Một chiếc cầu thang có thể là điểm nhấn trong không gian, giúp không gian thêm phần thú vị và tạo được ấn tượng tốt về mặt thị giác. Cầu thang gỗ xoắn ốc của Lina Bo Bardi, người vừa được vinh danh giải Sư tử vàng cho thành tựu trọn đời tại Venice Architecture Biennale, chính là một tác phẩm như thế.

Khu phức hợp Unhão được xây dựng ở Salvador (Brazil) vào thế kỷ 17 gồm có một nhà máy đường, một căn nhà to, một nhà nguyện và khu ở của người nô lệ. Thời đó, Salvador là một trong số những thành phố lớn và trọng điểm nhất của Brazil. Phần lớn đường (ăn) của thuộc địa Bồ Đào Nha được xuất đi từ cảng này, nền kinh tế này được vận hành phần lớn bởi lao động là người nô lệ. KTS người Brazil gốc Ý – Lina Bo Bardi – đã chú ý đến nhóm người này khi bà lần đầu đến đây để làm việc và dạy học vào năm 1958. Nối tiếp những đóng góp nhiệt thành của Bo Bardi, các công trình được trùng tu và trở thành trụ sở mới của Museum of Popular Art (MAP) và Popular University. Nhưng trong cả khu phức hợp, yếu tố đáng chú ý nhất là tính dẻo, công năng và tính biểu tượng của cầu thang gỗ xoắn ốc.

Khi tiếp cập với dự án tái sử dụng này, Lina Bo Bardi đã đóng góp một hướng tiếp cận cấp tiến tại thời điểm đó khi can thiệp các công trình lịch sử. Bà vừa tôn trọng di tích, vừa “giới thiệu những yếu tố biến đổi để phục hồi công trình nguyên bản, từ đó đưa vào những can thiệp hiện đại và đổi mới. Dự án của Lina Bo Bardi là một dự án kết hợp – vừa không phủ nhận công trình nguyên bản, vừa tái tạo cái mới dựa trên việc khám phá sự tương đồng trong xây dựng với các yếu tố như biển cả, pháo đài Bồ Đào Nha và di sản công nghiệp.”
Cầu thang xoắn ốc là một nét kiến trúc độc đáo của dự án. Thiết kế mới của Lina Bo Bardi đã thay thế những cầu thang cũ mục nát, hư hỏng, nó đại diện cho sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại – theo hướng vừa đáp ứng công năng vừa mang tính biểu tượng. “Cầu thang là yếu tố đương đại trong thiết kế nhưng vẫn hài hòa với những yếu tố khác biệt về thời gian trong công trình; đồng thời cầu thang này cũng gợi lên tính truyền thống nhờ vào vật liệu gỗ và hệ thống sắp đặt sao chép từ những chiếc xe bò.” Thiết kế cầu thang xoắn ốc cụ thể hóa concept của MAP và lý thuyết trùng tu của KTS, khi bà tránh việc phân biệt rạch ròi hay sự phân cấp giữa “yếu tố lịch sử và yếu tố hiện đại”.



Không cần một ngôn từ nào để diễn tả sự ấn tượng của chiếc cầu thang mà Lina Bo Bardi tạo nên. Nằm “lỏng lẻo giữa không gian” đã là một đặc điểm ấn tượng. Nó được đặt giữa 4 cột trụ hình vuông và uốn lượn quanh một trụ tròn trung tâm. Theo bản vẽ, cầu thang được đặt trong một khung chữ nhật 4.15m x 4.75m. “Mỗi dầm chéo sẽ đỡ 4 bậc hình thang dày 7cm thông qua một khớp nối kiểu mũi giáo, được khóa ngoài bằng một thanh nêm dọc. Các bậc thang chia dầm thành 4 phần bằng nhau. Hai ngoại lệ là các bậc thang đỡ thanh dầm đầu tiên và thanh dầm cuối cùng. Đầu tiên, bốn cột vuông sẽ chia dầm thành các phần theo thứ tự tăng dần: 80cm, 95cm, 100cm và 115cm. Ngoài ra, bậc thang đầu tiên sẽ không bắt đầu từ trong góc chỗ giao điểm của các dầm mà được nâng lên 10cm so với mặt của trụ. Cuối cùng là một bậc đôi, tổng cộng 31 bậc.”


Rất ít KTS có thể để lại trải nghiệm khó quên qua các bậc thang. Aldo van Eyck, một KTS nổi tiếng người Hà Lan đã bày tỏ niềm kinh ngạc khi đến thăm công trình này, ông nói về thiết kế của Lina Bo Bardi như sau: “Bà ấy không áp đặt hành vi, bà ấy chỉ đơn giản là thúc đẩy, tạo điều kiện cho sự thanh lịch. Nét thanh lịch thể hiện qua mỗi bậc thang. Nó làm cho người bước xuống cầu thang trở nên quý phái.”
Hình ảnh khác về chiếc cầu thang:




Biên dịch | Anh Tuấn (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Cải tạo sân bãi đường sắt bỏ hoang thành công viên và làng ở của vận động viên Olympic
- 10 công trình vĩ đại của “Nữ hoàng đường cong” Zaha Hadid
- Cassina Innovation House – Tàn tích cũ hóa công trình hiện đại, sôi động ở xứ Manaus, Brazil