Cuộc đời KTS Võ Đức Diên có thể gọi là ngắn nhưng sự nghiệp, lòng say mê nghệ thuật, sáng tạo của ông để lại đáng để các thế hệ sau suy ngẫm.

Gương mặt KTS Việt Nam - KTS Võ Đức Diên
KTS Võ Đức Diên (1906 – 1961)

KTS Võ Đức Diên sinh năm 1906. 

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khoá 7 (1930 – 1935). 

Những năm 1940: Mở văn phòng kiến trúc tại Hà Nội. 

Từ 24/4 đến 27/4/1948: Là 1 trong 8 KTS sáng lập và dự Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam tại Thản Sơn (Việt Bắc), tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay. 

Tháng 7/1948: Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam; Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn Sân khấu Việt Nam. 

KTS Võ Đức Diên từ trần ngày 6/2/1961 tại Sài Gòn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một thời gian, KTS Võ Đức Diên mở văn phòng kiến trúc tại Hà Nội (phố Đông Kinh Nghĩa Thục). Khoảng đầu những năm 1940 ông chuyển sang lĩnh vực sân khấu kịch nói. Ông nhường lại văn phòng kiến trúc cho KTS Ngô Huy Quỳnh và đưa “gánh hát” đi nhiều nơi, chủ yếu bằng vốn liếng riêng của mình. Trước khi qua đời, ông làm việc ở cơ quan kiến thiết Sài Gòn, tác giả một số công trình lớn thời ấy. KTS Võ Đức Diên đáng được gọi là một “khách lãng du” hơn là một “kiến trúc sư – công chức”.

Gương mặt KTS Việt Nam - KTS Võ Đức Diên
Tổng nha Kiến thiết Sài Gòn, 1950. KTS Võ Đức Diên, KTS Nguyễn Gia Đức

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1946-1947 và 1948), ông cùng gia đình tản cư ra vùng tự do, cùng một số văn nghệ sĩ (họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà văn, kiến trúc sư..) tham gia kháng chiến trong Đoàn Văn hóa kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Trưởng đoàn. Sau đó ông rong ruổi các nẻo đường với đoàn ca kịch Tiến Bộ, tuyên truyền kháng chiến. Võ Đức Diên đã từng tham gia thành lập Đoàn KTS Việt Nam ngày 24 – 27/4/1948 tại thôn Thản Sơn, xã Liễn Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong bức ảnh kỷ niệm buổi lễ đó, ông mặc một bộ đồ bà ba đen. Sau đó, ngày 25/7/1948, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong số 17 Ủy viên Ban Chấp hành, có hai KTS: Võ Đức Diên và Tạ Mỹ Duật. Cũng trong Hội nghị này thành lập Đoàn Sân khấu Việt Nam, KTS Võ Đức Diên là một trong 11 Uỷ viên Ban Chấp hành.

Tháng 7/1948, trên Tạp chí Văn nghệ Số 4 năm 1948, Xuân Diệu kể chuyện Đại hội thành lập Hội Văn nghệ, KTS Võ Đức Diên được cử tọa tán thưởng vỗ tay với ý kiến: “Một cái nhà dựng lên mà đổ là không khoa học, nếu đứng mà chết, mà không sinh khí thì cũng không khoa học và tất cả những điều kiện kia được đủ cả rồi mà nếu cuối cùng là để cho giặc Tây ở thì cũng không khoa học nốt”.

Trước, sau Cách mạng Tháng Tám và cả trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, để phục vụ quần chúng, các nghệ sĩ hào hứng tập hợp nhau thành từng đoàn nhỏ, diễn lưu động tại các thị trấn, làng xóm. Liên tiếp ra mắt ban kịch Tháng Tám (Trần Huyền Trân, Thâm Tâm), ban kịch Thế Lữ, ban kịch Bình Dân (Nguyễn Văn Niêm, Ngọc Tỉnh). Võ Đức Diên cũng cuốn hút theo dòng sân khấu kịch nói ấy. Đã có đoàn từng dựng vở “Những người ở lại”, một vở kịch lớn của Nguyễn Huy Tưởng mới viết xong, nơi diễn là thị trấn Ẩm Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ. Sân khấu bằng tranh tre, ánh sáng dầu hỏa nhưng thật lôi cuốn, thật hấp dẫn.

