Với triết lý “Không bao giờ phá bỏ, không bao giờ loại bỏ hoặc thay thế, chỉ thêm, biến đổi và sử dụng lại”, dự án Chilometro Verde của nữ KTS nổi tiếng Guendalina Salimei và công sự đã mở ra nhiều hy vọng mới cho Corviale trong tương lai.

Quá trình tồn tại đầy “drama” rồi suy tàn nhanh chóng của Corviale – Dự án nhà ở công cộng lớn nhất nước Ý thời hậu chiến
Corviale là một trong những dự án nhà ở công cộng lớn nhất nước Ý thời hậu chiến và đồng thời cũng là dự án gây nhiều tranh cãi nhất. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế dù phải nhận không ít những đánh giá tiêu cực thì nơi này vẫn là một địa điểm kiến trúc thu hút các nhóm nghiên cứu, trường đại học kiến trúc hay rất nhiều KTS từ khắp nơi trên thế giới tìm đến. Ngoài tên Corviale, công trình được nhiều người nhắc đến với cái tên đầy trìu mến khác là Serpentone (Con rắn lớn) như phần nào cho thấy sự đồ sộ của tòa nhà nguyên khối được xây dựng theo lối kiến trúc tàn bạo, nằm lơ lửng trên vùng nông thôn ở ngoại ô Rome. Công trình được xây dựng từ 750.000 m2 bê tông cốt thép cô đặc trên diện tích 60 ha. Điểm làm nên sự đồ sộ cho tòa nhà “chọc trời” này còn thể hiện rõ ở cấu trúc đôi, mỗi cấu trúc cao 30m, được kết nối thông qua các mê cung gồm hành lang kéo dài, hành lang bên ngoài và sân trong. Bên trong được chia thành 5 đơn vị nhà ở (mỗi đơn vị đều có cầu thang riêng). Tổng cộng toàn tòa nhà gồm 1.200 căn hộ với sức chứa lên đến 6.000 người.

Theo thông tin thu thập được, dự án được đưa vào xây dựng năm 1972 với sự tài trợ của cộng đồng từ Istituto Autonomo Case Popolari (IACP: Viện Nhà ở Xã hội Tự trị) và nhóm KTS do Mario Fiorentino (KTS có tầm ảnh hưởng vào thời điểm đó) chịu trách nhiệm chính thiết kế công trình. Được tiếp thêm ý tưởng từ giấc mơ chủ nghĩa hiện đại và kiến trúc không tưởng, Fiorentino đã biến ý tưởng đưa thành phố vào trong tòa nhà trở thành sự thật. Tuy nhiên, cùng năm đó có một khu phức hợp nhà ở công cộng khác (Pruitt-Igoe) ở St. Louis, Hoa Kỳ bỗng chốc bị san bằng. Đây được xem như một lời cảnh báo cho kết cục của các chương trình nhà ở xã hội mật độ cao, khổng lồ. Dĩ nhiên, điều này vẫn chưa được nhóm KTS Fiorentino chú ý đến.
Trong khi nhiều nơi trong khu nhà đã đi vào hoạt động thì Corviale vẫn được lên kế hoạch tiếp tục thiết kế như một cấu trúc tự trị, trong đó tầng thứ tư của tòa nhà (tầng tự do) sẽ được hoạt động như một nơi cung cấp các dịch vụ và tiện ích thương mại cho toàn bộ tập thể khu nhà. Năm 1975 tòa nhà đã đi vào hoạt động nhưng rất ít người đến ở. Cho đến năm 1982, công ty quản lý địa điểm này không thể trụ được nữa đành tuyên bố phá sản. Được biết, thiết kế ở tầng 4 đã không thể hoàn thành, cũng vì thế mà những người dân sống ở đó từ đầu (hoặc mới chuyển đến) đều thiếu các dịch vụ cơ bản, không gian chung và phương tiện giao thông công cộng không đầy đủ. Với sự khởi đầu của chủ nghĩa tân tự do vào những năm 1980 và một môi trường chính trị – xã hội khác, Corviale đã bị các cơ quan công quyền bỏ rơi, cư dân của nó phải tự lo cho mình. Fiorentino qua đời năm 1982. Tương truyền, ông đã tự sát vì tin rằng mình đã tạo ra một con quái vật. Trên thực tế, ông chết vì một cơn đau tim.
Dự án Chilometro Verde của nữ KTS nổi tiếng Guendalina Salimei và những nỗ lực từ các công sự của bà đã mở ra nhiều hy vọng mới cho Corviale trong tương lai
Bị bỏ bê và không được nâng cấp tu bổ, theo thời gian, cơ sở hạ tầng nơi này dần suy tàn, tòa nhà trở thành biểu tượng của tình trạng bất ổn xã hội và suy giảm kinh tế ở các vùng ngoại ô Roma. Mặc dù cũng có vô số đề xuất cải tạo Corviale và cũng có cả những đề nghị phá bỏ nó, nhưng chính hành động của cộng đồng dân cư tòa nhà đã giúp cải thiện Corviale một cách tốt nhất. Họ đã kiên cường khôi phục một số quyền tự quyết cho khu vực bằng cách thành lập các hiệp hội cư dân để thuyết phục các tổ chức công tài trợ cho các dịch vụ, tiện nghi và các hoạt động văn hóa và thể thao. Cuối cùng thì tập thể công ty kiến trúc Stalker cũng đã mang lại sức sống mới cho tòa nhà vào năm 2004 với chương trình Immaginara Corviale – một chương trình can thiệp sáng tạo và hội thảo dành cho người dân kéo dài 1 năm. Được biết sự kiện này trở thành nút mở giải thoát mọi vấn đề cho dự án mang tính biểu tượng trong lịch sử nhà ở tại Ý này.

