KTS Trần Hữu Tiềm đóng góp cho tổ chức nghề nghiệp không chỉ ở điều hành công việc cho hoạt động Hội ngày càng lớn mạnh về tổ chức. Các thế hệ KTS hiện nay và sau này biết ơn ông ở những cố gắng lớn trong việc nâng cao vị thế giới nghề, mở rộng quan hệ quốc tế.
Trần Hữu Tiềm sinh ngày 17-3-1912 trong một gia đình hương sư nghèo nhưng học giỏi ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, sau khi học hết bậc tiểu học tại quê nhà, ông lên Hà Nội thi vào Trường Trung học Bảo hộ (Lycé potectorat), thường gọi là Trường Bưởi, đỗ thứ ba trong số 1500 thí sinh nên được học bổng toàn phần. Thi xong Tú tài phần thứ nhất (1) thì thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 4 (1928-1933), đỗ đầu, được học bổng. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển dụng vào Phòng kiến trúc sư đặc biệt (Bureau special d’architecte) ở Đà Lạt. Ở đây ông tham gia thiết kế nhiều công trình: Trường Trung học, nhà ga, nhiều biệt thự…
Năm 1937 ông được cử làm KTS trưởng Thành phố.

Ham mê sáng tạo nhưng lại gặp phải Đại chiến Thế giới thứ II, đất nước vô cùng khó khăn, KTS Trần Hữu Tiềm thôi làm công chức và ra Huế cùng với KTS Phan Nguyên Mậu mở Văn phòng kiến trúc mang tên “Mậu-Tiềm Architecte” (2). Văn phòng có chi nhánh tại số 92 phố Pollerin, Sài Gòn, sau lại chuyển lên Đà Lạt vì máy bay Mỹ oanh tạc Sài Gòn.
Ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Đà Lạt. Giặc Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược Nam Bộ. Ông ra Bắc, trở về quê làm công tác văn hóa, xã hội ở địa phương rồi cùng với nhiều bạn bè trí thức, giáo viên mở trường dạy học, ông trực tiếp làm Hiệu trưởng.
Nhận chỉ thị của Bộ trưởng Giao thông – Công chính Trần Đăng Khoa, chủ trương tập hợp các KTS để phục vụ kháng chiến chống Pháp và chuẩn bị xây dựng lại sau ngày chiến thắng, ông hăm hở tìm kiếm một số KTS đang tản cư làm việc ở các vùng miền khác nhau cùng lên Việt Bắc thành lập Đoàn KTS Việt Nam (24-4 đến 27-4-1948). Hội nghị đã bầu ông làm Phó Tổng Thư ký Đoàn KTS Việt Nam (1948-1982). Được trở về với nghề, với cương vị Trưởng phòng Kiến trúc Liên khu III cùng với ông Đàm Trung Phường ở làng Định Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, các ông tìm hướng nghiên cứu mới phù hợp với đời sống vùng tự do kháng chiến. Quy mô nhất là xây dựng cụm triển lãm Liên khu 3 tại huyện Yên Mô và thiết kế các công trình phục vụ nông thôn: nhà ở, trụ sở ủy ban, giếng nước, nhà văn hóa, trạm trại phục vụ hợp tác hóa sản xuất, đường sá nông thôn.
Sau chiến thắng biên giới Thu – Đông năm 1950, Bộ Giao thông – Công chính thành lập vụ Kiến trúc tại làng Yên Mỹ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, sau chuyển lên Yên Bình, Tuyên Quang nghiên cứu thiết kế các công trình phục vụ quốc phòng, phục hồi các thị xã sau chiến tranh.
Cuối năm 1952 đến năm 1954 quân ta mở những chiến dịch lớn chủ động tiến công giặc Pháp, khôi phục cầu đường là yêu cầu cấp thiết phục vụ chiến trường, hành quân cơ giới. Với cương vị Phó Trưởng ty Giao thông – Công chính tỉnh Hà Nam, KTS Trần Hữu Tiềm phụ trách quản lý sửa chữa tu bổ cầu đường.
