Vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hoạt động đào tạo đầu tiên áp dụng tích điểm Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) cho các KTS hành nghề. Đây là hoạt động quan trọng nhằm tạo điều kiện nền tảng gia hạn chứng chỉ hành nghề cho các KTS. Kienviet.net đã có cuộc trao đổi với KTS Đặng Kim Khôi – Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam để làm rõ hơn những nội dung, yêu cầu liên quan đến CPD và sát hạch chứng chỉ hành nghề KTS.

PV: Thưa KTS Đặng Kim Khôi, ông có thể làm rõ khái niệm “Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD)” là gì? Vì sao phải phát triển nghề nghiệp liên tục?
KTS Đặng Kim Khôi: CPD (Continuous Professional Development) – “Đào tạo nghề nghiệp liên tục” là công việc đào tạo suốt đời để duy trì, củng cố, nâng cao kiến thức và kỹ năng, giúp khả năng của KTS đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Đối với KTS hành nghề, có 3 yếu tố mà CPD mang đến: Kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực kiến trúc; quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cần cập nhật; quản trị danh nghiệp, những vấn đề “phần mềm” liên quan đến ứng dụng, những vấn đề luật pháp, gọi là “phi kiến trúc”.
Qua khảo sát, đánh giá KTS trên cả nước, họ mải mê, bận bịu với công việc; trong khi đó, về mặt đào tạo, không phải đơn vị nào cũng có thể làm đều đặn và có trách nhiệm, do đó việc đào tạo liên tục trở thành việc bắt buộc được quy định trong Luật Kiến trúc. Tôi tin rằng nếu việc này làm tốt sẽ nâng cao năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức và kỹ năng cho KTS tốt hơn.
PV: KTS hãy cho biết các hình thức của CPD là gì?
KTS Đặng Kim Khôi: CPD bao gồm 8 nội dung:
– Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật
– Tham gia hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn
– Chương trình khảo sát, tham quan, học tập về kiến trúc
– Viết sách, tạp chí, các bài báo về chuyên ngành kiến trúc
– Tham gia các khóa học tập, nghiên cứu sau đại học với chuyên đề là kiến trúc
– Tham gia giảng dạy đại học
– Nghiên cứu, sáng chế khoa học được công nhận
– Đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia
Mỗi hình thức này được quy ra một số điểm nhất định và một năm KTS phải có 4 điểm CPD mới đạt yêu cầu.
PV: Hiện nay có nhiều đơn vị trên cả nước đào tạo CPD. Theo ông, điều này có thuận lợi và khó khăn gì đối với các KTS?
KTS Đặng Kim Khôi: Theo Luật Kiến trúc và Nghị định 85 hướng dẫn luật, các tổ chức được phép tham gia sát hạch CPD bao gồm: Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc. Những đơn vị tham gia sát hạch phải được Bộ Xây dựng kiểm tra năng lực và cấp giấy chứng nhận. Về công tác đào tạo CPD, đơn vị nào có chức năng về nghiên cứu, đào tạo nằm trong các tổ chức trên là có thể đào tạo CPD. Điều đó cho thấy công tác CPD được xã hội hóa một cách rộng rãi, rất nhiều tổ chức, đơn vị có thể làm việc này. Điều quan ngại là làm sao cho chất lượng đào tạo đúng mục đích, không vì lợi nhuận mà đào tạo không đúng tinh thần.
Một khó khăn nữa là không có cơ quan kiểm tra, kiểm soát chương trình và nội dung đào tạo. Hội KTS cũng đã kiến nghị các cơ quan cấp trên về vấn đề này; trong quá trình triển khai nghị định, vận hành chương trình sẽ nhìn vào thực tiễn và nghiên cứu giải pháp.
PV: Hiện nay Hội KTS Việt Nam đã và đang triển khai chương trình đào tạo CPD như thế nào?
KTS Đặng Kim Khôi: Hội thảo là buổi đào tạo CPD đầu tiên ở phía Bắc do Hội KTS tổ chức. Hội KTS Việt Nam là “mái nhà chung” của KTS, tập hợp nhiều KTS có kinh nghiệm từ các trường học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chính vì vậy Hội xác định việc đào tạo phải thực chất, không chỉ để cấp chứng chỉ mà cung cấp cho các KTS những gì họ còn thiếu, họ thực sự cần trong quá trình hành nghề, để KTS hành nghề tốt hơn, có trách nhiệm với xã hội. Đó là sứ mệnh và mục tiêu mà Hội cam kết theo đuổi.
Để làm việc này, Hội KTS Việt Nam sẽ thành lập Ban Phát triển đào tạo gồm nhiều KTS ở các lĩnh vực khác nhau nhằm nghiên cứu, công bố chương trình đào tạo hàng năm; liên kết với các Hội KTS địa phương để công tác CPD được nhân lên sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.

PV: Vậy Hội KTS Việt Nam có phải đơn vị cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) cho các KTS không?
KTS Đặng Kim Khôi: Hội KTS Việt Nam không phải đơn vị cấp CCHN. Trong Luật Kiến trúc và Nghị định 85 quy định, cơ quan cấp CCHN của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là Sở Quy hoạch – Kiến trúc, tại các địa phương là Sở Xây dựng.
PV: Các KTS có thể tìm tài liệu ở đâu để ôn luyện cho sát hạch cấp CCHN? Hiện nay có trung tâm nào tổ chức ôn luyện không?
KTS Đặng Kim Khôi: Để tham gia sát hạch cấp CCHN, KTS cần xác định mình là đối tượng cấp mới hay gia hạn, mỗi đối tượng có những quy định riêng. Để chuẩn bị tham gia sát hạch, các KTS cần đọc hiểu 280 câu hỏi do Hội KTS ban hành. Tài liệu có tên: “Đáp án 280 câu hỏi và hướng dẫn phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc”, KTS có thể dựa vào đó để ôn luyện. Các câu hỏi nằm trong 4 phạm vi: Kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn, quy tắc ứng xử nghề nghiệp vào cuộc sống.
Hiện nay chưa có trung tâm nào tổ chức ôn luyện thi sát hạch cấp CCHN. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng KTS chỉ cần sử dụng cuốn tài liệu 280 câu kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của mình là có thể làm tốt công việc này.
Trân trọng cảm ơn KTS Đặng Kim Khôi!
XEM THÊM
- Hội KTS Việt Nam tổ chức hội thảo mở đầu chương trình đào tạo Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD)
- Hội KTS Việt Nam ban hành 21 Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề
- Hội KTS Việt Nam ban hành cuốn sách phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc