Cây xanh và mặt nước là phương cách giúp con người thêm yêu mến và gắn bó với đô thị, chúng góp phần tạo nên các giá trị tinh thần và bản sắc của đô thị. Tăng trưởng xanh cho đô thị không chỉ là giải pháp kỹ thuật hay môi trường mà còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu lắng, vô hình, để khi mất nó ta mới nhận ra một cách rõ rệt.

Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ,
Khi tôi đã biết yêu lần đầu, 
Tôi đã nói yêu em trọn đời. 

(Mối tình đầu – Thế Duy)

Cây xanh, mặt nước và tinh thần của đô thị
Cây xanh, mặt nước và tinh thần của đô thị

Chúng ta hãy thử tưởng tượng rằng nhiều năm trước ta thổ lộ tình yêu đầu đời dưới một tán cây cổ thụ bên bờ hồ có mùi hoa sữa thơm ngát, mà giờ đây cái hồ bị lấp đi một phần, cái cây làm chứng cho tình yêu của ta không còn ở đó nữa, chỉ còn lại một gốc cây bị chặt sát đất. Chắc hẳn ta phải cảm thấy trống rỗng và buồn chán lắm. Nếu như chúng ta nghĩ rằng cây xanh và mặt nước chỉ đơn thuần có tác dụng điều hòa không khí và cải thiện vi khí hậu cho đô thị thì đó quả thực là thiếu sót. Hơn thế, chúng còn là một phương cách giúp con người thêm yêu mến và gắn bó với đô thị, chúng góp phần tạo nên các giá trị tinh thần và bản sắc của đô thị. Tăng trưởng xanh cho đô thị không chỉ là giải pháp kỹ thuật hay môi trường mà còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu lắng, vô hình, để khi mất nó ta mới nhận ra một cách rõ rệt.

Cảm nhận tinh thần nơi chốn của đô thị

Nói về cái tâm hồn, cái tinh thần của đô thị thì chúng ta không thể không nhắc tới lý thuyết nơi chốn (hoặc địa điểm – place), một lý thuyết thiết kế đô thị hấp dẫn và đang được áp dụng phổ biến hiện nay trên thế giới. Nó chú trọng vào cái tinh thần của đô thị nói chung và các địa điểm trong đô thị nói riêng. Thậm chí theo Noberg-Schulz, nói đến nơi chốn tức là nói đến tinh thần của nó. Tinh thần là yếu tố quyết định các giá trị của đô thị (tất nhiên chúng ta vẫn phải quan tâm tới các yếu tố khác như vị trí, chức năng, kinh tế, kỹ thuật, quản lý…). Việc xây dựng thương hiệu, bản sắc đô thị hay tạo dựng đô thị đáng sống đều không thể bỏ qua yếu tố tinh thần nơi chốn của đô thị.

Tinh thần của đô thị được cảm nhận bởi tất các giác quan của con người từ các yếu tố vật chất (công trình kiến trúc, cảnh quan tự nhiên và nhân tạo) và phi vật chất (huyền tích, lịch sử, văn hóa, lối sống).

Theo Yi-Fu Tuan, chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của một địa điểm hay cả một đô thị chính là cảm xúc và tinh thần mà con người thấy được từ địa điểm đó hơn là vị trí và chức năng của nó. Người ta gọi đó là các khái niệm kiểu như tinh thần nơi chốn, tâm hồn nơi chốn, ý thức nơi chốn, cảm giác nơi chốn (genius loci, spirit of place, sense of place); nôm na là cái khí chất vô hình của nơi chốn.