Vào năm 2009, chủ sở hữu mới của tòa nhà – ATER cùng với sự giúp đỡ của chính quyền khu vực, đã quyết định phát động một cuộc thi để cải tạo tầng 4 của tòa nhà. Guendalina Salimei, Giám đốc của Roman Practice T-Studio đã giành được nó với dự án Chilometro Verde của cô. Sự xuất hiện của Salimei mạnh mẽ đến mức, bà trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim Ý nổi tiếng năm 2014 – Scusate se esisto! (Tạm dịch: Bạn có thấy tôi không?). Bộ phim kể lại những thách thức khi làm nữ KTS ở Ý, cũng nhờ bộ phim này mọi người bắt đầu chú ý hơn đến kế hoạch thiết kế của Salimei cho Corviale. Tuy nhiên, đến cuối, kế hoạch lại bị trì hoãn bởi vô số trục trặc chính trị và tài chính. Mãi đến năm 2019 việc xây dựng mới được bắt đầu.
Thời điểm này, bất chấp cả những hạn chế của đại dịch Covid đang bùng phát, với ngân sách khiêm tốn chỉ 10,5 triệu euro cùng các bên hỗ trợ hợp tác liên quan, dự án Chilometro Verde đã kịp thời mang lại sức sống mới cho khu dân cư khi tập trung chú ý đến cả không gian xanh và không gian chung của tòa nhà.

