Giới KTS đang thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm xã hội và vào cuộc ngày càng mạnh mẽ trong công tác sáng tạo, thực thi các giải pháp hỗ trợ cộng đồng vùng lũ giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lĩnh vực nhà ở.

Chúng ta đều biết, thiên tai ngày càng khốc liệt và khó lường hơn trong những năm gần đây là biểu hiện rõ nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở nước ta, trong nhiều năm nay, cường độ, tần suất của bão lũ, ngập lụt diễn ra mạnh hơn và bất thường hơn. Hơn một tháng qua, khu vực miền Trung của nước ta đã và đang hứng chịu những cơn bão lũ, ngập lụt liên tục và khốc liệt. Cả nước lúc này đang hướng về miền Trung với những tình cảm sẻ chia và hành động hỗ trợ thiết thực. Hội thảo với chủ đề “Kiến trúc ứng phó với thiên tai” lúc này là một minh chứng cho những nỗ lực từ lâu và không ngừng của Hội KTS Việt Nam về kiến trúc nông thôn, nhất là kiến trúc vùng bão lũ, ngập lụt.

Có thể khẳng định, ngay từ ngày đầu thành lập hơn 72 năm trước, Hội KTS Việt Nam là một trong những tổ chức luôn đi tiên phong trong sự nghiệp phát triển kiến trúc nông thôn, nhằm thực hiện lời căn dặn phải chú trọng kiến trúc nông thôn mới trong thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới KTS nhân ngày thành lập Hội. Nhiều đồ án quy hoạch và các mẫu nhà ở nông thôn mới, mẫu nhà cho các vùng nông thôn dễ bị tổn thương do thiên tai đã được các thế kệ KTS Việt Nam nối tiếp nhau sáng tác và hiện thực hóa.

Những năm gần đây, riêng về kiến trúc cho các vùng nông thôn dễ bị tổn thương do thiên tai, cuộc thi thiết kế “Kiến trúc nhà ở vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội KTS Việt Nam tổ chức từ 2009 đến năm 2011 được đánh giá là thành công nhất, không chỉ bởi số lượng đông đảo các KTS trên cả nước tham gia mà chính là chất lượng của các bài thi. Yêu cầu cơ bản của cuộc thi là tính khả thi của giải pháp kiến trúc, giúp người dân giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, xây dựng nhà cho người nghèo cần chú ý giải pháp đơn giản, đảm bảo điều kiện an toàn, bền vững, phù hợp với nhu cầu sử dụng và chi phí thấp nhất có thể, để bản thân người dân tự mình thực hiện và cộng đồng có thể vào cuộc để giúp đỡ, nhân rộng cho nhiều người. Cuộc thi có 3 giải A, 4 giải B, 8 giải C và 8 giải Khuyến khích.

Qua cuộc thi, có thể thấy rõ trách nhiệm xã hội của KTS. Các vùng nông thôn dễ bị tổn thương do thiên tai trên cả nước đã được các KTS quan tâm, trong đó tập trung nhiều phương án với các giải pháp kiến trúc sát thực tiễn, mang tính khả thi cao, đặc biệt là các giải pháp dành cho khu vực miền Trung. Điều đáng nói thêm là, ngay sau trận bão lũ khốc liệt, tàn phá nặng nề khu vực miền Trung cuối năm 2010, thì đầu năm 2011, 2 trong 3 phương án đoạt giải A đã được Hội KTS Việt Nam kết hợp với chính quyền và hội KTS địa phương nghiên cứu, chọn lọc những ưu điểm của phương án phù hợp với từng địa phương để ứng dụng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các công trình thí điểm đã được người dân, cộng đồng người làm nghề và cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Chương trình thí điểm mẫu nhà ứng phó với thiên tai của Hội tiếp tục được nhân rộng trên các địa bàn khác.