Con người cảm nhận thấy tinh thần nơi chốn thông qua các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). Theo Kevin Lynch, thị giác là yếu tố quan trọng nhất để cảm nhận cái hồn của nơi chốn đô thị, bởi đô thị được xác định và ghi nhớ chủ yếu thông qua các hình ảnh. Tuy vậy, để có chiều sâu cảm xúc hơn về nơi chốn, con người phải cảm nhận đô thị đồng thời bởi tất cả các giác quan. Trong khi mắt bạn ngắm những cảnh đẹp phố phường hay nhìn những con người đa dạng xung quanh, thì tay bạn chạm vào hàng rào sắt lạnh và han gỉ để nhớ về tuổi thơ trèo rào nghịch ngợm, tai bạn lắng nghe tiếng xe cộ ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, mũi bạn thưởng thức mùi thơm của hoa sữa mùa thu hay hương sen mùa hè, còn lưỡi bạn đang nhâm nhi ly cà phê để tận hưởng sự thư thái của riêng mình giữa dòng chảy không ngừng nghỉ của đô thị. Một điều còn thiếu sót trong thiết kế đô thị hiện nay là người ta chưa chú trọng nhiều tới việc đánh thức cảm xúc của người dân bằng các giác quan khác ngoài thị giác. Những bản đồ về âm thanh và mùi vị cần được xây dựng, những quy định về chất cảm bề mặt các công trình kiến trúc cũng như hè phố cần được nghiên cứu kỹ hơn, vị trí và số lượng của các quán cà phê hay quán ăn ở những địa điểm công cộng quan trọng cần được tính toán cụ thể hơn…

Phần lớn chúng ta không có linh cảm một cách thường xuyên về tinh thần nơi chốn nhưng chúng ta đều có thể cảm nhận thấy nó trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn đến một thành phố lạ nhưng bạn lại cảm thấy rất quen thuộc, và đột nhiên bạn muốn gắn bó cả phần đời còn lại của bạn với nó, giống như lần đầu tiên bạn gặp một ai đó và bạn cảm thấy đó là người bạn đời của mình. Hoặc bạn đi tìm mua nhà đất cả tháng trời mà vẫn chưa chọn được một miếng đất ưng ý hay một căn hộ phù hợp, nhưng có thể rất nhanh bạn ra quyết định mua ngay khi đặt chân lên một mảnh đất nếu bạn cảm thấy nó là của mình và mình thuộc về nơi này. Đó là những lúc linh cảm về nơi chốn của bạn xuất hiện.

Ngoài ra, có những người không chỉ cảm nhận thấy tâm hồn của nơi chốn mà còn biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Đó là những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư có những tác phẩm thăng hoa được sáng tác trong những khoảnh khắc họ hòa mình với cái hồn của nơi chốn, ví dụ như Bùi Xuân Phái với phố cổ Hà Nội, Phú Quang với những bài hát về Hà Nội, Hàn Mặc Tử với những bài thơ về Huế… hoặc những cảnh đời Paris trong tiểu thuyết của Victor Hugo, những cảnh đẹp của Saint Petersburg trong thơ Pushkin… Đối với các kiến trúc sư, các nhà đô thị, và cả những người dân, việc kiến tạo các địa điểm đô thị cũng cần phải được nhìn nhận như là việc sáng tác nghệ thuật. Bởi có như vậy thì chúng ta mới có thể tạo ra cái hồn của nơi chốn, để mỗi người thêm yêu mến và mong muốn khám phá môi trường sống xung quanh mình.

Khí chất thiên nhiên của đô thị

Thuật phong thủy là một trong những cách cảm nhận và tạo dựng khí chất, tinh thần nơi chốn của người Á Đông. Phong thủy thể hiện sự gắn bó rất chặt chẽ giữa con người với môi trường sống tự nhiên xung quanh, là đồi núi, sông hồ, cây xanh. Đó cũng là cách giao cảm tinh thần giữa con người với thiên nhiên và đô thị. Ví dụ, thuật phong thủy cho rằng một cuộc đất đẹp (với ý nghĩa bền vững, tốt tươi, phát triển) là phải hài hòa âm dương, bốn mặt xung quanh cao hẳn lên (phía sau là chủ sơn Huyền Vũ, hai bên là Thanh Long và Bạch Hổ, đằng trước là tiền án Chu Tước), có dòng nước uốn lượn vào (gọi là minh đường), tụ khí lại ở giữa. Nếu khí của trời đất tụ hội được thì con người có thể tụ hợp lại và cư trú, hình thành các điểm dân cư, thậm chí hình thành nên cả một đô thị. Huế là một đô thị được lựa chọn trên cơ sở về cuộc đất kiểu như vậy. Núi Ngự Bình có đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, tọa lạc giữa vùng đồng bằng là tiền án che chắn trước kinh thành. Hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên ở vào thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. Vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô có lẽ vì ông đã cảm nhận thấy cái khí tốt tươi của một cuộc đất đế vương.

