Từ câu chuyện cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế Nhà hát Thủ Thiêm, KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ tới độc giả kienviet.net ý kiến tâm huyết của tác giả về việc cần thiết của một quy chế cũng như quy trình thi tuyển kiến trúc hợp lý, công bằng và văn minh tại Việt Nam.
Lời tựa Ban Biên Tập:
Bài viết sau đây của KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ góc nhìn tận tâm của ông dưới vai trò là KTS hành nghề, làm giám khảo, lãnh đạo Hội KTSVN và chứng kiến nhiều sự đổi thay của môi trường kiến trúc nước nhà trong 20 năm qua.

Như một bản tổng kết, KTS Nguyễn Văn Tất đưa vào bài viết góc nhìn từ bối cảnh lịch sử, góc nhìn của chủ đầu tư, bản chất cốt lõi của vấn đề thi tuyển phương án, các phương thức đảm bảo cho một cuộc thi kiến trúc thành công – không chỉ ở việc tìm ra một phương án phù hợp với đầu bài, mà còn là giải quyết đồng thời rất nhiều vấn đề liên quan: kinh tế, chính trị, xã hội và thậm chí còn giúp cho CĐT cũng như những nhà làm luật một gợi ý tốt để nâng tầm công tác thi tuyển kiến trúc ở Việt Nam.
Phần I: Thực trạng tổ chức thi tuyển kiến trúc trong 20 năm qua
Cân nhắc, chọn lọc đồ án kiến trúc tốt nhất cho bất kỳ một dự án xây dựng nào là điều bình thường, hợp lý. Cả thế giới, và tất nhiên có chúng ta, đã có quy định và thực hiện quy định tổ chức thi tuyển chọn đồ án kiến trúc từ rất nhiều năm qua. Đã có nhiều cụôc thi được tổ chức quy mô, tốn kém, kéo dài – nhưng xem ra, kết quả so với mong muốn từ các cuộc thi rất hạn chế. Rõ nhất, trên các góc độ sau:
- Cuộc thi không chọn được phương án tốt, tổ chức nâng cấp nhiều lần như một quá trình điều chỉnh thiết kế, kéo dài, mất sức (cả người thi lẫn nhà tổ chức)
- Cuộc thi không thu hút được ngay từ đầu các đơn vị mạnh, có tên tuổi.
- Phương án trúng giải khi được thi công xong không như hình dung mong đợi của Chủ đầu tư.
- Quy định thi tuyển là bắt buộc nhưng hiệu quả đóng góp những tác phẩm kiến trúc độc đáo vào nền kiến trúc chung thì không gây đựơc ấn tượng nào rõ nét.
- Cuối cùng, quy định thi tuyển kiến trúc thay vì tạo một sân chơi hào hứng danh giá cho giới KTS, một công cụ mang lại lợi ích to lớn cho nhà tổ chức, nó lại trở thành một thủ tục mà mọi thành phần có liên quan đều âu lo, cân nhắc, so đo trước khi tổ chức hay tham dự.
Vì vậy, khi khẳng định ủng hộ một quy định bắt buộc về thi tuyển đồ án kiến trúc, thì thái độ hợp lý, tích cực tiếp theo là chúng ta CẦN CÓ MỘT QUY CHẾ VÀ QUY TRÌNH TỔ CHỨC CÁC CUỘC THI KHOA HỌC, ĐÚNG LUẬT ĐẦY TÍNH HẤP DẪN VÀ VINH QUANG NGHỀ NGHIỆP.
Lộ trình đó, chúng tôi nghĩ, bước đi đầu tiên thuộc về quyền lợi và trách nhiệm của Hội KTS Việt Nam (Hội đồng hành nghề KTS – theo Luật Kiến trúc). Và kế đến, dự thảo quy chế được ban hành như một thông tư liên tịch nhằm thực hiện một cách hiệu quả nhất quy định thi tuyển kiến trúc (hiện đã có Luật Kiến trúc và Nghị định mới, có thể có một thông tư riêng về Quy chế thi tuyển kiến trúc).
Có nhiều bất cập như là một phần nguyên nhân làm vấn đề thi tuyển kiến trúc thời gian qua chưa trở thành một sinh hoạt nghề nghiệp có giá trị kinh tế xã hội cao. Có thể nêu lên một cách tản mạn dưới đây:
1. TÍNH CHÍNH DANH CỦA CÁC CUỘC THI KHÔNG RÕ:
Các “sĩ tử” KTS dự thi thì có ngay một bảng liệt kê chi tiết bao nhiêu thứ phải tuân thủ, chứng nhận hành nghề, thậm chí tiền mua tài liệu và bảo lãnh ngân hàng. Còn nhà tổ chức thì không có một cơ chế nào xác định tính hợp lệ của BTC, các điều khoản mời thi được công bố, sự hợp lý của đề thi, giải thưởng, quyền tác giả…
Rõ ràng, quyền lợi của KTS dự thi không được bảo vệ bằng quy chế mà các KTS dự thi tự nguyện chấp nhận rủi ro như mọi cuộc làm ăn riêng rẽ.
