Tại các vùng thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, miền núi, quy hoạch xây dựng với vai trò là công cụ tổ chức không gian sống của con người, có thể làm tăng hay giảm rủi ro của khu dân cư trước thiên tai.
Vùng trung du và miền núi nước ta là những vùng có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt và hiểm trở. Những điều kiện tự nhiên đặc thù về khí hậu, địa chất, thủy văn của các dải đất dốc hẹp miền Trung hay vùng núi cao Tây Bắc… đã làm cho các vùng trung du và miền núi nước ta chịu nhiều nguy cơ thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khác với các đô thị phát triển lâu đời tại vùng đất thuận lợi, được quan tâm trong công tác quy hoạch xây dựng, có sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nên các ảnh hưởng thiệt hại trên được hạn chế.
Tại các vùng dân cư nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, do tập quán định cư, sinh kế phần lớn diễn ra ở các vùng thung lũng chân đồi núi, cửa khe suối, ven sông…, là những nơi thường hứng chịu các tác động nặng nề của lũ quét, lũ bùn đá. Trong khi đó một bộ phận dân cư khác sinh sống trên triền đồi, vùng núi cao lại chịu ảnh hưởng của sạt lở đất.

Ngay từ những năm 1999, sau trận lụt lịch sử tại miền Trung, công tác quy hoạch định cư đã có lưu ý hơn đến các vấn đề thiên tai, trong đó có ngập lụt và sạt lở. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), diễn biến thiên nhiên ngày càng bất thường, việc quy hoạch định cư tại các vùng trung du, miền núi gắn với phòng chống thiên tai cần được tiếp tục xem xét.
1. Khái quát thực trạng lũ quét, sạt lở đất các vùng trung du, miền núi
Theo Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai của Chính phủ, lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên sườn dốc và trên các sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn. Trong khi đó, sạt lở đất là hiện tượng đất, đá bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy.
Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ nước ta. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống Thiên tai, từ năm 1953 – 2016 đã xảy ra 448 trận. Riêng từ năm 2000 – 2015 xảy ra 250 trận, làm chết và mất tích 779 người, điển hình là trận lũ quét tháng 6/1990 trên suối Nậm Lay (thị xã Lai Châu) làm 82 người chết và mất tích. Năm 2017 lũ quét, sạt lở đất làm 71 chết và mất tích, điển hình như các trận lũ quét tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái).
Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 114 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, làm 231 người chết và mất tích, riêng sạt lở đất làm 132 chết và mất tích. Điển hình là vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm 67 ngày 11-12/10 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) làm 30 người chết, mất tích; sạt lở vùng đóng quân Đoàn 337 huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị ngày 17-18/10 làm vùi lấp 22 cán bộ chiến sỹ; vụ sạt lở đất ở 2 xã Trà Leng và Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) ngày 28/10 làm 30 người chết và mất tích…
Thống kê cho thấy, khu vực đô thị ít bị ảnh bởi lũ quét, trượt lở đất, phần lớn các trận lũ quét, trượt lở đất đều xảy ra ở miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt với tần suất có xu hướng ngày càng tăng, trong khi đó việc tìm kiếm đất đai định cư gặp rất nhiều khó khăn, quỹ đất rất hạn chế.
2. Các nguyên nhân và yếu tố gấy lũ quét, sạt lở đất
Điều tra khảo sát sơ bộ tình trạng lũ quét, sạt lở đất một số tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng như khu vực miền núi vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ cho thấy:
Lũ quét xảy ra do các nguyên nhân khách quan như mưa cường độ lớn, tập trung trong một thời gian ngắn tại những khu vực có độ dốc lớn, gây dòng chảy tốc độ và động lượng lớn có sức tàn phá lớn. Tuy nhiên, những thiệt hại đối với con người phần lớn do các yếu tố chủ quan, thiếu hiểu biết tác động vào các nhân tố làm gia tăng lũ quét như: làm mất thảm phủ thực vật, định cư ở cửa suối, ven sông, những khe tụ thủy, thay đổi địa hình xây dựng công trình làm tắc nghẽn dòng chảy… Lũ quét thường có 2 dạng cơ bản sau:
– Lũ quét sườn dốc: hình thành do mưa cường độ lớn, tập trung trên bề mặt sườn dốc làm đẩy nhanh quá trình hình thành dòng chảy mặt; hoặc khi mưa kéo dài làm đất bão hòa nước kết hợp với các điều kiện bất lợi khác như độ dốc, thảm phủ,… sẽ gây sạt lở đất tạo thành dòng chảy bùn đá trên sườn dốc. Lũ sườn dốc có tính cục bộ cho một khu vực nhỏ, thường xuất hiện ở đầu nguồn các suối, khe và gây tác hại trên sườn dốc cũng như vùng thấp liền kề (như thung lũng).
– Lũ quét dòng: hình thành do mưa lớn trên diện rộng toàn lưu vực sông gây lũ lớn, đặc biệt lớn trên sông suối chính, hoặc do nhiều lũ quét sườn dốc xảy ra cùng thời điểm hoặc trước đó. làm ngập và quét tất cả làng mạc, công trình,… dọc hai bên bờ xuống hạ lưu.
Trong khi đó, đối với sạt lở đất, những vùng có nhiều yếu tố bất lợi về địa hình (như đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất không ổn định (có nhiều loại đất đá nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu bùn sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều (do mất rừng tự nhiên, rừng có trữ lượng) là những vùng có nguy cơ trượt lở lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng giao thông, thủy điện, hạ tầng tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.
Theo khoa học, về trượt lở đất đá, ngoài các nguyên nhân tiềm ẩn trượt lở đất là: thành phần đất đá, địa chất kiến tạo, hoạt động địa chấn, mối liên quan giữa địa hình, độ dốc… Nhưng nguyên nhân trực tiếp gây nên trượt lở trong đa số trường hợp lại là các nhân tố bên ngoài:
– Mưa là yếu tố trực tiếp gây nên trượt lở và thúc đẩy quá trình trượt lở phát triển. Những đợt mưa lớn và rất lớn, kéo dài với tổng lượng mưa đạt trên 700-1.000mm/trận thường gây trượt lở trên diện rộng (ví dụ trong vụ sạt lở đất Rào Trăng 3 lượng mưa tại Thừa Thiên – Huế trong 2 ngày 11-12/10/2020 đến Quảng Nam là 500 – 700 mm, mưa cả đợt lên đến (2.869 – 2.941 mm). Hầu như tất cả các khu vực trượt lở quy mô lớn đều là các khu vực có lượng mưa bất thường.
– Tác động của con người đến sườn dốc hoặc định cư ở sườn dốc cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trượt lở tại các khu vực hoạt động dân sinh. Nước ta có ¾ địa hình là đồi núi, đặc biệt khu vực miền Trung là những dải đất hẹp, có độ dốc rất lớn, vùng trung du và hạ du gần như gắn liền. Trong quá trình phát triển, gia tăng dân số buộc người dân phải định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình ở những vùng có địa hình bất lợi đã tác động phần nào đến tự nhiên. Khi đã có bàn tay con người can thiệp tiêu cực vào thiên thiên, nguy cơ sạt lở càng rõ ràng và nguy cơ thiệt hại càng gia tăng.
Những nhân tố này chủ yếu gây ra trượt lở quy mô nhỏ và trung bình. Ngoài ra, các khối trượt lở lớn và cực lớn đến vài triệu m3, các khu vực trượt thường hình thành do tổ hợp của hai nhóm nguyên nhân nội và ngoại sinh, trong đó các yếu tố nội sinh có vai trò đặc biệt quan trọng.