Hòa bình lập lại (10-1954) ở nửa đất nước phía Bắc, ông là một trong những KTS chính, chủ trì thiết kế nhiều công trình đô thị vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ XX: Hội trường Ba Đình (cùng với KTS Nguyễn Cao Luyện), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị Quốc gia (cùng với KTS Nguyễn Ngọc Chân)… Các kiểu nhà ở gia đình theo quan niệm tổ chức không gian cư trú mới lần đầu tiên thực hiện ở nước ta, được xây dựng ở Kim Liên, các trường học, nhà trẻ, cửa hàng, câu lạc bộ… không chỉ Hà Nội, cả ở Hải Phòng, Nam Định… Giai đoạn khó khăn, thiếu thốn vật liệu xây dựng sau chiến tranh, nhu cầu thật lớn, mỗi nét bút là một tính toán cẩn trọng.


Một đóng góp lớn của ông là năm 1962, với cương vị lãnh đạo Tổ thiết kế nhà Quốc hội, làm việc trực tiếp với Đoàn chuyên gia Trung Quốc, ông chủ động đề xuất nhiều ý kiến xác đáng, giúp cho nhà nước ta có sự đánh giá đúng mức bản thiết kế nhà Quốc hội để cân nhắc quyết định (3).

Năm 1964 ông gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông thiết kế Nghĩa trang Đà Lạt, nơi ngày xưa có thời ông làm KTS trưởng thành phố.
Với cương vị Lãnh đạo Đoàn KTS Việt Nam, ông đã tổ chức và trực tiếp tham gia các cuộc thi sáng tác kiến trúc ở trong nước và quốc tế: Nhà Văn hóa Công nhân Thủ đô, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Khâm Thiên, kiến trúc đầu cầu Thăng Long, Bảo tàng Hồ Chí Minh,…
Đất nước bước vào thời kỳ xây dựng lại, công nghiệp hóa xây dựng, ông nhận nhiệm vụ thiết kế điều hành và xây dựng bộ tiêu chuẩn thiết kế. Công việc này có thể gọi là “cực nhọc” với KTS sáng tạo. Nó khô khan, đơn điệu. Ông là một trong những người khai phá đầu tiên đặt nền móng khoa học cho lĩnh vực này để có thể quản lý được công nghệ xây dựng. Trong thời gian không dài, từng bộ Tiêu chuẩn thiết kế, hàng loạt các mẫu nhà công cộng được nghiên cứu thận trọng, tỷ mỉ đã đóng góp hiệu quả cho công tác thiết kế xây dựng với phương châm “Thích dụng, bền vững, mỹ quan trong điều kiện có thể”. Ông thường xuyên tham gia Hội đồng Khoa học, Hội đồng tư vấn của Bộ Xây dựng và nhiều cơ quan, địa phương. Nhiều bài viết của ông trên báo Đảng và các báo nghiệp vụ đã đóng góp tích cực cho lĩnh vực lý luận phê bình nghệ thuật kiến trúc.
Với trách nhiệm nhà kiến trúc lão thành, ông cũng dày công xây dựng đội ngũ KTS, đào tạo được nhiều cán bộ trở thành đồng nghiệp tin cậy, những người kế tục công việc do ông khởi đầu. Nhiều năm liền ông tham gia lãnh đạo Đoàn KTS Việt Nam tức Hội KTS Việt Nam ngày nay với trọng trách Phó Tổng Thư ký Hội nghị KTS lần thứ nhất (24-4 đến 27-4-1948), Hội nghị KTS lần thứ hai (26-4 đến 27-4-1957) và Quyền Tổng Thư ký Đoàn KTS Việt Nam các năm 1982-1983. Từ Đại hội KTS toàn quốc lần thứ III (25-11 đến 27-11-1983), ông được bầu vào Ban Cố vấn Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam. Đóng góp của ông cho tổ chức nghề nghiệp của giới nghề không chỉ ở điều hành công việc cho hoạt động Hội ngày càng lớn mạnh về tổ chức. Các thế hệ KTS hiện nay và sau này biết ơn ông ở những cố gắng lớn:
– Mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế KTS Việt Nam, trở thành thành viên của Hội Liên hiệp KTS Quốc tế (UIA), thường xuyên hoạt động trong khuôn khổ của UIA.
