Xây dựng một nhà hát giao hưởng, ngay cả với các nước Phương Tây, luôn luôn là một sự kiện lớn của thành phố. Nhà hát Thủ Thiêm là công trình quan trọng có tính biểu tượng văn hóa, mang “tầm vóc thế kỷ mà nhân dân TP.HCM đã chờ đợi rất lâu, lãnh đạo TP nhiều thời kỳ đã ấp ủ”.

KTS Phan Tấn Lộc: “Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam?”
Như Báo Tuổi Trẻ ngày 9/10/2018 có viết: “Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP là công trình mà theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch HĐND TP – là có tầm vóc thế kỷ mà nhân dân TP đã chờ đợi rất lâu, lãnh đạo TP nhiều thời kỳ đã ấp ủ.”

Theo KTS Việt kiều Phan Tấn Lộc, một người đã sống ở Pháp lâu năm và có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm hành nghề kiến trúc: Một nhà hát giao hưởng, ngay cả với các nước Phương Tây, luôn luôn là một sự kiện lớn. Như vào đầu Thập niên 80 (thế kỷ trước), khi Tổng thống Francois Mitterrand đắc cử, đã quyết định cho đầu tư dự án Nhà hát Giao hưởng mới ở thành phố Paris nhằm kịp khánh thành vào năm kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp 1989.
Điều này cho thấy dự án đầu tư Nhà hát Giao hưởng ở một nước Á Đông – một quốc gia “ngoại đạo” – là Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn không chỉ là một sự kiện lớn cho người dân thành phố Hồ Chí Minh và cho cả nước Việt Nam, mà còn có thể là một sự kiện lớn cho cả lục địa Châu Á. Thậm chí, nếu chúng ta muốn xây dựng “thương hiệu”, cũng có thể biến nó thành một sự kiện lan rộng ra ngoài không gian lục địa Á châu.
Sau nhiều năm thảo luận, “tranh cãi”, với nhiều ý kiến khác nhau từ việc chọn vị trí cho đến ngân sách đầu tư. Cuối cùng dự án quan trọng này cũng đi đến được giai đoạn chọn địa điểm và tổ chức thi phương án kiến trúc. Tuy nhiên từ quy chế tổ chức cuộc thi đã dấy lên nhiều ý kiến khác nhau – nếu không muốn nói là trái nghịch nhau. Tựu chung, chúng ta rút ra được 2 nguồn ý tưởng chính:
- Yếu tố KINH NGHIỆM
- Yếu tố SÁNG TẠO

1. Yếu tố kinh nghiệm
Nhiều ý kiến cho rằng yếu tố kinh nghiệm mà Ban Quản lý dự án đưa ra để chọn đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc là “giải pháp an toàn”. Nó cũng có tính chính đáng của nó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thấy rằng yếu tố kinh nghiệm cũng được đòi hỏi ở từng giai đoạn của một dự án chứ không chỉ ở giai đoạn thiết kế kiến trúc. Những giai đoạn chính cho một dự án bao gồm:
- Lập dự án đầu tư: Ở giai đoạn này, nó liên quan đến Ban Quản lý Dự án, mà thông thường chúng ta gọi nôm na là Chủ đầu tư (CĐT). Như trường hợp với vốn ngân sách Nhà nước thì Ban này được Nhà nước ỦY QUYỀN (tiếng Pháp gọi là Maitre d’Ouvrage Délégué) quản lý dự án đầu tư xây dựng. Ban quản lý dự án là một đơn vị có kinh nghiệm và nắm chắc về mặt pháp lý cũng như những quy định của Nhà nước về đầu tư công. Nhưng không nhất thiết phải có kinh nghiệm về lãnh vực của dự án.
Từ điểm “khiếm khuyết” này, như ở Pháp, CĐT (ủy quyền) luôn luôn được hổ trợ bởi một đơn vị chuyên trách của lĩnh vực liên quan nhằm thống nhất với CĐT và lên chương trình cụ thể về công trình cần đầu tư. Chương trình đầu tư trong lĩnh vực kiến trúc có tên gọi tiếng Pháp là Programmation Architecturale bao gồm việc thống nhất về công trình đầu tư gồm những hạng mục có liên quan, thực hiện Nhiệm vụ thiết kế, và dự phòng toàn bộ vốn đầu tư, cũng như kinh phí cần thiết khi đi vào hoạt động và công tác bảo quản bảo trì.

