“Việc nghiên cứu hoàn thiện quy chế và phương thức tiến hành để Giải thưởng Kiến trúc quốc gia luôn có tính minh bạch, chính xác, kịp thời, hội nhập là một điều vô cùng cần thiết… Bên cạnh đó, cần xác định, nhiều vấn đề cũng phải cân nhắc kỹ, vì quá trình vận hành giải thưởng đã đi được chặng đường 1/4 thế kỷ, đã thể hiện sự thành công rất cơ bản, kịp thời và cần thiết, trong sự đồng hành với kiến trúc sư nước nhà” – TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Giải thưởng Kiến Trúc Quốc Gia (GTKTQG), đươc thành lập theo quyết định phê duyệt số 25-TTg, ngày 19/01/1993 của Thủ tướng Chính phủ, giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức thực hiện. Đây là giải thưởng chính thống cao nhất, có uy tín và lâu đời nhất về Kiến trúc tầm quốc gia, được nhà nước Việt Nam công nhận.
Giải thưởng bao hàm trên các mặt: Quy hoạch kiến trúc xây dựng, Kiến trúc công trình, Kiến trúc cảnh quan, Kiến trúc nội thất và Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện Kiến trúc. Là cơ sở giải Kiến trúc duy nhất để làm căn cứ xét chọn giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật. Ba mục tiêu chính của giải rất rõ ràng: một là, thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; hai là, tôn vinh các tác giả tác phẩm kiến trúc xuất sắc; ba là, góp phần định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật Kiến trúc, và những mục tiêu khác. Hành trình của giải đã đi gần trọn 30 năm, việc nghiên cứu hoàn thiện quy chế và phương thức tiến hành để giải luôn có tính minh bạch, chính xác, kịp thời, hội nhập là một điều vô cùng cần thiết.

Tôi đã nghiên cứu khá nhiều lần về bài viết của KTS Nguyễn Văn Tất “Kiến nghị cải tiến tổ chức giải thưởng Kiến trúc quốc gia”. Việc nghiên cứu này ngoài nhìn nhận là trao đổi tâm huyết của người làm nghề lâu năm, tính thực tiễn được tích luỹ rất cao, còn là ý kiến của một trong những Kiến trúc sư đạt rất nhiều giải thưởng quốc gia ngay từ thời kỳ đầu đến nay. Tinh thần là cùng những người lãnh đạo, thường trực, thường vụ Hội các thời kỳ, kỹ lưỡng tiếp nhận, tiếp thu, thống nhất những điều cần thiết cho giải thưởng này ngày càng có chất lượng như kỳ vọng của KTS cả nước, theo kịp xu thế hội nhập kịp thời, thích ứng. Nguyên Chủ tịch Nguyễn Tấn Vạn và Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Thông cùng thường trực, thường vụ cũng đã nhiều kỳ trăn trở về những nội dung đổi mới cho giải này, đã có những áp dụng thử, điều chỉnh cho mỗi kỳ giải thưởng. Khi có bài viết này, nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch cũng đã có ý kiến.
Cá nhân tôi, người mới tiếp quản vị trí sẽ là Chủ tịch hội đồng GTKTQG từ giải 2020 – 2021, xin trao đổi ý kiến riêng với nội dung kiến nghị KTS Nguyễn Văn Tất:
I. Quan điểm chung
1. Việc xem xét kỹ để có những điều chỉnh, cải tiến trước mỗi kỳ tổ chức giải thưởng quốc gia là cần thiết. Nhất là khi phát hiện ra những bất hợp lý sau khi đã tiến hành kỳ thi tuyển trước. Cũng như, có sự thay đổi về bối cảnh: tính pháp lý, điều kiện xã hội, xu hướng phát triển ngành tại quốc tế và việt nam, điều lệ hoạt động của Hội điều chỉnh… Nội dung này các kỳ giải thưởng trước đều có thực hiện.
2. Cũng trên tinh thần đó, trước khi tiến hành GTKTQG gia lần này, ban tổ chức giải thưởng liên Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã họp dưới sự chủ trì của Hội Kiến trúc sư Việt Nam để rà soát, điều chỉnh bổ sung. Từ đó đã đưa ra quy chế giải thưởng mới như đã công bố trên toàn quốc và các trang Tạp chí Kiến trúc, kienviet.net, Trung tâm truyền thông của Hội.
