Với một lịch sử không giống bất kỳ công trình nào, Wall House 2 đã định nghĩa lại các giới hạn của kiến trúc như một phần của bối cảnh và văn hoá. 28 năm sau khi hoàn thành các thiết kế ban đầu và 1 năm sau cái chết của KTS John Hejduk, công việc xây dựng mới thực sự bắt đầu, ở một địa điểm khác xa so với tưởng tượng ban đầu.

Thông tin công trình:
- Thiết kế: John Hejduk, Thomas Muller/van Raimann Architekten & Otonomo Architecten
- Năm hoàn thành: 2001
- Hình ảnh: Liao Yusheng




Ngôi nhà được John Hejduk nghiên cứu về mối quan hệ giữa nội thất, ngoại thất và gợi nhớ đến kiến trúc kiểu Le Corbusier, mặc dù có đôi chút lập dị hơn. Công trình được thiết kế vào năm 1973 bởi KTS người Mỹ John Hejduk, dành cho 1 giảng viên cùng khoa tại Trường Kiến trúc Irwin S. Chanin tại Viện Cooper ở New York, dự kiến được xây dựng ở Ridgefeld, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ. Nhưng địa điểm xây dựng trong khu vực có nhiều cây xanh, gần rừng và nhiều quy định đã làm tăng thêm chi phí, khiến dự án đã bị tạm dừng.

Qua mỗi chủ đầu tư khác nhau, công trình luôn bị tạm hoãn trước khi bắt đầu xây dựng do vấn đề thiếu vốn. Mãi đến khi một công ty ở Hà Lan quan tâm đặc biệt đến dự án và quyết định tài trợ cho việc xây dựng trên diện tích 2.500 ft2 – tương đương 232,258 m2. Sau đó, công trình chuyển từ Hoa Kỳ sang Thành phố Groningen, Hà Lan.

Wall House 2 là công trình có tầm ảnh hưởng vì sự kết hợp của chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism), các bức tranh và kiến trúc theo trường phái Lập thể (Cubist), phản ánh bản sắc của John Hejduk với tư cách là một nghệ sĩ, nhà hoạt động giáo dục và một KTS. Cảm hứng của ông thường đến từ Le Corbusier và Mies van der Rohe, nơi ông học cách tập trung vào các hình thức tối giản của kiến trúc cũng như tập trung vào các dạng hình học thuần túy.

Được tổ chức xung quanh trục trung tâm của mặt phẳng ngang và dọc là một mảng tường lớn, có vẻ như đang ngắt kết nối các trải nghiệm về công trình. Nhưng ngược lại, chúng đang nhóm các không gian có vẻ như tách biệt lại với nhau, đồng thời nhấn mạnh chất thơ của ngôi nhà.

Công trình sử dụng màu sắc tươi sáng để phân biệt các không gian. Mảng tường lớn dường như trở nên phóng khoáng hơn thông qua thiết kế tỉ mỉ của Hejduk, phần giao nhau giữa bức tường và công trình được hỗ trợ bằng cửa kính, từ bên trong mọi người có thể dễ dàng đi xuyên qua.

Bức tường ở đây là một điều kiện trung lập, đó là lý do tại sao nó được sơn màu xám. Bức tường tạo ra xúc cảm khi mọi người đi qua nó, đó là một khoảnh khắc, độ mỏng của nó cũng làm tăng cảm giác nhất thời,…. Bức tường lớn giờ đây trở thành một biểu tượng chứ không còn đơn thuần là cấu trúc xây dựng.

Bước vào ngôi nhà, du khách bắt gặp một cầu thang dẫn đến phòng làm việc, nhà bếp và phòng ăn, tất cả đều là những không gian được tạo hình sinh động với nhiều đường nét đặc sắc. Tầng đầu tiên có phòng ngủ và tầng trên cùng là phòng khách. Ngôi nhà có vẻ như được đổ bê tông liền mạch, nhưng trên thực tế, giữa các khối được nâng lên 1 khoảng bởi hệ thống lưới cột. Điều này tăng thêm sự ấn tượng của Wall House 2.

Một khía cạnh thú vị khác nằm ở khả năng tiếp cận của ngôi nhà. Các chủ nhà đã chia nó thành các khu công cộng, bán công cộng và riêng tư, để kiến trúc có thể được trải nghiệm và cảm nhận từ tất cả người dân. Một số nghệ sĩ cũng được mời đến trải nghiệm công trình nhằm nghiên cứu chất thơ của nó.

Chính John Hejduk đã nói: “Nếu một họa sĩ có thể đem không gian 3 chiều lên bức tranh – như tranh tĩnh vật, thì liệu KTS có thể đem hình ảnh trên những bức tranh đó ra ngoài đời thật được hay không?”

Biên dịch | Hoàng Anh (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Đường cong sóng biển trong thiết kế của Hotel Le Bouton | D1 Architectural Studio
- UC House – Không gian trong, ngoài đan xen | Daniela Bucio Sistos
- Stairway House: Nhà tối giản với điểm nhấn cầu thang