KTS người Nhật Bản Takenosuke Sakakura đã tạo ra ba phòng vệ sinh công cộng có thể phát sáng như một chiếc đèn lồng vào ban đêm ở Công viên Nishihara Itchome. Công trình là một phần của dự án Nhà vệ sinh Tokyo.
Thông tin công trình
- Tên công trình: Andon
- Nhà thiết kế: Takenosuke Sakakura
- Ý tưởng công trình: Nhà vệ sinh Tokyo / Quỹ Nippon
- Địa điểm: Công viên Nishihara Itchome, Thành phố Shibuya, Tokyo
- Thời gian hoàn thành: Tháng 9 năm 2020
- Ảnh: Satoshi Nagare

Thuyết minh công trình
Được đặt tên là Andon, mang nghĩa “đèn lồng”, công trình này được chiếu sáng vào ban đêm để tạo cho công viên một không gian hấp dẫn hơn.

Sakakura cho biết: “Bằng cách xây dựng một cơ sở sáng sủa và thoáng đãng trong không gian hạn chế, chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện hình ảnh không chỉ của phòng vệ sinh mà của toàn bộ công viên.
Chúng tôi hy vọng rằng nhà vệ sinh sẽ chiếu sáng công viên như một chiếc đèn Andon, tạo ra một không gian công cộng hấp dẫn cho du khách.”

Nhà vệ sinh công cộng mới nhất ở quận trung tâm thành phố Shibuya được xây dựng như một phần của dự án Nhà vệ sinh Tokyo của Tổ chức Nippon, dự án đã có những nhà vệ sinh đặc biệt được tạo ra bởi các KTS nổi tiếng bao gồm Tadao Ando, Fumihiko Maki và Shigeru Ban.
Nhà WC của Sakakura có ba gian phòng dành cho cả nam và nữ, được thiết kế theo hình dạng hộp chữ nhật thông thường.

Mỗi buồng vệ sinh trong các phòng đều được bọc trong kính mờ màu xanh lá và được dẫn qua một cánh cửa màu xanh lá cây có mái hiên nhỏ phía trên.
Tấm kính được in hình cây cối, có thể nhìn thấy khi ở gần khối nhà vệ sinh và khi ở bên trong các buồng.

Sakakura hy vọng rằng nhà vệ sinh sáng sủa lộng lẫy sẽ khuyến khích nhiều người sử dụng công viên và cơ sở vật chất hơn.
“Nhà vệ sinh trước đây không được chào đón và hiếm khi được sử dụng” KTS giải thích.
“Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tạo ra một cơ sở không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của nhà vệ sinh công cộng, chẳng hạn như có đủ nhà vệ sinh để đảm bảo thời gian chờ đợi hợp lý, mà còn mang lại một sức hấp dẫn riêng để khuyến khích nhiều người sử dụng hơn.“

Nhà vệ sinh này là nhà vệ sinh thứ bảy trong dự án Nhà vệ sinh Tokyo của Quỹ Nippon sẽ được công bố, với chín công trình khác được lên kế hoạch xây dựng vào năm 2021.
Tương tự như nhà vệ sinh của Sakakura, Shigeru Ban, một trong ba người đoạt giải Pritzer sẽ thiết kế nhà vệ sinh như một phần của dự án, tạo ra một cặp khối trong suốt được chiếu sáng vào ban đêm. KTS chiến thắng giải Pritzker Tadao Ando đã thiết kế một nhà vệ sinh hình vòng cung trong khi Fumihiko Maki đặt trên công trình nhà vệ sinh của mình một “mái nhà vui vẻ”.
Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Dezeen)
- Vệ sinh công cộng tại Trung Quốc: Xu hướng định hình và những thử nghiệm sáng tạo
- 10 ý tưởng thiết kế nhà vệ sinh công cộng độc đáo
- Nhà vệ sinh trong suốt chống biến thái tại Nhật Bản
- Nhà vệ sinh in 3D tạo ra năng lượng ở Ấn Độ