– Do cơ chế lúc ấy, Đoàn KTS Việt Nam được đặt dưới sự quản lý của Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, bằng lý và lẽ, uy tín tập thể và ảnh hưởng cá nhân, ông đã kiên trì thuyết phục để Đoàn KTS Việt Nam như một thành viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chính tổ chức quản lý mới này giúp vị thế của giới nghề lớn mạnh và các KTS dễ dàng hoạt động hơn.
– Cũng chính ông là người đề xướng biện pháp huy động sáng tạo của KTS bằng đề nghị được phép thành lập Xưởng sáng tác Kiến trúc của Hội từ 1-7-1981, được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Tố Hữu đồng ý cho phép mở rộng phạm vi hoạt động trong cả nước.
Có thể nói chính ông là người mở đầu cho phát huy trí tuệ KTS trong sự nghiệp sáng tác kiến trúc, phá vỡ sự khô cứng.
Ông qua đời ngày 17-2-1984 sau một cơn đột quỵ khi vừa ra khỏi phòng họp về một đề tài khoa học.
Bài: Ngô Huy Giao
Ảnh: Tổng hợp
———————————–
(1) Bằng Tú tài: Phải thi đỗ phần thứ nhất, học một năm nữa thi phần thứ hai, gọi là Tú tài toàn phần.
(2) Chúng tôi chưa xác định KTS Phan Nguyên Mậu học khóa nào của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Theo KTS Đoàn Đức Thành trong bài KTS Việt Nam thời điểm năm 1948, Tạp chí Kiến trúc miền Trung và Tây Nguyên, số 1-2006, thì tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948), có dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đến các văn nghệ sĩ đã hy sinh, trong đó có KTS Huỳnh Tấn Phát (sau này xác định lại là tin không chính xác) và KTS Phan Nguyên Mậu ở Đà Lạt.
(3) Thời gian này nhà nước ta chủ trương xây dựng nhà Quốc hội tại khu Quần Ngựa, trung tâm Thủ đô (theo quy hoạch). Sau hoãn không xây dựng.

Giới thiệu Chuyên đề : GƯƠNG MẶT KTS VIỆT NAM
Lớp lớp các thế hệ Kiến trúc sư Việt Nam đã góp sức kiến thiết cho đất nước nhưng chưa có một cơ sở dữ liệu nào về những con người tiên phong đó, chúng tôi rất mong muốn sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu về KTS Việt Nam đầy đủ nhất.
Kiến Việt mong muốn tập hợp một chuỗi bài về các gương mặt KTS Việt Nam qua các thế hệ trên kienviet.net , từng bước xây dựng dữ liệu. Chúng tôi khai thác trước mắt cuốn “Thế hệ KTS Việt Nam” của Hội KTSVN phát hành cùng nội dung từ kênh blog của cố KTS Đoàn Đức Thành làm cơ sở đầu tiên và sẽ tiếp tục phát triển thêm công tác nghiên cứu này.
Việc tổng hợp chắc chắn sẽ gặp nhiều thiếu sót nhưng với mong muốn thành tâm lưu trữ lại thông tin về các thế hệ KTSVN, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý và dữ liệu đóng góp của Quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn.
Mọi góp ý xin vui lòng email về noidung@kienviet.net hoặc fanpage https://www.facebook.com/kienvietdotnet
Thảo luận tại: https://www.facebook.com/groups/kientrucsuviet