Sinh năm 1906, mất năm 1961 vì bệnh tim, thọ có 55 tuổi, dù có ít may mắn hơn các KTS trọn vẹn cả đời đi theo cách mạng nhưng Võ Đức Diên cũng đã để lại những tác phẩm đi vào lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ông đã tham gia thiết kế tác phẩm nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm cùng với KTS Lagisquet, cho đến nay vẫn là một tác phẩm kiến trúc đẹp của Hà Nội, giao thoa kiến trúc Đông – Tây một cách nhuần nhị (dù sau này nó bị cơi nới lên tầng, “xây chen” bên phải, bên trái).

Gương mặt KTS Việt Nam - KTS Võ Đức Diên
Nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội

Sau Hiệp định Geneve 1954, KTS Võ Đức Diên di cư vào miền Nam. Năm 1959, ông hoàn thành thiết kế và xây dựng khu nhà triển lãm trong Hội chợ Lâm Viên (Đà Lạt). Công trình rất hài hòa với khu đất, với địa hình đến nỗi hết thời gian triển lãm mà người ta đã “không nỡ phá đi” (theo Tạp chí Xây dựng mới của Kiến trúc sư Đoàn miền Nam dưới thời VNCH). Năm 1960, Nhà triển lãm Nam Việt Nam trong Hội chợ New Delhi của ông đã được trao Giải Nhất, đồng hạng với Tòa nhà triển lãm Liên Xô (theo Tạp chí Xây dựng mới). Năm 1961, ông hoàn thành tác phẩm cuối cùng: “Lữ quán Thanh niên và Lao động Đà Lạt”, một tác phẩm kiến trúc Modernisme (theo trào lưu hiện đại) chính hiệu của Việt Nam.

Gương mặt KTS Việt Nam - KTS Võ Đức Diên
Lữ quán Thanh niên và Lao động Đà Lạt, 1961

Về văn nghiệp, Võ Đức Diên là người sáng lập Tạp chí Xây dựng mới với sự tham gia của 30 KTS khác của miền Nam, trước và sau những năm 1960,Tạp chí này là diễn đàn ngôn luận của cả giới kiến trúc miền Nam dưới thời VNCH. Tuy Xây dựng mới chỉ ra được có hơn một chục số nhưng đó là những tài liệu rất quý để chúng ta tạo dựng lại bộ mặt và quan niệm cũng như đóng góp của giới kiến trúc miền Nam trong một giai đoạn lịch sử. Tạp chí đã đăng rất nhiều mẫu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân và liệu chúng ta có cần phân biệt rạch ròi lắm không cái chất nhân văn của những ngôi nhà (dù là có sự khác biệt nhất định) giữa hai bên bờ sông được gọi là “chiến tuyến” của một đất nước?

Về mặt tư liệu học, chúng tôi cho rằng với những số Tạp chí “Xây dựng mới”, chúng ta có thể lấp bớt những “khoảng trắng” đối với một số vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật kiến trúc đương thời mà đến nay vẫn cần được xem xét. Võ Đức Diên được khẳng định và được giới kiến trúc miền Nam lúc đó cảm phục là “không chạy theo đồng tiền, không hề có ý muốn dùng nghề làm phương tiện làm giàu”. Tất nhiên là có trớ trêu khi ông được bổ nhiệm làm một chức gì đó trong bộ máy chính quyền. 

KTS Võ Đức Diên sống và hành nghề ở miền Nam nhưng theo nghiên cứu và suy ngẫm của tôi thì ở ông có một cái gì đó rất tương đồng với KTS Nguyễn Ngọc Chân ở miền Bắc. Từ nét mặt, phong cách kiến trúc, điều kiện làm việc đều “hao hao”.