II. Về một số kiến nghị cụ thể
1. Ý kiến về thông điệp giải thưởng không kiểu chung chung, cần có tính gợi ý một cách nghiêm túc, đáng tin cậy, thông qua quyết định giàu chất thời cuộc của hội đồng:
– Có một khó khăn là GTKTQG là dành cho các công trình đã xây dựng, tức là việc đã rồi. Ban đầu khi phát động giải thưởng thì công trình dự thi còn chưa rõ đầu vào về số lượng và chủng loại, nên nếu nếu một thông điệp cụ thể là điều khó khả thi. Còn tiêu chí mà giải đặt ra cho mọi kỳ thi đều tương đối chung nhất, chính là định hướng cho từng giai đoạn phát triển của kiến trúc nước nhà. Có thể là giai đoạn kế tiếp, khi hệ thống luật được thực thi chuẩn sát vào xã hội, đặc biệt là luật Quy hoạch và luật Kiến trúc, đường hướng phát triển kiến trúc nước nhà rõ từng giai đoạn, Hội cần nghiêu cứu kỹ ý này.
– Hội đồng, lúc bắt đầu công bố quy chế và kế hoạch giải thưởng chưa được thành lập, vì còn xem xét tránh trùng lặp các cá nhân dự thi, ngoài thành phần cứng là Chủ tịch Hội KTSVN và lãnh đạo hai bộ nên thông điệp đưa ra từ hội đồng không khả thi.
– Ý kiến cá nhân tôi về nội dung này:
+ Thông điệp cũng chỉ cần dừng ở vấn đề tương đối chung, từng kỳ có nhấn mạnh bổ sung ý riêng. Như vậy vừa có tính tổng phổ xuyên suốt sự phát triển của Kiến trúc, vừa đề cập được tính thời điểm. Ví dụ như kỳ này ta đưa ra tiêu chí “kết nối công nghệ”.
+ Về loại hình thì đương nhiên vẫn phải đa dạng, cánh cửa rộng mở, quy mô cũng là tuỳ ý, vì sáng tạo Kiến trúc là tự do mang tính thể nhân. Do đó thông điệp cũng không nên tập trung hướng vào dạng nào.
2. Hội đồng giải thưởng:
– Cấp hội đồng: Trước đây Hội đã có nhiều kỳ phân thành hai cấp – hội đồng chung và hội đồng chuyên ngành. Sau một thời gian dài hoạt động không hiệu quả do số lượng đồ án dự thi cũng chưa nhiều, trong khi các mảng chênh nhau nhiều, quy trình chấm kéo dài, chất lượng chấm cũng không có biểu hiện được nâng lên đáng kể… do đó ban tổ chức từ kỳ 2014 đã quay lại hình thức một hội đồng – nhiều mặt chuyên gia cho các mảng như hiện nay.
– Thành phần hội đồng: Ý kiến về hội đồng phải sát với “hơi thở nghề nghiệp’’, tức phải chính là những người năng lực tốt, đang lăn lộn, xông pha với mảng mình chấm là rất sâu sắc và cần thiết. Tại các kỳ trước Hội cũng đã rất cố gắng hướng tới điều này. Nhưng cũng có những kỳ chưa toại nguyện, do: một là, các thành viên như vậy lại thường là những người hay dự thi nhất; hai là, còn liên quan đến khả năng chi phí cho thành viên hội đồng trong điều kiện eo hẹp. Tuy nhiên, việc cấu trúc thành phần hội đồng theo hướng đề xuất là mục tiêu cố gắng mà Hội đã đặt ra, ngày càng tiệm cận.
– Thành phần hội đồng có thể cả người tham gia dự thi nhưng ở mảng khác: Trước đây các kỳ đã thực hiện điều này. Nhưng sau đó cho thấy tính tường minh là cực kỳ khó khăn. Đã có những trường hợp kiện tụng nên đi đến bỏ. Cũng có một câu hỏi, vậy mảng mà thành viên hội đồng tham gia chấm có phải là mảng thành viên đang thực triển quen chuyên không?
– Thành phần hội đồng chuyên ngành: Do hội KTS địa phương hoặc cơ quan địa phương, chủ công trình đề cử, hoặc tự ứng cử: Việc này cơ bản trước đây Hội đã làm theo phương án phối hợp linh hoạt, cần rút kinh nghiệm để thực hiện tiếp theo.