3. Công tác phòng chống sạt lở đất trong quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn
Quy hoạch xây dựng với vai trò là công cụ tổ chức không gian sống của con người, có thể làm tăng hay giảm rủi ro của khu dân cư trước thiên tai. Trong quy hoạch xây dựng, để hạn chế tối đa thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, một điều rất quan trọng là lựa chọn địa điểm xây dựng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng hoặc ít chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng (QCVN 01:2019/BXD) đã đưa ra yêu cầu về lựa chọn đất xây dựng (mục 1.5.2), theo đó khu vực chọn để xây dựng phải đảm bảo cho các hoạt động xây dựng và an toàn cộng đồng. Trường hợp bắt buộc phải xây dựng ở vùng có nguy cơ (trượt lở, ngập lụt, lũ…); quy hoạch phải đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. QCVN 01:2019/BXD cũng yêu cầu phải đánh giá, xác định các loại đất theo điều kiện tự nhiên, xác định các rủi ro do thiên tai… cho khu vực đô thị và nông thôn (mục 2.8.1 và 2.16.1). Đối với khu vực nông thôn còn có quy định riêng về phòng chống thiên tai, thảm họa (mục 2.16.11.1).
Tiêu chuẩn Việt Nam về Quy hoạch xây dựng đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 4449:1987) đã có nội dung về chọn đất xây dựng đô thị (mục 2) trong đó yêu cầu đánh giá, xác định các loại đất theo khả năng thuận lợi cho xây dựng, trong đó có liên quan đến phòng chống thiên tai. Tiêu chuẩn Việt Nam về Quy hoạch xây dựng nông thôn – Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 4454:2012) cũng có các yêu cầu về phòng chống và giảm nhẹ tác động thiên tai (mục 4.2, 5.1.1.5, 5.1.2.7, 5.1.3.2 và 5.3.1.5).
Tuy nhiên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác như Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Các công trình hạ tầng kỹ thuật (QCVN 07:2016/BXD), Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (QCVN 02:2009/BXD) đều chưa đề cập đến vấn đề phòng chống lũ quét, sạt lở đất hoặc rất sơ bộ. Ngoài ra các thông số kỹ thuật cần được bổ sung để xem xét đến nguy cơ và giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ tác động lũ quét, sạt lở đất…
Trong thực tế, lập quy hoạch xây dựng các khu vực dân cư, nội dung quy hoạch phòng chống thiên tai đã được quan tâm nghiên cứu, tập trung vào việc tính toán, xác định cao độ xây dựng khống chế và các thông số của hệ thống mương, cống thoát nước mưa dựa trên các thông số về thủy văn khu vực, cao độ xây dựng thiết kế tại các nút giao thông, đánh giá đất xây dựng dựa trên cao độ nền và phân định ranh giới các khu vực đào đắp nền cùng một số thông số kỹ thuật kèm theo khác. Tuy nhiên nội dung phòng tránh giảm nhẹ tác động thiệt hại do sạt lở đất chưa được đầu tư nghiên cứu sâu.
4. Đề xuất giải pháp quy hoạch xây dựng ứng phó với sạt lở đất

Để ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, giảm nhẹ rủi ro thiệt hại đối với các khu dân cư, công trình xây dựng một cách căn cơ, có khoa học, công tác quy hoạch xây dựng cần thực hiện các giải pháp sau:
a. Điều tra, khảo sát, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá
Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Đề án “Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam” ở tỷ lệ 1/100.000 và Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Chính phủ ở tỷ lệ 1/50.000. Tuy nhiên đây chỉ là các cảnh báo cấp vĩ mô phục vụ phát triển quy mô vùng.
Ở mức độ chi tiết, để quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư cần có bản đồ cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, trượt lở đất để làm cơ sở lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng. Các đồ án quy hoạch cần xây dựng các bản đồ nguy cơ lũ quét, trượt lở đất ở tỷ lệ chi tiết hơn từ 1:10.000 đến 1:5.000. Nội dung đánh giá đất xây dựng tới đây cần bổ sung việc điều tra, đánh giá các yếu tố nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Để thực hiện điều này, ngoài đo vẽ địa hình, công tác khảo sát xây dựng cần bổ sung các yếu tố địa chất, thổ nhưỡng, đặc trưng lớp phủ bề mặt… làm đầu vào cho công tác đánh giá đất xây dựng. Quy mô khảo sát cần được mở rộng không chỉ dừng ở vùng sẽ xây dựng trước đây mà còn cần mở rộng khảo sát ở các vùng kế cận, có nguy cơ tác động đến vùng xây dựng. Bản đồ dự báo nguy cơ lũ quét, trượt lở sẽ là cơ sở để lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng.
b. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các vùng dân cư nông thôn trong khu vực sạt lở đất
Công tác quy hoạch cần được rà soát lại trên diện rộng, đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai, nhất là các điểm dân cư nông thôn, kể cả các công trình đơn lẻ. Quy hoạch cần xác định có hai đối tượng đang và sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai đó là: Các công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và các khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng.
