Các công trình của KTS Lê Minh Quang được thiết kế theo quan điểm khoa học và nhân văn. Ngoài các yếu tố về vật lý, nhân trắc và công nghệ, các công trình của MW Archstudio còn chú trọng các mối quan hệ tương tác đa chiều giữa con người và công trình kiến trúc. Trong cuộc trò chuyện hôm nay, KTS Lê Minh Quang sẽ dẫn dắt bạn đọc khám phá câu chuyện đặc biệt của Lotus House – công trình nhân văn tại “Top 10 Houses Awards 2020”.

PV: Anh có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến anh trở thành người thiết kế cho Lotus House?
KTS Lê Minh Quang: Cũng như rất nhiều nhiều căn nhà và công trình khác mà mình làm thôi. Một buổi sáng, mình nhận được một cuộc điện thoại từ cô Liên (chủ nhà), sau đó thì tiến trình công việc diễn ra bình thường.
PV: Tại sao công trình này có tên là Ngôi nhà Hoa sen, thưa anh?
KTS Lê Minh Quang: Hoa sen – một loài hoa rất đặc trưng ở Việt Nam. Nó sống và phát triển trong bùn, ao đầm nhưng lại có hương sắc rất đặc biệt. Vì vậy loài hoa này được người Việt Nam xem như đại diện cho sự mạnh mẽ, hiên ngang, vươn mình vượt khó khăn. Trong tiếng Việt, loài hoa này được gọi bằng một cái tên khác là Liên – trùng tên của cô Liên chủ nhà.

Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của công trình là phải gắn kết tối đa các điều kiện gắn với cô Liên (người khuyết tật ngồi xe lăn) với công năng sử dụng công trình này. Đồng thời thiết lập được cảm giác thích sống, muốn sống, sống thụ hưởng, sống với tinh thần tích cực nhất khi cô Liên (bản thân cô hay người khuyết tật ngồi xe lăn rộng hơn) tham gia từng hoạt động gắn liền với căn nhà này.
PV: Để hoàn thành hệ thống ram dốc như thành phần chính của căn nhà, anh có gặp khó khăn trong việc tính toán, thiết kế… không? Ngoài hệ thống ram dốc này, những chi tiết khác trong căn nhà được thiết kế như thế nào để hỗ trợ cuộc sống của gia chủ?
KTS Lê Minh Quang: Về thiết kế ram dốc cho người đi xe lăn, xét về khía cạnh lý thuyết thì mình không thấy khó khăn gì (đương nhiên cần một khoảng thời gian và các kỹ năng cần thiết để xử lí trên bản vẽ ý tưởng ban đầu , điều này phụ thuộc vào kỹ năng, tâm huyết và kiến thức từng cá nhân KTS cụ thể). Chỉ có áp lực đòi hỏi công tác kiểm tra liên tục các đoạn ram dốc đảm bảo từ lý thuyết đến thực tế phải đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối cho cô Liên (xử lý bản vẽ ý tưởng, làm các mẫu ram dốc mô hình chắc chắn để cô Liên thử nghiệm thật với tỉ lệ 1:1 so với từng đoạn dốc sẽ được thi công, công tác kiểm tra thi công các đường ram dốc được thực hiện gần như chính xác tuyệt đối….)

Đương nhiên với một người khuyết tật ngồi xe lăn thì không chỉ có vấn đề ram dốc. Nó hệ thống một chuỗi các công năng khác rất đặc thù để phục vụ họ tốt nhất. VD: chiều cao bếp, khu vực thao tác nấu ăn, các cho tiết về tủ quần áo, bàn trang điểm hay đặc biệt nhất là khu vệ sinh với từng chi tiết rất đặc thù…
PV: Anh có cảm nhận như thế nào về giải thưởng Top 10 Houses Awards và mong muốn truyền tải thông điệp gì thông qua giải thưởng?
KTS Lê Minh Quang: Cảm nhận về giải thưởng này thì mình đã chia sẻ rất nhiều rồi. Ở đây chỉ nói chân phương và cô đọng nhất: Tích Cực .

Đương nhiên tinh thần chung mình muốn lan tỏa cũng như tinh thần nêu trên chung của giải thưởng mà mình đã đề cập. Ngoài ra còn là sự lan tỏa từ những điều tích cực thông qua các triết lý thiết kế mà các sản phẩm phía mình đã, đang và sẽ thể hiện, sẽ tiếp tục gửi tới nhiều người trong tương lai.
Xin cảm ơn những chia sẻ của KTS Lê Minh Quang!
XEM THÊM:
- PV KTS Bùi Thế Long: Công trình kiến trúc cũng như con người, cần được hít thở
- Ninh Bình Villa – Tận hưởng cuộc sống xanh | Nguyen Khac Phuoc Architects
- Nhà ở Sóc Sơn – “Hồi sinh” | AICC Architecture