Trần Lục hay còn được biết với biệt danh cụ Sáu, là một linh mục Công giáo người Việt. Ông nổi tiếng là một giáo sĩ nhiệt thành và là người đã cho khởi công xây dựng Nhà thờ Phát Diệm, một trong những công trình nổi bật của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Trong bức thư gửi Toàn quyền Đông Dương vào tháng 4/1924 về việc đào tạo nghệ thuật ở Đông Dương, họa sĩ – nhà sư phạm Victor Tardieu, người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có ngành Kiến trúc, đã viết:
“Khi đến Đông Dương, chúng ta bắt buộc phải công nhận rằng những di tích cổ lỗi lạc đã được xây dựng, và từ khi chúng ta đến đây, không có nỗ lực nào tiếp tục truyền thống này… Phải có một sự đồng nhất các công trình xây dựng trong tương lai, tạo ra một phong cách Pháp – Á thích nghi với khí hậu và hài hòa với thiên nhiên, ví dụ nhà thờ Phát Diệm do cha Sáu, một linh mục người An Nam khiêm tốn xây dựng, đó là một tác phẩm thực sự độc đáo và hoàn chỉnh, kết hợp truyền thống An Nam với nhu cầu thờ phụng Công giáo.” (theo tài liệu của Ngô Kim Khôi).

Trong giai đoạn Pháp thuộc, thành tựu kiến trúc quan trọng nhất chính là phong cách kiến trúc Đông Dương, được cho là do Ernest Hebrard khởi xướng. Tuy nhiên, qua thư Tardieu và thực tế đã chứng minh, nhiều người Việt Nam đã đi trước Hebrard nhiều năm trong việc đổi mới kiến trúc bản địa, hướng tới sự kết hợp kiến trúc truyền thống với kiến trúc phương Tây. Một trong số đó, như sự thừa nhận của Tardieu, chính là Trần Lục, mà dân gian quen gọi là cha Sáu.
Trần Lục (1825-1899) tên thật là Trần Văn Hữu, tên thánh Phê-rô, sinh ra ở Thanh Hóa, quê gốc Nam Định. Do nhiều năm làm chức Sáu trong hệ thống Công giáo nên được các giáo dân gọi là cha Sáu, cụ Sáu. Khi vua Tự Đức cấm đạo, ông lấy tên là Trần Lục để tránh lộ thân phận.
Năm 1865, tức ba năm sau khi Tự Đức ban hành lệnh tha cấm đạo, ông được bổ nhiệm làm chánh xứ Phát Diệm. Là một người yêu kiến trúc, Trần Lục nhiều năm âm thầm nung nấu ý định xây một quần thể thờ tự theo kiểu kết hợp Đông- Tây, giao hòa giữa kiến trúc đình, chùa với nhà thờ Công giáo. Ông cùng với Đốc Phan, người phụ tá đắc lực về kiến trúc- xây dựng, tìm hiểu các mẫu kiến trúc ở nhiều vùng khác nhau trong mỗi lần đi công tác, đặc biệt ở Huế, cũng như trong các tài liệu sách vở của Pháp. Bên cạnh đó, ông cũng cho tích lũy dần dần vật liệu xây dựng và tài chính. Năm 1875, sau 10 năm cai quản giáo xứ Phát Diệm, Trần Lục bắt đầu cho xây dựng núi Táng Xác, mục đích để thử tải của đất, đồng thời cũng là một thành phần cảnh quan trong quần thể.
Sau khi đã xác định được khả năng chịu tải của đất, năm 1885 Trần Lục bắt đầu xây dựng các thánh đường, trước tiên là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ, hoàn toàn dùng vật liệu đá lấy từ núi Nhôi, nên người dân quen gọi là “Nhà thờ Đá”.
Năm 1888, đền thờ Trái tim Chúa tiếp tục được xây dựng. Điểm đặc biệt của công trình này là cánh cửa gỗ gụ được chạm khắc rất tinh xảo. Khi toàn quyền Lanessan thăm Phát Diệm, sững sờ trước vẻ đẹp của cánh cửa, đã đề nghị mang nó đi trưng bày ở Phòng triển lãm Mỹ thuật quốc tế Paris năm 1889.
Năm 1891, Nhà thờ Chính tòa xây dựng trên nền móng đã được gia cố nhiều tầng lớp tre, cát, đá từ năm 1875. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn.

Từ năm 1895 đến khi qua đời (1899), cha Sáu cho xây các đền thờ còn lại, phương đình, núi, ao…
Như vậy, Nhà thờ Phát Diệm được người KTS tự học Trần Lục thai nghén, lên ý tưởng và xây dựng trong hơn 30 năm. Nhà nghiên cứu Yvonne Schultz đã viết về cha Sáu và công trình của ông trên tạp chí Illustration (09/11/1929): “Ngày xưa, các KTS xây cất thánh đường phải giao kết với quỷ thần, nhưng đây cha Trần Lục chỉ giao kết với thời gian. Sự nghiệp của cha, nếu phải là một phép lạ, đấy chính là phép lạ ở chỗ kiên tâm bền chí”. Quả thật, để tạo ra một tác phẩm phi thường, ngoài tài năng, cần phải có một ý chí phi thường.
Thái Hà
XEM THÊM:
- Kiến trúc sư Lê Trương: Màu sắc là dấu ấn cá nhân
- Kengo Kuma – Bậc thầy sử dụng gỗ và 5 sự thật thú vị
- Antoni Gaudi: “Gã điên” phía sau công trình La Sagrada Familia