Hương | Nguồn: mymodernmet
XEM THÊM:
- Điểm lại 10 công trình mang tính lịch sử của KTS huyền thoại Frank Lloyd Wright
- Kiến trúc kim tự tháp tôn vinh mối liên kết đặc biệt giữa con người và thiên nhiên ở Mexico
- Kiến trúc kinh điển: Toà tháp Kreuzberg |John Hejduk