Qua ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng, truyền thống lựa chọn đất xây dựng đô thị của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm về khí chất của thiên nhiên, của địa thế núi sông. Chẳng thế mà tục ngữ có câu “đất lành chim đậu”. Còn nhà đô thị học nổi tiếng Kevin Lynch cho rằng những đặc điểm tự nhiên của đô thị tạo ra bản sắc, tính liên kết, tính dễ tiếp cận của hình thái đô thị, đồng thời giúp con người dễ cảm nhận thấy tinh thần và ý thức của nơi chốn.

Cây xanh với tinh thần đô thị

Cây xanh, mặt nước và tinh thần của đô thị
Cây xanh với tinh thần đô thị

Ở Việt Nam, cây xanh được trồng chủ yếu trên các tuyến phố (khác với đô thị truyền thống phương Tây chủ yếu là cây xanh tập trung trong công viên, vườn hoa). Vì vậy, hầu hết các hoạt động của con người trên hè phố đều gắn với cây xanh. Người ta bán trà đá, ghi lô đề, bán hàng rong dưới tán cây; người ta hẹn hò, ăn uống, dạo chơi dưới tán cây; người ta chụp ảnh, vẽ tranh, chơi đàn dưới tán cây. Rất nhiều các kỷ niệm, các sự kiện trong đời người gắn với cây.

Bên cạnh đó, từ trong vô thức, người Việt Nam hiện đại vẫn còn mang trong mình niềm tin tín ngưỡng về cây cối. Thực ra, tín ngưỡng thờ cây có ở hầu hết các dân tộc trên thế giới như người Ai Cập cổ thờ cây cọ, người La Mã cổ thờ cây linh sam, người Celtes cổ thờ cây sồi… Tuy nhiên, việc trân trọng và thờ cúng cây trong đô thị hiện đại như ở Việt Nam có lẽ là hiếm gặp trên thế giới. Trong khắp các đô thị nước ta, không khó để bắt gặp những bát hương được đặt trên thân cây cổ thụ như cây đa, đề, gạo, si… (chả thế mà tục ngữ có câu: “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”). Vào thế kỷ 18, một người Anh tên là Barrow đã đến Đà Nẵng và nhận xét về tục thờ cây của cư dân nơi đây rằng: “Thực vậy, cây cối đã là một loại đền miếu đầu tiên được dành cho các thần linh”. Ngày nay ở Đà Nẵng vẫn còn khá nhiều ngôi miếu liên quan đến tín ngưỡng thờ cây hoặc những cây cổ thụ nằm riêng lẻ được người dân thờ cúng như: miếu Cây Đa ở tổ 15 phường Hòa Quý, miếu Bồ Đề ở Hòa Hải, miếu Ông Gốc ở làng Nam Ô… Những địa điểm cây cổ thụ như vậy đã và đang góp phần tạo ra khí chất linh thiêng cho đô thị cũng như tạo cảm giác gần gũi, hòa nhập với tinh thần của người dân.

Cây xanh còn góp phần tạo bản sắc cho các đô thị Việt Nam, ví dụ Hải Phòng được nhớ đến là Thành phố Hoa phượng đỏ, Hà Nội nổi tiếng với cây hoa sữa. Trên thế giới, không ít những thành phố nổi tiếng ghi dấu ấn bởi hệ thống rừng và cây xanh tập trung lớn như London, Moskva. Chúng ta hãy nhớ lại bài hát “Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va”, đã được dịch sang tiếng Việt, để thấy vai trò của các rừng cây đối với cảm xúc, tâm hồn thành phố Moskva:

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào,
Rừng cây chim buông lắng suốt canh thâu
Ơi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến,
Mat-xcơ-va bên chiều vắng thanh bình.