Phương án đoạt giải A, tác giả: Ngô Xuân Thanh, Trịnh Tuấn Hiệp, Phạm Văn Du – “Xây một lõi kiên cố làm trung tâm nhà” (có thể gọi là “Nhà lõi”). Theo nhóm tác giả, ý tưởng bắt nguồn từ hình ảnh cọc buộc thuyền. Lõi trung tâm có kích thước 3,6m x 3,6m, cao 2 tầng, đảm bảo vững chắc qua các trận bão lũ, ngập lụt. Đây là không gian tránh trú an toàn. Các gian nhà xung quanh có bị ngập, hư hỏng cũng không ảnh hưởng đến lõi nhà. Như vậy có thể coi “Nhà lõi” là phần tối thiểu của ngôi nhà giúp người dân có nơi tránh trú an toàn khi bão lũ, ngập lụt (Hình 1)

1.1
Hình 1. Nhà lõi

Phương án đoạt giải A, tác giả: PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường, Bùi Thị Nhàn, Trần Mai Phương, Trần Quốc Huy, Hà Việt Cường, Đỗ Xuân Sơn – “Khung nhà chống lũ, lụt đa năng”. Khung nhà bằng bê tông đúc sẵn, kích thước 1,8m x 3,0m (bằng 2 chiếc giường), cao 3,0m – 3,3m,  giá thành khoảng 3,5 triệu đồng/bộ. Mái che có thể lợp nhanh tùy vật liệu sẵn có (rơm rạ, nilon, bạt, lá cọ,…). Sàn là dát giường có sẵn. Vị trí xây dựng khung nhà, tùy vào trường hợp cụ thể, có thể cạnh nhà chính hoặc ở sân, vườn nhà. Bên cạnh đó cần chuẩn bị các bè tre cho gia súc, thang tre lên khung nhà.

Khung nhà là thành phần tối thiểu để tránh trú an toàn khi có thiên tai. Ngày thường có thể sử dụng khung nhà để làm kho, bếp, nhà tắm, chỗ phơi, để rơm hay giàn cây, chỗ nghỉ,… (Hình 2,3)

2.1
Hình 2. Khung nhà chống lũ đa năng
3.1
3.2
3.3
Hình 3. Nhà lõi được người dân thực hiện ở Nghệ An, năm 2012

Ngoài ra còn nhiều phương án đoạt giải khác có giá trị tham khảo tốt trong thiết kế nhà ở nông thôn ứng phó với thiên tai tại nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Dưới đây giới thiệu một số phương án:

Phương án đoạt giải A, tác giả Phạm Hữu Thủy: Giải pháp ứng phó tại chỗ khi lũ lụt bằng sàn gác đa năng (Hình 4)

7 1
Hình 4. Giải pháp ứng phó tại chỗ

Phương án đoạt giải B, tác giả: Bùi Thanh Việt Hùng, Nguyễn Anh Tuấn,Vương Tiến Luyến, Đỗ Thị Thái Hà – Giải pháp nhà chống lũ ven kênh rạch tỉnh Bến Tre, đồng bằng sông Cửu Long. (Hình 5)

8
Hình 5. Nhà chống lũ ven kênh rạch tỉnh Bến Tre

Phương án đoạt giải B, tác giả: Trần Minh Phước, Võ Ngọc Hiền – Giải pháp nhà vùng ngập lũ, đồng bằng sông Cửu Long với các giải pháp về thu giữ nguồn nước mưa. (Hình 6)

6.1
Hình 6. Nhà vùng ngập lũ, đồng bằng sông Cửu Long

Phương án đoạt giải B, tác giả: Bùi Thanh Việt Hùng, Tô Hoàng Long, Trần Minh Hoàn, Đỗ Thị Thái Hà, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Ngọc Anh – Giải pháp nhà ở nhỏ Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An kết hợp truyền thống và hiện đại thích ứng với chống bão, lũ. (Hình 7)

7.1

Hình 7. Nhà ở nhỏ  Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An

Phương án đoạt giải B, tác giả: TS.KTS Vương Hải Long, Tạ Đức Thanh, Lê Trọng Quang, Nguyễn Khắc Phước, Nguyễn Quang Lợi – Giải pháp nhà nổi. (Hình 8)

11
Hình 8. Giải pháp nhà nổi

Phương án đoạt giải B, tác giả: Đặng Ngọc Anh, Đào Thanh Hải, Nguyễn Hà Thắng – Giải pháp nhà tự nổi sàn khi nước dâng vùng Bắc Trung Bộ. (Hình 9)

9.1
Hình 9. Giải pháp nhà tự nổi sàn khi nước dâng vùng Bắc Trung Bộ

Phương án đoạt giải C, tác giả: Vũ Chí Kiên, Lê Thanh Trúc, Trần Hòa Uyên, Nguyễn Nhân Tài, Trần Đồng Kiếm Lam, Lê Ngọc Anh Tú – Giải pháp nhà sàn có lõi cứng. (Hình 10)

10.1
Hình 10. Giải pháp nhà sàn có lõi cứng

Trong những năm gần đây, vấn đề “Xây nhà vùng bão lũ, ngập lụt’, nhất là ở khu vực  miền Trung đã được Nhà nước cùng nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế quan tâm. Trong đó có thể nhận thấy, những nỗ lực của Hội KTS Việt Nam đã có kết quả và ảnh hưởng tích cực nhất định.