Hiện nay quy trình thực thi một dự án đầu tư ở Việt Nam cũng khá chặt chẽ và rất gần với những nước khác. Tuy nhiên điều khác biệt xin nhấn mạnh ở bài viết này nằm ở nhiệm vụ thiết kế.
Nhiệm vụ thiết kế: tiếng Pháp gọi đơn giản là Programme. Đơn vị thực hiện nó được gọi là Programmiste. Ở Pháp, nhiệm vụ thiết kế (le programme) không phải là công việc của kiến trúc sư, mà đó là công việc của những chuyên viên chuyên trách.
Để thực hiện được một nhiệm vụ thiết kế, họ phải cập nhật rất nhiều thông tin, điều kiện kỹ thuật phù hợp với nhu cầu hoạt động, công nghệ mới, kỹ thuật mới, thiết bị mới, vv… mà một đơn vị tư vấn thiết kế không thể đảm trách được.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể lấy trường hợp trong lĩnh vực y tế như bệnh viện. Trong đó họ mô tả chi tiết từng không gian bao gồm chức năng, điều kiện kỹ thuật, môi trường hoạt động, ánh sáng tự nhiên hay không, lượng ánh sáng cần thiết là bao nhiêu, vv… và khi cần thiết, họ cung cấp luôn thông số kỹ thuật của những thiết bị, máy móc…
Một nhiệm vụ thiết kế chi tiết như vừa nêu mang tính pháp lý, cũng như rất hữu ích cho tất cả các bước thiết kế, từ giai đoạn ý tưởng cho đến thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công. Nếu xảy ra sự cố, những thông tin trong nhiệm vụ thiết kế sẽ làm cơ sở cho việc xác định trách nhiệm của từng đối tác.
- Thiết kế kiến trúc: Giai đoạn này là công tác chọn phương án kiến trúc bằng phương thức lựa chọn và chỉ định qua hồ sơ năng lực (kinh nghiệm), hoặc tổ chức thi mở hoặc giới hạn số đơn vị tham gia. Nói chính xác hơn giai đoạn này mới đúng nghĩa là công việc của kiến trúc sư. Như đã nói ở trên, nếu nhiệm vụ thiết kế được thực hiện rất chi tiết thì ngay cả một đơn vị tư vấn “thiếu kinh nghiệm” cũng có thể tham gia – ít nhất là ở giai đoạn ý tưởng. Nói như thế cũng không có nghĩa là yếu tố kinh nghiệm bị bỏ qua. Nhưng một nhiệm vụ thiết kế chi tiết sẽ là “cánh cửa mở” cho những trường hợp được cho là “thiếu kinh nghiệm”, và cũng để tránh tình trạng xây dựng xong mà không sử dụng được như đã từng xảy ra ở Việt Nam.
2. Yếu tố sáng tạo
Như chúng ta đều biết, kiến trúc là một lĩnh vực bao hàm tính văn hóa nghệ thuật rất cao. Như ở Pháp, những cơ sở đào tạo kiến trúc sư đều nằm dưới đơn vị chủ quản và cấp bằng là Bộ Văn Hóa. Đơn giản chỉ vì một “tác phẩm” kiến trúc có liên quan mật thiết đến yếu tố con người. Thì kỹ thuật và công nghệ xây dựng chỉ chiếm một phần và là “phương tiện” (đương nhiên phải đạt) cho “bài toán” tổng thể là tác phẩm kiến trúc. Như ở Pháp, họ gọi kiến trúc sư là Maitre d’Oeuvre để chỉ tác giả của một công trình. Trong đó chúng ta thấy 2 từ chính là Maitre là Thầy (như từ Sư trong tiếng Việt) và Oeuvre là Tác phẩm.
Chính tính sáng tạo trong một công trình kiến trúc sẽ tạo nên một tác phẩm độc nhất và bản sắc riêng của nó, nhất là cho một công trình mang tính biểu tượng như Nhà hát giao hưởng là điều chúng ta không nên xem nhẹ. Đặc biệt ở Việt Nam, trong mọi công trình quan trọng, chúng ta đều đòi hỏi phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ở đây, KTS xin tóm tắt ngắn gọn ưu và khuyết điểm giữa 2 yếu tố kinh nghiệm và sáng tạo như sau:
- Kiến trúc sư (nước ngoài) có kinh nghiệm về nhà hát giao hưởng: quả thật về lĩnh vực này, kiến trúc sư nước ngoài cũng không có nhiều cơ hội thiết kế thể loại công trình này – đơn giản vì nó rất hiếm được đầu tư trên thế giới. Ngay cả ở các nước phương Tây. Vì vậy yếu tố kinh nghiệm về lĩnh vực này cũng rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên yếu điểm của họ là “nắm bắt” được yếu tố văn hóa. Vì không phải đơn giản qua một cuốn sách, hay một bài báo, mà ngược lại phải trải qua một quá trình lâu dài tìm hiểu mới nắm rõ được tính đa dạng văn hóa của một dân tộc, một đất nước và con người ở nước đó. Bằng chứng qua nhiều thập kỷ phát triển, chúng ta thường gặp phải “ý tưởng” thiết kế là Hoa Sen từ Bắc chí Nam… khi đơn vị thiết kế là người nước ngoài.
- Kiến trúc sư (trong nước) thiếu kinh nghiệm về nhà hát giao hưởng: điều này thì chúng ta đều biết. Tuy nhiên “yếu điểm” này có thể được hỗ trợ, bù đắp khá nhiều nếu có một nhiệm vụ thiết kế rất chi tiết như nói trên.
Ngược lại điểm mạnh của kiến trúc sư trong nước đó là họ được đắm chìm trong nền văn hóa Việt từ nhỏ. Sau đó qua quá trình được đào tạo chuyên ngành, họ cũng được học hỏi và hiểu biết rất nhiều. Bởi vậy kiến trúc sư nước ngoài khó thể nào so được.
Cũng như chúng ta đều biết, sự sáng tạo không bao giờ đến từ cái KHÔNG, mà luôn luôn đến từ một tiềm thức ẩn nấp trong nội tại của người sáng tác.
Trở lại câu chuyện Nhà hát giao hưởng của thành phố Hồ Chí Minh, và cũng nhằm giải tỏa chất vấn “Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam?”, những thông tin có được từ Nhà hát giao hưởng Bastille – Paris (có thể) sẽ rất hữu ích cho chúng ta.
Nhà hát giao hưởng Bastille Paris:

- Quy mô công trình: Nhà hát giao hưởng Bastille là nhà hát giao hưởng hiện đại. Với quy mô 2745 chỗ ngồi, là một trong những nhà hát có quy mô lớn nhất thế giới. Trong đó có thể kể đến như Concert Hall – Opera Sydney 2679 chỗ ngồi, Nhà hát Bolchoi ở Moscou 1720 chỗ và hơn 2/3 quy mô của Metropolitan Opera của New York với 3800 chỗ. Thời bấy giờ, Opera Garnier được cho là quá giới hạn về lượng khách cũng như bị lỗi thời về mặt kỹ thuật, do vậy, Bộ trưởng Văn Hóa Jacques Lang đã đề nghị đầu tư Nhà hát hiện đại hơn và “mở” rộng cho dân chúng hơn. Dự án này được Tổng thống Francois Mitterrand đồng thuận quyết định đầu tư vào năm 1982. (1)

- Công tác tổ chức thi và chọn phương án: Vào năm 1983, cuộc thi phương án kiến trúc được mở ra cho kiến trúc sư trên toàn thế giới. Kết quả là có tổng cộng khoảng 1700 đơn vị tham gia.
Kết quả được ông bố chính thức vào ngày 7/11/1983 và tác giả phương án được chọn là KTS Carlos Ott, một kiến trúc sư Canada gốc Uruguay. (1)