Đối với khu dân cư mới, bằng biện pháp quy hoạch chúng ta có thể giảm thiểu một phần rủi ro. Đối khu vực dân cư, công trình xây dựng đã hình thành cũng cần có các biện pháp cảnh báo hay ngăn ngừa sớm. Cụ thể:
– Cần đánh giá, đối chiếu với các bản đồ khảo sát hiện trạng lũ quét, trượt lở đất đá để kiến nghị giải pháp phòng chống cũng như cảnh báo sơ tán khẩn cấp khi có dấu hiệu xảy ra sự cố.
– Những khu dân cư đang tồn tại có nguy cơ cần được khảo sát đánh giá chi tiết ở các bản đồ tỷ lệ chi tiết hơn (ví dụ tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000).
– Đối với các khu vực mà việc phòng chống bằng biện pháp công trình cũng như cảnh báo sớm không khả thi thì bắt buộc phải di dời, tái định cư đến vùng an toàn hơn.
c. Lồng ghép nội dung phòng chống lũ quét, sạt lở đất vào công tác quy hoạch xây dựng
Trên cơ sở rà soát các khu vực cụ thể, tiến hành lồng ghép các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ lũ quét và sạt lở đất vào quá trình lập quy hoạch xây dựng các khu dân cư được thực hiện trên cơ sở tập trung vào 03 vấn đề chính:
(1) Đánh giá đất xây dựng nhằm xác định khu vực thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi cho xây dựng công trình theo các loại công trình. Đây là cơ sở để lựa chọn địa điểm xây dựng. Nội dung này trước đây đã có trong các quy hoạch xây dựng, tuy nhiên chưa có tiêu chí đánh giá lũ quét, trượt lở đất. Do đó để lồng ghép nội dung đánh giá lũ quét, trượt lở đất cần thực hiện điều tra, khảo sát các yếu tố gây lũ quét, trượt lở như địa chất công trình, khí tượng, lớp phủ thực vật, địa chất thủy văn, phong hóa thổ nhưỡng… từ đó lập bản đồ, khoanh vùng nguy cơ lũ quét, trượt lở theo các mức độ để có giải pháp tương ứng.
(2) Lồng ghép giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ trong quy hoạch không gian
- Tránh các khu vực có nguy cơ lũ quét, trượt lở: Đối với các khu vực được đánh giá có nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở, quy hoạch không gian tránh bố trí các khu dân cư ở đó hoặc chỉ bố trí các chức năng cơ sở hạ tầng ít gây thiệt hại đến tính mạng, dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Đối với các khu dân cư đã tồn tại trong khu vực có nguy cơ lũ quét, trượt lở cần tiến hành di dời khỏi khu vực đó thông qua 2 phương thức: bố trí sang các khu dân cư quy hoạch xây mới hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư an toàn lân cận để tiếp nhận thêm các hộ di dời.
- Tiếp tục tồn tại ở các vùng có nguy cơ: Đối với các vùng có nguy cơ thấp hoặc chưa có điều kiện di dời cần xây dựng công trình giảm nhẹ nguy cơ để không xảy ra sự cố. Đồng thời quy hoạch lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở, bố trí công trình trú ẩn an toàn, xác định phương án sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn khi có các sự kiện cực đoan của thời tiết.
- Trong khu vực miền núi, mọi địa điểm định cư đều tiềm ẩn nguy cơ của thiên tai trượt lở hoặc lũ quét. Việc dự báo các loại thiên tai này là không thể mà chỉ có thể cảnh báo. Vì vậy quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp khi có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời.