– Ý kiến cá nhân tôi về nội dung này:
+ Hiện nay mô hình hội đồng hai cấp chung khảo và chuyên ngành vẫn chưa nên triển khai trở lại. Khi có triển vọng rõ rệt về số lượng tham gia tăng đến mức độ nào đó phù hợp, sẽ nghiên cứu thích ứng.
+ Mô hình trước mắt vẫn là một cấp hội đồng chung. Nhưng, các chuyên gia được chia linh hoạt, mềm dẻo theo nhóm cho các mảng. Sự thống nhất kết quả chấm tại các nhóm chuyên gia này là cơ sở quan trọng để hội đồng xếp loại. Nhóm chuyên gia phải có số lượng quá bán là những người giàu kinh nghiệm thực hiện sản phẩm cùng loại. Ưu tiên sát với “hơi thở nghề nghiệp”.
+ Không để người tham dự giải trong kỳ là thành viên hội đồng. Khi hội đủ điều kiện, cần thành lập hội đồng 2 cấp, thì hội đồng chuyên ngành sẽ nghiên cứu kỹ có cần thay đổi nội dung này không. Thành phần hội đồng từ các nguồn linh hoạt, trong đó có cơ bản là các nguồn như KTS đề xuất.
3.Cơ cấu giải thưởng:
– Các ý kiến về không phân biệt lớn nhỏ, sơ loại… là rất hợp lý.
– Ý kiến về làm hồ sơ theo hai cấp: “sơ bộ” và “kỹ càng” cũng là một hướng hợp lý, nhưng rất khó khả thi vì: KTS vốn rất ngại việc này, làm một lần đã khó, làm tiếp lần nữa thì sẽ nhiều bất cập. Chắc chắn, việc làm lần 2 sẽ kéo dài thời gian chấm không kiểm soát (hiện nay chỉ làm một đợt hồ sơ nhưng chưa có kỳ giải thưởng nào dưới ba lần gia hạn thời gian nộp). Ngoài ra, hội đồng sẽ phải thực hiện tham gia chấm nhiều đợt rất ảnh hưởng thời gian và tăng kinh phí tổ chức.
– Về nội dung cơ cấu giải thưởng: giải chính thức, giải hội đồng (giải khuyến khích), giải chuyên đề, các ý kiến kiến nghị đề nghị tách bạch hơn và bổ sung giải chuyên đề của năm với cách chọn là hướng hay, cần nghiên cứu bổ sung.
– Giải thưởng lớn không giới hạn số lượng và lĩnh vực. Đây là cần thiết. Ý kiến của KTS về việc giải thưởng lớn cần phải mang tính định hướng phát triển Kiến trúc là rất cần thiết.
– Ý kiến cá nhân tôi về nội dung này:
+ Hồ sơ làm một lần, nhưng có thể quy định lỏng hơn về số lượng, khối lượng, quy cách. Điều này cũng phù hợp thực tế chấm là các chuyên gia không dựa vào khối, số lượng, mà đều chấm ý tưởng và các giải pháp xương sống. Khi đồ án đạt giải rồi, có thể yêu cầu tác giả hoàn thiện lại tuỳ theo mục tiêu sử dụng giai đoạn tiếp theo.
+ Giải chính thức, giải hội đồng rà soát vi chỉnh (vì đã, đang thực hiện theo hướng này ở các kỳ trước) như đề xuất.
+ Giải chuyên đề: nghiên cứu bổ sung như đề xuất cho các kỳ từ 2022 trở đi. Nhưng phải phụ thuộc vào khả năng huy động nguồn kinh phí.
+ Giải thưởng lớn nhất trí như đề xuất, nên vận hành trong kỳ chấm giải năm nay trở đi, tuỳ từng trường hợp, loại hình, chất lượng cụ thể.
4. Công tác tổ chức và kế hoạch tổ chức
– Công tác tổ chức: ý kiến về việc vận động để có nhiều cơ hội, nhiều giải thưởng. Bổ sung giải chuyên đề không nguyên giá trị thưởng từ ngân sách, mà nên vận động nguồn tài trợ khoảng 50% là một ý rất nên nghiên cứu dựa trên tình hình cụ thể. Vì vận động của Hội từ trước đến giờ cũng đều đã cố gắng theo hướng huy động tối đa nguồn tài trợ, nhưng lời giải là một bài toán đang đầy khó khăn và bấp bênh.
