Tiếp theo chia sẻ của KTS Nguyễn Văn Tất về việc cần thiết của một quy chế cũng như quy trình thi tuyển kiến trúc hợp lý, công bằng và văn minh tại Việt Nam, ở phần II này, tác giả nêu lên đề xuất một cách nghĩ và cách ấn định những nội dung cần thiết để một cuộc thi thiết kế kiến trúc đạt được kết quả tốt đẹp nhiều mặt.

Phần I: Thực trạng tổ chức thi tuyển kiến trúc trong 20 năm qua

Phần II: Đề xuất một cấu trúc tổng quát trong thi tuyển kiến trúc

1. ĐỊNH DẠNG VÀ ĐỊNH LƯỢNG ĐỀ BÀI THI TUYỂN KIẾN TRÚC

1.1 Giá trị kiến trúc: cần định lượng mối tương quan trong thang giá trị kiến trúc mà đồ án thi cần đạt :

  •  Hiểu biết sâu Kỹ thuật ,thiết bị chuyên dùng
  •  Dây chuyền công năng nghiêm ngặt, phức tạp
  •  Giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng cụ thể
  •  Có tính biểu tượng, tính triết lý
  •  Ngân sách được ấn định ngặt nghèo
  •  Môi trường sinh thái đặc thù cụ thể

1.2 Quy mô: tác động của đồ án ở phạm vi cộng đồng địa phương, tỉnh thành phố, quốc gia hay quốc tế.

1.3 Thách thức cụ thể của cuộc thi: ngoài những yêu cầu căn bản của một công trình kiến trúc, Đề bài đã nêu được những thách thức cụ thể nào cần chinh phục (mà ngay cả ban giám khảo cũng không thể dự đoán có câu trả lời nào tốt nhất!). Những cuộc thi quan trọng trên thế giới, Ban tổ chức mời hẳn một hội đồng nghiên cứu và xây dựng đề bài thi, cũng vì mục đích quan trọng này.

1.4 Giải thưởng cuộc thi: Bắt buộc phải công bố. Ngoài việc tạo động lực thi, còn là sự công bằng với người dự thi.( như đã phân tích ở trên)

1.5 Ban giám khảo: Tùy theo nội dung, quy mô dự án mà cơ cấu Ban giám khảo phù hợp. Ngoài một số đại diện hợp lý, đa số trong BGK nên là người có thành tích và uy tín cao trong thiết kế kiến trúc (hoặc trong  thể loại đề tài thi), tránh sa đà vào cơ cấu học hàm, học vị, quan chức… sẽ thiếu “hơi thở” của cảm xúc nghề nghiệp – dư vị quan trọng của mỗi cuộc thi. Và danh sách Hội đồng giám khảo được công bố cùng lúc với quy chế thi. Điều này, thường là phần đại diện quan trọng cho uy tín cuộc thi, thu hút nhiều thành phần dự thi nghiêm túc hay không.

Ngoài ra, trong ban giám khảo nên có người đã tham gia trước trong hội đồng soạn thảo đề bài, để có sự kết nối sâu sắc BGK với thách thức cuộc thi trong giai đoạn chấm thi về sau.

1.6 Bản quyền thiết kế: Nhất thiết phải khẳng định, bản quyền thiết kế cùng với thiết kế phí độc lập với giải thưởng cuộc thi (tránh trường hợp CĐT áp lực KTS giảm giá, nếu không sẽ đàm phán với phương án tiếp theo). Và bản quyền thiết kế sẽ phải thương lượng nếu CĐT chọn đơn vị khác làm khai triển.

Sau khi định dạng và định lượng được đề bài theo các nội dung căn bản trên , nhà tổ chức sẽ có căn cứ xác định loại hình thi tuyển kiến trúc.

KTS Nguyễn Văn Tất: Cần một quy chế thi tuyển kiến trúc hợp lý (P.II)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

2. CÁC LOẠI HÌNH THI TUYỂN KIẾN TRÚC

Ngoài các thể loại và quy mô công trình CĐT được quyền chọn mặt gửi vàng, các cuộc thi tuyển kiến trúc bắt buộc (hoặc CĐT tự quyết định tổ chức thi) nên chọn một loại hình, hoặc vài loại hình tuần tự theo các bước được công bố trước trong đề thi.