(3) Các biện pháp công trình giảm nhẹ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất:
Để giảm nhẹ nguy cơ ảnh hưởng của lũ quét, nhất là đối với các các khu dân cư không thể di dời, có thể áp dụng một số biện pháp công trình như:
– Nhóm các công trình ngăn dòng như đập ngăn dòng, khu trữ lũ làm chậm dòng chảy… làm giảm tác động lũ quét một cách từ từ và làm mất hẳn trước khi tới các đối tượng cần bảo vệ.
– Nhóm các công trình dẫn dòng như đê, kênh phân dòng, mỏ hàn….. buộc dòng lũ ống, lũ quét chảy trong những giới hạn nhất định tránh các đối tượng cần bảo vệ
Đối với các tuyến hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông, khi gặp dòng có nguy cơ lũ quét, cần xây dựng các cầu vượt lũ (trường hợp dòng lũ quét ở thấp hơn đường giao thông) hoặc các cầu “lũ vượt” (trường hợp dòng lũ quét ở cao hơn). Cũng có thể xây dựng các “ngầm” cho lũ ống, lũ quét vượt qua.
Để giảm nhẹ nguy cơ trượt lở, khi thiết kế xây dựng công trình trên khu vực đồi núi dốc, để đảm bảo yêu cầu của công trình trước nguy cơ sạt lở, cần thực hiện các giải pháp giảm nhẹ nguy cơ trượt lở công trình như: chia nhỏ các khối công trình phù hợp với địa hình, hạn chế các khối công trình chắn ngang dòng chảy, giảm tải trọng lên khu đất để giảm nguy cơ sạt lở như công trình thấp tầng hoặc vật liệu nhẹ như (gỗ, kính, tấm thạch cao, nhựa tổng hợp,…), cải tạo, gia cố địa hình phù hợp với địa chất công trình, bố trí công trình ngang với địa hình, tránh xa mái dốc, đặc biệt hạn chế cải tạo địa hình tự nhiên.
Các giải pháp công trình phòng chống lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đều rất tốn kém và khó khăn, thường ít phù hợp với điểm dân cư nông thông quy mô nhỏ, cần được nghiên cứu kỹ trước khi thiết kế, thi công.
5. Kiến nghị
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong thời gian tới đề nghị thực hiện tiếp một số nội dung sau:
– Hướng dẫn về điều tra, khảo sát, cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để di dời khẩn cấp đối với các công trình đang tồn tại trong vùng nguy cơ.
– Hướng dẫn lựa chọn địa điểm xây dựng đối với công tác xây dựng mới thông qua việc xây dựng Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đánh giá và lựa chọn đất xây dựng, yêu cầu thiết kế.
– Hướng dẫn xây dựng các công trình ở những vùng có điều kiện tự nhiên đặc thù (có độ dốc lớn, có dòng chảy lũ…) và các tiêu chuẩn xây dựng kèm theo.
– Đưa bản đồ cảnh báo khu vực lũ quét, sạt lở vào hồ sơ quy hoạch xây dựng.
– Cập nhật, bổ sung các số liệu kỹ thuật phục vụ việc đánh giá nguy cơ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vào Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng (QCVN 02:2009/BXD).
– Bổ sung các tiêu chuẩn xây dựng công trình phòng chống nguy cơ lũ quét, trượt lở trong đô thị, khu dân cư.
– Bổ sung các vấn đề biến đổi khí hậu, nhất là các điều kiện khí hậu cực đoan vào quá trình tính toán, thiết kế cơ sở hạ tầng và công trình.
PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng VIUP
ThS.KTS. Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng VIUP
ThS. Nguyễn Huy Dũng, VIUP
XEM THÊM:
- Nâng cao hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác hại của thiên tai đối với nhà ở trong vùng lũ lụt
- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông nông thôn Việt Nam: Tăng cường giải pháp sinh học trong bảo trì đường bộ
- “Chúng ta là KTS, chắc chắn phải làm đúng nghề, đúng trách nhiệm với đồng bào nông thôn nghèo khó”- KTS Nguyễn Tấn Vạn