Dù cho phải trải qua nhiều thập kỷ gian khổ nhưng vẫn có sự tồn tại của một cộng đồng thực sự trên tầng 4 với hơn 100 hộ gia đình sống ở đó. Một số gia đình đã chi những khoản tiền đáng kể để cải tạo mới, trong khi những người khác sống trong điều kiện bất bênh hơn nhưng họ đã cùng nhau tạo ra và tự quản lý không gian chung. KTS Salimei đã gặp một số cư dân khi bà ấy làm việc để cải tạo trường học đối diện Corviale vào năm 2009. Đề án Chilometro Verde của bà dự kiến phá bỏ 130 ngôi nhà bất hợp pháp để xây dựng 103 công trình bền vững mới.
Fiorentino đã thiết kế tầng 4 bằng cách phá vỡ mặt tiền, phân chia các căn hộ với lối đi bên ngoài. Salimei đã diễn giải lại ý tưởng ban đầu bằng cách nghĩ ra “một loại vườn treo trừu tượng”. Bà cho biết cấu hình của các hệ thống dẫn nước La Mã trong cảnh quan dường như đã truyền cảm hứng cho KTS. Các sắc thái khác nhau của sơn màu xanh lá cây đang được áp dụng cho phần nhô ra của trần nhà và mặt tiền của tầng thứ tư, trong khi một bức diềm màu xanh lá cây, bao gồm các tấm kim loại đục lỗ có hình dạng hữu cơ sẽ chạy dọc theo đường ngang, thay thế cho các lưới kim loại ban đầu có phần vô duyên mà cư dân đã tự thay đổi trong nhiều năm. Phù điêu sẽ không chỉ đóng vai trò là một thiết bị trang trí và hỗ trợ cho khu vườn trong nhà mà còn là vật bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời trong mùa hè khắc nghiệt của Roma.
Với bất kể ai và trong bất kể hoàn cảnh nào, chuyển nhà luôn là một trong những trải nghiệm mệt mỏi, băn khoăn nhất và cư dân tầng 4 cũng không phải ngoại lệ. Họ sẽ phải chuyển đi vì những căn hộ mới sẽ được xây dựng thay thế các căn cũ mà dân cư ở. Họ đành rời bỏ những ngôi nhà mà chính mình đã xây dựng và sinh sống. Mặc dù sẽ không bị trở thành kẻ vô gia cư bởi hơn một nửa số dân cư sẽ được chuyển đến khu nhà thuộc sở hữu của ATER ở các khu lân cận khác. Với một số người còn lại, họ đàm phán với chủ đầu tư để có thể quay trở lại khu căn hộ mới được xây xong, nhưng đó là kịch bản có khả năng gây ra nhiều tranh cãi. Trên thực tế, một kịch bản khác đang được Laboratori Citta Corviale giải quyết. Chương trình được thiết lập bởi Khoa Kiến trúc, Đại học Roma, điều phối bởi Giovanni Caudo và Francesco Carieri (đồng sáng lập Stalker), được tài trợ bởi Regione.
Từ trụ sở chính của họ ở tầng trệt tòa nhà, KTS Sara Braschi và Sofia Sebastianelli đứng đầu chương trình của Phòng thí nghiệm Accompagnamento Sociale (Đồng hành cùng xã hội), gặp gỡ cư dân gần như hàng ngày để thiết lập lòng tin. Sau khi có một cơ sở dữ liệu về từng gia đình, mục tiêu của họ là giúp những người cư ngụ trên tầng 4 điều hướng quá trình di chuyển. Với sự cẩn thận, tỉ mỉ, Braschi và Sebastianelli giải thích quy trình cho cư dân, phân tích kế hoạch của căn hộ mới với họ, lắng nghe mối quan tâm và phản đối của họ, chuyển chúng đến chính quyền, xác định vị trí hàng xóm và điều phối hậu cần cho mỗi lần di chuyển, tất cả quá trình đều có họ hỗ trợ làm trung gian với ATER, các cơ quan chính phủ và các KTS. Cách làm việc tỉ mẩn và cẩn thận của họ thành công đến mức họ được cư dân khắp tòa nhà hỏi ý kiến.
Đối với nhiều người, phá dỡ ngôi nhà họ đã gắn bó hàng mấy mươi thập kỷ như xóa đi cả ký về ngôi nhà của họ.Và để tưởng nhớ những kỷ niệm đẹp của nơi này, Phòng thí nghiệm đã thành lập Progetto della Memoria (Dự án Ký Ức) được phối hợp với khóa học của Careri về kiến trúc và thiết kế đô thị. Theo đó, KTS Maria Rocco cùng với cư dân tiến hành chụp ảnh, thu thập và vẽ sơ đồ từng ngôi nhà sẽ bị phá bỏ cũng như ghi lại lịch sử truyền miệng những câu chuyện về tòa nhà, để những ký ức đó có thể được lưu giữ lại mãi mãi và lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

Với hy vọng dự án Chilometro Verde chỉ là bước khởi đầu cho những công trình tuyệt vời hơn của khu phức hợp Corviale, cho đến năm 2015, ATER đã khởi động cuộc thi Regenerare Corviale nhằm tái cấu trúc tầng trệt và tiếp tục là một nữ KTS khác – Laura Peretti đã chiến thắng. Đề án đó tập trung vào việc cải tạo không gian công cộng, tăng số lượng lối vào và kết nối lại tòa nhà với các khu vực lân cận. Dự án của Peretti vẫn chưa bắt đầu nhưng công việc của dự án Chilometro Verde vẫn đang được tiến hành. Theo thông tin được biết, hiện tại, 21 gia đình đã chuyển đến các căn hộ mới.
Như vậy, cuộc tranh luận về việc phá dỡ và khôi phục các dự án nhà ở công cộng thời hậu chiến đã diễn ra sôi nổi trong nhiều năm. Nhưng nó có thể sẽ có khả năng nóng lên trong thời đại đại dịch đang diễn biến phức tạp và căng thẳng hay cả sự lo lắng về lượng khí thải carbon của chúng ta. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực được ghi nhận và với những thành công mà họ đem về cho Corviale, giờ đây câu châm ngôn về hoạt động của nhóm KTS lại càng có sức nặng hơn bao giờ hết: “Không bao giờ phá bỏ, không bao giờ loại bỏ hoặc thay thế, chỉ thêm, biến đổi và sử dụng lại”.
Chắc chắn, Laboratorio Città Corviale sẽ mở ra một con đường mới phía trước, khuyến khích các trường đại học đóng vai trò tích cực, cùng với người dân, tái tạo đô thị bằng cách thiết lập các cửa hàng trong khu vực. Rồi đây, lại là một Corviale với rất nhiều hy vọng mới trong tương lai.

Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Bảo tàng văn hoá Kadokawa tại Nhật Bản: Những khối đá bao bọc không gian trưng bày ấn tượng có 1-0-2
- Platan Tata Spa – Công trình “nhân bản cảnh quan” cực độc đáo ở Hungary
- Hơi thở của kiến trúc bản địa trong quán cà phê giữa thị trấn cổ | DAS lab