Trong 3 năm đầu tiên hoạt động, gần 4 triệu khách du lịch đã đến thăm bảo tàng Guggenheim, tạo ra doanh thu khoảng 500 triệu đô-la. Hơn nữa, số tiền du khách chi trả cho khách sạn, nhà hàng, mua sắm và phương tiện đi lại đã thu về cho ngân sách thành phố hơn 100 triệu đô-la tiền thuế, nhiều hơn cả kinh phí xây dựng của bảo tàng.

Thông tin công trình:
- Thiết kế: Gehry Partners
- Năm hoàn thành: 1997
- Hình ảnh: Flickr User: RonG8888, Flickr User: dbaron, Flickr User: mimmyg, Flickr User: Viajar sin Destino, Flickr User: cincinnato, Flickr user EEPaul, Flickr User: Michael Jones 51, Flickr User: Iker Merodio, Flickr User: Aris Gionis, Flickr User: jimcintosh
- Vật liệu: BANDALUX, Parklex International S.L., Architectural Titanium, Erco, Somfy, Torresfire, Gretsch-Unitas, Kvadrat
Nằm bên bờ sông Nervión của thành phố Bilbao, Tây Ban Nha, bảo tàng Guggenheim thể hiện vẻ đẹp quyến rũ với hình thức phức tạp và những mảng tường uốn lượn, khiến nhiều người chưa hình dung được tổng thể công trình trong lần đầu tham quan. Hằng năm, nơi đây tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm lớn, nhỏ và có hơn 10 triệu khách tham quan. Bảo tàng Guggenheim của KTS Frank Gehry không chỉ thay đổi cách nghĩ của các KTS và người dân về khái niệm bảo tàng, mà còn thúc đẩy nền kinh tế của thành phố một cách đáng kinh ngạc – được gọi là “hiệu ứng Bilbao”. 20 năm sau đó, bảo tàng tiếp tục thách thức các giả định về mối quan hệ giữa nghệ thuật và kiến trúc.

Năm 1991, chính quyền tỉnh Basque đề xuất với Tổ chức Solomon R. Guggenheim (tổ chức hoạt động nghệ thuật của một doanh nhân người Mỹ – Solomon Robert Guggenheim) để hợp tác xây dựng bảo tàng Guggenheim tại khu vực cảng đổ nát của Bilbao, nơi từng là nguồn thu nhập chính của thành phố. Bảo tàng đã trở thành một phần của kế hoạch tái phát triển, nhằm đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất và các ngành công nghiệp của nơi đây. Ngay khi được mở cửa vào năm 1997, Guggenheim đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới

Công trình nằm ngay bên bờ sông, ở rìa phía Bắc của trung tâm thành phố, phía Nam là các tuyến đường sắt và phía Đông là cây cầu giao thông Salve. Tất cả tạo ra tuyến đường huyết mạch của thành phố, với điểm nhấn là bảo tàng Guggenheim. Công trình kết nối với quảng trường của thành phố qua lối đi dạo ven sông. Công trình cũng lấy ý tưởng từ thiên nhiên như lối đi hẹp dẫn đến sảnh chính của bảo tàng gợi nhớ hình ảnh của một hẻm núi, lối đi bên ngoài công trình là 1 đường cong mềm mại nằm trên dòng sông Nervión.
Nhìn từ trên cao, công trình giống như một đoá hoa kim loại, nhưng khi đứng từ mặt đất, lại như một chiếc thuyền, gợi lên hình ảnh cảng biển trong quá khứ của Bilbao. Bảo tàng sử dụng các vật liệu như titanium, đá limestone và kính. Các mảng tường của công trình có vẻ uốn lượn rất ngẫu nhiên nhưng chủ đích thực sự là đưa ánh sáng tự nhiên vào bên trong. Còn bề mặt gợn sóng, lồi lõm khác nhau nhằm mục đích tương tác với ánh sáng mặt trời, giảm cường độ và tạo ra hiệu ứng ánh kim đặc biệt cho công trình có tuổi đời 24 năm này.

Do độ phức tạp về mặt kết cấu, các đường cong phải thể hiện bằng phần mềm 3D có tên là CATIA, cho phép thực hiện các thiết kế và tính toán phức tạp, mà vài năm trước đó dường như là không thể. Về cơ bản, phần mềm sẽ số hóa các điểm trên các cạnh, bề mặt và giao điểm của công trình do Gehry làm bằng tay để tạo ra các mô hình trên máy tính, được thao tác theo cách làm phim hoạt hình.
Tường và trần đều là kết cấu chịu lực, bên trong là các mạng lưới không gian hình tam giác. Phần mềm CATIA sẽ tính toán số lượng thanh kim loại cần thiết ở mỗi vị trí cũng như hướng của các thanh đó. Ngoài ra, phần mềm còn tính toán số lượng tấm titanium được ốp bên ngoài của cấu trúc.

Khoảng không gian lớn nhất, nhiều ánh sáng tự nhiên nhất là trung tâm của bảo tàng, hơn 11.000 m2 không gian triển lãm với 19 phòng trưng bày. 10 trong số các phòng trưng bày được thiết kế theo dạng hình hộp, với lớp hoàn thiện bên ngoài là đá limestone, 9 phòng trưng bày còn lại được xác định bằng các hình dạng cong, xoắn và phủ tấm titanium. Phòng trưng bày lớn nhất có chiều rộng 30m và chiều dài 130m, chỉ đặt duy nhất 1 tác phẩm, có tên là Sự luân hồi (Matter of Time) của Richard Serra.

Tác động kinh tế – xã hội của công trình thật đáng kinh ngạc. Trong 3 năm đầu tiên hoạt động, gần 4 triệu khách du lịch đã đến thăm bảo tàng, tạo ra doanh thu khoảng 500 triệu đô-la. Hơn nữa, số tiền du khách chi trả cho khách sạn, nhà hàng, mua sắm và phương tiện đi lại đã thu về hơn 100 triệu đô-la tiền thuế, nhiều hơn cả kinh phí xây dựng của bảo tàng. “Hiệu ứng Bilbao” cũng gây ra sự bùng nổ về việc xây dựng các công trình mang tính biểu tượng, độc lạ trên toàn cầu, nhằm để thu hút khách du lịch, nhưng điều đó cũng gây ra 1 số hệ lụy, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Còn về mặt kiến trúc, bảo tàng Guggenheim vẫn là một công trình mang tính biểu tượng, nổi tiếng về sự phức tạp và hình thức đặc biệt của nó.





Biên dịch | Hoàng Anh (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Kiến trúc kinh điển: Nhà thờ St. John’s Abbey | Marcel Breuer
- Kiến trúc kinh điển: Nhà 14 và 15 Weissenhof-Siedlung | KTS Le Corbusier và Pierre Jeanneret
- 100 bức ảnh “kể” những câu chuyện kiến trúc ấn tượng nhất năm 2021 (Phần 3)