Thực hiện Quyết định số 716/QĐ-TTg, ngày 14/6/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng, bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cùng 7 tỉnh có trong chương trình là Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên đã kịp thời triển khai thực hiện. [4]

Mẫu nhà của Hội KTS Việt Nam đã được tham khảo để sử dụng thí điểm. Đó là Mẫu chòi phòng tránh lũ, lụt đã được xây dựng thí điểm ở nhiều địa phương với giá thành dưới 30 triệu đồng/chòi. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, vay từ ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 15 triệu đồng/hộ và đóng góp của hộ gia đình cũng như huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng, tối thiểu là 10 triệu đồng/hộ. Kết quả là 700 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt. Trong thời gian tới, khoảng 60.000 hộ nghèo sẽ hỗ trợ để được cải thiện nhà ở phòng, tránh lũ, lụt. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết  định 716 ở Phú Yên ngày 8/4/2013.

Ngoài ra, còn nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khác đã và đang triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà chống bão lũ, ngập lụt ở nước ta. Ví dụ: Hội chữ thập đỏ và Hội Phụ nữ triển khai xây dựng nhà chống bão, lũ ở Đà Nẵng; Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Tổ chức phát triển Pháp, Australia,… triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng nhà chống bão, lũ ở miền Trung.

Mặc dù nhiều mô hình nhà ở phòng chống bão, lũ, lụt đã được xây dựng ở nhiều địa phương miền Trung, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi, rút kinh nghiệm để có được những giải pháp tối ưu về mọi mặt, đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai.

Để góp thêm ý kiến trao đổi trong Hội thảo chủ yếu về chuyên môn, tôi nghĩ:

– Cũng giống như nhiều người khác quan tâm đến vấn đề “Xây nhà vùng bão lũ, ngập lụt”, các giải pháp trước hết phải thiết thực và phù hợp với địa phương. Đồng thời lưu ý nguyên tắc: Huy động sự tham gia trực tiếp của người dân, cộng đồng địa phương. Ở đó, bên cạnh đóng góp về công sức của người dân, còn cần khai thác trí tuệ và kinh nghiệm dân gian truyền thống để kết hợp với tri thức và kỹ thuật hiện đại tạo ra giải pháp hợp lý.

– Để thực hiện hiệu quả, cần có một chương trình nhà nước (như chương trình nhà ở đối với đồng bằng sông Cửu Long) với sự tham gia của toàn xã hội. Vận động xã hội là cần thiết với vai trò tích cực của truyền thông và các tổ chức xã hội, trong đó cam kết chính trị (không theo nhiệm kỳ) của chính quyền có ý nghĩa quyết định và vai trò của người dân cũng rất quan trọng.

– Và cuối cùng, cần thiết nghiên cứu cả 2 giải pháp: Giải pháp trước mắt, tối thiểu và giải pháp lâu dài, bền vững. Cả 2 giải pháp cần phải được tiến hành song song.

Giải pháp trước mắt:

Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, giải pháp trước mắt là cần thiết đối với số đông hộ gia đình ở nông thôn vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là khu vực miền Trung. Cần mức đầu tư ít nhất để có một không gian tối thiểu tại chỗ, đủ khả năng chống bão hoặc chống lũ, lụt hay cả hai cho một gia đình trước khi được cứu hộ.

Theo hướng trước mắt và tối thiểu này, có thể có nhiều giải pháp khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế và đặc điểm địa hình tự nhiên cũng như văn hóa cư trú của từng địa phương, khu vực.

Đó có thể là gác xép thường gặp trong nhà, có thể là dạng “chòi” hay một bộ phận cứng dạng “khung” hoặc “lõi nhà” (có thể tương ứng với một gian nhà) để phòng tránh bão lũ, ngập lụt nhưng được đầu tư xây dựng ở mức độ tối thiểu, đảm bảo độ bền vững. Dựa vào thành phần tối thiểu này, người dân có thể dần dần hoàn thiện ngôi nhà của mình.

