Trung tâm Văn hóa được thiết kế bởi KTS Oscar Niemeyer, tên công trình cũng được đặt theo tên của người thiết kế ra nó. Nằm ở thành phố Goiânia thuộc bang Goiás, Brazil trên diện tích khu đất 26,000m2, công trình nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với cựu Tổng thống Juscelino Kubitschek.

Thông tin công trình:
- Kiến trúc sư: Oscar Niemeyer
- Năm hoàn thành: 2006
- Hình ảnh: Leonardo Finotti
- Quốc gia: Brazil

Khu phức hợp là 4 tòa nhà thuần túy về mặt hình học, bao gồm: hình chữ nhật là không gian thư viện công cộng, hình trụ là Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại (MAC), phần mái vòm là một sân khấu lớn, diễn ra các buổi hòa nhạc và một kim tự tháp với diện tích 700m2, cao 36m là Tượng đài Nhân quyền.
Thư viện công cộng là một hộp kính màu đen tương phản với màu trắng sáng của phần mái vòm và khối trụ, cùng với màu đỏ nổi bật của Tượng đài Nhân quyền, có một khán phòng lớn với sức chứa 166 chỗ ngồi, một phòng tắm nắng và một phòng triển lãm.

Không dễ dàng khi đưa các công trình của Oscar Niemeyer vào một phong trào kiến trúc phù hợp, đặc biệt là khi các nhà sử học, nhà phê bình và các KTS có rất nhiều ý kiến trái chiều, tán thành hoặc lên án công trình của ông, đôi khi gắn nó với phong trào kiến trúc hiện đại nhưng đôi khi vang vọng lên các phong trào khác. Lý do xuất phát từ sự đi lệch so với các tiêu chuẩn chính thức và yếu tố công năng trong các công trình của ông. Dù cho có công năng hay không, các công trình của Niemeyer là biểu hiện của sự hiện đại, phá cách, đôi khi phù hợp với các phong cách truyền thống khác, như tân cổ điển và chủ nghĩa lập thể.

Chủ nghĩa hình thức của Niemeyer bị coi là lệch khỏi các nguyên tắc ban đầu của phong trào Kiến trúc hiện đại, nhưng biểu hiện nghệ thuật lại nằm ở sự phá bỏ nguyên tắc của ông. Niemeyer gắn liền với chủ nghĩa hiện đại và hình thức tự do.

Theo Maxwell, mối liên hệ giữa cổ điển và hiện đại có khả năng được thiết lập kể từ thời cổ đại như đại diện của trật tự, của tổ chức hợp lý được biểu hiện qua các công trình kiến trúc, chữ tượng hình,…Theo đó, cũng có một mối liên hệ với chủ nghĩa duy tâm của Plato, trong đó khái niệm hình học gắn liền với bản chất và tính mạch lạc. Vì vậy, trong kiến trúc cổ điển, hình khối gắn liền với các hình học thuần túy, nhưng có điều chúng được hình thức hoá. Đến khi kiến trúc hiện đại phát triển, nó đã loạt bỏ hết những họa tiết rườm rà, những quy ước xưa cũ và trả lại bản chất cho sự việc. Điều đó được tìm thấy trong cấu trúc, mặt đứng, tường, cửa sổ và không gian mở của Oscar Niemeyer.

Cũng như Maxwell, trong quá trình sáng tạo, trí tưởng tượng sẽ làm việc thay mặt cho các nguyên tắc. Niemeyer đã nắm bắt tất cả các kỹ thuật hiện đại, cho phép ông giải phóng trí tưởng tượng của chính mình, tạo ra các hình thức có vẻ như đi lệch khỏi bất kỳ phong cách nào. Điều đó được thúc đẩy bởi sự tự do sáng tạo. Đó là một mặt khác của chủ nghĩa hiện đại: không coi hình thức là một công cụ cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích truyền tải thông điệp của tác giả.

Việc thoát khỏi chủ nghĩa công năng và cái bóng của phong trào hiện đại giúp ông “giải phóng trí tưởng tượng”. Trong khi tiến bộ kỹ thuật giải quyết các vấn đề liên quan đến vật liệu, xây dựng,…, thì kiến trúc lại thể hiện cảm xúc, yếu tố nghệ thuật. Do đó, các vấn đề kỹ thuật phải được xử lý tốt để truyền tải đúng thông điệp cần truyền tải.

Niemeyer không sử dụng các đường cong như một vật trang trí mà thông qua đó thể hiện thông điệp của mình. Tiến bộ kỹ thuật đã giúp cho công trình có được sự nhẹ nhàng, ổn định, khiến nó trở nên tự nhiên, các trụ đỡ được xử lý kín đáo theo đường cong của hình khối.

Công trình của Niemeyer không phải chủ nghĩa công năng, khác xa với những tài liệu tham khảo ban đầu của Le Corbusier, vì không gian của ông không tuân theo tính hợp lý cổ điển, các quy ước về tỷ lệ và nhịp. Nó cũng không thể hiện các nguyên tắc của cái gọi là kiến trúc hữu cơ, vì chúng đến từ các hình thức tự nhiên của tạo hoá, nghĩa là đi ngược lại với các công trình của ông.
Vấn đề phê bình kiến trúc của Niemeyer gắn liền với việc cố gắng đặt nó vào Phong trào Kiến trúc Hiện đại. Một giả thuyết được đưa ra là thừa nhận rằng, nó được đặt bên ngoài phong cách hiện đại, nhưng theo hình thức tự do trong phong trào hiện đại.

Biên dịch | Hoàng Anh (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Nhà hát lớn ở Trung Quốc lấy cảm hứng từ Nhờ thờ Hồi giáo lớn của Oman | DUTS Design
- Cloudscape Hải Khẩu: Làm mờ ranh giới giữa kiến trúc và thiên nhiên
- Bệnh viện Tambacounda: Vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương trong kiến trúc – xây dựng