– Kế hoạch tổ chức: Ý kiến về việc ngay từ đầu phải xác định ý nghĩa, mục đích, nội dung tổ chức… cũng đã được hội xác định rõ trong từng kỳ giải thưởng. Mỗi kỳ cần rà soát thêm. Việc tôn vinh, bảo vệ giải thưởng trước cộng đồng cần tăng cường, đây là một ý kiến rất xác đáng, nhưng không dễ thực hiện vì các quy định về pháp lý ở nước ta chưa đủ rõ mạnh làm chế tài vận dụng cho vấn đề này.
– Ý kiến của cá nhân tôi về nội dung này:
+ Việc vận động để có nhiều cơ hội là một mục tiêu đã và sẽ tiếp tục. Hội sẽ cố gắng tìm hướng cải thiện. Tuy nhiên đây phải xác định là một việc phải đồng ứng của toàn giới KTS.
+ Việc phân kinh phí giải thưởng sang loại chuyên đề cần nghiên cứu tính khả thi theo từng giai đoạn thực hiện.
+ Việc tôn vinh bảo vệ giải thưởng Hội cùng toàn thể các Hội tỉnh thành, chi hội cơ sở, và bản thân KTS đồng hành. Hội sẽ có những kiến nghị đề xuất theo quy định pháp lý, với các cấp liên quan.
+ Công tác truyền thông hiện nay là một khâu yếu. Cần phải kiện toàn tổ chức lại, có phân vai cụ thể.
5. Kế hoạch và phương pháp tiến hành xem xét các nội dung điều chỉnh
– Kỳ giải thưởng 2020 – 2021:
+ Quy chế đã ban hành: Cần tổ chức thực hiện đúng.
+ Thành phần hội đồng: Do chưa thành lập sẽ thực hiện có tham kiến ý kiến đề xuất.
+ Việc bổ sung giải chuyên đề hay không tuỳ thuộc vào tính khả thi của huy động tài trợ ngoài ngân sách, nội dung này do ban tổ chức và hội đồng quyết định.
+ Tăng cường công tác truyền thông sâu rộng toàn khắp, từ huy động các đơn vị tổ chức trực thuộc hội. Tập trung mở hướng các đầu mối truyền thông quốc gia như chương trình truyền hình, báo chí.
– Các kỳ giải tiếp theo:
+ Tổ chức hội nghị Thường trực, Thường vụ Hội để thống nhất khung điều chỉnh bổ sung (nếu có).
+ Xin ý kiến Hội đồng Kiến trúc Hội, nguyên Lãnh đạo Hội, các chuyên gia đã đạt nhiều giải thưởng KTQG, các KTS đang sát với “hơi thở nghề nghiệp”. Sau đó xin ý kiến thường trực hội đồng (Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, các phó chủ tịch đương nhiệm Hội) để chính thức ban hành khung quy chế.
+ Trên cơ sở khung hoàn chỉnh quy chế giải thưởng tiến hành thực hiện. Mỗi kỳ có thể vi chỉnh quy chế cụ thể hợp lý, không lệch khung. Nhiệm vụ bổ sung, vi chỉnh này do ban tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu thực tiễn đòi hỏi phải thay đổi điều chỉnh khung thì cần tổ chức các bước quy trình đầy đủ như trên.
+ Lập kế hoạch rõ, kỹ từng kỳ giải thưởng, để phấn đấu thực hiện các khâu tài trợ và truyền thông.
+ Đề xuất kiến nghị các cấp về vấn đề tôn vinh, bảo tồn các tác phẩm Kiến trúc được giải cao, theo hệ thống lưu giữ quốc gia với đầy đủ tính pháp lý.
Tóm lại, Với tâm huyết trăn trở cao của một người làm nghề giàu năng lực, kinh nghiệm, tôi thấy các đề xuất của KTS Nguyễn Văn Tất có những điểm cần xem xét, nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh cho quy chế GT KTQG. Bên cạnh đó, cũng cần xác định, nhiều vấn đề cũng phải cân nhắc kỹ. Vì quá trình vận hành GTKTQG đã đi được chặng đường 1/4 thế kỷ, đã thể hiện sự thành công rất cơ bản, kịp thời và cần thiết, trong đồng hành tươi sáng với kiến trúc sư nước nhà.
TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
XEM THÊM:
- Kiến nghị cải tiến tổ chức Giải thưởng Kiến trúc quốc gia
- Điều chỉnh thời gian tiếp nhận hồ sơ tham dự Giải thưởng Kiến trúc quốc gia
- KTS Đoàn Thanh Hà: “Sự thông thái bản địa” sẽ là điều tất yếu