Một câu chuyện “bên lề” được kể với nhau trong giới kiến trúc sư ở Paris thời đó về cuộc thi này: Đây là một cuộc thi ẩn danh. Khi phương án cuối cùng đã được chọn nhưng chưa biết được chính thức tên của tác giả, thì qua ngôn ngữ kiến trúc, có người trong ban tổ chức đã chủ quan gọi điện thoại báo tin vui cho văn phòng của kiến trúc sư Richard Meier… và họ đã mở champagne uống mừng chiến thắng.
Đến khi các phương án được mở ra chính thức thì đó là Carlos Ott chứ không phải Richard Meier như mọi người nghĩ. Lúc đó không một ai biết đến Carlos Ott và chưa bao giờ nghe nói đến…
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng đây là cuộc thi MỞ cho tất cả các kiến trúc sư mà không đặt nặng yếu tố kinh nghiệm, khi số lượng kiến trúc sư tham dự và kết quả chính là minh chứng cho điều này. Vị kiến trúc sư Carlos Ott vào lúc đó không có tiếng tăm gì, cũng như chưa hề có kinh nghiệm về nhà hát giao hưởng.
Sau đó, để thực hiện công trình, một đơn vị tư vấn khác ở Paris đã đảm nhiệm công việc lựa chọn những đối tác cần thiết về âm thanh, sân khấu và ánh sáng… để thực hiện các bước tiếp theo. Thời đó, giới kiến trúc sư hay nói đùa: “Sướng như Carlos Ott… Giờ chỉ cần ăn tiền tác giả rồi đi du lịch. Khỏi phải bám theo triển khai chi cho mệt.”
- Nhà hát giao hưởng Bastille chính thức khánh thành vào ngày 13/07/1989 nằm trong Chương trình Đại lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp với sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo các quốc gia và chính phủ mà trong đó có thể nêu lên như Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, thủ tướng của các nước như Margaret Thatcher (Anh), Brian Mulroney (Canada), Rajiv Gandhi (Ấn Độ).
- Quy mô và vốn đầu tư: Tổng diện tích sàn 160000m2 (1), và theo báo cáo của Thượng viện (Sénat), tổng vốn đầu tư là 2996 triệu Franc (2) – gần 3 tỉ franc. Với đơn giá hoán đổi vào năm 1989, tương đương khoảng 470 triệu USD. (3)
Tóm lại, với những thông tin vừa nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng NẾU chúng ta có khâu chuẩn bị đúng nghĩa, với một nhiệm vụ thiết kế thật sự chi tiết, thì kiến trúc sư trong nước hoàn toàn có thể tham gia thi phương án với ưu thế về mặt văn hóa. Sau giai đoạn ý tưởng, phương án được chọn sẽ phối hợp với những đối tác của từng lãnh vực như âm thanh, ánh sáng, nghệ thuật sân khấu, vv… để triển khai dự án. Ngay cả các kiến trúc sư nước ngoài cũng phải đi qua những công đoạn này và các đối tác tương tự.
Thêm một lo âu nữa là vấn đề ngân sách đầu tư. Qua Nhà hát Bastille chúng ta thấy: dù là quy mô lớn hơn Nhà hát Thủ Thiêm (Nhà hát Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng vào thời điểm đó, ngân sách cần thiết tương đương 470 triệu USD. Bây giờ – nghĩa là hơn 30 năm sau, ngân sách cho dự án của chúng ta chỉ tương đương 65 triệu USD thì liệu chúng ta có làm nổi không? Hay rồi sẽ “đội vốn” lên gấp nhiều lần mà chúng ta không thể kiểm soát được. Đó là chưa kể đến chi phí hoạt động sau này.
KTS Phan Tấn Lộc

KTS Phan Tấn Lộc
Ngày và nơi sinh : 18/07/1959 – Nha Trang, Việt Nam
Kiến trúc sư D.P.L.G. (Diplômé Par Le Gouvernement – Pháp).
496/63/29Q Dương Quảng Hàm, P.6, Q. Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh
Điện thoại di động : 0918335747
Học tập và làm việc 25 năm ở Pháp, trong đó 20 năm ở Paris và 17 năm ở Việt Nam. Ông từng công tác ở các Văn phòng KTS Claude PARENT – Hàn lâm viện gia, Jacques COUELLE – Hàn lâm viện gia, Claude VASCONI, Jean NOUVEL – Giải Pritzker 2008, Paul Andreu – Hàn lâm viện gia.
Tham gia thiết kế Opéra de Lyon của Kts Jean Nouvel
Chef équipe thi công trình Nhà hát Đa năng (2000 chỗ ngồi) Thành phố Dijon – Pháp của Kts Claude Vasconi.
Chú thích:
1/ https://fr.wikipedia.org/wiki/Op%C3%A9ra_Bastille
2/ https://www.senat.fr/questions/base/1990/qSEQ900409238.html
3/ https://perspective.usherbrooke.ca/bilan/tend/FRA/fr/PA.NUS.FCRF.html
Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc
XEM THÊM:
- Một gợi ý cho cuộc thi thiết kế nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm ?
- Thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm: Cơ hội nào cho Kiến trúc sư Việt Nam?
- Thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm
- Các KTS nổi tiếng dùng cấu trúc vỏ sò thiết kế nhà hát ngoài trời thế nào ?
- KTS Lê Trương: “Sự sáng tạo không nên phân biệt ranh giới giữa KTS Việt Nam & Quốc tế”