The Nest là một căn nhà độc đáo mang trên mình hình dạng của một cái tổ quen thuộc trong văn hóa bản địa Châu Phi. Công trình không những là dấu mốc bản sắc, mà còn là sự thích nghi hoàn hảo với bối cảnh tự nhiên.
Thông tin dự án:
- Đơn vị thiết kế: Porky Hefer Design
- Năm dự án: 2018
- Địa điểm: Namibia
- KTS chủ trì: Porky Hefer
- Chủ đầu tư: Swen Bachran
- Nội thất: Yelda Bayraktar, Maybe Corpaci
- Nhiếp ảnh: Katinka Bester
Một tổ ấm nhỏ đôi khi có thể chứa đựng tinh thần của toàn bộ thiết kế và tiện nghi sử dụng. Đó là điều mà KTS Porky Hefer đã ấp ủ trong hơn 3 năm thực hiện dự án The Nest.

Thuyết minh bởi KTS:
“Chủ đầu tư là một người Namibia gốc Đức. Anh ấy gọi cho tôi và nói rằng sẽ đến thăm Namibia để xem xét các khu đất phù hợp cho việc nghỉ dưỡng. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng về một “cái tổ” dựa trên trang trại dệt đã được mua lại từ một nhóm thợ địa phương.”
“Tôi đưa ra một giải pháp kiến trúc thuần bản địa. Điều đó thể hiện bằng việc sử dụng vật liệu địa phương, đồng thời cũng là đội ngũ nhân công tại đây với các kỹ thuật xây dựng truyền tay từ lâu đời.” – Porky Hefer chia sẻ.

The Nest là một ý tưởng hay nhưng không dễ thực hiện, ngay cả chủ đầu tư cũng công nhận điều đó. Vì vậy, KTS đã phải dành tới 3 năm nghiên cứu về hình thức kiến trúc và trải nghiệm thực tế phương pháp thi công sao cho khả thi nhất.
XEM THÊM: Bird Nest – điểm kết nối cuộc sống hiện đại và văn hóa truyền thống Việt Nam
The Nest ra đời như một căn nhà hòa mình vào bối cảnh tự nhiên: vùng đất nóng quanh năm với những xa-van đậm chất hoang dã. Từ hình khối cho đến vật liệu, kết cấu… mọi thứ đều ăn nhập với núi non, cây bóng mát hay cảnh vật xung quanh


Quan trọng nhất với mỗi dự án luôn là các bản vẽ tay. The Nest cũng được bắt đầu với các bản phác thảo đơn giản của từng đơn vị ở phía trong; sau đó, dần dần phát triển thành cái tổ với cấu trúc nhà ba tầng: 4 phòng ngủ – phòng tắm.
Porky Hefer không hề thực hiện bất cứ bản vẽ 3D nào bởi quan niệm của ông ở yếu tố thực tế vô cùng khác, đặc biệt với một dự án đòi hỏi nhiều tư duy mới và những nét đặc trưng có sẵn.

Căn nhà sử dụng cấu trúc xương thép uốn, phía trên là lớp vật liệu lợp mái như cây lau, cây sậy … được thu hoạch ở khu vực phía Bắc Namibia. Các diện tường ở mặt tiền còn sử dụng thêm đá granit bản địa với vân mô phỏng thân cây keo lạc đà – loại cây biểu tượng của xa-van châu Phi.
XEM THÊM: Mái che lấy cảm hứng từ cây keo châu Phi
Sàn gỗ và các đồ nội thất gỗ tiêu biểu trong nhà được sản xuất từ gỗ tếch loại Rhodesian hoặc Kiaat đều có nguồn gốc địa phương.


“Khoảng cách và địa hình chính là những bất lợi khi vận chuyển vật liệu. Để tới được khu vực này chỉ có thể tiếp cận bằng đường đất. Chính vì thế mà chúng tôi cần 28 chuyến vận chuyển vật liệu bằng các loại phương tiện có động cơ khỏe ngang máy kéo, trên quãng đường từ 125 đến 400km” – Porky Hefer cho biết.

Nhiều kĩ thuật xây dựng tại địa phương đã được áp dụng, điển hình là khoảng hở cách nhiệt giữa tường trong và tường ngoài. Tại một quốc gia nóng quanh năm như Namibia, việc sử dụng kĩ thuật và lựa chọn vật liệu điển hình như mặt tiền lau sậy giúp tạo nên môi trường riêng cho không gian bên trong, hạn chế nhiệt tối đa.
Nhờ vào đội ngũ nhân công từ địa phương, KTS đã nhanh chóng tiếp thu nhiều điểm thiếu sót trong thiết kế và điều chỉnh kịp thời để căn nhà đạt được mục đích sử dụng như kế hoạch.



Ý tưởng về nội thất được phác họa theo từng đơn vị không gian sử dụng, đầy đủ công năng và đều được gói gọn trong một “cái tổ”. Đó là lý tưởng theo chủ nghĩa hiện thực mà Porky cùng vợ mình đã theo đuổi trong nhiều dự án.



Các tiện nghi trong ngôi nhà sử dụng năng lượng khai thác trực tiếp từ bộ pin mặt trời. Tuy câu chuyện bản địa được ứng dụng sâu sắc, nhưng ở đây vẫn luôn có những công nghệ mới phục vụ cho đời sống.
“Mọi thứ đều ổn. Có lẽ điều đáng tiếc nhất là sóng cuộc gọi và 3G không được tốt cho lắm” – Chủ đầu tư Swen chia sẻ.



Hồ nước ở sân sau kết nối trực tiếp với vùng xa-van. Thi thoảng có một số nhóm động vật hoang dã như Ngựa vằn, Khỉ đầu chó tới đây uống nước, tắm bụi và chủ nhà vô cùng hứng thú với điều này.
Theo chia sẻ từ KTS, chủ đầu tư cũng là một người yêu động vật và ưa thích cảm giác được chia sẻ cuộc sống với chúng. Đó là một phần trong lối sống bình dị và hoang dã của những người Namibia thường ngày.


Dự án may mắn nhận được sự tin cậy từ phía chủ đầu tư mặc cho những khó khăn, thách thức nó mang lại so với ý tưởng thiết kế. Sau 3 năm thiết kế và điều chỉnh cùng 2 năm xây dựng, The Nest cuối cùng cũng hoàn thiện và đi vào sử dụng trong đầu năm nay.
Một số bản phác thảo tay của KTS:




Biên dịch | Duc Anh (Nguồn: Archdaily)