2.1 .Thi tuyển chọn năng lực và kinh nghiệm nhà thiết kế  dựa  theo mức độ đáp ứng đề bài bằng hồ sơ năng lực.

Loại hình này chỉ áp dụng riêng lẻ trong trường hợp CĐT có quyền chỉ định nhà tư vấn.

Trong trường hợp làm bước 1 trong cuộc thi nhiều bước:

  • Cần có một tỉ lệ bắt buộc (15% -> 20%) dành cho KTS trẻ, có thành tích đặc biệt (được tổ chức xã hội nghề nghiệp giới thiệu hoặc điều kiện chọn lựa của nhà tổ chức)
  • Không đòi hỏi chi phí giải thưởng nhưng vẫn cần công bố danh sách Hội đồng tuyển chọn.

2.2 Thi ý tưởng thiết kế.

Có thể là một cuộc thi độc lập, đề tài mở nhắm đến những ý tưởng triết lý, biểu tượng kiến trúc độc đáo,giải pháp mới lạ… không phụ thuộc kinh nghiệm, tuổi tác người dự thi (như cuộc thi đài tưởng niệm chiến tranh VN của Mỹ, người chiến thắng trong hàng ngàn KTS dự thi – Maya Ying Lin – khi ấy mới chỉ là SV kiến trúc năm cuối.)

Loại hình này có thể thi độc lập. Hoặc nếu làm bước 1 cho thi thiết kế phương án ở bước 2 thì vẫn có giải thưởng độc lập, đồng hạng cho các PA được chọn vào bước 2, nhưng chỉ được chi trả khi có nộp hồ sơ bước 2 hợp lệ. Nghĩa là phương án đạt giải cuối cùng vẫn nhận đủ giải thưởng cả 2 giai đoạn.

Trong các cuộc thi quốc tế mở rộng, nếu CĐT e ngại quanh vấn đề kinh nghiệm thì loại hình (hoặc giai đoạn thi ý tưởng này) sẽ thỏa mãn nhu cầu lợi ích dự án với lợi ích phát triển nhân lực sáng tạo trẻ, công bằng với KTS cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nếu đề tài thi có nội hàm công nghệ kỹ thuật chuyên biệt, nhà tổ chức cần phải quan tâm đến kinh nghiệm trực tiếp của các thành viên BGK hoặc tổ chức riêng tổ chuyên gia kỹ thuật để hổ trợ đánh giá hướng khả thi cùng với BGK.

2.3 Thi thiết kế phương án kiến trúc.

Nội dung thi này khá quen thuộc và phổ biến từ trước đến nay. Đó là một hồ sơ đệ trình có nội dung đầy đủ từ đánh giá hiện trạng, ý tưởng thiết kế, các bản vẽ kiến trúc đồng bộ, phối cảnh, mô hình… của công trình tương lai. Nói chung về mặt trực quan, CĐT hay BGK nào cũng muốn nhắm ngay đến khối lượng hoàn thành này để dễ dàng mang ra so sánh.

Không nói đến khối lượng nghiên cứu, chỉ riêng đầu tư thể hiện đã cần rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Ở bước này, sự vượt trội về bộ máy, công nghệ và tài chính thể hiện rất rõ ràng. Đây cũng là sự thất thế rõ nhất của các đơn vị tư vấn trong nước so với nước ngoài. Nếu nói về thi công bằng, loại hình thi 1 bước quen thuộc này hiện nay lại trở nên thiếu công bằng đối giữa các công ty lớn nhỏ khác nhau trong nước, giữa công ty trong nước và nước ngoài .

2.4 Một cuộc thi tổ hợp nhiều bước.

Là hướng đi phù hợp đối với các công trình phức tạp, có đòi hỏi tính ý tưởng cao, có đòi hỏi kinh nghiệm quốc tế v.v..

Đây là công việc của nhà tư vấn tổ chức thi tuyển kiến trúc của CĐT.

Tổng hợp theo phân tích đánh giá; sự phù hợp theo thông tư, nghị định; sự đồng thuận của CĐT, nhà tư vấn sẽ trình một quy chế thi tuyển kiến trúc cho cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy chế được phê duyệt này sẽ là văn bản pháp quy đảm bảo lợi ích hợp pháp và công bằng cho nhà tổ chức và người dự thi. Thí dụ tùy nhận định của nhà tư vấn, quyền của CĐT, quy mô và đặc điểm công trình, yêu cầu pháp lý… mà có thể chọn.