Về tư tưởng, nhờ có tạp chí của Võ Đức Diên mà nhân dân miền Nam lúc đó biết được quan điểm kiến trúc tiến bộ của Le Corbusier và Frank Lloyd Wright, cũng biết được Nguyễn Gia Đức và Ngô Viết Thụ là những người như thế nào trong giới kiến trúc.

Bức ảnh chụp Võ Đức Diên trước khi mất ít lâu trông nét mặt ông rất bình thản, rất “phục thiện” nhưng giới kiến trúc miền Nam lúc đó cho biết tâm hồn ông cũng thường rất “sắc mắc” (bức xúc) về những cái mà ngày nay ta gọi là “những cặp phạm trù đối lập”, trong kiến trúc là “lộng lẫy hay trang nhã, trẻ trung hay chín chắn, huênh hoang hay nhã nhặn”, còn trong ngôn ngữ của cuộc sống (theo chúng tôi) đó là những cặp phạm trù của “thẳng và cong, trắng và xám, thiện và ác, vui và buồn, lạc thú và khổ đau… ”. 

Không biết có thực sự vậy không, nhưng về mặt triết học cũng như về mặt mỹ học, có một sự hòa quyện, ghép đôi những cặp phạm trù này.

Cuộc đời ông có thể gọi là ngắn nhưng sự nghiệp, say mê nghệ thuật, sáng tạo của ông để lại đáng để các thế hệ sau suy ngẫm.

PGS. KTS Đặng Thái Hoàng


Gương mặt KTS Việt Nam - KTS Võ Đức Diên

Giới thiệu Chuyên đề : GƯƠNG MẶT KTS VIỆT NAM

Lớp lớp các thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đã góp sức kiến thiết cho đất nước nhưng chưa có một cơ sở dữ liệu nào về những con người tiên phong đó, chúng tôi rất mong muốn sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu về KTS Việt Nam đầy đủ nhất. 

Kiến Việt mong muốn tập hợp một chuỗi bài về các gương mặt KTS Việt Nam qua các thế hệ trên kienviet.net , từng bước xây dựng dữ liệu. Chúng tôi khai thác trước mắt cuốn “Thế hệ KTS Việt Nam” của Hội KTSVN phát hành cùng nội dung từ kênh blog của cố KTS Đoàn Đức Thành làm cơ sở đầu tiên và sẽ tiếp tục phát triển thêm công tác nghiên cứu này.

Việc tổng hợp chắc chắn sẽ gặp nhiều thiếu sót nhưng với mong muốn thành tâm lưu trữ lại thông tin về các thế hệ KTSVN, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý và dữ liệu đóng góp của Quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn. 

Mọi góp ý xin vui lòng email về noidung@kienviet.net hoặc fanpage https://www.facebook.com/kienvietdotnet 

Thảo luận tại: https://www.facebook.com/groups/kientrucsuviet

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
190 head
Phỏng vấn Jean Nouvel

Sinh năm 1950, tại Fumel (lot-etgaronne) miền nam nước Pháp, ông học tại trường Ecole Nationale Supérieure des beaux arts Read more

do hoa da phuong tien head
Đồ họa đa phương tiện

Công nghệ hình ảnh đang tiến theo xu hướng: từ hình ảnh 2D trên film, giấy ảnh, màn ảnh... tiến Read more

409 head
Khát vọng ánh sáng

Một câu chuyện về một người thanh niên trẻ châu Phi bằng khao khát được học hành đã đóng góp Read more

Khóa đào tạo quốc tế về quản lý dự án và quản lý xây dựng của ĐHTH Cincin

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nâng cao năng lực quản lý dự án và quản lý Read more

vegiaithuongpritzkler
Kiến trúc là một môn thể thao đồng đội vậy tại sao…?

Một quan điểm khác và đáng suy ngẫm của giáo sư Witold_Rybczynski về giải thưởng Pritzker , thông qua bài Read more

luongkts
Tham khảo về lương dành cho nghề Kiến trúc trên thế giới

Bạn có quan tâm tới mức lương của các đồng nghiệp tại các quốc gia trên thế giới ?