Ngoài ra, để chống bão, lũ, kinh nghiệm và các kỹ thuật truyền thống như chằng, néo, chốt,…. sử dụng dưới dạng lắp ghép linh hoạt được chuẩn bị sẵn; cũng như kinh nghiệm trồng cây, đắp đê, khơi dòng  ngăn gió bão và thoát nước,… đều có thể được khai thác, cải tiến để vận dụng.  

Giải pháp lâu dài:

Để có những giải pháp cơ bản, đồng bộ, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của hệ thống làng, xóm trước sự khốc liệt ngày càng trầm trọng của thiên tai do tác động trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu, cần thiết:

– Trước hết nghiên cứu cơ bản và toàn diện vấn đề với sự tham gia của nhiều ngành liên quan. Không chỉ có quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và đầu tư mà cần có sự tham gia trực tiếp của các chuyên ngành liên quan thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và quản lý. Mục tiêu là xây dựng dữ liệu khoa học về ảnh hưởng của thiên tai liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc và xây dựng của vùng, miền, trên cơ sở đó xác định các vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu để tránh xây dựng. Những dữ liệu khoa học nền tảng này là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách, quy phạm kỹ thuật và đề xuất giải pháp thiết kế, xây dựng cụ thể phù hợp với từng địa phương. Trên cơ sở đó biên soạn thành những tài liệu kỹ thuật hướng dẫn xã hội và người dân thực hiện.

– Về quy hoạch không gian làng xóm:

+ Quy hoạch cải tạo làng xóm:

Nên tổ chức và quản lý khu vực cư trú theo các cụm nhà (nhóm nhà). Mỗi cụm bổ sung nơi sinh hoạt chung đồng thời làm nơi tránh trú tạm thời khi thiên tai bão lũ, ngập lụt xảy ra. Đây là không gian, thực chất là một thiết chế cần thiết nhằm phát huy những giá trị tích cực của quan hệ xóm giềng làng xã truyền thống để tương trợ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn trong cuộc sống hiện đại.

Xây dựng, cải tạo công trình công cộng thiết yếu trong làng, xã như: trường học, trụ sở, nhà văn hóa, có tính đến yêu cầu tiếp nhận cộng đồng dân cư khi thiên tai bão lũ, ngập lụt xảy ra.

Chú trọng trồng cây, cải tạo đường sá và liên thông mặt nước,…. theo hướng giảm nhẹ hậu quả của thiên tai, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống.

+ Quy hoạch xây dựng mới làng, xóm:

Việc lập trại, ấp mới nhằm mục đích dãn dân là việc làm bình thường, khi có nhu cầu mở rộng làng xóm ở vị trí kề cận. Tương tự, làng mới được lập do nhu cầu di dân làm kinh tế mới ở xa làng gốc. Tuy nhiên, khuyến cáo là việc giữ mối quan hệ khăng khít giữa làng, trại, ấp mới với làng gốc là cần thiết.

Lập làng mới hiện nay không chỉ là nhu cầu mà còn là điều kiện cần thiết để áp dụng những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, không chỉ cho phép đảm bảo điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với thiên tai mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đảm bảo cuộc sống của người dân trong quá trình thực hiện chương trình Nông thôn mới theo hướng hiện đại hóa nông thôn. Đây là một cách để thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”. Theo hướng này, dạng làng thanh niên lập nghiệp có thể là một trong những giải pháp tiên phong cần được quan tâm. Với những giải pháp đồng bộ về quy hoạch (chọn vị trí, cấu trúc quy hoạch), kiến trúc, xây dựng và tổ chức sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa hiện đại (xây dựng mới các mô hình công trình nhà ở, công trình công cộng và sản xuất mới với công nghệ cao phù hợp ở nông thôn), hy vọng làng thanh niên lập nghiệp nhanh chóng trở thành phong trào thiết thực, tạo nên bộ mặt mới của nông thôn nước ta thời hiện đại.

– Về kiến trúc:

+ Tập trung đầu tư thiết kế nhiều mẫu nhà ở gia đình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương theo hướng kiên cố, tương đối hoàn chỉnh với tiện nghi tối thiểu và hạn mức đầu tư thấp nhất để người dân của từng hộ gia đình có thể sống an toàn trong điều kiện thiên tai.