  • 1 bước 2.1
  • 1 bước 2.2
  • 1 bước 2.3
  • 2 bước ( 2.1+ 2.2)
  • 2 bước ( 2.1+ 2.3)
  • 3 bước ( 2.1+ 2.2+ 2.3)

Không thể và không nên quy định một quy trình cứng nhắc cho các cuộc thi thiết kế kiến trúc.

Dù là hình thức nào, mục tiêu chính của các cuộc thi là người tổ chức, người tham gia và cả xã hội đều hồ hởi nhận được từ đó giá trị cao của sản phẩm, lòng tự hào nghề nghiệp và sự phát triển tiếp nối lành mạnh của nguồn nhân lực sáng tạo kiến trúc trong tương lai.

KTS Nguyễn Văn Tất: Cần một quy chế thi tuyển kiến trúc hợp lý (P.II)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

KẾT LUẬN:

Phân tích như trên cũng là xác định sự cần thiết ban hành một quy chế – quy trình thống nhất để thực hiện – quy định thi tuyển kiến trúc bắt buộc cho các công trình dự án. Kể cả các công trình đầu tư của tư nhân, họ cũng cần (và bắt buộc) có cơ hội tổ chức hợp lệ và thu lợi từ các cuộc thi một cách bình đẳng với những người làm kiến trúc.

Nghiên cứu và đề xuất một dự thảo ban đầu không ai tốt hơn là Hội KTS Việt Nam, (theo Luật định là Hội Đồng KTS hành nghề của Hội) người hiểu biết và đại diện được quyền lợi và nghĩa vụ của mọi KTS thành viên. Cần tiến hành tổ chức thực hiện khẩn trương, việc thống kê nghiên cứu, hội thảo, phối hợp để sớm hoàn thành dự thảo thông tư riêng về quy chế thi tuyển kiến trúc.

Và cuối cùng là việc ban hành từ phía quản lý nhà nước một quy chế và quy trình thi tuyển kiến trúc.

Chúng ta tin tưởng vào thành công của đề án vì sự quan tâm bức xúc hàng ngày của mọi KTS đang làm nghề và đang trăn trở về một môi trường hành nghề kiến trúc lành mạnh và đầy hứng khởi.

(Biên tập các ý kiến đã phát biểu từ 2009 đến nay)

                                          TP. HCM tháng 7.2020

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất

XEM THÊM:

———

Chúng tôi (kienviet.net) rất mong nhận được nhiều hơn những ý kiến của các KTS trong giới nghề về vấn đề thi tuyển kiến trúc tại Việt Nam, nhờ đó thể tác động tới những người làm luật, thay đổi nhận thức cộng đồng, góp phần thay đổi những bất cập, thúc đẩy luật pháp, xây dựng môi trường hành nghề, nuôi dưỡng tài năng và kiến tạo đạo đức hành nghề như chính Hội KTSVN đang chủ trương thực hiện.

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
0 ho guom
Thông báo số 3 – Festival sinh viên kiến trúc toàn quốc 2010

Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, trường ĐH Xây dựng Hà Nội tổ chức Read more

Xung quanh việc Hà Nội dựng 5 cổng chào, Hội Kiến trúc sư VN: Chỉ nên làm cổng chào nhỏ

Chiều 28-6, Hội Kiến trúc sư VN đã có cuộc họp góp ý kiến về việc xây dựng 5 cổng Read more

2420845256 4f08b08d97 o
Hội KTSVN gửi "ý kiến đóng góp cho Quy hoạch HN" lên VP TW Đảng

Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) đã nhận được văn bản số 10204, ngày 17 tháng 8 năm 2010, Read more

113 1
CLB KTS Trẻ: gian nan một chặng đường

Ngày 02/12/2010 tại Đà Nẵng, Ban chấp hành Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ có buổi họp bàn, nhằm Read more

truong hoc tong the xong anh 1 1
Thông báo: Mời thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình trường THPT chuyên Biên Hòa

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số II – Thành phố Phủ Lý trân trọng kính mời Read more

bando hanoi morong 1
Cuối năm nói chuyện Quy hoạch thủ đô

Sau khi mở rộng, Hà Nội trở thành một trong những Thủ đô rộng nhất châu Á. Việc mở rộng Read more