Trong khi Hội KTS quốc tế từ lâu đã có cương lĩnh hành nghề, có quy chế tổ chức concours kiến trúc quốc tế với bài bản khoa học đậm chất nghề nghiệp và nhất là được các tổ chức thương mại quốc tế công nhận.
Mỗi cuộc thi có thể khác nhau về chi tiết, nhưng tính chính danh của một ban tổ chức phải được xác nhận “đủ tiêu chuẩn” bởi một quy chế công khai hoặc được phê chuẩn bởi một tổ chức có uy tín và thẩm quyền.
2. MỤC TIÊU CUỘC THI VÀ TÍNH KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT CỦA ĐỀ BÀI KHÔNG ĐƯỢC CHÚ TRỌNG:
Đa phần các cuộc thi, kể cả nhiều cuộc thi tổ chức rất cầu kỳ, nhưng điều rất quan trọng đầu tiên lại không được đầu tư là một đề bài đảm bảo nêu được những thách thức có chất lượng nghệ thuật và khoa học. Vì nếu không thì cũng chỉ loanh quanh những vấn đề chung chung như công năng, bền vững, kinh tế và đẹp. Nhiều cuộc thi quốc tế, một hội đồng soạn đề thi được thành lập trước khi công bố cuộc thi hàng năm trời (như cuộc thi công viên La Villette năm 1985). Thách thức không rõ, câu trả lời sẽ rất chung. Đó là lý do nhiều cuộc thi đã phải tiếp tục “nâng cấp” vòng 2, vòng 3 có khi vòng 4!
Hóa ra không còn là thi nữa mà nhiều KTS làm nhiều đồ án cùng lúc tới hết bước sơ bộ. Những KTS được chọn nâng cấp kiểu này thật là mỏi mệt và ngán ngẩm!

Nhiều cuộc thi, công tác xin chủ trương, chuẩn bị thủ tục, chấm thi… diễn ra hàng năm trời. Trong khi thời gian dành cho nghiên cứu, thể hiện chỉ 20 ngày hoặc một tháng!
Hoặc mục tiêu thi mới chỉ là bước tổng thể kiến trúc của một đồ án với hàng trăm ngàn mét vuông sàn xây dựng, mà đòi hỏi thể hiện các mặt cắt hạng mục đến tỉ lệ 1/100, làm mô hình kiến trúc 1/200.
Rõ ràng, không có sự đầu tư xây dựng nghiêm túc một đề bài thi sẽ làm phân tán sự nỗ lực của người tham gia cho mục tiêu cần nhất. Còn đối với những người có năng lực và kinh nghiệm thì họ thường từ chối tham dự!
3. BAN GIÁM KHẢO, NGƯỜI CẦM CÂN NẨY MỰC, CHƯA GÓP PHẦN TẠO SỨC THU HÚT CHO CUỘC THI:
Mời và công bố một “ban giám khảo có thương hiệu” cùng lúc với đề tài là việc chưa được chú trọng trong hầu hết các cuộc thi trước đây. Có thể những lợi ích của nhà tổ chức (dù chính đáng) đã lấn át những tác động tiêu cực còn lớn hơn nhiều. Sự thực, trong hoạt động nghề nghiệp lâu dài thành quả được công nhận từ các ban giám khảo danh giá nhiều khi còn quan trọng hơn một hợp đồng kinh tế được ký kết. Điều này đặc biệt đúng trong các cuộc thi quốc tế. Vì vậy, một đề tài chuẩn bị nghiêm túc cùng với một ban giám khảo uy tín luôn đảm bảo một sức mời gọi tốt. Và các KTS có tư duy nghề nghiệp nghiêm túc luôn xem trọng điều này trước khi quyết định dự thi.
4. CHƯA CÓ SỰ ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG HỢP LÝ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ QUA CÁC CUỘC THI:
Rất thường khi, giải nhất cuộc thi chỉ là một lời hứa hẹn: Sẽ đàm phán ký hợp đồng thiết kế xây dựng công trình. Còn giải nhì, ba… thì có một ít tiền, không đủ để làm mô hình dự thi.

Trong một cuộc thi, ngoài KTS của phương án trúng giải, số đông người dự thi là người thất bại, nghĩa là đầu tư vật lực, ý tưởng dự thi với rất nhiều rủi ro. Vậy thì giải nhất, hay chí ít tổng các giải nhất – nhì – ba, nên tương đương với giá trị concept design trên tổng giá trị đầu tư công trình. Và khoản này phải độc lập với thiết kế phí – bởi nếu như lâu nay, vẫn cùng một “miếng bánh” thiết kế phí thôi, dưới danh nghĩa một cuộc thi nhà tổ chức đã “lạc quyên” được rất nhiều chất xám của KTS. Đó là một sự bất bình đẳng – và hơn nữa, sự lãng phí lớn nhân lực của xã hội. Nghiêm trọng hơn, có nhà tổ chức còn tuyên bố tất cả tác phẩm được gửi đến dự thi (có hỗ trợ tiền giấy mực đôi chút) thuộc quyền sử dụng của ban tổ chức. Trong khi đúng lý ra, ngay những đồ án được giải và phát thưởng vẫn được quyền giữ nguyên quyền tác giả.