Đó là các mẫu nhà khác nhau, như: Xây mới kiên cố và cải tạo hoàn chỉnh một ngôi nhà ở đáp ứng các tiêu chí và quy phạm kỹ thuật đảm bảo chống được thiên tai; xây mới kiên cố một phần của ngôi nhà, có thể nối dài thêm gian nhà đầu hồi, xây mới nhà phụ,… đáp ứng các tiêu chí và quy phạm kỹ thuật đảm bảo chống được thiên tai; cải tạo, gia cố, bổ sung không gian kiên cố và hoàn chỉnh ngôi nhà hiện có đáp ứng các tiêu chí và quy phạm kỹ thuật đảm bảo chống được thiên tai (bão lũ, ngập lụt).

+ Phương thức xây dựng: Ưu tiên và bắt buộc xây dựng tối thiểu phần cứng đúng kỹ thuật hiện đại, người dân có thể tự hoàn thiện các phần còn lại của ngôi nhà bằng cách truyền thống theo thời gian và điều kiện kinh tế của gia đình. Bởi thực chất đây là thể loại kiến trúc dân gian quen thuộc luôn được xây dựng và hoàn thiện theo điều kiện kinh tế của người dân.

Mặt khác, để có thể xây dựng nhanh, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các cấu kiện lắp ghép phù hợp với điều kiện thi công thô sơ dễ vận chuyển và người dân có thể làm được.            

Các mẫu nhà và chỉ dẫn kỹ thuật cơ bản có thể tập hợp lại để xuất bản cho người dân tham khảo. Nhưng trên thực tế, để thực hiện thì trên cơ sở các mẫu nhà theo thể loại và vùng miền, nên biên soạn thành sổ tay hướng dẫn xây dựng về cấu tạo, cách xây dựng, sử dụng vật liệu,…để người dân tham khảo vận dụng, trong đó chỉ rõ những phần người dân có thể tự làm được.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội KTS Việt Nam (2011). Tuyển tập các phương án thiết kế đoạt giải cuộc thi kiến trúc Nhà ở nông thôn mới, nhà ở  vùng bão lũ, ngập lụt.

2. Hội KTS Việt Nam (2015). Tuyển tập kiến trúc Nhà ở nông thôn Việt Nam.

3. Hội KTS Việt Nam (2019). Giải thưởng Kiến trúc quốc gia. 25 năm 1995-2019

4. Ngô Doãn Đức(2015). Quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam 2010-2025, Nhận dạng Kiến trúc Việt Nam 2010-2025. Hội KTS Việt Nam.

4. Thủ tướng chính phủ (2012). Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc Triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ  và duyên hải miền Trung.

5. Bộ Xây dựng (2012). Tờ trình số 10/TTr-BXD về việc Triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ  và duyên hải miền Trung.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông

XEM THÊM:

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tản mạn trước kỳ Đại hội VIII – Hội KTS Việt Nam.

Vậy là, chẳng còn bao lâu nữa lại đến kỳ Đại hội của giới Kiến trúc sư ( KTS). Thời Read more

Gặp gỡ mùa thu 2009 – Những góc nhìn về kiến trúc nông thôn (video)

Đã thành thông lệ hàng năm, năm nay “Gặp gỡ mùa thu 2009” do Hội KTS Việt Nam tổ chức Read more

Thông báo mới về cuộc thi “Vì thủ đô HN hôm nay và ngày mai”

Kienviet.net vừa nhận được thông báo mới nhất từ phía BTC cuộc thi sáng tác Kiến trúc "vì thủ đô Read more

congvan 06kt
Gửi các Hội và Chi hội về chuẩn bị Đại hội KTS lần thứ VIII.

Để chuẩn bị các nội dung văn kiện của Đại hội VIII và báo cáo cho Ban Chỉ đạo Trung Read more

danhsach DH coso thum
Danh sách các Hội và Chi Hội đã có báo cáo kết quả Đại hội

Theo chương trình hoạt động tiến tới Đại hội VIII Hội KTSVN, đến nay đã có nhiều Hội địa phương Read more

Festival 2432010 020 thum
Festival SVKT toàn quốc 2010: Tất cả đã sẵn sàng!

Trước giờ khai mạc Liên hoan sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ VII, mọi công tác chuẩn bị Read more