Mặt nước với tinh thần đô thị

Mặt nước cũng là một đặc trưng của nhiều đô thị trên thế giới. Các đô thị ven biển thì đã rõ ràng. Hoặc là các đô thị có hệ thống sông ngòi dày đặc như Venice, Bangkok, Amsterdam, Saint Petersburg. Ngoài ra, không ít các đô thị nước ta được ghi dấu ấn bởi hệ thống các hồ nước, đặc biệt là Hà Nội với các hồ nổi tiếng như hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu… Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, nước là nơi dẫn truyền và tụ hội khí của vũ trụ, nước cùng với địa hình tạo ra các thế đất phong thủy, sông hồ cũng là những nơi linh thiêng, chẳng thế mà tục ngữ có câu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Còn nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết về 3 nơi linh thiêng nhất của Hà Nội thì đều là mặt nước:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. 
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. 

Giữa một đô thị ồn ào với các cao ốc và đại lộ được xây dựng theo lý trí của con người, thì một dòng chảy cuồn cuộn của sóng sông hay một vẻ tĩnh lặng của mặt hồ sẽ giúp con người tìm lại các cảm xúc chân thật tự nhiên. Lý trí và cảm xúc, nhân tạo và tự nhiên, công trình và mặt nước… chúng phải bổ trợ cho nhau, cùng nhau tạo dựng nên những đô thị đáng sống cho người dân.

Bài học không bao giờ kết thúc?

Mấy năm trước, sự việc chặt hạ thay thế cây cổ thụ của chính quyền thành phố Hà Nội cũng như phản ứng gay gắt của người dân trước chính sách đó cho chúng ta thấy rằng: thứ nhất, cây xanh từ lâu đã đi vào lòng người Hà Nội, là bản sắc của Hà Nội; thứ hai, quan niệm về giá trị của cây xanh của các nhà quản lý vẫn chỉ đơn thuần là tạo bóng mát chứ chưa quan tâm tới giá trị tinh thần của nó; thứ ba, kiến thức về tinh thần nơi chốn của chúng ta vẫn còn rất hạn chế nên đã tạo ra những chính sách chưa phù hợp, thiếu tính nhân văn.

Mới đây, chính quyền TP Hồ Chí Minh lại phê duyệt đốn bỏ 146 cây bóng mát và di dời 32 cây xanh trong dự án cải tạo công viên Bến Bạch Đằng trước sự ngỡ ngàng của đại bộ phận người dân. Trước đó 4 năm, một quyết định tương tự cũng từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối là việc đốn hạ 143 cây xanh, di dời 258 cây được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông qua cho dự án Cầu Thủ Thiêm 2. Có vẻ như không bài học nào được rút ra từ các sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Mặt nước và cây xanh là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tinh thần nơi chốn, khơi dậy những cảm xúc của con người, gắn kết đô thị với người dân, dù họ đang sống trong đô thị hay đang sống ở một nơi xa, như nhạc sĩ Phú Quang khi xa Hà Nội đã viết rằng:

Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ,
Tôi vội vã trở về,
Để nghe tim rưng rưng trong nước hồ thu.

KTS Vũ Hiệp

XEM THÊM:

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
gardencityheader
Các phong trào quy hoạch – P3: Thành phố vườn

Howard đã khích lệ nhiều người đi sau và đầu thế kỉ 20 những ý tưởng của ông đã hai Read more

Lập quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư dự án lập Quy hoạch hệ thống Read more

Từ 30.7: xây dựng đô thị, phải trồng cây xanh

Từ ngày 30.7 tới, khi xây dựng khu đô thị mới, chủ đầu tư phải trồng và chăm sóc cây Read more

5861
Hà Nội trồng cây gần đèn tín hiệu giao thông cho… mát?

Lãnh đạo Thủ đô vừa hoan nghênh ý tưởng, đề xuất của một doanh nghiệp về việc trồng cây xanh Read more

6400
Kiến trúc kỳ thú của nhà ga lớn nhất Hong Kong

Mời bạn cùng chiêm ngưỡng trọn bộ ảnh kiến trúc độc đáo của nhà ga ngầm có diện tích bằng Read more

hoa sua 2 1 1
Cần ngăn chặn nạn “bức tử” cây xanh ở Hà Nội

Thời gian qua, đã có hàng chục cây gỗ sưa quý hiếm thuộc nhóm A1 bị tàn phá. Rồi tại Read more