5. HỘI KTS CHƯA SỬ DỤNG ĐƯỢC CÁC CUỘC THI TUYỂN KIẾN TRÚC NHƯ MỘT ĐỘNG LỰC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC KIẾN TRÚC:
Điều quan trọng đầu tiên là huy động được các KTS hồ hởi tham gia vào các cuộc thi tuyển kiến trúc. Có thể có sự ái ngại từ các KTS trẻ cảm thấy cuộc chơi quá tầm do đòi hỏi đầu tư quá lớn và thể hiện trong thời gian quá ngắn. Có thể có sự ái ngại từ phía các KTS có kinh nghiệm thi thấy cuộc thi được tổ chức không đảm bảo sự nghiêm túc, bình đẳng và chất lượng khoa học, nghệ thuật .
Nhiều cuộc thi ý tưởng đã đặt ra các rào cản thiếu cân nhắc ngay từ đầu (thí dụ như điều kiện đã từng làm công trình tương tự) khiến nhiều KTS trẻ so với KTS từng trải, nhiều KTS trong nước so với KTS nước ngoài đã bị “tước vũ khí” từ khi chưa đánh nhau. Mà thực ra ai cũng biết tính sáng tạo thường khi đối lập với kinh nghiệm và thói quen. Rào cản này sẽ không có nếu Hội KTS có thẩm quyền đối với các cuộc thi kiến trúc. Ngược lại cần phải có quy chế khuyến khích và tạo điều kiện để lực lượng KTS trẻ, KTS trong nước tham gia tích cực vào các sân chơi lớn vượt tầm. Trong trường hợp đó, sự thành công dù xác xuất nhỏ luôn có sức động viên lực lượng rất lớn ( như kinh nghiệm từ các giải thưởng quốc tế trước nay.)
Các Ban tổ chức thi kiến trúc cần quan tâm và được yêu cầu quan tâm đến trọng trách xây dựng nguồn nhân lực tương lai qua các cuộc thi ngoài một số lợi ích riêng trước mắt của một vài dự án.
6. ĐẦU TƯ SƠ SÀI NHƯNG ĐẶT KỲ VỌNG QUÁ LỚN VÀO SẢN PHẨM DỰ THI:
Nói cách khác là nhà tổ chức không rõ mình cần thi nội dung gì. Mới chỉ tìm ý tưởng thì đề bài không cần đòi hỏi diễn họa kỹ thuật,phối cảnh, mô hình …quá mất sức . Và có những cuộc thi đòi hỏi thể hiện nhiều như vậy lại chỉ cho thời gian nghiên cứu và thể hiện trong một tháng không hơn, lại với giá trị một giải nhất không đủ… làm mô hình.
Chúng ta cần ủng hộ sự chọn lọc thông qua thi tuyển kiến trúc, nhưng không nên xem đó là con đường duy nhất với một sản phẩm duy nhất là một đồ án kiến trúc có thể triển khai thi công ngay. KTS bậc thầy Richard Mayer đã từng lên án các cuộc thi chỉ chăm chăm góp nhặt các mẫu design mà quên đi mục tiêu lớn nhất của mỗi cuộc thi kiến trúc là chọn được người KTS thích hợp, thông qua quan điểm sắc xảo của họ mà đồ án dự thi chỉ là một phương thức phát biểu bước đầu.
Trên thực tế, tùy trường hợp, tùy loại công trình cần có cơ chế rộng hơn cho khái niệm thi tuyển kiến trúc. Có thể có nhiều quy trình thi cho nhiều loại dự án lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp, thi trong nước hay quốc tế… Kể cả bắt buộc dự án tư nhân vẫn phải thi (vì có vị trí hay ý nghĩa văn hóa lịch sử nhạy cảm). Kể cả có những loại dự án chuyên ngành kỹ thuật, chủ đầu tư nhà nước vẫn được chọn mặt gửi vàng (những loại công trình không đặt nặng mục tiêu ý tưởng kiến trúc mà cần hiểu biết và kinh nghiệm kỹ thuật chuyên sâu, thực hiện nhanh và giảm thiểu sai sót).
(Còn tiếp)
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất
XEM THÊM:
KTS Lê Trương: “Sự sáng tạo không nên phân biệt ranh giới giữa KTS Việt Nam & Quốc tế”
Thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm
Phát động Cuộc thi Thiết kế Hanoi Green Design Competition
———-
Chúng tôi (kienviet.net) rất mong nhận được nhiều hơn những ý kiến của các KTS trong giới nghề về vấn đề thi tuyển kiến trúc tại Việt Nam, nhờ đó thể tác động tới những người làm luật, thay đổi nhận thức cộng đồng, góp phần thay đổi những bất cập, thúc đẩy luật pháp, xây dựng môi trường hành nghề, nuôi dưỡng tài năng và kiến tạo đạo đức hành nghề như chính Hội KTSVN đang chủ trương thực hiện.